• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch

Thời sự 27/10/2021 14:55

(Tổ Quốc) - Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (27/10), ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng chúng ta đang trong quá trình phục hồi nên kinh tế sau đại dịch Covid-19, nếu giá xăng dầu tăng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi.

ĐB Quốc hội: Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch - Ảnh 1.

ĐBQH Hoàng Văn Cường chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27/10.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19 mà giá xăng dầu tăng phi mã như hiện này thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tăng trưởng.

"Trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta hiện nay, sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn. Chúng ta đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nếu giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ đẩy chỉ số tăng giá của các mặt hàng khác, điều này gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi kinh tế" - ĐB Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Cũng theo vị ĐB này, lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất khi giá xăng dầu tăng là giao thông vận tải. Hiện nay, lĩnh vực này đã và đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, giá xăng dầu lại tăng như vậy thì đúng là một cú sốc tiếp theo. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn kép.

Lý giải về giá xăng dầu trong nước tăng như hiện nay, vị ĐB đoàn Hà Nội cho rằng, phần lớn là do giá dầu thế giới tăng và cộng thêm một số yếu tố khác.

Cụ thể, giá xăng dầu thế giới nhập khẩu vào trong nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh nên vận tải hàng hóa trên thế giới bị ảnh hưởng, thậm chí là đứt gãy, đặc biệt là vận tải biển. Vì vậy chi phí vận tải, logistics cũng tăng lên. Tất cả yếu tố đó làm giá xăng dầu cao như hiện nay.

Để quá trình phục hồi kinh tế trong nước được diễn ra như kỳ vọng, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta phải giữ ổn định giá xăng dầu trong thời điểm hiện nay. Bởi, tăng giá xăng dầu bao giờ sẽ đẩy giá của hàng loạt các ngành các lĩnh vực khác. Do đó, nếu giá xăng dầu để tăng đột biến như thế thì sẽ gây ra ảnh hưởng đến rất nhiều ngành.

Nói về một số biện pháp bình ổn giá xăng dầu trong nước, ĐB này cho rằng cần có sự can thiệp của nhà nước trong thuế và phí.

"Công cụ để điều chỉnh giá xăng dầu mà Nhà nước có thể can thiệp đó chính là thuế. Trong bối cảnh giá tăng như thế thì chúng ta phải có những điều chỉnh về thuế. Như thuế nhập khẩu, thậm chí là thuế về môi trường cũng phải duy trì ở mức hợp lý. Điều này sẽ tác động tới việc kiểm chế giá xăng dầu tăng phi mã", ông Hoàng Văn Cường nói.

Theo ĐB này, biện pháp ưu tiên nhất hiện nay là giảm thuế nhập khẩu, tiếp đến là các chính sách khác như trích Quỹ bình ổn.

"Phí môi trường là điều cuối cùng mà chúng ta cần cân nhắc điều chỉnh bởi việc này còn ảnh hưởng đến việc điều tiết hành vi sử dụng xăng dầu. Cho nên việc điều chỉnh phí môi trường cũng cần cân nhắc", ông Cường nói.

Với câu hỏi "vai trò điều tiết của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong bình ổn giá xăng dầu như thế nào", ĐB này cho rằng cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng của liên bộ này.

Theo đó, Bộ Công Thương là ngành phải đánh giá được mức độ thay đổi của thế giới và nguồn cung trong nước từ đó có thể dự báo được giá xăng dầu trong tương lai. Bộ Tài chính là đơn vị phải thực thi các chính sách, ví dụ như về sự thay đổi về thuế, phí như thế nào. Bộ Tài chính phải đánh giá, thẩm tra rồi trình đến Chính phủ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ĐB Hoàng Văn Cường, để Bộ Tài chính làm được điều này thì Bộ Công Thương phải nắm được các yếu tố, khả năng cung ứng trong nước, vấn đề dự trữ, giá thế giới rồi dự báo khả năng tăng giá của xăng dầu.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ