Chuyện shipper Loship: Khi công nghệ vị nhân sinh

(Tổ Quốc) - Chuyện về một người đàn ông trạc tuổi trung niên đang làm shipper Loship. Chú sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sài Gòn hoa lệ - nơi những thăng trầm trong cuộc đời chú cũng dài như số tóc bạc đã ngả màu hoa râm và gương mặt mang nhiều nỗi tự sự.

Chú Trần Nguyên Tân năm nay đã bước sang tuổi 50. Chú từng hành nghề chạy xe ôm truyền thống suốt những năm tháng mưu sinh, cũng đã từng có khoảng thời gian dài chú và vợ làm nghề bán giày dép ở khắp các khu chợ.

Đại dịch đến khiến cuộc sống của gia đình chú thay đổi rất nhiều, công việc buôn bán bị ảnh hưởng, chú phải chuyển sang làm shipper Loship để xoay sở mưu sinh.

"Từ lúc làm shipper, chú mới bắt đầu dùng đến điện thoại cảm ứng"

Chú cười rồi khoe chúng tôi chiếc điện thoại thông minh mà chú vừa dùng được 2 tháng để làm shipper: "Từ lúc làm shipper, chú mới bắt đầu dùng điện thoại cảm ứng. Chú mua cái này có 1 triệu mấy, hàng mua lại của người ta. Trước đó chú cũng xài điện thoại cũ có 800 ngàn à, mà không biết sao chú không chụp món ăn rồi gửi lên app để báo cáo hoàn thành đơn hàng được, nên chú mới đổi sang cái này. Còn cái kia chú để ở nhà cho con chú học online, năm nay nó lên lớp 6 rồi."

Chuyện shipper Loship: Khi công nghệ vị nhân sinh - Ảnh 1.

Chú thao tác lọng cọng trên chiếc điện thoại cảm ứng mới lần đầu sử dụng

Đối với một người lớn tuổi, có lẽ điều đáng sợ nhất là sự thay đổi. Do đó, khi họ đã quyết định ra khỏi vùng an toàn để thử những điều mà cả cuộc đời mình chưa từng nghĩ đến, thì đó là một bước chuyển mình đầy thử thách và đáng trân trọng.

"Con gái là người chỉ chú xài điện thoại, nhờ nhanh nhạy nên học nhanh lắm, cỡ 2 ngày là chú biết xài sơ sơ rồi. Mà học sử dụng app giao hàng thì hơi khó, mày mò 3 ngày mà chú vẫn chưa rành. Nhưng sang ngày thứ 4 thì chú quyết tâm ra xe chạy luôn, cứ chạy thử chứ ở nhà hoài thì tiền đâu mà sống.

Mấy ngày đầu chú còn lóng cóng, bấm nhận đơn không kịp nên đơn nó trôi hoài à. Chú cũng đọc chữ không rành nữa nên không kịp đọc xem đơn hàng có gì, giao đi đâu. Cực dữ lắm!", chú trải lòng.

Chuyện shipper Loship: Khi công nghệ vị nhân sinh - Ảnh 2.

Chú kể lại những ngày đầu với công việc shipper trong sự bối rối và lọng cọng.

"Ngày đầu tiên, chú chưa quen nên chỉ đi được 1 đơn thôi. Thời gian để bấm nhận đơn hay từ chối đơn cũng nhanh lắm, nếu chú không nhanh tay bấm là đơn trôi cho người khác luôn.

Ngày thứ hai, chú đi được 2 đơn. Chú đặt mục tiêu là bấm nhận hết không cần quan tâm địa điểm giao. Vì nếu ráng đọc thì sẽ bấm không kịp.

Ngày thứ , xóm chú bị cách ly do Covid-9, tận 7 ngày tại nhà nên chú mày mò cách dùng điện thoại và xài app giao hàng Loship. Nhờ vậy sau đó chú xài ok lắm."

"Sau giãn cách, chú ra xe trở lại và chạy được 6 đơn. Đơn nào chú cũng bấm nhận hết, kể cả đơn xa luôn, như từ quận 1 đến Bình Dương. Chú phải chạy qua 3 cái cầu vượt, hơn 20km để giao hàng. Sau này quen rồi thì chú biết cách từ chối đơn, những đơn nào xa quá thì chú không nhận, vì hao xăng hao sức khoẻ lắm. Kỷ lục của chú là 28 đơn 1 ngày, chạy từ 8h sáng đến 9h25 tối. Hôm đó chú kiếm được hơn 400 ngàn."

Chuyện shipper Loship: Khi công nghệ vị nhân sinh - Ảnh 3.

Một ngày 14 tiếng bụi đường bên ngoài - nơi đầy ắp tiếng còi xe, khói bụi, nắng mưa của một người đàn ông trung niên đang "tập chạy đua với thế hệ trẻ mình bây giờ" để kiếm từng đồng tiền lao động chân chính.

Công nghệ vị nhân sinh, để không ai bị bỏ lại phía sau

Khi được hỏi về việc sử dụng ứng dụng công nghệ có khó khăn không, chú Tân trả lời: "Khó lắm chứ! Chú phải học xài điện thoại và cả cách xài app. Mà chú thấy Loship là dễ sử dụng nhất rồi, chứ mấy app khác thì chú bó tay. Chú mới chỉ quen với việc nhận đơn hay từ chối đơn thôi. Chứ báo cáo đơn hàng thì chú không biết, công nghệ chú không rành. Cái điện thoại này giờ như là chủ của chú vậy. Nó bảo gì mình nghe đó, nổ đơn đến đâu hay tính tiền sao thì theo vậy. Già rồi, làm sao mà theo kịp công nghệ!"

Chuyện shipper Loship: Khi công nghệ vị nhân sinh - Ảnh 4.

Công nghệ vị nhân sinh, để không ai bị bỏ lại phía sau

Trò chuyện cùng chú Tân, chúng tôi càng thấm thía câu nói: "Công nghệ vị nhân sinh" - khi công nghệ được tạo ra để đem về thật nhiều giá trị và cống hiến những điều tốt đẹp cho con người, giúp đỡ cuộc sống của những người yếu thế.

"Tại Loship, chúng tôi hiểu rõ những giá trị mà mình mang đến cho cộng đồng mỗi ngày, từ khách hàng, chủ cửa hàng đến những người shipper đang nhọc nhằn tìm kế sinh nhai. Loship là ứng dụng của người Việt, sinh ra để phục vụ cuộc sống của người Việt, và chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng để mang đến nhiều sự lựa chọn, cơ hội cải thiện cuộc sống cho người Việt Nam, đảm bảo rằng tất cả mọi người, không phân biệt hoàn cảnh hay năng lực, đều có thể hưởng lợi ích từ sự tăng trưởng của nền kinh tế số," - CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung kết lại.

Ánh Dương

Tin mới