Bất cứ một người nào khi được cử làm Đại sứ đến một nước khác đều đặt cho mình nhiều kỳ vọng. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi được trao quyết định là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ vào tháng 7/2014 nhưng lúc chính thức đi nhận nhiệm vụ là tháng 11/2014.
Nếu nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ thì lúc đó có 2 vị Tổng thống liên tiếp đã thăm Việt Nam là Bill Clinton và George W. Bush. Năm 2013, hai nước cũng vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Nếu có một chuyến thăm của người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam thì sẽ thể hiện được cả nội dung thực chất lẫn biểu tượng chính trị của quan hệ hai nước.
Năm 2015 đánh dấu 20 năm quan hệ Việt - Mỹ, là một chặng dài trong quan hệ hai nước. Năm 2015 cũng đánh dấu gần 30 năm quá trình Đổi mới của Việt Nam. Việt Nam đổi mới càng làm cho không gian hợp tác đầu tư, du lịch… tăng lên ở chất lượng cao hơn. Vì vậy, nhiệm vụ của tôi không chỉ là đưa Đối tác toàn diện vào thực chất mà còn rất nhiều việc có thể làm, trong đó chắc chắn có câu chuyện chuyến thăm cấp cao.
Thực tế, câu chuyện lời mời và các thảo luận về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ khởi thủy trước đó 3 năm, khi bà Hillary Clinton, lúc đó là Ngoại trưởng Mỹ đưa ra lời mời. Nhưng khi trao đổi một số cấp trong đó có cả Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thì không phải không có trở ngại do có sự khác biệt về thể chế chính trị hai nước, nên chưa khớp nối với nhau về chuyến thăm này.
Thứ nhất, lời mời phải xuất phát Nhà trắng chứ không phải của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bà Hillary cũng rời nhiệm sở và Ngoại trưởng lúc đó là ông John Kerry. Thứ hai, phòng Bầu Dục của Mỹ được sử dụng để đón tiếp nguyên thủ quốc gia. Nước Mỹ chưa từng có tiền lệ tiếp người đứng đầu một đảng tại phòng Bầu Dục.
Với tư cách là Đại sứ, tôi nói, dù phía bạn đặt tên cương vị là gì, thì một bên là người đứng đầu hệ thống chính trị của nước Mỹ, một bên là người đứng đầu hệ thống chính trị của Việt Nam. Khi người đứng đầu hai hệ thống gặp nhau với tất cả nghi lễ của cuộc gặp đó phải phù hợp với người đứng đầu của một quốc gia.
Cũng có lúc vấn đề lễ tân trở thành yếu tố có nguy cơ cản trở chuyến thăm này. Nhưng phía ta cũng nói rõ: Nếu vấn đề lễ tân không tương xứng với người đứng đầu đừng nói đến chuyện chuyến thăm.
Và cùng lúc đó, ta tác động trực tiếp vào những cơ quan có thẩm quyền kiến nghị lên Tổng thống Mỹ. Một trong những việc tôi làm đầu tiên là đi tiếp xúc với phía Mỹ. Tôi có lợi thế là những người làm rất sát với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chính quyền Mỹ vốn là những người bạn cũ đã làm cùng về ASEAN như Kurt Campbell (Trợ lý Ngoại trưởng), Daniel Russel (trước thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, sau đó chuyển sang giữ chức trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về Đông Á) hay Scot Marciel (phó Trợ lý Ngoại trưởng) và Evan Medeiros (trợ lý Tổng thống Obama về châu Á - Thái Bình Dương).
Tôi nhớ là có nhiều cuộc gặp cả trao đổi chính thức và với tư cách là bạn bè, và chuyển thông điệp về mốc 20 năm quan hệ và dấu ấn thể hiện lòng tin, hiểu biết giữa hai bên, đưa quan hệ Đối tác toàn diện đi vào thực chất và có đề cập đến câu chuyện lời mời Tổng Bí thư còn đó.
Sau đó, vào khoảng giữa tháng 2/2015, diễn ra một cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kerry truyền đạt thông điệp là thay mặt chính quyền Tổng thống Obama mời Tổng Bí thư sang thăm. Chính thông điệp đó đã đột phá được câu chuyện lễ tân về lời mời, tái khẳng định lại một lần nữa: lời mời là từ cấp cao nhất của Mỹ.
Đúng vào dịp nghỉ 1/5, Evan Manderois gọi điện cho tôi, thông báo: "Vinh ơi đã có tin chính thức. Rất tốt!"
Evan Manderois thông tin rằng, dự kiến lãnh đạo hai bên sẽ gặp nhau. Cuộc gặp diễn ra ở phòng Bầu Dục, trong khoảng 60 phút.
Cuộc gặp lúc đầu dự kiến là 60 phút nhưng sau đó chuyển thành 90 phút. Trong bài phát biểu, cả hai nhà lãnh đạo đều mở đầu rằng: 20 năm trước, không ai nghĩ rằng hai đất nước đã từng trải qua thời kỳ đối địch và thù địch trong một cuộc chiến tranh mà bây giờ có thể ngồi tại phòng Bầu Dục, nói về tương lai quan hệ hai nước.
Sau khi thu xếp được chuyến thăm, ta bắt đầu tính đến việc vậy chuyến thăm đầu tiên phải có sản phẩm gì? Tức là một Tuyên bố chung. Nếu như năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama ra Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện, Tuyên bố chuyến thăm lần đầu tiên của người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam thì phải có chiều dài lịch sử và tầm nhìn hướng đến tương lai.
Đặc biệt, nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị lẫn nhau của hai hệ thống chính trị khác biệt là nguyên tắc rất quan trọng. Tôn trọng thể chế chính trị của nhau, có lẽ sẽ là xuyên suốt của hai nước có khác biệt về chế độ lại có cái gốc của thù địch và chiến tranh, mở ra một chương rất mới trong quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến công du tới Mỹ và có cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Quan hệ Việt Nam - Mỹ đang tiếp tục đà phát triển với chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 thì đến 2016, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đem đến một kết quả làm bất ngờ cả nước Mỹ và thế giới. Ông Trump chiến thắng mặc dù các dự báo trước đó đều nghiêng về bà Hillary Clinton. Đứng trước bất ngờ này, một loạt các cuộc tiếp xúc đã diễn ra để "tìm đường" đến với vị tân Tổng thống.
Tối 8/11/2016, kết quả bầu cử sơ bộ Tổng thống Mỹ được công bố: Donald Trump thắng Hillary Clinton. Đây là bất ngờ cho nước Mỹ vì trước đó, tất cả thăm dò chính giới, thăm dò dư luận, đánh giá các học giả đều cho rằng bà Hillary "cửa" cao hơn.
Vào ngay đêm có kết quả bầu cử, Đại sứ quán đã báo cáo về nhà. Cuộc họp ngày hôm sau, Đại sứ quán chỉ ra, có hai việc phải làm sâu hơn: một là chính sách đối ngoại của Trump với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ Việt - Mỹ.
Nhưng Tổng thống Trump là một trường hợp đặc biệt. Ông Trump tranh cử bằng khẩu hiệu, không bằng cương lĩnh, chính sách, ông cũng không có bộ máy nhân sự để khi thắng cử thì trám vào ngay. Vậy thì ta biết liên hệ với ai? Chính sách không có, nhân sự không có. Đến lúc này, tôi nói với anh em cán bộ ở Đại sứ quán: Chúng ta phải tiếp xúc với chính ông Trump, đó sẽ là cái bất biến trong 4 năm tới.
Thời điểm đó, trừ Nhật, các nước ASEAN và đồng minh Mỹ đều chờ đợi, tìm cách tiếp cận với chính quyền Trump. Lúc đó, nhà có hỏi, tôi trả lời, hoặc là phải chờ, hoặc là phải vượt qua thông lệ, tiếp cận trực tiếp với ông Trump và đưa ra đề xuất về một cuộc điện đàm.
Thực tế, lâu nay Việt Nam chỉ gọi điện hay gửi thư chúc mừng khi nhà lãnh đạo đã nhậm chức chính thức. Nhưng trường hợp này rất đặc biệt và để tiếp cận thì phải ngay từ lúc mới đắc cử chưa nhậm chức. Mọi mối quan hệ, từ bạn bè ở cả hai đảng, bạn bè trong giới doanh nghiệp, giới chính trị, các nghị sĩ, đều được Sứ quán lần lượt tiếp cận.
Ai cũng biết, hai trụ ban đầu của Trump: một người là chủ thuyết về Trung Quốc và kinh tế là Peter Navarro và một người ít được nhắc đến hơn là Matthew Pottinger - Phó cố vấn an ninh quốc gia, kiến trúc sư của chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chính sách đối ngoại của Trump. Vị này trước đây là phóng viên chuyên về Trung Quốc, đã từng có thời đi lính Mỹ ở Afghanistan, và rất thành thạo tiếng Trung.
Tình cờ, tôi từng gặp Pottinger qua người khác giới thiệu hồi tháng 12/2016 ở New York. Trong lần đầu tiên gặp nhau, tôi và Pottinger trao đổi rất nhiều về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề cả Mỹ và Việt Nam đều quan tâm. Câu chuyện kéo dài rất lâu.
Cuộc gặp đó, cùng với việc tận dụng các nhân vật chủ chốt trong quốc hội từ cả hai đảng, giới doanh nghiệp và học giả. Cuối cùng thu xếp được một cuộc điện đàm có chất lượng, cởi mở giữa hai nhà lãnh đạo vào 14/12/2016.
Vậy là chỉ 1 tháng sau bầu cử và hơn 1 tháng trước khi ông Trump nhậm chức, diễn ra cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong cuộc điện đàm đó, không chỉ là chúc mừng, hai nhà lãnh đạo đã nói đến thúc đẩy quan hệ hai nước, cũng nói cả câu chuyện Biển Đông, và đặc biệt là tạo lập quan hệ cá nhân giữa hai vị. Ông Trump nói, ông sẵn sàng đón tiếp Thủ tướng, vào bất cứ lúc nào, ở New York hoặc ở Washington D.C.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Mỹ tháng 5/2017 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty
Đây là cơ sở rất lớn cho ta triển khai tiếp chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ tháng 5/2017 - chuyến thăm đầu tiên trong số các lãnh đạo Đông Nam Á và trước rất nhiều đồng minh của Mỹ.
Cũng có người sau này hỏi tôi, thời điểm có bầu cử, Sứ quán có bị hẫng không? Câu trả lời là vừa có vừa không. Có bị hẫng là bởi thực tế, quan điểm của giới học giả lúc đó đều cho là bà Hillary Clinton sẽ thắng. Ta cũng không thể không tham khảo. Nhưng không hẫng là bởi, với tư cách Đại sứ ở nước ngoài, thì luôn luôn phải suy nghĩ rằng, dù ai lên, mình vẫn phải làm việc, vẫn phải là cầu nối quan hệ, cho nên không có chuyện đặt hết vào cửa bên nào. Nói cách khác, nếu đặt 65 cho Clinton thì Trump là 35.
Một sự tình cờ khác, nhưng lại trở thành một cơ hội để ta chuyển thông điệp tới chính quyền mới của Tổng thống Trump là, cũng trong năm 2016, trước khi có kết quả bầu cử, tôi đã đặt lịch nói chuyện về quan hệ Việt - Mỹ vào 16/11, tức là hơn một tuần sau bầu cử tại Trung tâm National Interest thuộc đảng Cộng hòa. Mục đích ban đầu là muốn sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống đều là người của Đảng Dân chủ, và khả năng nhiệm kỳ tới cũng là của đảng Dân chủ thì mình đến một Trung tâm của đảng Cộng hòa để nói về câu chuyện Việt - Mỹ, nhằm thể hiện thông điệp củng cố quan hệ hai nước, xuyên suốt cả hai đảng, qua các chính quyền.
Không ngờ rằng, đến 8/11 thì Trump thắng và bỗng nhiên, khi các nước đang chờ thời, duy nhất có Đại sứ Việt Nam đứng ra phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ trước tiên, ở một viện của đảng Cộng hòa.
"Trong cái rủi có cái hay". Mặc dù là ngẫu nhiên, nhưng đây lại là cơ hội cho ta chuyển đi một thông điệp trong khi các nước nhiều đồng minh của Mỹ còn chần chừ.
2017, Việt Nam tổ chức Hội nghị APEC. Các Tổng thống Mỹ đều dự APEC. Không những vậy, đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump sang châu Á, chuyến thăm dài nhất trong 25 năm lịch sử của một Tổng thống Mỹ ra nước ngoài: kéo dài 12 ngày rưỡi, đi 5 nước.
Tuy nhiên, dự APEC và thăm chính thức là câu chuyện khác. Năm đó, ta quyết định lấy Đà Nẵng làm địa điểm tổ chức APEC, mà muốn có chuyến thăm chính thức thì phải ở Hà Nội.
Thông thường, trong một chuyến công du của Tổng thống Mỹ, họ không tính số quốc gia đi qua mà tính các điểm dừng trong chuyến công du.
Về hậu cần, cách của Mỹ là, đến điểm dừng đầu tiên, thì một đội gồm tất cả máy bay, ô tô, an ninh đã được bố trí ở điểm dừng tiếp theo để chuẩn bị. Và khi Tổng thống bắt đầu rời điểm dừng chân đầu tiên thì đội hậu cần đã sẵn sàng phục vụ. Và đội còn lại di chuyển đến điểm dừng thứ ba. Vì vậy, về mặt hậu cần và an ninh, thêm một điểm dừng tương đương với việc đến một quốc gia. Như vậy, nếu có chuyến thăm chính thức thì tại Việt Nam là hai điểm dừng, liệu bạn có đồng ý không?
Tất cả bạn bè Mỹ, cả Matthew Potinger đều nói với tôi là "Vinh ơi, chúng tôi rất muốn gặp nhưng vì lý do điều kiện vật chất như vậy, có thể phải lựa chọn phương án gặp lãnh đạo cấp cao ở Đà Nẵng".
Vào tháng 9, báo chí Mỹ có hỏi về chuyến công du Việt Nam, Tổng thống Trump mới chỉ nói: "There was a conference", ý nhắc đến hội nghị cấp cao APEC, tức là chưa có khẳng định gì về chuyến thăm chính thức cả. Lúc đó chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là chuyến công du châu Á diễn ra.
Như vậy là cả trong nước và Sứ quán đều phải thúc đẩy, phải khai thác tất cả các cơ hội. Có lẽ chưa năm nào APEC khó khăn như 2017. Vì chưa bao giờ nước Mỹ thay đổi quan điểm về những vấn đề chung như vậy khi đổi chính quyền: rút khỏi TPP, rút khỏi Hiệp định về Biến đổi khí hậu, rút khỏi P5 1… Trong nhiều vấn đề của thế giới, nước Mỹ đã thay đổi. Tức là ta phải đồng thời xử lý hài hòa giữa quan điểm của nhiều nước khác, quan điểm mới của Tổng thống Trump, với tính đa phương của APEC.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phủ chủ tịch, ngày 12/11/2017. Ảnh: Soha.vn
Bên cạnh đó, ai cũng biết ông Trump khi lên nắm quyền muốn tạo ra những cái mới: chủ thuyết mới, chiến lược mới, bác bỏ những di sản đã có từ thời Tổng thống Obama, trong đó có cả chính sách Tái cân bằng. Vậy thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần có thông điệp mới. Thông điệp đó là chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ta hiểu điều này nên với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, tôi chia sẻ với bạn bè Mỹ rằng, thông điệp trong chuyến thăm đầu tiên của nhiệm kỳ đầu tiên tới châu Á thì phải chọn một địa điểm phù hợp. Nếu công bố ở Nhật hay Hàn Quốc thì chỉ nói được với đồng minh, nếu công bố ở Trung Quốc thì sẽ biến thành G-2, chỉ có 2 nước lớn với nhau, trong khi đó, Philippines là điểm dừng cuối, sẽ không còn tác động nữa.
Vậy nếu công bố ở Việt Nam thì có điểm lợi là, Đà Nẵng sẽ gánh hai đại dương, có lẽ là điểm gần nhất cân đối cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Đồng thời, cuối tháng 9/2017, tôi đến Hawaii, nơi đặt trụ sở Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, những người rất có ảnh hưởng đến chiến lược với châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng điểm gần nhất của nước Mỹ đến châu Á và có nhiều học giả hướng sang Thái Bình Dương. Trong chuyến đi này, tôi đã gặp các tướng lĩnh Mỹ, đến thăm Văn phòng người Mỹ mất tích, làm việc với các học giả và thăm tàu hải quân Mỹ. Thông điệp nhấn mạnh nhất là, quan hệ Việt - Mỹ không phải chỉ là quan hệ song phương mà còn rất quan trọng trong câu chuyện địa chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương.
10 ngày sau, sau những cuộc hội ý về chuyến đi, cùng với sự phối hợp trong nước, Tổng thống Trump đồng ý đi Hà Nội, đồng thời, công bố Tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Đà Nẵng.
Không ai nghĩ rằng, một Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đầu. Điều này cho thấy phía Mỹ không chỉ ưu tiên quan hệ song phương với Việt Nam mà còn xem trọng vai trò vị trí Việt Nam trong khu vực.
Quan hệ hai nước là chính, nhưng trong cuộc đời ngoại giao và đối ngoại, có những yếu tố "phi chính thức" hỗ trợ rất nhiều, đó là tình bạn, là con người, trong đó có những người bạn ở Việt Nam và cả ở phía Mỹ.
Vào lúc chuyển giao sang chính quyền Trump, tôi có 1 cuộc chiêu đãi 3 trợ lý Tổng thống Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương và gia đình. Họ đã phục vụ 2 đời Tổng thống, ở 2 đảng khác nhau và đều là những người tham gia vào các sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ.
Đó là Evan Manderois, người phụ trách chuyến thăm của Tổng Bí thư từ tháng 11/2014, kể từ khi tôi bắt đầu sang nhận nhiệm vụ cho đến hết tháng 5/2015 - tức là toàn bộ giai đoạn quyết định có lời mời, chuyến thăm và sắp xếp cuộc gặp từ 60 lên 90 phút ở phòng Bầu Dục.
Từ 3-4/6/2015 đến tháng 7/2015 thì Evan Maderois nghỉ, Daniel Kritenbrink lên thay. Vì vậy, người đón Tổng Bí thư trong chuyến thăm với vai trò trợ lý Tổng thống về châu Á - Thái Bình Dương là Daniel Kritenbrink. Quá trình thương lượng văn kiện trong chuyến thăm của Tổng Bí thư vào năm đó là do Daniel Kritenbrink phụ trách. Dan cũng là người cũng đang giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Một người nữa là trợ lý dưới thời Tổng thống Trump, chính là Matthew Pottinger.
Đến nay, khi điểm lại quan hệ Việt - Mỹ, đã có một thế hệ các nhà chính trị Mỹ trải qua cuộc chiến tranh là xương sống, đóng góp rất nhiều cho việc hàn gắn quan hệ từ phía Mỹ, vượt qua hội chứng chiến tranh trong lòng nước Mỹ, điển hình là hai ông John (John McCain và John Kerry), hay những người khác như Pete Peterson, Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam hay Chuck Hagel, từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… cùng rất nhiều thế hệ cựu binh Mỹ.
Khi hai nước còn "căng" với nhau, mới chỉ có tiếp xúc sơ bộ ngay sau chiến tranh thì chính các cựu binh đã làm cầu nối đầu tiên cho quan hệ hai nước. Trải qua cuộc chiến tranh, họ trở nên gắn bó với Việt Nam và cảm nhận rằng, phải là gì đó để khắc phục hậu quả của cuộc chiến.
Nhưng thế hệ gắn với cuộc chiến tranh đến nay hầu như không còn nữa. Người đã qua đời, người đã dừng công tác.
Ngay trước nhiệm kỳ của tôi, chúng ta đã tính phải xây dựng thế hệ trẻ thay thế cho thế hệ nghị sĩ Mỹ từng có liên hệ với Việt Nam qua chiến tranh. Cá nhân tôi nhận thấy, hai nước đã có cơ sở quan hệ rất lớn, để nước Mỹ biết đến Việt Nam và Việt Nam biết đến nước Mỹ không chỉ còn là một cuộc chiến, mà còn là những cơ hội hợp tác.
Nếu thế hệ nghị sĩ Mỹ từng trải qua chiến tranh, trong lòng họ đã gắn với Việt Nam rồi, thì với thế hệ nghị sĩ mới, điều quan trọng nhất là đan xen lợi ích. Ta phải chủ động tiếp cận, khai thác cả những tiềm năng trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Nhìn về tầm địa chiến lược, Việt Nam sau 30 năm đổi mới có tiềm năng về kinh tế và thị trường, sự hội nhập quốc tế cũng tạo cho ta vị thế ở khu vực, điều đó có nhiều điểm song trùng lợi ích với các nước lớn, trong đó có Mỹ.
Tôi còn nhớ nghị sĩ trẻ của đảng Cộng hòa Cory Gardner, một trong những người khởi xướng đạo luật Tăng cường can dự với châu Á - Thái Bình Dương, khi chuẩn bị xây dựng đạo luật này đã mời tôi lên, hỏi rằng, với tư cách là quốc gia và trong khu vực ASEAN thì quan điểm của Việt Nam là gì?
Tôi đã chia sẻ những ý kiến của mình ở khu vực, rằng ASEAN không muốn chọn bên, muốn cả Mỹ và Trung Quốc gắn kết và là những đối tác ở đây, nói về câu chuyện hòa bình, ổn định an ninh ở khu vực, trong đó có câu chuyện Biển Đông. Khi bạn muốn tham vấn mình thì tức là trong đó có cả lợi ích nước Mỹ.
Không phải tình cờ mà cường quốc số một thế giới và một quốc gia nhỏ bé, cách nhau nửa vòng trái đất lại đến với nhau, trở thành Đối tác toàn diện. Đó phải là song trùng lợi ích rất lớn. Vậy thì ta phải khai thác song trùng lợi ích này. Quan hệ Việt - Mỹ vừa có song phương, vừa vượt trên mức độ song phương, vừa có tính địa chiến lược, địa chính trị. Vì thế, vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực, nhất là ASEAN là cái phải khai thác tiếp.
Khi tìm được những quan điểm mà nước Mỹ song trùng lợi ích thì thì họ sẽ gắn kết với mình.