Chia sẻ
(Tổ Quốc) - ‘’Ngày xưa, lúc cho con sinh hoạt hè ở Cung thiếu nhi rồi được đi biểu diễn đó đây là mẹ hãnh diện lắm đấy’’ - Câu nói của mẹ khi xem bản tin về Cung thiếu nhi trên tivi khiến tôi chợt nhớ về những kỷ niệm xưa. Quả thực, cách đây mười mấy, hai mươi năm, những đứa trẻ như chúng tôi đã len lỏi vào từng ngóc ngách, những lớp học múa, hát trong suốt tuổi thơ của mình và khoảng thời gian đó sẽ trở thành những ký ức chẳng thể nào quên. Cho tới tận bây giờ, dù đã có nhiều thay đổi nhưng nơi đây vẫn luôn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa văn hóa, tinh thần.
Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 1.

Thời ấy, Cung Thiếu nhi Hà Nội được coi như sự lựa chọn hàng đầu của tất cả các bậc phụ huynh, trở thành "cánh chim đầu đàn" trong cả nước về giáo dục ngoài nhà trường cho thiếu nhi. Tuy nhiên hiện nay, với nhịp sống hiện đại cùng việc nhận ra tầm quan trọng của các bộ môn năng khiếu, có rất nhiều các trung tâm, trường học, các lớp đào tạo năng khiếu cho trẻ được mở ra. Liệu rằng, Cung thiếu nhi có còn là cái tên uy tín để các bậc cha mẹ yên tâm, tin tưởng trao gửi con em mình?

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 2.

Tôi cùng con gái quay trở lại Cung thiếu nhi vào một ngày đẹp trời, cô Võ Thị Thanh Diệp - Phó bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội đón hai mẹ con với nụ cười yêu thương và rạng rỡ như ngày xưa. Cô vẫn luôn là như thế dù có 17, 18 hay bao nhiêu năm trôi qua, tình yêu mà cô dành cho Cung thiếu nhi còn hơn tất thảy mọi thứ trên đời này.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 3.

Cô Diệp vừa mỉm cười vừa tâm sự với chúng tôi về tuổi thơ và quãng thời gian thanh xuân 22 năm gắn bó với Cung thiếu nhi Hà Nội. Là lớp học sinh lớn lên và trưởng thành từ nơi đây, cô Diệp khẳng định bản thân đã có một tuổi thơ thật sự trọn vẹn. Cô hào hứng kể lại:

''Hồi cấp 1 như cháu cô cũng đã tham gia tất cả các câu lạc bộ tại ngôi nhà 36 – 38 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội này. Những năm 79, 80, toàn bộ học sinh đến đây đều tham gia thi tuyển vào các bộ môn và được đào tạo miễn phí. Các cô đã được vào đội nghi thức, tiếp đón đoàn đại biểu quốc tế, rồi tham gia các môn hát, múa, khéo tay…

Còn nhớ như in hồi nhỏ mỗi lần đón Đoàn được anh chị phụ trách thưởng cho mỗi bạn 1 bát phở, ngon lắm, phở bây giờ nhiều thịt hơn nhưng đối với cô chưa có bát phở nào ngon hơn lúc bấy giờ. Cảm giác được mặc đồng phục đến Quốc Hội, ra sân bay đón Đoàn là những kỷ niệm chẳng bao giờ quên", cô Diệp nghẹn ngào.

Với tình yêu thương đong đầy như thế, cô Diệp quyết định quay trở lại Cung thiếu nhi Hà Nội để cống hiến, gìn giữ và truyền lại cho thế hệ thiếu nhi ngày nay niềm tự hào mà thế hệ xưa đã từng trải qua.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 4.

Nhắc đến Cung thiếu nhi Hà Nội là nhắc đến "ngôi nhà tuổi thơ" - nơi lưu giữ nhiều tầng ký ức thời thơ ấu của thế hệ 7x, 8x, 9x của Thủ đô, là nơi ươm mầm tài năng, chắp cánh ước mơ của hàng vạn thiếu nhi một thời. Với những người đã lớn lên và trưởng thành từ nơi đây, hẳn trong lòng họ luôn cảm thấy xao xuyến, nghẹn ngào mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm thân thương ấy.

Hồi ấy, tôi được bố mẹ sắm cho một cây đàn nhỏ để tham gia đội văn nghệ, nghe ông bà bảo thế là oách lắm. Tôi cùng mấy đứa bạn thân được đeo khăn quàng đỏ đi biểu diễn trông rất oai, tới đâu mọi người cũng nhìn… Ấy thế mà từng ấy năm đã trôi qua, giờ tôi đã trở thành mẹ. Khi con gái thủ thỉ ''mẹ ơi con thích múa ạ'', nơi đầu tiên và duy nhất tôi nghĩ đến chính là Cung thiếu nhi, tôi thầm nghĩ trong đầu ''đây chính là nơi mà mẹ muốn con gái của mẹ được đặt chân tới''.

Cung thiếu nhi

Quay lại nơi đây tôi mới biết, thì ra có rất nhiều phụ huynh lựa chọn Cung thiếu nhi là nơi cho con theo học cũng bởi họ đã từng có quãng thời gian gắn bó trong tuổi thơ. Gặp hai mẹ con tôi ngay trước cửa phòng học múa tại tầng 4 của tòa nhà, chị Thanh Lê (sống tại Hà Nội) đang thấp thỏm ngó ra ngó vào. Chị đang "nhìn trộm" cô con gái 7 tuổi được cô giáo chỉnh bàn tay để điệu múa được mềm mại hơn. Chị Lê hồi bé có hơn 4 năm gắn bó với lớp múa ba lê nên từ lâu chị đã có dự định cho con theo học bộ môn năng khiếu này.

Bà mẹ trẻ thật thà tâm sự: "Mình mê múa vô cùng và muốn truyền cảm hứng ấy cho con gái, nói thật để học được căn cốt của múa là điều không hề đơn giản. Nó không đơn thuần chỉ là múa theo điệu này điệu kia, mà phải là một quãng thời gian rèn luyện đi từ cơ bản tới nâng cao. Trước đây, khi còn nhỏ như các con, được tham gia sinh hoạt tại đây mình được cô giáo múa uốn nắn từng động tác rất bài bản.

Để con học năng khiếu thì bố mẹ nên kiên trì, qua thời gian thấy con tiến bộ, thích múa thì cũng mừng. Các bạn này là phải rèn từ nhỏ, chứ lớn hơn tay chân cứng cáp rồi cũng sẽ không được như lúc bé nữa đâu".

Cũng có quãng thời gian hồi nhỏ theo học tại Cung thiếu nhi, chị Hương Ly (26 tuổi, sống tại Hà Nội) tự nhận mình là "nghịch như giặc" khi hay "trốn tiết" và "bố mẹ ép mãi mới chịu vào học". Đang đợi con học xong giờ học nhảy hiện đại, chị Ly cười khúc khích khi nhắc lại kỷ niệm cũ: "Ôi trẻ con mà, nói thật cũng ham chơi lắm, ban đầu thấy bố mẹ cứ ép học này học kia thì cũng chẳng thích lắm đâu nhưng không thể phủ nhận những giờ học ở đây đã đem lại cho mình quá nhiều kiến thức và niềm vui. Suốt những năm tháng học tiểu học, những thế hệ như chúng mình được học ở đây quả là rất hạnh phúc. Sau này khi con nói muốn học nhảy, Cung thiếu nhi Hà Nội là sự lựa chọn đầu tiên bật ra và chúng mình đã chọn nơi đây để con thỏa mãn sở thích của mình".

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 7.

Với những phụ huynh trên, Cung thiếu nhi đã trở thành cái tên quá quen thuộc, nhưng đối với một số ông bố bà mẹ khác, họ đơn giản chỉ muốn thử vì tò mò, vì nhà gần, vì nghe danh tiếng đã lâu… mà thôi. Và chị Khánh Vy (37 tuổi, sống tại Hà Nội) là một bà mẹ như thế. "Hiện nay có quá nhiều trung tâm năng khiếu mở ra dành cho các con, mình tham khảo xong hoa mắt quá nên thôi quyết là cứ gần nhà mà đi. Ấy thế mà ưng lắm, quá nhiều bộ môn để chọn, môn nào cũng có, quan trọng là các cô tận tâm, học sinh vui vẻ nên mình cũng khá yên tâm về sự lựa chọn này", chị Vy chia sẻ.

Có lẽ tâm lý chung của các bố mẹ đều là mong con sẽ có những giây phút thoải mái, vui vẻ, học được thêm kiến thức và giao lưu, kết bạn. Bên cạnh đó có đầy đủ các môn học với học phí phù hợp cũng là yếu tố quan trọng. Và Cung thiếu nhi Hà Nội đã đáp ứng được hoàn toàn những tiêu chí đó. Tôi nghĩ, đó chính là lý do mà nơi đây vẫn thu hút được đông đảo phụ huynh và con em họ tới vậy.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 7.

Với tôi, một trong những yếu tố giúp Cung thiếu nhi luôn được các phụ huynh và học sinh đón nhận từ xưa tới nay chính là nhờ khả năng chuyên môn và sự nhiệt huyết của các giáo viên. Các giảng viên, giáo viên đến với Cung đều được lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều chuyên ngành. Ví dụ như môn vẽ giáo viên sẽ là họa sĩ, cung cấp cho các con cảm hứng, cảm xúc trong sáng tác chứ không chỉ dạy vẽ bình thường. Hoặc như các bộ môn năng khiếu khác cũng vậy, là những nghệ sĩ, diễn viên trực tiếp giảng dạy và truyền cảm hứng sâu sắc cho các con.

Thời điểm hiện tại, giáo viên tại Cung thiếu nhi đã có rất nhiều thay đổi so với hồi xưa, thế nhưng sự tâm huyết, đam mê vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Với những môn như thanh nhạc, đàn hát, các cô đã có tuổi nghề rất lâu, với các bộ môn như nhảy hiện đại mà con gái tôi định theo học, cô giáo rất trẻ trung, xinh đẹp và giỏi giang với tư duy hiện đại khiến cả tôi và con gái đều có cảm tình ngay từ lần đầu gặp gỡ.

Gặp tôi ngay ở lớp thanh nhạc, cô Bảo Hà (giảng viên thanh nhạc) mỉm cười chia sẻ: ''Trong quá trình giảng dạy các con rất là đáng yêu, bé nào cũng bộc lộ những năng khiếu của riêng mình, có con hát hay, có con đọc rap tốt, có con chuyên về nhạc nhẹ, có con chuyên về giọng cổ điển… Điều quan trọng nhất là người giáo viên cần tìm thấy khả năng, năng lực, năng khiếu đúng để đào tạo và bồi dưỡng cho con.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 8.

Thực ra mình có nhiều nơi mời đến giảng dạy nhưng đến Cung là niềm yêu thích trẻ con và cũng là nhân duyên, và mình thực sự rất yêu và muốn gắn bó với nơi đây lâu hơn nữa. Mỗi ngày dạy học đều là một ngày vui, các con mới lớp 3, 4 ,5 khi mình đến chúng ùa ra như ong vỡ tổ, còn chào cô con nhớ cô, niềm vui trào dâng khiến mình muốn gắn bó với Cung thiếu nhi lâu hơn nữa''.

Đã từng là một trong những học viên võ thuật được đào tạo tại Cung thiếu nhi cách đây hơn 20 năm, thầy Nguyễn Danh Lê Hiếu (sinh năm 1996, sống tại Hà Nội) sau khi ra trường đã quyết định quay trở lại nơi đây để làm việc. Gắn bó với Cung thiếu nhi hơn 3 năm, thầy Hiếu coi nơi đây như gia đình thứ 2 của mình: "Ngày xưa hồi nhỏ như các bé thì mình cũng may mắn được theo học tại đây, và đó là lý do chính để mình quay lại Cung thiếu nhi cống hiến và truyền lại những kiến thức đã từng được dạy. Các lứa học sinh bây giờ rất ngoan, hoạt bát, năng động, sau giờ học các con có cơ hội được giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, có thêm năng lượng để cuộc sống vui khỏe hơn. Còn nhớ ngày trước hồi còn là học sinh, mình được các thầy cô đưa đi thi đấu, ăn uống liên hoan rất là vui. Thi thoảng mình cũng kể cho các con và lũ trẻ rất thích thú. Đến đây thì các con không chỉ được rèn luyện thể lực, nâng cao kỹ năng mềm mà còn có những giờ phút xả stress sau chuỗi ngày học tập mệt mỏi".

Với cô Thùy Trang (giảng viên môn múa), người đã gắn bó gần 10 năm với Cung thiếu nhi thì nơi đây có quá nhiều kỷ niệm. Xuất phát từ tình yêu với các bé, đồng thời mong muốn được giảng dạy và truyền đạt lại cho các con những kiến thức căn bản về múa, cô Trang đã quyết định gắn bó với nơi đây.

Phỏng vấn Cung thiếu nhi

"1 kỳ các con được học khoảng 4-5 tháng, các bé mới vào sẽ được học múa cơ bản như múa ba lê, múa dân gian. Khi đã theo học 2-3 năm, các con có thể thi tuyển lên lớp của đoàn nghệ thuật măng non lớp hướng các con đến đội tuyển để các bé đi biểu diễn chương trình văn nghệ.

Lớp chọn này bao gồm các con đã có kiến thức và hiểu biết dày dặn về múa hơn các bạn khác. Ngoài ra, các bé có điều kiện hình thể, khả năng bắt bài, nhanh nhẹn hơn. Thường những bé theo học múa theo lâu năm có nghĩa là các con có sở thích và đam mê với bộ môn năng khiếu này, bởi cũng có không ít các bạn thử học 1-2 kỳ nhưng cảm thấy mình không phù hợp thì sẽ không theo học nữa.

Gắn bó với lớp gần 10 năm, có những bạn mình đã dạy từ lúc con mới 4 tuổi, giờ các con đã cao hơn cả cô giáo rồi. Tất nhiên, không chỉ học, các con tới đây còn được kết bạn, xả stress, các con đáng yêu lắm luôn khiến mình có thêm hứng thú để giảng dạy".

Giữa muôn vàn sự lựa chọn ngoài kia thì Cung thiếu nhi vẫn luôn là địa chỉ uy tín mà bố mẹ hoàn toàn tin tưởng khi giao con cho các thầy cô giáo. Ngoài ra, các con còn được làm quen với thầy cô, bạn bè ở trường khác, tăng thêm khả năng giao lưu và các mối quan hệ xã hội.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 9.

Bước vào từng lớp học, ngắm nhìn những cô bé, cậu bé đang hồn nhiên say sưa học bài sao mà quá đỗi yêu thương. Ở đây, các con không chỉ được học những môn năng khiếu mà mình yêu thích, học hỏi và phát huy thế mạnh của bản thân mà còn được làm quen, kết thân với những người bạn từ khắp mọi miền. Tôi mong, con gái mình sắp tới cũng sẽ có cơ hội được trải nghiệm những điều tuyệt vời ấy.

Bắt gặp một cô bé đang "thả mình" vào các điệu nhảy hiện đại, trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi khiến tôi bất giác mỉm cười. Kiều Trang hiện đang học lớp 5 nhưng đã gắn bó với nơi đây được gần 3 năm. Được biết, mẹ của Trang cho con đi học năng khiếu từ lớp 1 nhưng do dịch giã nên thời gian này con mới được quay lại lớp học nhảy.

"Thích lắm cô ạ, cháu được gặp lại các bạn. Cháu có nhiều bạn ở đây lắm, cũng có bạn nghỉ rồi và có bạn vẫn chơi thân tới tận bây giờ. Bọn cháu không cùng trường nhưng ngày cuối tuần hay hẹn nhau cùng học một môn năng khiếu, rồi rủ nhau tới nhà chơi. Hồi dịch thi thoảng cũng video call để tâm sự một chút, nhưng gặp nhau thế này vui hơn nhiều ạ. Cháu thích cả nhảy truyền thống và hiện đại nên mẹ đồng ý cho học cả 2 cô ạ", vừa dứt lời Kiều Trang lại quay trở về để tiếp tục tập luyện.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 12.

Khác với Trang, cô bé Hà Chi (7 tuổi) lại chỉ mới theo học tại đây vài tháng kể từ khi dịch được khống chế. Theo học lớp thanh nhạc, Hà Chi cùng với 1 bạn nữa được học 1-1 với giáo viên thanh nhạc tại đây. Cô bé có vẻ còn e thẹn, ngại ngùng khi tôi hỏi chuyện.

"Cháu tên là Chi, 7 tuổi, cháu mới học ở đây 3 tháng thôi ạ. Cháu thấy vui, được hát và được cô khen nhiều, cô còn chỉnh từng câu, đoạn bè như nào, luyến láy ra sao, lấy hơi như nào để hát được hay và không bị phô. Mới học nên cháu cũng chưa chơi thân với nhiều bạn nhưng cháu thích lắm, muốn học ở đây tiếp ạ", Hà Chi bẽn lẽn chia sẻ.

Không chỉ có Hà Chi, rất nhiều bạn nhỏ khác cũng là lần đầu được bố mẹ đưa đến Cung thiếu nhi trong thời gian này. Có em bé hôm nay là lần đầu tới lớp học, sự bỡ ngỡ hiện lên khuôn mặt ngây thơ của các con. Cậu bé Khải Minh (6 tuổi) chẳng nói gì, chỉ cười cười khi được tôi hỏi chuyện. Thế nhưng, chỉ vài phút sau đã thấy Minh chạy tót đi chơi cùng các bạn trong lớp, vừa học vừa cười một cách đầy hào hứng, vui vẻ.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 13.

Đang ngồi ngắm nhìn các con tung tăng ra về sau buổi học, bất chợt có một cậu bé tới chỗ hai mẹ con tôi và hỏi "Cô ơi cho cháu mượn điện thoại gọi mẹ tới đón được không ạ". Vừa chờ mẹ, cậu bé vừa tâm sự: "Con tên là Nguyễn Nhật Phong, con học vẽ và bóng rổ tại đây cô ạ, con chuẩn bị lên lớp 5 rồi. Con học vẽ từ lúc 4 tuổi, con học thấy vui, biết được rất nhiều bạn. Nhưng con chưa vui là đôi khi mẹ đến đón con muộn, trong lúc đó con thường tìm bạn nói chuyện cùng, ngồi đập bóng hoặc tự chơi với chính mình. Học ở đây suốt 7 năm, con thấy mình vẽ đẹp hơn, con thích vẽ tranh về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, thực vật, cây cối và rừng, con tham gia nhiều giải và từng được giải Nhất trong một cuộc thi tại Cung thiếu nhi cô ạ".

Mỗi cô bé, cậu bé tới đây đều mang theo những kỳ vọng của bố mẹ. Thế nhưng hơn ai hết, phụ huynh nào cũng mong con mình ngoài việc học hành sẽ tìm được điều mà các con đam mê, được vui chơi và trải nghiệm sau những giờ học căng thẳng trên lớp.

Và không chỉ là kiến thức, các con theo học tại đây sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng và niềm tự hào từ những câu chuyện của thế hệ các thầy cô đi trước, là những "mầm non tương lai" tiếp tục gìn giữ và phát huy những thành tích đáng tự hào. Các con đến đây được học tập, trưởng thành và nhận được tình yêu thương. Hy vọng rằng, con gái tôi trên hành trình sắp tới sẽ được sống với đam mê và nhiệt huyết mà con đã chọn, cũng sẽ cảm nhận được điều tuyệt vời mà trước đây tôi đã có từng có trong ký ức tuổi thơ của mình.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 12.

Hơn 40 năm qua, Cung thiếu nhi Hà Nội đã thực sự trở thành tuổi thơ của rất nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng. Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ của Việt Nam đã trưởng thành và lớn lên từ cái nôi nghệ thuật này: ca sĩ Thanh Lam, ca sĩ Hồng Nhung đều từng là những ngôi sao ca nhạc thiếu nhi của cung mà các thế hệ 7x, 8x vô cùng hâm mộ.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 13.

Dù có thay đổi nào đi chăng nữa thì những ký ức về Cung thiếu nhi luôn đọng lại trong trái tim của tôi và mỗi người dân Hà Nội. Mong rằng, ''Tòa lâu đài văn hoá tuổi thơ'' này sẽ luôn đi cùng thời gian, trở thành niềm tự hào và kiêu hãnh, nơi ươm mầm những năng khiếu của thiếu nhi Tổ quốc.

Cung thiếu nhi Hà Nội - Tòa lâu đài văn hóa tuổi thơ - Ảnh 14.


Phương Ly
Tiêng Tiêng
Kingpro
Mỹ Hân