Đại sứ Việt Nam tại Israel: Người Việt ở Israel sẽ luôn có Tổ quốc dang tay bảo vệ

Thu Hường | 19-05-2021 - 20:16 PM

(Tổ Quốc) - Họ phải "né bom" 2-3 đợt mỗi ngày. Hôm thì vào 18h chiều. Hôm khác vào 0-1h hoặc 2-3h sáng. 8 ngày qua, có hàng nghìn quả rocket liên tục nã thẳng vào Israel. Tình hình chưa bao giờ "căng" đến thế.

Sau thành công của chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19, bầu trời Israel dường như đang "xanh" trở lại. Từ tháng 3/2021, Chính phủ Israel đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp dãn cách xã hội và mở cửa nền kinh tế. Nhưng mới đây, niềm vui đó đã phải tạm gác sang một bên.

Ngay lúc này, hàng trăm người Việt sống ở Israel đang lao đao vì mưa bom bão đạn.

Sống trong cảnh hàng trăm quả rocket "dội trên đầu"

Họ phải "né bom" trung bình 2-3 đợt mỗi ngày. Trên bầu trời, tốc độ tên lửa quân Hamas phóng đi tính bằng giây.

9 giây, đó là tất cả thời gian và cơ hội thoát tử thần dành cho người sống ở gần dải Gaza. Cách "chảo lửa" chiến sự chừng 15-20km, khi còi báo động vừa hú lên, rocket đã lao tới. Nghe thấy tiếng báo động, mọi người chỉ còn cách tức thì nằm sấp ngay xuống đất, hai tay ôm đầu.

Thành phố Tel Aviv - nơi có Đại Sứ quán Việt Nam – bị công phá dữ dội. "Tel Aviv là trung tâm tài chính - công nghệ của Israel và có rất nhiều cơ quan ngoại giao của nước ngoài. Khi tên lửa bắn tới đây, có nghĩa là xung đột đã leo thang đến rất cao", Đại sứ Đỗ Minh Hùng chia sẻ từ "tâm bão" rocket.

Đại sứ Việt Nam tại Israel: Người Việt ở Israel sẽ luôn có Tổ quốc dang tay bảo vệ - Ảnh 2.

Ngay khi xung đột leo thang, Đại Sứ quán đã có thông báo tới cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Israel. Nội dung chính là nhắc nhở việc thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn và giữ liên hệ thường xuyên với Đại sứ quán. Các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cũng được quán triệt các biện pháp an toàn.

Ví dụ, nếu đang lái xe trên cao tốc mà có báo động, phải nhanh chóng đỗ vào lề đường, ra khỏi ô tô và ngồi thụp xuống ngay sát bánh xe cho đến khi hết tiếng còi báo động.

Ai cũng phải chủ động để ý cảnh báo từ ứng dụng điện thoại. Gần 200 tiếng đã trôi qua nhưng chiếc smartphone của mọi người vẫn không ngừng nóng lên vì những hồi chuông cảnh báo đến dồn dập. Mọi người cũng được nhắc nhở phải có thêm nước uống, lương khô, thuốc men… trong hầm đề phòng tình huống xấu có thể cần ở đó lâu hơn.

Học cách "ăn ngủ" cùng rocket

Ở Israel, ai cũng phải cài vào điện thoại của mình ứng dụng "Cảnh báo đỏ". Nó giúp người dùng nhận được thông báo sớm nhất về các đợt tấn công tên lửa trên toàn Israel. Đôi khi đang ngồi ở Tel Aviv, người ta vẫn giật mình vì ứng dụng báo rocket đang bay ở đâu đó. Dù nó không nhắm đến Tel Aviv, mọi người vẫn rất cần cảnh giác. Chỉ cần ứng dụng rung chuông, ai nấy đều phải kiểm tra.

Một phương tiện cảnh báo khẩn cấp hơn là tiếng hú còi inh ỏi của thành phố. "Bất kể đang làm gì, chỉ cần nghe thấy tiếng còi báo động, phải di chuyển thật nhanh xuống hầm hoặc vào phòng an toàn, ở trong đó 15-30 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nào tình hình bên ngoài trở lại bình thường thì mới được ra ngoài".

Thi thoảng, tiếng còi báo động hú vang, tiếng rocket nổ ầm trời làm Đại sứ Hùng cảm thấy khó chịu. Nó khiến ông nhớ về quá khứ tuổi thơ từng phải sống trong chiến tranh. Với cán bộ nhân viên trong Sứ quán hầu hết là người trẻ sinh ra sau thời chiến, cảm giác này chắc chắn không dễ dàng.

Họ tới đây với gia đình và con nhỏ. Có những buổi đêm khi đang say giấc ngủ, tụi nhỏ bỗng giật thót vì tiếng còi báo động. Từ trong hầm, tiếng rocket nổ rền vang như muốn xé toang cả bầu trời Tel Aviv. Âm thanh ấy dường như càng khiến tiếng khóc của tụi nhỏ không thể nào ngừng lại. Trong bão đạn, đám trẻ run rẩy, bật khóc.

Lo cho gia đình, đặc biệt là lo cho tụi nhỏ là cảm giác chung của mọi người. Hơn một tuần qua, giấc ngủ dài xuyên đêm đã là điều không thể nào có được. Rất may đến giờ này, hệ thống cản phá Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel vẫn hoạt động hiệu quả. 90% rocket bị đánh chặn từ xa.

Ở trung tâm thành phố Tel Aviv, cho tới lúc này người ta còn chưa tận mắt nhìn thấy những tổn thất về người và tài sản. 10% rocket bay lạc chủ yếu rơi vào vùng xa trung tâm. Và các thành phố bị tấn công nhiều nhất nằm ở phía Tây Nam, gần dải Gaza hơn.

Sau một tuần như vậy, mọi người dần lấy lại bình tĩnh. Họ tập thích nghi và giữ cho mình nếp sinh hoạt bình thường.

"Các tòa nhà hay từng căn hộ ở đây đều có hầm hoặc phòng an toàn để tránh bom. Vì vậy, ở trong nhà sẽ an toàn hơn nhiều so với đi ngoài đường. Ngay cả người Israel vốn đã quen với các cuộc xung đột cũng không hề chủ quan. Các khu vực gần dải Gaza đã ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế đi lại, cấm tụ tập trên 10 người. Ở các nơi khác như Tel Aviv, người ta chỉ còn mở cửa những dịch vụ thiết yếu. Sau ít ngày hân hoan nhờ tiêm chủng, giờ đây phố phường một lần nữa lại vắng tanh".

Đại sứ Việt Nam tại Israel: Người Việt ở Israel sẽ luôn có Tổ quốc dang tay bảo vệ - Ảnh 4.

Sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất

Hiện tại, người Việt ở Israel có khoảng 400 tu nghiệp sinh nông nghiệp vừa học vừa làm, một số ít đang học ThS, TS, một số lao động và cộng đồng người Việt định cư ở đây đã nhiều năm.

"Trong số đó có khoảng 40 du học sinh chịu rủi ro cao nhất. Họ đang sống ở khu Sderod Negev - một Trung tâm nông nghiệp rất gần dải Gaza".

Đại sứ Hùng đã giao cho Bí thư thứ 2 là anh Nguyễn Hoàng Tuấn giữ liên lạc với các trưởng nhóm sinh viên hàng ngày hàng giờ. Ngay khi tình hình xấu đi, Đại sứ quán sẽ đề nghị Trung tâm Sderod di chuyển các em sinh viên đến nơi an toàn hơn.

"Tôi rất muốn trực tiếp đến thăm các em sinh viên ở Sderod nhưng lúc này không thể vì điều kiện bên ngoài chưa cho phép. Dù vậy, tình hình của mỗi người, Sứ quán vẫn nắm rõ. Ngay vào lúc mọi thứ ổn hơn, dự kiến vào đầu tuần sau thôi thì tôi sẽ có thể gặp gỡ, động viên từng em".

Ông Hùng nói, người Việt ở Israel rất đoàn kết. Hàng trăm người có liên hệ chặt chẽ với nhau và với Đại sứ quán. Họ biết và nắm rõ những thông tin cơ bản về nhau, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Có lẽ vì số lượng ít và phải sống trong tình huống có bất ổn về an ninh nên tình đoàn kết càng được phát huy đến cao độ. Với truyền thống ấy, Sứ quán cũng dễ dàng hơn trong việc nắm bắt thông tin trong cộng đồng.

"Nhờ có sự động viên, trao đổi thông tin liên tục, người Việt ở bên này vẫn vững vàng, kiên cường, đoàn kết đúng như sức mạnh tiềm ẩn bên trong họ".

Chuyến bay xúc động của bà cụ 74 tuổi và sự dang tay của Tổ quốc

Tháng 1/2019, ông Hùng nhậm chức Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Israel. Trong năm đó, có 2 lần rocket bay về phía thành phố Tel Aviv. "Chúng tôi đang ở trong nhà vào buổi tối thì đột nhiên nghe tiếng còi báo động. Chưa kịp chuẩn bị, mọi người chỉ biết làm việc phải làm là lao vào phòng tránh bom".

Đó là lần đầu tiên ông Hùng tận mắt thấy cảnh bom rơi giữa thời bình. Những lần sau, vị Đại sứ đã không còn bất ngờ.

"Nếu nói là bây giờ tôi có thể dễ dàng vượt qua mọi thứ thì không đúng. Cảm giác nghe tiếng tên lửa rơi, tiếng còi báo động cảnh báo nguy hiểm tính mạng đang tiến về phía mình chẳng dễ chịu chút nào. Nhưng nếu nói rằng chúng tôi run sợ thì càng không chính xác. Trước khi sang Israel, chúng tôi đã biết về tình hình, cũng đã được tập huấn và "lên giây cót tinh thần" (cười).

Có người hỏi tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất? Tôi không nghĩ đến điều đó. Mọi người đều chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Với Sứ quán, chúng tôi đã nỗ lực 24/7, nỗ lực bằng 200%. Chúng tôi nắm thông tin từng người, liên hệ với họ hàng ngày hàng giờ và sẵn sàng ứng cứu bất cứ lúc nào. Tận đáy lòng, tôi mong người Việt hãy luôn đoàn kết, kiên cường và giữ liên lạc với Sứ quán. Vì Sứ quán ở đây, nghĩa là các bạn luôn có Tổ quốc dang tay bảo vệ".

Với những người tại Việt Nam có người thân bên này, ông Hùng cũng mong mỏi mọi người hãy bình tĩnh. Trách nhiệm bảo vệ an toàn cho công dân là mục tiêu tối thượng của Đại sứ quán.

"Năm ngoái trong bối cảnh đại dịch covid19 chúng tôi thực hiện 2 chuyến bay giải cứu, đưa tất cả công dân từ Israel và các nước lân cận có nhu cầu, được hồi hương. Trong số gần 600 người về nước, tôi nhớ nhất một cụ bà đã ngoài 74 tuổi.

Cụ sống ở  Jordan. Tháng 12/2020, khi biết tin về chuyến bay, cụ liên hệ với Sứ quán. Qua điện thoại, cụ nói mình tha thiết muốn về nước. Jordan và Israel có quan hệ ngoại giao nhưng việc hoàn thành các thủ tục cần thiết trong một thời gian gấp gáp không dễ. Và hành trình đưa cụ qua biên giới thật là một kỳ tích. Chúng tôi đã nhọc công xử lý vô số vấn đề, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngày hôm ấy, 2 cán bộ của Sứ quán đón cụ tại cửa khẩu biên giới giữa Israel với Jordan rồi đưa thẳng ra sân bay. Khoảnh khắc đó, cụ bà đã bật khóc.

Cụ nói: Tôi thực sự không thể tưởng tượng được mình có thể về nước trên chuyến bay ngày 22/12, đây thực sự là một kỳ tích.

Ở sân bay, cụ cầm tay tôi hồi lâu. Đôi mắt cụ rơm rớm. Những nếp nhăn xô lại, rồi nước mắt cứ chảy ra vì hạnh phúc. Cụ nhìn tôi, chân tình nói lời cảm ơn Tổ quốc đã cưu mang, cảm ơn chúng tôi đã làm nên chuyến bay lịch sử.

Sau khi cụ lên đường về nước, đại diện phía Jordan đã gọi điện cảm ơn chúng tôi. Tôi nói với họ: Bảo vệ công dân là trách nhiệm chúng tôi. Đó là sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc đã giao phó".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM