Tôi rất thích ăn bánh đa trộn và có một hàng bánh đa yêu thích ở ngõ Ngô Sỹ Liên. Quán nằm ngay đầu ngõ, trong một căn nhà cấp 4 nhỏ bé và xập xệ. Ở đây có bánh đa trộn với rau muống chẻ tuyệt ngon, một bát rất nhỏ vậy nên tôi thường ăn đến 2 bát mỗi khi đến. 

Trước khi có lệnh giãn cách xã hội, tôi ghé quán một lần. Cô chủ quán ngày thường rất vui vẻ, đã chẳng thể giấu được ánh mắt lo lắng khi tôi hỏi về lượt khách tới ăn mỗi ngày. "Chẳng có ai", cô thở dài. "Cô chỉ đang cầm cự vì còn tiền thuê nhà, nhưng thật sự không có khách". 

Cách đây vài ngày, tôi gọi điện để hỏi cô liệu có thể ship 2 bát bánh đa tới nhà, cô chỉ trả lời: “Dịch thế này, cô không bán nữa”.

Câu chuyện của cô bán bánh đa trộn, đại diện cho rất nhiều sự khó khăn của các nhà hàng, khách sạn, của những doanh nghiệp lớn nhỏ đang phải trải qua trong mùa đại dịch này. Nếu như chiến trường của các y bác sĩ vẫn đang trong giai đoạn đầy căng thẳng, thì chiến trường của những người lao động, của các công ty, tập đoàn cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn sát thương. 

Chúng ta đều biết rằng ngay cả khi tất cả qua đi, xã hội chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với một thử thách còn lớn hơn thế, một bãi hoang tàn mà đại dịch để lại với đời sống thường nhật của xã hội con người. Nền kinh tế sẽ là thứ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và để phục hồi nó, sẽ là một cuộc chiến lâu dài đầy thử thách. Một cuộc chiến hứa hẹn sẽ thảm khốc và dai dẳng không thua kém những gì đang diễn ra, thậm chí có thể nghiền nát cuộc sống của nhiều người trong chúng ta bằng những ảnh hưởng không thể cưỡng lại của nó. 

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 1.

Thực tế, khi chúng ta đang tận hưởng một kỳ cách ly dễ chịu với Netflix, nấu nướng hay chụp ảnh khoe nhà cửa, thì ở ngoài kia - những nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến hậu Covid-19 đã bắt đầu phải nếm trải những trái đắng.

Trong một báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, sau cơn càn quét của Covid-19, Việt Nam sẽ có 9 ngành kinh tế chịu thiệt hại lớn, 6 ngành chịu tác động vừa phải. Trong suốt quý 1 của năm 2020, khởi đầu với Trung Quốc và sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu...  đều đang oằn mình gánh chịu sự tàn khốc của đại dịch và đều lần lượt thực thi giãn cách xã hội (mà còn chưa biết ngày kết thúc). Bên cạnh những quy định nghiêm ngặt về kiểm soát dịch bệnh, thì các lệnh phong toả, hạn chế đi lại cũng là lý do để hàng loạt những hoạt động xuất khẩu sang các thị trường này giảm mạnh, với các đơn hàng bị ùn ứ. Hầu hết các mặt hàng nông sản đều là tươi hoặc đã qua sơ chế, và chẳng có ai muốn mua một tấn thanh long đã nằm ở kho cả tháng trời. Đó là một sự thật tàn khốc mà không chỉ các doanh nghiệp, mà còn cả người nông dân Việt Nam đang phải gánh chịu.

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 2.

Du lịch - dịch vụ cũng là một trong những ngành chịu sự ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất. Tổng cục du lịch ước tính, sẽ có 30-40% lượng khách sụt giảm và điều này sẽ tạo ra một khoảng trống lớn vĩ đại trong doanh thu của ngành này năm 2020, điều này kéo theo 7 tỷ USD thiệt hại chỉ riêng trong tháng 2, 3 và 4/2020.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, doanh thu của hãng giảm 50.000 tỷ đồng, tương 65% so với kế hoạch. Với hơn 100 chiếc máy bay tạm dừng khai thác, 10.000 nhân viên phải ngừng việc, Vietnam Airlines là hãng hàng không chịu nhiều thiệt hại nhất trong đại dịch lần này.

Trong một đoạn clip được cư dân mạng lan truyền hồi cuối tháng 3, một người quản lý khách sạn đã gần như bật khóc khi phải nói lời tạm biệt với các nhân viên của mình. “Gần 3 tháng nay, công ty tổn thất hơn 20 tỷ, đây là cái con số mà cả cuộc đời mình tích góp. Không giống các ngành nghề khác như quần áo... thời điểm này người ta có thể đem cất vào trong kho chờ hết dịch rồi bán. Chúng ta khác, sản phẩm chúng ta bán khác. Một ngày mở mắt ra, phòng nào không được bán, phòng đó vẫn có các loại phí phải chi trả". Người quản lý này viết trên Facebook trong một đoạn chia sẻ ngắn, và ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của hàng nghìn người làm dịch vụ, cũng như các bạn trẻ. Nỗi lo sợ virus nhen nhúm từ trước Tết và hoàn toàn trở nên căng thẳng khi bước vào tháng 3, nếu ai đó nói họ sẽ book vé máy bay và khách sạn cho chuyến du lịch tiếp theo, người ta sẽ gọi đó là lạc quan tếu.

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 3.

Nỗi lo sợ này ngay lập tức khiến khách sạn trở thành một trong những lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất. Cũng theo thống kê của Tổng cục du lịch, số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực lưu trú đã tăng 29,3% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Ngay đến cả những “ông lớn" của ngành khách sạn như Vinpearl, cũng đã phải đưa ra thông báo đóng cửa 7 khách sạn để bảo trì trong giai đoạn thấp điểm này. Ở Hà Nội, chúng ta chứng kiến hàng loạt khách sạn phải đóng cửa, giảm giá 50-60% để cầm cự qua mùa dịch. Một thành phố du lịch lớn khác của Việt Nam là Nha Trang cũng chứng kiến 3 tháng ảm đạm, khi công suất các phòng chỉ đạt được 5-10% so với dự kiến. Sở du lịch Đà Nẵng đã báo thiệt hại doanh thu riêng về khối lữ hành, vận chuyển là hơn 700 tỷ đồng với 35 nghìn lao động bị mất việc tạm thời. Còn Đà Lạt, "ngôi sao" của du lịch Việt Nam những năm gần đây, đã có 28.000 phòng đêm bị huỷ - theo thống kê từ Sở Văn hoá và Thể thao, Du lịch Lâm Đồng.

Ở kịch bản lạc quan nhất (và có vẻ như chúng ta đang làm được), là chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh vào tháng 5, thì kinh tế Việt Nam cũng sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm để hồi phục như bình thường. Và những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những nông dân, người lao động, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 4.

Hà Nội, Sài Gòn, và khắp các thành phố lớn nhỏ khác của Việt Nam đầy ắp những quán cafe, quán ăn, các thương hiệu thời trang lớn nhỏ do chính người Việt gây dựng. Trong suốt 2-3 năm vừa qua, những thương hiệu này đã và đang tìm được chỗ đứng riêng trong miếng bánh thị trường, thậm chí đôi khi còn lấn át cả các thương hiệu nước ngoài do giá thành rẻ và chất lượng không hề kém cạnh. Dịch bệnh đến kéo theo việc kinh doanh đình trệ, nhiều chủ quán thậm chí vừa treo biển khai trương đã phải vội thanh lý, trả mặt bằng và cắt hợp đồng với nhân viên vì không thể đủ chi phí vận hành, cũng như không có kinh nghiệm đương đầu với một cú shock lớn về kinh tế như vậy.

Lấy ví dụ như ở ngành hàng F&B, mới đây, một số chuỗi lớn của Việt Nam như Golden Gate, The Coffee House,... đã cùng đứng ra làm một bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính - nhằm kiến nghị về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ - dịch vụ trước ảnh hưởng của Covid-19. Trong bản kiến nghị nêu rõ: “Do nguy cơ lây lan của đại dịch Covid-19, người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập đông người, khiến các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ hầu như không có khách hàng từ tháng 2/2020 và phải đóng cửa từ ngày 26/3/2020. Điều này gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là tại Hà Nội – TP. HCM, khi các cửa hàng hầu như không có doanh số, song vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi nhân viên nhằm góp phần duy trì an sinh xã hội nói chung và ổn định cuộc sống người lao động nói riêng.”

Các hàng cafe, trà chanh ở khu Nhà thờ - một trong những khu ăn uống, cafe sầm uất nhất Hà Nội những ngày trước cách ly. 

Với các chuỗi kinh doanh, cửa hàng nhỏ hơn, sự ảnh hưởng cũng không hề giảm bớt. Nailroom là một lĩnh vực kinh doanh khá phát triển trong khoảng 2 năm trở lại đây, và đợt dịch này đã khiến các chủ nailroom lãnh đủ thiệt hại vì không có khách. Hạt Mít - chủ một chuỗi nailroom lớn với hơn 20 cửa hàng trên khắp cả nước, chia sẻ rằng hệ thống của mình đã sụt giảm 30% doanh thu ngay từ thời điểm ra Tết, do dịch bắt đầu nhen nhóm nên tiệm đã ngưng nhận khách từ vùng dịch, khách nước ngoài để đảm bảo sự an toàn, yên tâm cho cả nhân viên lẫn khách hàng. Ở phân khúc F&B, Trần Quang Đại - đồng sở hữu chuỗi cafe Thinker & Dreamer, một quán đồ Thái và một cocktail bar nhỏ - đã chia sẻ rằng mình đã mất đến 90 - 95% doanh thu từ khi dịch bệnh đổ bộ Việt Nam, chưa kể chi phí mặt bằng anh đang phải thoả thuận với các chủ nhà. Nhật Quang, chủ một chuỗi các nhà hàng ăn chơi về đêm như Chill out nổi tiếng nhất nhì giới trẻ Sài Gòn, cho biết hệ thống mình cũng đã lỗ 3 tháng liên tiếp. Hay như Nhật Nam, một stylist sở hữu loạt thương hiệu thời trang đình đám ở Sài Gòn, cũng đã phải đóng cửa cả cửa hàng, xưởng may và văn phòng làm việc. Anh tiết lộ mình đã lỗ 2 tỷ chỉ riêng trong mùa dịch lần này.

Hình ảnh nailroom đông đúc của hotgirl Hạt Mít trước những ngày cách ly.  

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 7.

Để duy trì việc kinh doanh, Thinker&Dreamer đã bổ sung thêm các loại nước ép để bán online cho khách hàng.

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 8.

Dĩ nhiên là nền kinh tế sẽ ngấm đòn của Covid-19, điều này là một viễn cảnh không thể bàn cãi. Chúng ta có thể nhìn thấy nó đang đến một cách ồn ào và nguy hiểm. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị trước để “tự mình cứu mình" trong cuộc chiến này.

Trong 2 tuần ở nhà giãn cách xã hội và có khá nhiều thời gian lặn ngụp ở các siêu thị, tôi chợt nhận ra là: Tôi luôn biết có rất nhiều những thương hiệu Việt Nam chất lượng trong mọi ngành hàng, nhưng tôi lại… không mua. Có lẽ là vì thói quen, sở thích, rất nhiều lý do vô hại cho sự lựa chọn này. Và giây phút tôi nhận ra điều đó, tôi cũng đồng thời nhận ra một điều còn quan trọng hơn: Mình hoàn toàn có thể chọn ngược lại mà không phải chịu một sự thiệt thòi, thậm chí khó chịu nào.

Khẩu trang - một trong những mặt hàng Việt Nam sản xuất siêu hot trên thị trường những ngày đại dịch. 

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 10.

Hành động mua hàng Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều bất ổn là một hành động cùng tham gia đỡ gánh nặng mà đất nước đang oằn mình chịu đựng. Chỉ bằng cách chọn mua hàng Việt, ủng hộ các thương hiệu Việt Nam thay vì nước ngoài - bạn đã có thể cùng thay đổi bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế. Điều này thật ra rất dễ, bởi chỉ cần bỏ một chút sự chú ý vào việc lựa chọn sản phẩm, bạn sẽ thấy rằng hoá ra hàng Việt Nam không hề thua kém hàng hoá quốc tế về cả chất lượng lẫn sự đa dạng. Tôi chọn mua Dalat Milk, sữa Mộc Châu thay vì các loại sữa ngoại nhập. Giá rẻ hơn, hương vị vẫn ngon như thế, và hoàn toàn của người Việt Nam, với chi phí sẽ vào túi các doanh nghiệp Việt, đảm bảo cho cuộc sống của các nhân công và nông dân Việt Nam, tại sao không?

Tôi thích ăn chocolate, nhưng khi đi siêu thị thay vì chọn lựa những cái tên nổi tiếng như Lindt, thì tôi bắt đầu dành sự chú ý nhiều hơn đến chocolate Việt. Đừng nghĩ là chúng ta không thể sản xuất chocolate ngon. Giống cacao lai Trinitario được trồng rộng rãi ở Việt Nam nằm trong top 10% loại hạt chất lượng cao trên toàn thế giới. Hạt cacao của Việt Nam luôn được ngợi ca bởi hương vị độc đáo của mình và thậm chí, hạt cacao được trồng ở những vùng thổ nhưỡng khác nhau sẽ cho ra một hương vị khác nhau. Và trong trường hợp bạn không nhớ, thì NewYork Times đã mạnh dạn đập bàn tuyên bố hộ người Việt: “Chocolate ngon nhất thế giới là ở Việt Nam!!!”  - sau khi một nhà báo của trang này lang thang trên một con đường Sài Gòn, tình cờ ghé vào Marou rồi được ăn chocolate ngon bá cháy ở đây.

Chocolate Marou được mệnh danh là "ngon nhất thế giới", với hương vị mỗi loại chocolate khác nhau khi sử dụng cacao trồng ở những vùng miền khác nhau của Việt Nam. (Ảnh: Internet) 

Có rất nhiều thứ ở một siêu thị bạn có thể mua để tham gia vào cuộc “đại giải cứu” này. Thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam là nông sản, thế nên chính những mặt hàng này là những mặt hàng “cao cấp” nhất mà Việt Nam mang ra chào hàng với thế giới. Rau sạch Đà Lạt từ lâu đã là một thương hiệu không thể bàn cãi về chất lượng. Bạn có thể đặt mua rau sạch ở bất cứ trang trại nào cung cấp rau online. Một lần nọ, tôi đã choáng váng khi phát hiện ra bây giờ đã có thể mua cả Rhubarb - cải đại hoàng, ở một tiệm rau online nhập từ Đà Lạt. Trái cây Việt Nam là một câu chuyện đáng tự hào khác, chúng ta là một trong những vựa trái cây lớn của thế giới. Theo một thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt 3,85 tỷ USD. Còn theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, trái cây Việt Nam đã có mặt ở 60 nước trên toàn thế giới. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình ăn nho Ninh Thuận. Nó thơm mùi nho với vị chua ngọt tự nhiên, ăn bén mồm đến mức ngồi 1 buổi có thể ăn hết 1-2 hộp là chuyện bình thường. Vậy tại sao chúng ta cứ phải mua nho không hạt của Mỹ hay Úc, trong khi nho Việt Nam cũng ngon không kém cạnh?

Nho Ninh Thuận: Bạn không chỉ có thể ăn ngon mà còn có thể đến chụp ảnh, thăm vườn nho nếu có cơ hội du lịch Ninh Thuận thời gian tới. (Ảnh: Instagram @ch.giang.08, @storiesbybicu, @quy.stagram)

Đấy là về nông sản, vậy còn các ngành hàng khác người trẻ chúng ta có thể hỗ trợ sau dịch bệnh?

Du lịch và dịch vụ là ngành kinh tế chúng ta có thể bắt tay vào giải cứu ngay lập tức. Ngành du lịch đã có 1 quý đầu đầy khó khăn. Theo ước tính của Cục hàng không, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam lên tới hơn 30 tỷ, và đây chưa phải là con số cuối cùng. Vậy thì ngay khi có thể lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo, bạn hãy lựa chọn các hãng máy bay nội địa để chung tay giúp các hãng có thể rút ngắn thời gian phục hồi. Hãy book những khách sạn Việt Nam, của người Việt, họ đã phải ngậm ngùi đóng cửa từ cách đây hơn 1 tháng, thậm chí đã lay lắt từ đầu năm - vì những ảnh hưởng tàn khốc của đại dịch. Những nhân viên cần được trở lại, người lao động cần có lương để sinh sống, và để làm được điều ấy, nơi họ làm việc cần tìm lại được sự nhộn nhịp như xưa.

Thời trang cũng là một ngành hàng tiêu dùng mà người trẻ có thể đóng góp sức mua dồi dào của mình. Các thương hiệu local của Việt Nam bây giờ có thể đáp ứng đầy đủ mọi phong cách, xu hướng, với chất lượng và giá thành cực kỳ hợp lý, trải dài từ cao cấp cho đến bình dân. Bạn hoàn toàn có thể thay thế những món đồ thương hiệu nước ngoài trong tủ quần áo của mình bằng các thương hiệu Việt Nam. Trao thêm 1 cơ hội cho các NTK Việt cũng là trao cơ hội cho nhân công người Việt, từ đó góp phần đưa ngành hàng trở nên sôi động trở lại sau 3 tháng đóng băng vì chẳng ai còn thiết mua sắm.

Hiện tại, với số lượng thương hiệu mới ra đời, thị trường thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ mọi phong cách, xu hướng và nhu cầu của người mua trẻ. ( Ảnh: Seeson, Daphale Studio, The Blue T-shirt, Acohi).


Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 14.

Thật ra, chúng ta đều biết, trong một nền kinh tế thị trường ổn định, thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế là hợp lý. Chúng ta không thể kìm lại sự hấp dẫn của một túi dâu tây mẫu đơn Hàn Quốc mà ta thấy rõ ràng là ngon hơn dâu tây Đà Lạt, và trời ơi chúng ta có quyền được mua chúng mà không phải cảm thấy tội lỗi chứ! Người tiêu dùng - cái tên đã bao hàm cả quyền lợi không thể tước đoạt đó của chúng ta mà! Lựa chọn một sản phẩm tốt hơn và phù hợp hơn với nhu cầu không bao giờ là một việc xấu hay khiến ta phải tự hoài nghi về sự tử tế và lòng yêu nước của bản thân.

Dù vậy, trong bối cảnh tất cả nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề (như đã nói rất dài ở trên) - thì việc mỗi chúng ta, đều cần nhận ra trách nhiệm của mình trong việc cùng kéo lại sự vững vàng của kinh tế Việt là cần thiết, thậm chí cấp bách. Chúng ta đã được hưởng sự bảo vệ tuyệt đối của nhà nước giữa cơn bão đại dịch càn quét, và chúng ta cần hiểu rằng điều đó đến với rất nhiều sự đánh đổi. Doanh nghiệp đánh đổi doanh thu và tăng trưởng, các công ty đánh đổi nhân công, các hộ kinh doanh đánh đổi thu nhập, và thậm chí cả người lao động cũng phải đánh đổi bữa ăn, tháng lương. Việc quan tâm hơn và dành sự ưu ái cho các doanh nghiệp, hàng hoá Việt là việc nên làm để ta trả lại cho đất nước trong giai đoạn đầy thử thách này.

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 15.

Trước những khó khăn mà ngành kinh tế đang phải đối mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS. Vũ Tiến Lộc đã kêu gọi phát động chiến dịch người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong 6 tháng để giải quyết lượng hàng tồn đọng, hỗ trợ các doanh nghiệp: "Đất nước ta đang đứng giữa 2 trận chiến. Nếu như bác sỹ, nhân viên y tế là chiến sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch thì doanh nhân ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống suy giảm kinh tế. Chống suy giảm kinh tế có nghĩa là bảo vệ công ăn việc làm của hàng chục triệu người để đảm bảo an sinh xã hội, an toàn xã hội. Cũng phải nhận thức đây không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, mà là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ chính đất nước này, bảo vệ chính 100 triệu người dân, chứ không phải là vấn đề của mấy doanh nghiệp kêu khóc".

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 16.

Và điều đó cũng chẳng hề khó khăn khi hàng hoá Việt Nam có thể cung cấp đủ mọi thứ cho nhu cầu của bạn. Tất cả những gì bạn cần làm, là khi phải lựa chọn giữa một món hàng Việt Nam và ngoại nhập, hãy để trái tim lựa chọn thay bạn - chọn đất nước. Chúng ta đã cùng nhau bước vào cuộc chiến chống dịch từ những ngày đầu, thế nên, hãy tiếp tục cùng nhau bước vào cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo, suy thoái - bằng chính sự ý thức của mỗi người.

Năm 2020 thật sự là một năm kỳ lạ. Chúng ta đánh mất rất nhiều nhưng cũng nhận lại rất nhiều. Thử thách đến cùng lòng tin. Trong những giây phút tăm tối nhất, người Việt lại nhận ra chúng ta vẫn giữ nguyên cái tinh thần rực lửa của một dân tộc quật cường. Ngọn lửa đã từng thổi bay giặc ngoại xâm, và bây giờ là đại dịch. Chúng ta có sự đoàn kết để cùng dắt tay nhau bước qua sự đe doạ của virus, và bây giờ, chúng sẽ cần sự đoàn kết và cái tinh thần rực rỡ ấy, để cùng đưa đất nước đứng dậy sau những chấn thương.

Tôi sẽ chuyển qua mua hàng Việt Nam bất cứ khi nào có thể, sẽ là fan của các thương hiệu thời trang local xinh xinh. Và thật sự trong lòng tôi lúc này chỉ có một ước mơ nhỏ, đó là cái ngày hết dịch, cô bán bánh đa trộn yêu thích ở ngõ Ngô Sỹ Liên sẽ mở cửa trở lại, và tôi lại đến ăn thật ngon lành hai bát trộn với thật nhiều rau.

Cùng đất nước vượt qua những chấn thương kinh tế vì Covid-19: Yêu Việt Nam, hãy dùng hàng Việt Nam - Ảnh 17.


Diệp Nguyễn
Internet
Tuấn Maxx; Trường Dương
Theo Trí Thức Trẻ23.04.20