Trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập, tự do ấy, Việt Nam nhận được vô vàn tình cảm, sự giúp đỡ vô cùng quý giá của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trong đó có cả sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất của nhân dân và Chính phủ Trung Quốc.
Nhưng…
Ngay từ những năm đầu Việt Nam thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai, gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam.
Và từ tháng 8 năm 1978, phía Trung Quốc điều động lực lượng từ phía sau ra biên giới.
Phải theo dõi nắm chắc tình hình địch, kịp thời phát hiện âm mưu và hành động tiến công phá hoại của chúng, quyết không để bị bất ngờ, không mắc mưu khiêu khích của chúng… Gấp rút đẩy mạnh công tác sẵn sàng chiến đấu ở địa phương trên toàn biên giới, bảo đảm sẵn sàng đánh bại địch ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào
Chỉ thị ban hành ngày 6/1/1979 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc.
Tới đêm 16, rạng ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc đã bí mật đưa lực lượng lớn vượt biên, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực trên toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu); đồng thời triển khai đội hình gồm một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tấn công.
Nguồn: Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và khẳng định: "Quân dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả"
Đối phương sử dụng nhiều xe tăng, bọc thép, pháo cơ giới chia thành nhiều mũi đánh vào Bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng.
Chiều 4/3, quân Trung Quốc sử dụng bộ binh có xe tăng hỗ trợ mở đợt tiến công đánh chiếm thị xã Lạng Sơn. Các đơn vị chủ lực Quân khu 1 cùng bộ đội địa phương tỉnh Lạng Sơn, các huyện chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, giữ vững địa bàn.
Sát cánh cùng bộ đội, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu với tinh thần "phía trước không tiếc máu xương, phía sau không tiếc của". Hàng chục tấn hàng hóa ở tuyến sau được đồng bào chuyển lên bổ sung cho các đơn vị bộ đội chiến đấu.
Nhiều điểm tại Lào Cai, Hà Tuyên bị phá tan tành. Nguồn ảnh: TTXVN
Những điểm bị tấn công gồm Thông Nông, Hà Quảng, Phục Hòa, Đông Khê và mục tiêu của địch là đánh vào thị xã Cao Bằng. Cuộc chiến đấu trên mặt trận Cao Bằng diễn ra quyết liệt. Ngày 24/2, quân Trung Quốc tiến công đánh chiếm thị xã Cao Bằng và mở rộng ra các vùng xung quanh. Cao Bằng trở thành chiến trường đánh giặc khắp nơi.
Thị xã Lào Cai, Tam Đường, Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu trở thành điểm nóng. Sau 17 ngày tiến công trên hướng Hoàng Liên Sơn, đối phương tiến sâu vào Việt Nam 40 km nhưng không còn khả năng tiếp tục tấn công do quân và dân ta chặn đánh.
Chúng tấn công Pa Nậm Cúm, Pa Nậm Cáy, Nậm Xe để mở đường vào thị trấn Phong Thổ. Đến ngày 5/3, đối phương chiếm được thị trấn Phong Thổ nhưng sau đó bị quân và dân ta đánh trả, buộc phải rút quân.
Sau hơn chục ngày chiến đấu, quân, dân Hà Tuyên đã lập nhiều chiến công, bẻ gãy các mũi tiến công của đối phương vào các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Thanh Thủy.
Nhà cửa, đường phố ở thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Tuyên bị đạn pháo của địch tàn phá trong ngày 8 và 9/3/1979. Ảnh tư liệu: TTXVN
Trước cuộc tiến công của quân Trung Quốc, lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện Bình Liêu, Móng Cái, Tiên Yên anh dũng đánh trả, đánh tan hàng chục đợt tiến công của đối phương, giữ vững địa bàn.
Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ, tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng.
Đến ngày 18/3, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta, trước đó, phía Trung Quốc vừa rút quân vừa đánh phá gây nhiều thiệt hại về người và của với đồng bào ta.
Mặc dù tuyên bố rút quân nhưng thực tế, từ sau ngày 18/3, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên. Và đỉnh điểm là từ năm 1984 đến 1989, Vị Xuyên, Hà Tuyên trở thành mặt trận ác liệt. Riêng ở Mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984-1989 đã có tới hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương và nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Cuộc tấn công đã gây ra những tổn thất vô cùng nặng nề. Ảnh TTXVN
Sau cuộc tấn công của quân Trung Quốc, cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở biên giới bị đảo lộn thời gian dài nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình mất hết nhà cửa, tài sản, phải sơ tán về phía sau. Có gia đình bị lính Trung Quốc giết chết gần hết. Tuy nhiên, bà con rất sẵn lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho bộ đội chiến đấu. Nhiều gia đình đón bộ đội về ở tạm khi chưa làm kịp lán trại; nhường cả ruộng nương, vườn tược cho bộ đội làm trận địa. Các Hội mẹ chiến sĩ, các đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bộ đội sau mỗi trận chiến đấu. Hội phụ nữ tỉnh Hà Giang tiêu biểu nhất trong phong trào này. Tình đoàn kết quân dân ấy đã giúp cho các đơn vị củng cố vững chắc thế trận để chống trả quân xâm lược
Nhà báo, Đại tá Bùi Đức Toàn- Nguyên Phóng viên báo Quân đội Nhân dân
Chẳng ai muốn chiến tranh cả, dù có thắng cũng thiệt và thua cũng thiệt hại, chúng ta rất muốn hòa bình, hữu nghị vì Trung Quốc cũng có lúc đã giúp chúng ta rất lớn. Giành được độc lập, chúng ta không quên họ nhưng họ không thể. Vì bất đắc dĩ ta phải đánh chứ không muốn gây sự với Trung Quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên
Có thể nói đây là một sự kiện lịch sử bi tráng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Việc chúng ta cần phải nhắc đến nó, ghi nhận nó một cách thực sự khách quan, lấy chuẩn mực pháp lý quốc tế làm thước đo để đánh giá, là việc làm hết sức quan trọng. Qua đó rút ra bài học quý giá trong ứng xử với các mối quan hệ quốc tế và đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc. Chỉ khi nào chúng ta đánh giá đúng và sòng phẳng về lịch sử, chúng ta mới không mắc bẫy đối phương, củng cố vững chắc đoàn kết dân tộc và tận dụng được tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ từ bè bạn quốc tế và nhân loại tiến bộ.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ trả lời trên VOV ngày 14/2/2019
Sau khi bình thường hóa quan hệ (năm 1991), Việt Nam – Trung Quốc đã tiến hành đàm phán thực chất và ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền ngày 30/12/1999. Tới tháng 2/2009, hai nước hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền.
Về Vịnh Bắc Bộ, năm 2000, hai nước ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, có hiệu lực từ năm 2004.
Về vấn đề Biển Đông, ngay từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên nhất trí thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông năm 2002 (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN./.