Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Đó là một kho báu nhưng rất nhiều người trong chúng ta không hề nhận ra.

Vài năm gần đây, người ta nói nhiều đến việc già hóa dân số và cho rằng gánh nặng đang đè lên vai người trẻ vì phải “đỡ người già trên lưng”.

Thế nhưng, thực tế có vẻ không phải vậy. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hội người cao tuổi quốc tế năm 2012 cho kết quả rằng: 38% người cao tuổi ở Philippines và 23% ở Đài Loan chăm sóc cháu trong số những người cao tuổi sống cùng con cháu; 32% ở Thái Lan và 70% ở Singapore chăm sóc cháu. Số liệu ở các nước Bắc Âu cho thấy người bà thường chăm sóc các cháu để giúp đỡ con cái họ thực hiện các nghĩa vụ gia đình và công việc. Điều đó cho thấy vai trò của người cao tuổi trong việc chăm sóc con cháu trong gia đình là không thể phủ nhận.

Việt Nam đang là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050. Con số này sẽ tăng lên hơn 25%, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.

Chỉ cần thay đổi góc nhìn theo hướng tích cực hơn sẽ thấy vai trò của cha mẹ, ông bà, của người lớn tuổi trong gia đình là không gì có thể thay thế. “Gánh nặng” này có thể chuyển hóa thành “kho báu” với người trẻ, sự tự ti mặc cảm trong họ cũng không còn…

Đứa trẻ bị chứng rối loạn lo âu và “liều thuốc đặc biệt”

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 1.

Khi còn đi học, lúc tôi bị điểm kém, bố mẹ tôi quát: “Bố mẹ thì đi làm vất vả kiếm tiền cho ăn học, con cái có mỗi việc ăn học mà không làm nổi”. Bà lại là người động viên: “Cháu đã cố gắng chưa? Nếu đã cố gắng rồi thì có thể sai phương pháp, mình lựa lại cách học nhé. Ví dụ như cháu đọc bài trước khi lên lớp, sau đó cháu đi học sẽ nhanh hiểu và tiếp nhận sẽ sâu hơn. Còn nếu chưa cố gắng thì mình bắt đầu làm lại, cháu không cần học suốt ngày đâu, chỉ cần học tập trung một khoảng thời gian nhất định là ổn. Cố gắng lên, bà tin cháu làm được”.

Cha mẹ quá bận bịu với kiếm tiền và áp lực không đủ kiên nhẫn và bao dung với tôi, nhưng bà thì có thời gian và có cả góc nhìn đa chiều để hiểu tôi, hiểu các con của bà. Chính vì vậy, có những thời kỳ với tâm lý tuổi mới lớn nhiều hoang mang, những câu nhiếc móc của cha mẹ khiến tôi đã từng nghĩ kết thúc cuộc sống này chính là một giải pháp tốt. Nhưng bà lại là người nói với tôi về ý nghĩa cuộc sống về những trải nghiệm tuyệt vời bà đã có, về hạnh phúc tuổi già mà phải đến tuổi này bà mới có được và tôi chính là động lực của bà để sống khỏe, sống vui. Chính bà cũng là người nói với cha mẹ tôi về những ngày họ lớn lên cũng y xì như tôi đã trải qua, vì vậy cần dịu dàng và thấu hiểu hơn với con mình.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 2.

Điều này đã khiến cha mẹ tôi có cái nhìn khác còn tôi biết thông cảm hơn với cha mẹ mình. Tôi biết lạc quan hơn và nghĩ tốt về người khác hơn. Bà như “chiếc ô” che chở cho cho tôi để những lúc dường như sắp gục ngã, sự “ve vuốt” đầy logic của bà khiến cho tôi phục, tôi tin và tôi hiểu. Người ta nói “hãy để tuổi của bạn ngày một già đi, nhưng đừng để điều đó xảy ra với trái tim của bạn” và bà tôi là con người như vậy với một trái tim luôn trẻ trung và đầy nhiệt huyết.

Sau này có gia đình, có con, tôi vẫn thích đến nắm bàn tay bà, có một “luồng điện thế hệ” chảy vào trong tim tôi, đó là tình yêu, sự bao dung rất đỗi dịu dàng. Giờ bà đã có thể nhớ nhớ, quên quên nhưng bà còn ở đó là tôi vẫn còn “bảo bối” là chiếc ô che nắng, che mưa đặc cách cho tôi bất cứ lúc nào cũng xuất hiện đúng lúc.

Đến bố mẹ tôi nhiều lần định ly hôn, nhưng nhờ có bà mà họ biết bao dung, kiên nhẫn hơn với nhau. Tôi vẫn nhớ lúc bố mẹ tôi đùng đùng đòi chia tay, bà chỉ nói một câu: “Bọn con ly hôn rồi làm lại cuộc hôn nhân khác có tốt hơn không nếu cả 2 tính vẫn nóng như lửa như thế? Hơn nữa, nếu chiếc cốc nóng quá các con buông, 2 đứa cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng chiếc cốc thì sao? Nếu các con trả lời được 2 câu hỏi này bằng một đáp án hợp lý thì hãy quyết định. Mẹ chỉ muốn tâm sự về một điều hối tiếc của mẹ là giá nếu bố con không rời đi sớm, thì lúc này mẹ cảm thấy mọi thứ thật hoàn hảo”.

Và như vậy, không phải chỉ mình tôi coi bà như “bảo bối”, cha mẹ tôi cũng vậy. Nhờ có bà mà gia đình tôi vẫn lành lặn, để cha mẹ tôi sau nhiều lần cãi vã đỉnh điểm có “người hòa giải” ngay trong nhà và vá lành những vết thương mà chúng tôi tự gây ra.

Vì vậy ai đó có nói rằng người già là gánh nặng trong gia đình thì tôi không cho là vậy. Bà là điều tuyệt vời trong gia đình tôi có và còn có bà tôi thấy như mái nhà mình sẽ luôn yên ổn trước bất kỳ bão gió nào.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 3.

Bà tôi đôi lúc có chạnh lòng khi đọc những bài báo nói về “gánh nặng” người già khi dân số già hóa. Bà cho rằng mình dạo này chậm chạp, kém minh mẫn đi rồi và có thể trở thành “áp lực”, “rào cản”, “chướng ngại vật” cho con cháu. Nhưng trong mỗi gia đình, người cao tuổi luôn có những giá trị không thể phủ nhận. Mà nếu họ còn ở đó sẽ là diễm phước cho nhiều gia đình và có những giá trị không ai có thể thay thế.

Trong một nghiên cứu 80 năm, dài nhất lịch sử về sự phát triển của con người của Harvard được bắt đầu từ những năm 1938 kéo dài cho đến nay, một khái niệm về hạnh phúc được đưa ra là: "Thứ giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh không phải là sự giàu có, danh tiếng mà chính là những mối quan hệ tốt đẹp".

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 4.

Tôi chỉ nói từ bà tôi để ai đó có thể có cái nhìn rộng hơn về người già trong mỗi gia đình, họ đang lặng thầm đóng góp những điều tuyệt vời mà không bất kỳ ai có thể thay thế. Thử nghĩ mà xem, có phải ông bà trong gia đình chính là sợi dây kết nối, là người vun vén tình cảm cho từng thành viên. Mỗi khi con nhỏ bị bố mẹ mắng, ông bà lại ôm đứa trẻ vào lòng, thủ thỉ cho chúng hiểu cái lý của người làm cha mẹ. Hay mỗi khi những người trưởng thành như chúng ta xích mích, cáu giận, người lớn trong nhà lại kiên nhẫn, điềm đạm chỉ ra cái sai của vấn đề. Những hành động thầm lặng đó là để duy trì sự yên ấm của gia đình hay cũng chính là nền tảng tạo ra hạnh phúc cho chúng ta.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 5.

Có nhiều cuốn sách chúng ta đọc và tâm đắc, nhưng “cuốn sách sống” người lớn tuổi đang mang thì là những bài học dung dị, đời thường, nhưng cực kỳ minh triết mà thế hệ trẻ đang được hưởng miễn phí. Người già có những quan điểm sống rất sâu sắc mà họ đã phải đi gần cả cuộc đời để rút ra, nên cách nhìn nhận vấn đề luôn khác biệt và sâu sắc.

Sự từng trải cho họ cái nhìn bao dung, tích cực và cách xử trí khôn ngoan mà thế hệ sau không dễ tiệm cận. Những lời khuyên, sự động viên của họ chẳng khác nào cuốn sách giúp người trẻ được nâng đỡ về tinh thần hữu hiệu và có cái nhìn thấu hiểu, bao dung hơn.

Chính bản thân họ đã từng loay hoay với đời sống của mình để cho con cháu những bài học giá trị, hoặc chính họ cũng được học lại từ những người cao tuổi đi trước, những bài học được trả giá bằng cả một cuộc đời để đúc rút.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 6.

Chúng ta luôn dạy con trẻ rằng phải hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà; nhưng chẳng có bài học nào chân thực hơn cách cha mẹ đối xử với ông bà mà trẻ nhìn thấy.

Cha mẹ sẽ không thể bắt con phải tôn trọng, phải biết đến những công lao của mình trong việc nuôi dưỡng con cái hoặc ít nhất hiểu tấm lòng mình dành cho con trẻ như thế nào. Nhưng qua cách người già thể hiện tình yêu thương với con cháu, qua cách cha mẹ đối xử với ông bà sẽ là bài học chân thực và giá trị để giới trẻ biết yêu thương và học được cách yêu thương.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 7.

Từ những câu chuyện có tính lịch sử người cao tuổi đang nắm, đến những mẹo vặt hay được đúc rút từ đời sống như cách chữa bỏng, cách hạ sốt bằng cây nhà lá vườn… họ là người nắm giữ.

Họ cũng là những nhân chứng lịch sử, là người thực tế phản ánh lịch sử một cách chân thực nhất. Khi chuyện trò cùng người lớn tuổi, người trẻ nhiều cơ hội học hỏi được những điều quý giá mà không có cuốn sách nào có thể mang lại. Những bài học vượt qua nghịch cảnh bằng ý chí, quyết tâm và sự kiên nhẫn qua những câu chuyện cuộc đời sẽ là bài học đi vào lòng người nhất.

Khi làm cha mẹ những người lớn trưởng thành cũng chưa thực sự được học cách làm cha mẹ. Nhưng cha mẹ của họ thì đã học được những bài học xương máu từ chính việc nuôi dạy con cái mà họ đã trải qua. Chính vì vậy, kinh nghiệm từ người lớn tuổi chưa bao giờ hết giá trị. Dù đôi lúc, người ta cho rằng, người già bảo thủ khi giữ những kiến thức đã lỗi thời. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần những “bất cập” còn sót lại, những lợi thế khác và những bài học sống từ họ luôn có giá trị.

Ngoài vấn đề nuôi dạy con cái, những lời khuyên hữu ích trong chuyện làm ăn, kinh doanh đến chăm sóc gia đình đều chân thực và thiết thực.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 8.

Với ưu thế về sự từng trải, cái nhìn nhiều chiều và sự bình tĩnh của họ thường cho một cái nhìn đúng đắn để có thể thuyết phục người khác. Nhiều đứa trẻ cha mẹ nói chưa nghe, nhưng ông bà nói thì lại thấy rất có lý. Ông bà còn là người tiếp sức, nuôi dưỡng những giấc mơ của con trẻ mà nhiều khi cha mẹ có thể vô tình dập tắt.

Ngoài ra, ông bà còn là người chăm sóc, chuyện trò và chơi với cháu để cha mẹ bớt đi những bộn bề trong cuộc sống hiện đại khi có thời gian để nghỉ ngơi. Những đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy thoải mái, thú vị và vui vẻ khi chơi cùng ông bà, cảm giác mà chúng cho rằng rất khác so với lúc tiếp xúc với cha mẹ mình.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 9.

Chính vì vậy, người già đóng góp vai trò khá tích cực trong việc giáo dục con cháu. Với những kinh nghiệm của họ, việc làm “quan tòa”, “nhà hòa giải”, “nhà tâm lý” sẽ dễ giải quyết được những băn khoăn, bế tắc của từng thành viên, cũng như hóa giải được những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, người già cũng có những cảm xúc y như những thành viên khác trong gia đình, cũng biết buồn, biết vui, biết cảm thấy hờn giận y như đứa trẻ. Chính vì vậy, việc không lãng quên vai trò tuyệt vời của họ trong gia đình, không coi họ là “gánh nặng” hay “áp lực” trong gia đình là vô cùng quan trọng. Việc khích lệ và giúp họ phát huy vai trò của mình trong gia đình mình là vô cùng cần thiết. Điều này giúp họ cảm thấy mình có ích, có thể sống vui, sống khỏe.

Người già ở Nhật không được nhường ghế trên tàu điện ngầm là vì thể hiện sự tôn trọng với người cao tuổi để tránh cảm giác họ nghĩ rằng “mình đã già và vô dụng đến mức phải được hưởng đặc quyền”.

Gần đây, chính phủ Thái Lan cũng đã có chính sách thu hút những những lao động chất lượng cao đã nghỉ hưu là người nước ngoài đến Thái Lan làm việc và sinh sống.

Người cao tuổi không chỉ có giá trị cao trong gia đình, họ còn đang đóng góp những giá trị trong cộng đồng.

Tuy nhiên, khi hưởng những “giá trị” ấy, chúng ta cũng cần trả về cho họ một tuổi già an yên, hạnh phúc và chất lượng bằng sự tôn trọng, lắng nghe, yêu thương; đồng thời chấp nhận những điều cố hữu có phần “bảo thủ”, thậm chí “gàn dở” của họ. Giống như họ đã từng rất kiên nhẫn với chúng ta, hãy lắng nghe xem họ muốn nói gì và dành nhiều hơn cho họ những niềm vui, nụ cười.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Ước tính sẽ có 22,3 triệu người già năm 2050 tại Việt Nam. Đó có phải là nỗi lo ngại hay không? Nhà hiền triết Osho trong cuốn “Trưởng thành” đã nói rằng “khi lão hóa dẫn dắt con người tiến dần về cái chết thì trưởng thành lại khiến ta bất tử”. Và khi người già thực sự trưởng thành họ không còn sợ cái chết.

“Cuốn sách sống” minh triết của đời tôi - Ảnh 10.

Tuy nhiên, thực tế người già luôn sợ sự cô đơn và lo mình vô dụng. Trong khi số liệu gần đây được công bố thì có hơn 72% người già sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống (tam đại đồng đường) sang gia đình hạt nhân (vợ chồng và con cái). Và như vậy, sẽ có nhiều người già phải sống một mình và đó là điều rất bất lợi cho họ khi “chỗ dựa” gia đình bị biến mất.

Tuy nhiên, sẽ thật tuyệt vời nếu vẫn còn nếp nhà những gia đình truyền thống, có cây cao bóng cả ở đó, những con người không chịu già đi vì mơ ước không ngừng. Như “cuốn sách sống” trong nhà, dù có cũ nát, có nhăn nheo, sờn góc; nhưng những ở đó chứa đựng những kiến thức là máu xương, là nước mắt và cả niềm hạnh phúc ông bà cha ông đã vun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hãy yêu thương và lắng nghe họ nhiều hơn để nhận lại được nhiều hơn những giá trị tuyệt vời từ thế hệ trước, thứ được bám rễ bằng mạch nguồn thương yêu!


Thanh Ba
Tiêng Tiêng



* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện