Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam?

Quỳnh Lê | 10-09-2021 - 13:12 PM

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh vận chuyển khó khăn, các hải cảng nhiều quốc gia liên tục đối mặt với áp lực khiến chuỗi cung ứng gián đoạn chưa từng có tiền lệ. Nhưng ngay cả khi chuỗi cung ứng được nối lại, doanh nghiệp có khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh hay không?

Trí thức trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Julien Brun, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng khu vực Đông Nam Á CEL Consulting, về vấn đề này. Ông Julien là chuyên gia người Pháp, có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam hơn 15 năm.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 1.

Trước giai đoạn đại dịch Covid-19, tiềm năng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics Việt Nam như thế nào?

Logistics là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế nói chung. Tại Việt Nam, logistics là một chủ đề lớn, khi mà tỷ lệ chi phí logistics/GDP luôn ở mức cao so với thế giới. Tôi lấy ví dụ như năm 2017, chi phí logistics của Việt Nam ở mức khoảng 15-19% GDP, trong khi năm 2016 của Singapore khoảng 8,5%, Philippines 13%, Thái Lan 15%.

Như vậy thì từ những ngày đầu, logistics Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, đây cũng là lĩnh vực non trẻ của nền kinh tế trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chưa có công nghệ vững vàng.

Khi ngành sản xuất Việt Nam ngày càng bùng nổ, các nhà máy mọc lên khắp nơi, logistics cũng bùng nổ theo. Các SME dần xuất hiện nhiều hơn, đơn giản vì họ chỉ cần một vài chiếc xe tải là có thể hoạt động tương đối tốt rồi.

Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp này rất nhiều. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hiện có khoảng 50.000 (hoặc hơn) SME trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam. Đương nhiên chúng ta cũng có các doanh nghiệp lớn, nhưng hầu hết cũng phải thông qua các SME. Lý do là các doanh nghiệp địa phương sẽ hiểu rõ về khu vực vận chuyển hơn. Từ đó, doanh nghiệp lớn có thể đứng ra ký kết các hợp đồng, sau đó chia cho các SME.

Cái này còn gọi là mô hình 3PL (Hậu cần bên thứ ba – Third party logistics). Ví dụ các doanh nghiệp lớn như DHL, FedEx hay TNT chẳng hạn, họ có thể ủy thác hoạt động cho doanh nghiệp nhỏ nếu không sở hữu nhiều xe tải tại các địa phương.

Tất nhiên bây giờ nó đã là một câu chuyện khác rồi, với Covid-19 xuất hiện, doanh nghiệp cả lớn và nhỏ đều phải đóng cửa.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 2.

Khi Covid-19 xuất hiện, ông có nhận xét gì về tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có tiền lệ và áp lực đối với các hải cảng của Việt Nam?

Đúng là trong thời gian vừa qua, rất nhiều vấn đề đã xảy ra với chuỗi cung ứng. Câu chuyện về chuỗi cung ứng có thể được ví như một đường ống dẫn nước. Chỉ cần một điểm của đường ống có vấn đề, nước sẽ ngừng chảy và mọi thứ đều mắc kẹt. Đó là trường hợp với các cảng tại những thời điểm mà có ca nhiễm Covid-19. Họ phải tạm dừng hoạt động, và mọi thứ dường như đóng băng.

Điều này đã tạo ra một nút thắt cổ chai, khi các container sẵn sàng vận chuyển thì bỗng dưng bị kẹt lại, rồi mọi thứ sau đó cũng sẽ kẹt theo. Hiện tại, nhiều cảng đã hoạt động trở lại. Và vấn đề của chuỗi cung ứng bây giờ không phải ở các cảng nữa, mà là nguồn cung.

Hiện nay, các nhà máy không kịp sản xuất. Nút thắt cổ chai đã chuyển từ cảng sang các nhà máy, và trên thị trường, cầu cũng không tăng mạnh nữa. Như vậy thế khó bây giờ không phải là chuỗi cung ứng, mà là nhu cầu. Không ai có nhu cầu mua gì cả. Mọi người vẫn trong tâm thế chờ đợi.

Để nhìn rõ hơn về chuỗi cung ứng, cần phải chia thành hai thành phần chính: thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Đầu tiên, với thị trường nội địa, chẳng hạn trong lĩnh vực F&B như Vinamilk, Pepsi, Cola… Thời điểm hiện tại, vấn đề chuỗi cung ứng này nằm ở nhu cầu.

Thứ hai là thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu không cần quá chú ý vào thị trường nội địa, nhưng họ lại kẹt ở năng lực sản xuất. Như vậy, nút thắt đang nằm ở các nhà máy.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 3.

Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng ra sao đến tăng trưởng kinh tế, cũng như năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới?

Nhìn vào bức tranh tổng thể, đúng là các nhà máy ở Việt Nam đang kẹt cứng. Nhưng vấn đề là, tất cả các nhà máy ở châu Á cũng không chuyển động nhiều. Bangladesh, Philippines hay Ấn Độ cũng không thể thúc đẩy sản xuất một cách điên cuồng. Mọi nơi đang phải đối mặt với Covid-19 và đều lâm vào tình thế khó khăn.

Nếu có quốc gia nào ngoại lệ trong lúc này thì có lẽ là Trung Quốc. Quốc gia này đang ứng phó tốt với dịch bệnh và nền kinh tế cũng đang trong giai đoạn phục hồi. Nhưng cũng sẽ không có doanh nghiệp nào vào thời điểm này lại dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc cả. Các hãng may mặc như Nike hay Adidas cũng sẽ phải chờ đợi. Hoặc nếu không, họ có thể tìm các giải pháp tạm thời với các thị trường thay thế lân cận, như Mexico chẳng hạn.

Song, điều này vẫn chỉ là tạm thời.

Chuỗi cung ứng không thể thay thế chỉ trong chớp mắt. Nếu doanh nghiệp muốn dịch chuyển, họ phải tính toán lâu dài hơn rất nhiều. Nên ngay lúc này, điều họ có thể làm chỉ là đợi thôi. Có thể năm nay trên kệ giày các shop ở Mỹ sẽ thiếu vài đôi (cười). Tuy nhiên sẽ không có câu chuyện năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm, trừ khi dịch kéo dài thêm 1-2 năm. Về ngắn hạn, tôi nghĩ chúng ta nên có sự chuẩn bị để mở cửa lại và phục hồi.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 4.

Vậy trong những thách thức do Covid-19, đâu là thế khó nhất của doanh nghiệp, và họ cần gì nhất lúc này?

Khó khăn thì có rất nhiều: chuỗi cung ứng mắc kẹt, giá cả tăng, chi phí logistics tăng, năng lực sản xuất lại giảm… Như vậy thì doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực tài chính rất nặng nề. Họ phải trả tiền ngân hàng, thanh toán hóa đơn, tiền thuê nhà, tiền lương… Nghĩa là họ liên tục chi ra và không nhận được gì về. Tiền sẽ giảm dần theo thời gian và cho đến một lúc họ không còn nữa, họ sẽ buộc phải đóng cửa.

Có rất nhiều đề xuất về việc doanh nghiệp cần được hoãn một số khoản thuế. Thực tế, không doanh nghiệp nào yêu cầu giảm thuế cả vì họ có làm ra nhiều đâu, nhưng vấn đề là họ cần gia hạn tiền nộp thuế, khi hiện nay có quá nhiều chi phí chồng chất.

Còn vấn đề về thiếu hụt nguyên liệu thô thì sao? Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì khi mở cửa, nguồn cung nguyên vật liệu bên ngoài vẫn đóng?

Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Ví dụ như ngành điện tử, một lĩnh vực siêu quan trọng với Việt Nam, đang đối mặt với khủng hoảng thiếu nguồn cung chip trầm trọng.

Và đương nhiên không chỉ ở Việt Nam, cả Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… đều đang cố gắng tăng năng lực sản xuất hay xây dựng nhà máy mới, nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu này. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp lớn như Samsung, TSMC, Intel cũng đã rót hàng trăm tỷ USD mở nhà máy sản xuất chip mới tại châu Âu để tăng sản lượng.

Thiếu hụt nguồn cung, cộng với giá tăng vọt đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đình trệ sản xuất. Bởi chỉ cần thiếu một con ốc vít thôi, thì cả dây chuyền sản xuất cũng đã mắc kẹt rồi. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng phía sau. Vậy nên mới có câu chuyện, các doanh nghiệp đang chờ các con chip được sản xuất và họ bắt đầu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho con chip của mình.

Khi ấy, theo quy luật cung cầu thì giá sẽ tăng mạnh hơn. Điều này thực ra cũng đúng với lĩnh vực dệt may, kim loại hay nhựa. Nguyên vật liệu khắp mọi nơi đều tăng giá, và đó là vấn đề của không chỉ một ngành. Việt Nam cũng không thể làm gì trong giai đoạn này. Mọi người sẽ phải đợi đến khi thị trường tự điều tiết, ổn định trở lại.

Còn về vấn đề mất bao lâu, có thể một vài năm, có thể lâu hơn. Điều này thì tôi không chắc.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 5.

Chính phủ Việt Nam nên làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường? Liệu có nên để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn, cũng như bỏ tất cả quy định danh mục hàng thiết yếu hay không?

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả châu Âu hay Pháp thì đều có những vấn đề khi áp dụng các quy định mới. Điển hình là câu chuyện về hàng thiết yếu. Thực chất thì các quy định luôn cần phải rõ ràng và cụ thể, nếu không sẽ rất dễ gây ra những hiểu làm khi áp dụng.

Tuy nhiên, nếu để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về an toàn và phòng dịch thì tôi nghĩ vẫn cần xem xét. Giả sử như doanh nghiệp có đủ khả năng để khi đạt mức ca nhiễm nhất định, họ có thể hỗ trợ chẳng hạn, thì điều gì sẽ xảy ra nếu ca nhiễm đấy lây lan ngoài cộng đồng? Khả năng chịu trách nhiệm của họ sẽ đến đâu?

"Trách nhiệm" là một điều mình nên cân nhắc kỹ lưỡng. Giả sử như trong trường hợp không may, công nhân gặp các vấn đề nguy hiểm và tử vong, thì doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Chưa kể, sẽ có nhiều doanh nghiệp e ngại và không dám mở cửa.

Như vậy, cần phải thận trọng trong việc đặt trách nhiệm cho doanh nghiệp để đạt được lợi ích kinh tế.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 6.

Từ tháng 9 trở đi là mùa cao điểm của thu mua nguyên liệu, cũng như nhu cầu mua sắm sẽ tăng mạnh. Vậy liệu nguồn cung nguyên vật liệu, hàng hóa sẽ thế nào? Ông dự đoán việc thiếu hụt này sẽ kéo dài bao lâu?

Tôi nghĩ là nếu không ai biết khi nào các biện pháp giãn cách sẽ được nới lỏng, thì cũng chẳng ai biết khi nào việc thiếu hụt sẽ kết thúc. Chúng ta chỉ có thể đưa ra các kịch bản. Trong ngắn hạn, cao điểm mua sắm có thể kể đến là Giáng sinh chẳng hạn. Ở Việt Nam thì vẫn chưa là mùa cao điểm. Như vậy, đây là vấn đề về nhu cầu xuất khẩu.

Doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng xuất khẩu, như PlayStation, hay Nike, iPhone… đều là những món đồ được mua nhiều vào dịp Giáng sinh, và hầu hết đều được nhập khẩu từ châu Á và Việt Nam. Khi hoạt động sản xuất bị hạn chế, nếu các nhà máy này không mở cửa trong 1 hoặc 2 tháng tới, thì doanh thu dịp Giáng sinh của hầu hết các thương hiệu phương Tây sẽ bị ảnh hưởng.

Và ngay cả khi nhà máy Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 10, thì cũng phải mất ít nhất một tháng để quay lại guồng sản xuất. Rồi tháng 11 để đẩy mạnh sản lượng. Tháng 12 để vận chuyển. Lúc ấy thì đã quá muộn. Như vậy, doanh số bán hàng dịp Giáng sinh năm nay sẽ thấp hơn những gì doanh nghiệp kỳ vọng.

Về thị trường nội địa, theo quan điểm của tôi, dịp Tết năm nay có thể là giai đoạn thúc đẩy chuỗi cung ứng, cũng như bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 7.

Liệu sẽ có làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Việt Nam để tìm các nhà cung cấp mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hay không?

Thời gian vừa qua, khi tham dự các hội nghị với cộng đồng người Pháp, các chuyên gia cũng thông tin rằng khoảng 40% người Pháp đã rời khỏi Việt Nam. Đây là một con số khá lớn. Nhiều người trong số họ đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, hay thực phẩm, dệt may… Lý do thì rất nhiều, họ mất việc làm, hoặc gia đình đang ở châu Âu và cần phải trở về.

Rất nhiều trong số họ coi đây chỉ là tạm thời, song cũng nhiều người đã quyết định quay về nước hẳn.

Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam? - Ảnh 8.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện về lao động. Còn đối với doanh nghiệp thì lại khác. Hiện tại rất khó để nhìn rõ xu hướng, nhưng tôi tin rằng một khi mọi thứ mở cửa, các nhà đầu tư cả mới và cũ đều sẽ lựa chọn Việt Nam. Điều này chúng ta có thể nhìn rõ. Việt Nam vẫn có những điều kiện đầu tư tuyệt vời, nên tôi khá lạc quan về những gì sẽ xảy ra trong năm tới, dù có thể mất 6 tháng đến 1 năm để trở lại bình thường.

Từ nay đến lúc ấy, mọi thứ vẫn sẽ còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng đã rời thị trường. Nhưng rồi cũng sẽ nhiều doanh nghiệp mới xuất hiện.

Vừa qua, có một chuyên gia nói rằng mặc dù dịch bệnh, hay giá cước vận tải tăng kỷ lục, thì Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì sao vậy?

Đơn giản vì các nhà máy đều đang ở đây. Ngay cả khi cảng tắc nghẽn, hay cơ sở hạ tầng vẫn chưa được triển khai thì các nhà máy vẫn còn. Giả sử nếu tách Việt Nam ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, thì các nước sẽ không có iPhone mới, không có xe mới, sẽ không còn hàng triệu mẫu mã được bán khắp nơi trên thế giới. Như vậy thì họ vẫn rất cần Việt Nam.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM