• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Cần lập bản đồ vùng an toàn du lịch

Thời sự 09/11/2021 14:46

(Tổ Quốc) - Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch sáng 9/11, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế du lịch trong điều kiện dịch còn diễn biến khó lường.

Đại biểu Quốc hội nêu nhiều giải pháp phục hồi ngành du lịch - Ảnh 1.

ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu trong phiên thảo luận sáng 9/11.

Đẩy nhanh việc tiêm vaccine toàn dân để đạt miễn dịch cộng đồng

Theo ĐB Hồng Thanh, trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã khẳng định vị trí mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội với tỷ lệ đóng góp vào GDP đến 9,2%, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động. Sự phát triển du lịch thực sự thúc đẩy tăng trưởng phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước những thách thức, khó khăn chưa từng có. Hàng loạt doanh nghiệp du lịch Việt Nam tạm dừng hoạt động, đóng cửa hoặc phá sản. Đa số lực lượng lao động du lịch mất việc làm, không có thu nhập. Ngành du lịch là ngành bị thiệt hại nghiêm trọng nhất.

Năm 2020 với hai đợt dịch bùng phát du lịch thiệt hại khoảng 530.000 tỷ đồng, trong đó 8 tháng đầu năm, 2021 tổng thu du lịch giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 7 đến nay khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh thì hoạt động du lịch gần như đình trệ toàn bộ.

Từ đặc thù của hoạt động du lịch đó là khách thường đi theo tour tuyến, không thể khép kín hoạt động trong một tỉnh mà tính liên kết vùng và cả nước là rất lớn, nữ ĐB này đề nghị Chính phủ cần có kịch bản căn cơ, phương án phù hợp cho phục hồi và phát triển ngành du lịch phù hợp với tình hình kiểm soát dịch.

Trước hết phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó các địa phương cần đảm bảo các điều kiện về hạ tầng y tế, nhân lực phục vụ khách du lịch. Có quy trình thống nhất toàn quốc về chứng nhận tiêm chủng và tiêu chí về an toàn du lịch.

Tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá tour

ĐB Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị cần lập bản đồ vùng an toàn du lịch thông tin công khai và thường xuyên để các đơn vị thuận tiện cho việc đưa khách. Xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp. Thiết lập hộ chiếu vaccine để đón khách quốc tế. Có hướng dẫn thực hiện quy trình đón khách quốc tế an toàn, chặt chẽ nhưng thuận lợi cho du khách trong điều kiện phòng chống dịch cho từng địa phương.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá nhu cầu về nhân lực cần xác định rõ số lượng, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Yêu cầu đào tạo, đánh giá năng lực đào tạo để xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để đào tạo chuyên môn, kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng cho phục hồi và phát triển du lịch.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, miễn, giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch.

Nữ ĐB đoàn Ninh Bình cũng đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp du lịch được khoanh nợ, tái cấu trúc các khoản vay đến hết năm 2021 để các doanh nghiệp phục hồi và tái hoạt động sau dịch, xây dựng quỹ tài chính hỗ trợ cho ngành du lịch, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu cho quỹ.

Để kích thích du lịch, ĐB Thanh cho rằng, cần giảm giá các loại dịch vụ, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá để đảm bảo hấp dẫn cho du khách. Hỗ trợ ngành du lịch đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch, xây dựng nền tảng số dùng chung cho toàn ngành và toàn xã hội./.

ĐB Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng): Cần xây dựng một môi trường du lịch an toàn. Giải pháp ưu tiên là các bộ, ngành liên quan với ngành du lịch, y tế cần phối hợp chặt chẽ để sớm ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến du lịch để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch.

Cụ thể là: xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong cả nước, quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, từ đó các địa phương sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và thu hút khách du lịch.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ