Có đúng bị cảm uống nước cam sẽ nhanh khỏi? Kết luận từ các nghiên cứu mới nhất

Chí Hùng (Thực phẩm cộng đồng) | 30-06-2022 - 13:56 PM

(Tổ Quốc) - Vitamin C là một vitamin tan trong nước được tìm thấy nhiều trong rau xanh và trái cây tự nhiên, đặc biệt là cam và các loại trái cây họ cam quýt khác.

Cứ đến giao mùa thì nhiều người lại bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng và ho. “Cảm rồi, uống cam chanh, viên sủi vitamin C vô cho mau hết” - chúng ta thường nhận được rất nhiều lời khuyên như vậy. Và hình như nó cũng… khá đúng! Ít nhất đang cảm mà uống ngụm nước cam nước chanh mát lạnh thì… ngon!

Có đúng bị cảm uống nước cam sẽ nhanh khỏi? Kết luận từ các nghiên cứu mới nhất - Ảnh 1.

Nguồn: Internet.

Nhưng ở dưới góc nhìn khoa học thì sao?

Đầu tiên, hãy cùng nói về vitamin C

Vitamin C là một vitamin tan trong nước được tìm thấy nhiều trong rau xanh và trái cây tự nhiên, đặc biệt là cam và các loại trái cây họ cam quýt khác. Vitamin C đóng vai trò là chất chống oxy hóa, hỗ trợ hình thành collagen, giúp cơ thể hấp thu sắt, tăng cường hệ miễn dịch,…

Có đúng bị cảm uống nước cam sẽ nhanh khỏi? Kết luận từ các nghiên cứu mới nhất - Ảnh 2.

Còn cảm lạnh là một thuật ngữ chỉ bệnh đường hô hấp trên.

Vitamin C đã được đề xuất để điều trị nhiễm trùng hô hấp trên từ những năm 1930. Đến những năm 1970 thì nó trở nên đặc biệt phổ biến khi Linus Pauling (một người đoạt giải Nobel) kết luận từ các thử nghiệm đối chứng với giả dược trước đó rằng vitamin C sẽ ngăn ngừa và giảm bớt cảm lạnh thông thường. Hơn hai chục thử nghiệm mới đã được thực hiện sau đó, rồi vitamin C được bán rộng rãi và được sử dụng như một chất ngăn ngừa và điều trị cảm lạnh.

Và sự thật về tác dụng chống cảm

Theo tổ chức Cochrane, đã có 29 thử nghiệm lâm sàng về vitamin C với hơn 11.000 đối tượng. Kết quả thật bất ngờ: những người uống 200-2.000 mg vitamin C /ngày vẫn có nguy cơ cảm lạnh tương đương những người uống giả dược. Kết luận rút ra rằng, việc uống vitamin C thường xuyên không khiến giảm tỷ lệ mắc cảm lạnh thông thường.

Có đúng bị cảm uống nước cam sẽ nhanh khỏi? Kết luận từ các nghiên cứu mới nhất - Ảnh 3.

Nhưng với các vận động viên marathon thì khác! Nguồn ảnh: internet.

Tuy nhiên, đối với những đối tượng có vận động mạnh trong thời gian ngắn (như vận động viên marathon), vitamin C có tác dụng đáng ngạc nhiên: nó làm giảm một nửa nguy cơ cảm lạnh thông thường. Các bạn có vận động theo dạng này lưu ý bổ sung vitamin C trong thời gian tập luyện nhé.

Ngoài ra, có 31 nghiên cứu đã được so sánh để kiểm tra tác động của vitamin C đối với thời gian cảm lạnh. Kết quả là ở người lớn, thời gian bị cảm lạnh giảm 8%, còn ở trẻ em là 14%. Mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh cũng được giảm bớt khi dùng vitamin C thường xuyên.

Vậy có nên uống vitamin C thường xuyên không?

Như các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, truyền thuyết không thực sự đúng. Với các nghiên cứu mới nhất đến hiện tại, chúng ta không cần bổ sung vitamin C thường xuyên để ngăn ngừa cảm lạnh, vì nó thực sự không có tác dụng.

Thế bổ sung vitamin C thường xuyên có rút ngắn được thời gian cảm lạnh không? Các thử nghiệm cho thấy sự nhất quán giữa các nghiên cứu nhưng thời gian mắc bệnh được rút ngắn lại không đáng kể. Trung bình, thời gian cảm của người lớn là 10 ngày thì khi giảm 8% chúng ta vẫn còn 9 ngày cảm.

Chí Hùng (Thực phẩm cộng đồng)

Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.

Tham khảo:

[1] https://www.webmd.com/cold-and-flu/cold-guide/vitamin-c-for-common-cold#1

[2] https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD000980.pub4/abstract

[3] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0140673603121629

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM