Công nhân trong vụ "bánh mì không phải thực phẩm" được công ty gọi đi làm lại, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn

(Tổ Quốc) - Những thông tin xung quanh nam công nhân Trần Văn Em vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận.

Trước đó, nam công nhân Trần Văn Em (24 tuổi) trong vụ "bánh mì không phải là lương thực" chia sẻ anh đã bị công ty xây dựng cho thôi việc không lý do và được các nhà hảo tâm giúp đỡ tìm việc mới. Tuy nhiên ngay trong sáng 20/7, tức 1 ngày sau khi xảy ra sự việc, anh Trần Văn Em thông tin trên báo Người Lao Động rằng mình đã được công ty xây dựng này gọi đi làm trở lại. 

Công nhân trong vụ bánh mì không phải thực phẩm được công ty gọi đi làm lại, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn - Ảnh 1.

1 ngày sau khi sự việc xảy ra, anh Trần Văn Em đã được công ty gọi đi làm lại

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của mình trên báo Người Lao Đông, anh Trần Văn Em cho biết lương của anh khoảng 200.000 đồng/ngày và 70.000 chi phí xăng xe. Công việc chính của anh là công nhân hàn nhôm.

Trung bình hàng tháng, anh nhận lương 6 triệu đồng, một phần anh trả tiền trọ, một phần gửi cho ba mẹ ở quê, dưới anh Trần Văn Em còn có 2 em nhỏ (6 tuổi và 10 tuổi). Ở quê, bố của anh phải đi chăn bò còn mẹ đi buôn bán ở chợ.

Sau vụ anh Trần Văn Em bị phạt vì ra đường mua bánh mì, lãnh đạo UBND TP Nha Trang cũng yêu cầu phường Vĩnh Hòa chấn chỉnh lại hành vi của ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường, người quay video lại để làm bằng chứng. Đồng thời chỉ đạo chủ tịch các phường trong thành phố kiểm tra, nhắc nhở hành vi ứng xử và hướng dẫn người dân chấp hành tốt Chỉ thị 16.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa cho biết tạm thời không phân công ông Thọ chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng chống dịch. Ông Thọ phải làm giải trình để kiểm điểm và xin lỗi người bị xử lý vì đã có thái độ, hành vi không đúng mực.

Thủy Tiên

Tin mới