• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cầu nối đưa giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với du khách

Văn hoá 19/08/2022 08:43

(Tổ Quốc) - "Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của văn hóa di sản là hết sức cần thiết, đây sẽ là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa, di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế đến gần hơn với người dân, du khách…", ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế nhận định.

Chiều 18/8, tại TP Huế đã diễn ra hội thảo phiên chuyên đề "Chuyển đổi số, phát huy sức mạnh văn hóa, di sản - tạo đà phát triển kinh tế số". Đây là một nội dung quan trọng của Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022 với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, diễn giả, lãnh đạo các sở ban ngành, nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóa, di sản…

Chuyển đổi số là công cụ giúp nâng tầm các giá trị di sản

Tại hội thảo, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tỉnh còn có 7 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu.

Công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cầu nối đưa giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với du khách - Ảnh 1.

Quang cảnh tại hội thảo phiên chuyên đề "Chuyển đổi số, phát huy sức mạnh văn hóa, di sản - tạo đà phát triển kinh tế số".

Vậy nên, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đó đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng.

Đặc biệt, cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế gặp nhiều thuận lợi khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm ban hành Kế hoạch về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

"Hiện hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số các di sản văn hóa trong thời gian đến", ông Phan Thanh Hải cho hay.

Nhiều hiệu quả nhưng cũng nhiều thách thức

Đánh giá về hiệu quả, ông Phan Thanh Hải dẫn chứng một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...

Công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cầu nối đưa giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với du khách - Ảnh 2.

Du khách ứng dụng công nghệ thông tin khi tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế.

Hay như Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh 360 độ trực tuyến trên Website.

Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện Scan, số hóa các tài liệu Hán Nôm được sưu tầm với hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tuần lễ Festival Thừa Thiên Huế năm 2022 đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để tổ chức lễ khai màn độc đáo và đầy ấn tượng.

Cũng theo ông Phan Thanh Hải, bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm xây dựng, xác định các nội dung văn hóa, di sản ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát triển, chưa có đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc... và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức, Sở VHTT Thừa Thiên Huế đã xác định sẽ tập trung tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực lĩnh vực văn hóa di sản ở địa phương trên cơ sở lựa chọn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi, khả năng kinh phí đáp ứng được để thực hiện trước.

Công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cầu nối đưa giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với du khách - Ảnh 3.

Gian hàng giới thiệu, trưng bày các sản phẩm công nghệ số tiêu biểu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

"Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của văn hóa di sản là hết sức cần thiết, đây sẽ là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa, di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế đến gần hơn với người dân, du khách. Đóng góp tích cực vào trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, giá trị văn hóa Huế, góp phần đưa văn hóa, di sản trở thành những sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để Thừa Thiên Huế thực sự phát triển bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị", ông Phan Thanh Hải đưa ra nhận định.

Tuần lễ chuyển đổi số Thừa Thiên Huế 2022 diễn ra từ 17/8 - 19/8/2022 với chủ đề "Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội" đa dạng các hoạt động như Hội nghị, Triển lãm các nền tảng giải pháp số, Tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ký kết hợp tác chuyển đổi số.

Tuần lễ được tổ chức với kỳ vọng sẽ có được những tham vấn, xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới của Thừa Thiên Huế nói riêng, chuyển đổi số - phát huy sức mạnh Văn hóa – Di sản, giúp phổ biến, nâng tầm các giá trị Văn hóa – Di sản, tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới cho Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng hướng đến đưa công tác chuyển đổi số đến các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả thông qua các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm, và trải nghiệm các giải pháp số.

Tuần lễ thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều chuyên gia, diễn giả, đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của các tỉnh, thành phố đang quan tâm đến quá trình chuyển đổi số cũng như các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam.


Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ