(Tổ Quốc) - Sau khi ca sỹ Hòa Minzy tung MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" được quay gần như hoàn toàn ở Huế với bối cảnh là các di tích và sông Hương. Đặc biệt, trong đó có cảnh quay tại Cung An Định, di tích này đã thu hút sự tò mò của nhiều du khách.
Những ngày qua, các địa điểm check in lịch sử ở Huế lại gây sốt mạng xã hội, sau khi ca sỹ Hòa Minzy tung MV mới "Không thể cùng nhau suốt kiếp" có nội dung dựa theo một phần câu chuyện có thật giữa Cựu hoàng Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương.
Sau hơn 3 ngày phát hành, MV này đã có hơn 8 triệu lượt người xem trên youtube và nắm trong Top Trending của Thế giới, Việt Nam, Singapore, Đài Loan.
Được biết, MV được quay gần như hoàn toàn ở Huế với bối cảnh là các di tích và sông Hương. Đặc biệt, trong đó có các cảnh quay tại Cung An Định, một địa điểm đẹp mà không phải ai cũng biết đến.
Cung An Định hiện tọa lạc tại địa chỉ 179B Phan Đình Phùng (TP Huế) là công trình kiến trúc đặc sắc và đầy tâm huyết được vua Khải Định xây dựng trên nền của phủ An Định khi nhà vua còn là Hoàng Tử.
Vào năm 1917-1918, công trình được cải tạo theo phong cách kiến trúc Châu Âu để làm nơi nghỉ ngơi. Bên cạnh đó còn là địa điểm chức các lễ tiếp tân, lễ khánh hỷ của hoàng gia với sự tham dự của đình thần và các quan chức thuộc chính phủ Bảo hộ Pháp dưới triều Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945).
Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch, dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình.
Từ trước ra sau là: Bến thuyền, Cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước... trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao.
Tư liệu lịch sử có ghi chép lại, công trình do thầu khoán Bang Hưng chỉ huy xây dựng với một nhóm thợ giỏi nổi tiếng ở Huế lúc bấy giờ như: "Đệ nhất xảo thủ" Nguyễn Văn Khả phụ trách phần mộc, thợ vẽ Lương Quang Duyệt phụ trách phần trang trí,…
Trong các hạng mục thì lầu Khải Tường và nhà hát Cửu Tư Đài là những công trình được trang trí lộng lẫy theo phong cách kiến trúc tân cổ điển của Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn... cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique).
Cung An Định cũng là nơi ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống sau khi thoái vị (8/1945). Hoàng hậu Nam Phương và các con đã sống ở cung này từ năm 1945 đến năm 1947. Đặc biệt, cũng là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với Đức Từ Cung - vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Hiện nay nhiều hiện vật, hình ảnh về hoàng hậu và gia đình được trưng bày tại cung An Định để du khách tìm hiểu thêm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại và một giai đoạn lịch sử của di tích nổi tiếng này.
Với các công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu được bảo tồn tốt và không gian nội thất tái hiện một phần các sinh hoạt xưa, cung An Định cũng là điểm check in không thể bỏ qua khi đến thăm cố đô Huế.
Sau MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" của ca sỹ Hòa Minzy, cung An Định càng thêm hấp dẫn, thu hút sự tò mò của nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ. Hiện cung An Định và các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đang áp dụng chương trình miễn 50% vé tham quan đến hết ngày 31/7/2020 nhằm kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19.