Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội từng bước được cải thiện. Những kết quả đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội: Phân cấp quản lý, đề cao trách nhiệm người đứng đầu

(Tổ Quốc)- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội từng bước được cải thiện. Những kết quả đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Phân cấp quản lý, đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Cách đây 5 năm, Chính phủ có Nghị định số 110/2018/NĐ-CP (ký ngày 29/8/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018) về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó nhấn mạnh: tổ chức lễ hội là nhằm giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm; không lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai minh bạch…

Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội - Ảnh 1.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến tích cực

Nghị định cũng quy định "tạm ngừng tổ chức nếu lễ hội truyền thống bị sai lệch giá trị". Thời điểm đó, quy định hoàn toàn mới này được cho là có sức răn đe lớn.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các ban, ngành, tổ chức từ trung ương tới cơ sở, hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đã được tổ chức an toàn, vui tươi, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao trong đời sống của Nhân dân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một nền nếp, các lễ hội được tổ chức đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá, lịch sử, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn của người Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc.

Các lễ hội tổ chức đều có kế hoạch, xây dựng chương trình cụ thể gắn với văn hóa địa phương như: tổ chức các trò chơi dân gian, hội thao, múa lân, triển lãm giới thiệu về hình ảnh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội... Ban quản lý tại các di tích tổ chức trực, mở cửa cho Nhân dân đến dâng hương và tham quan di tích, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội luôn được duy trì thực hiện tốt.

Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, mục đích tổ chức lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; vận động, tuyên truyền người dân khi tham gia lễ hội ứng xử có văn hóa, trang phục lịch sự, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Cùng với việc phân cấp quản lý lễ hội về địa phương, việc tăng trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương trong quản lý va tổ chức lễ hội đã được nêu tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP. Đồng thời, tháng 8/2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Công văn số 6489 ngày 23/8/2023 của Văn phòng Chính phủ; nhằm tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí…

Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội - Ảnh 2.

Cũng trong tháng 8/2023, Bộ VHTTDL đã ban hành "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" (cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội), được coi là bước quan trọng để nâng cao hiệu quả tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Bộ tiêu chí cũng chính là công cụ và thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của hoạt động lễ hội tại địa phương.

Với chín tiêu chí chung và 44 tiêu chí cụ thể, Bộ tiêu chí là cơ sở, là định hướng để các ban tổ chức địa phương chuẩn hóa các tiêu chí, áp dụng thống nhất những giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu...

Tăng cường kiểm tra

Ngành văn hóa cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng Bộ tiêu chí này, cũng như tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn theo phân cấp; thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức lễ hội.

Các lễ hội góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân

Thực tế cho thấy, để chấn chỉnh, ngăn chặn tiêu cực một cách hiệu quả giúp có các mùa lễ hội lành mạnh, an vui, phải làm tốt và đồng bộ các công tác, từ phân cấp quản lý lễ hội, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm… Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra phải được siết chặt hơn, nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, mê tín dị đoan, cờ bạc…

Đối với một số lễ hội thu hút đông người, như: lễ hội Chùa Hương, Đền Sóc (Hà Nội); Đền Trần (Nam Định); Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Yên Tử (Quảng Ninh); lễ hội Vía Bà (Tây Ninh); lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (An Giang),… ngành văn hóa yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án tổ chức năm 2024, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, văn minh, hiệu quả, ngăn chặn các hành vi bạo lực, phản cảm.

Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng tăng cường kiểm tra đột xuất tại các điểm di tích có lễ hội lớn, lễ hội dài ngày, lễ hội có tính chất phức tạp tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.... Qua đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội hằng năm theo phạm vi quản lý.

Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời; sắp xếp các hàng quán dịch vụ hợp lý tại các khu vực tổ chức lễ hội, niêm yết bán đúng giá được Ban Tổ chức quản lý chặt chẽ, công khai, giảm thiểu việc tăng giá, ép giá bán dịch vụ, hàng hóa, thương mại hóa lễ hội và di tích như: Chùa Côn Sơn, Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Trần (Nam Định), Chùa Keo (Thái Bình), Đền Mẫu (Hưng Yên), Đền Sòng Sơn (Thanh Hóa), Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), Đền Thượng (Lào Cai), Đền Cửa Ông (Quảng Ninh)…

Bộ VHTTDL cũng tăng cường kiểm tra đột xuất tại các điểm di tích có lễ hội lớn, lễ hội dài ngày tại một số địa phương

Những giải pháp đồng bộ

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội trong những năm tiếp theo, trước hết cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý, chỉ đạo khác có liên quan.

Thứ hai, thực hiện trách nhiệm về giải quyết thủ tục đăng ký hoặc thông báo việc tổ chức lễ hội theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

Thứ ba, tham mưu, rà soát kế hoạch tổ chức lễ hội, điều chỉnh tần suất, quy mô phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tổ chức giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; tăng cường kiểm tra, theo dõi trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, biến tướng, làm sai lệch lễ hội truyền thống.

Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội - Ảnh 6.

Thứ tư, thực hiện công tác thống kê lễ hội; tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương.

Thứ năm, tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an toàn sông nước, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, thích ứng an toàn, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh phát sinh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh tại các hoạt động lễ hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh./.