Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn

Khôi Nguyên | 20-09-2021 - 15:56 PM

(Tổ Quốc) - Để nói về sự nguy hiểm giữa quyền anh tay trần và quyền anh xỏ găng, mọi sự kết luận vội vàng đều sẽ gây ra tranh cãi. Vì thế, trước khi đi đến kết luận, chúng ta hãy cùng điểm qua các yếu tố chấn thương của 2 môn.

Cái nhìn chung

Quyền anh tay trần và quyền anh xỏ găng trong thời gian hiện tại thực tế chỉ còn khác nhau duy nhất về hình thức thi đấu. Còn lại, các kỹ thuật thi đấu của quyền anh tay trần hiện đại là hoàn toàn lấy từ kỹ thuật thi đấu của quyền anh xỏ găng.

Trong quá khứ, quyền anh tay trần chỉ tung nắm đấm chủ yếu vào vùng thân đối thủ. Với các cú đánh trên vùng đầu, các võ sĩ sử dụng ức bàn tay (chưởng) để đánh. Người xưa họ hiểu rằng các cú đấm sẽ rất dễ bị tổn thương nếu phải va chạm vào vùng đầu đối thủ.

Cấu tạo xương tay và hộp sọ

Hãy nhìn vào cấu tạo của bàn tay và cấu tạo của hộp sọ. Hộp sọ là nơi cứng nhất trên cơ thể, trong khi bàn tay lại là một trong những nơi có cấu tạo xương mỏng manh với nhiều khối xương tập hợp.

Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn - Ảnh 1.

Xương bàn tay là tập hợp của các khối xương nhỏ, mỏng

Hộp sọ thì ngược lại, là một mảng xương lớn, dày với ít khớp (chỉ có khớp bán động nhưng gần như bất động) trên đỉnh sọ.

Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn - Ảnh 2.

Hộp sọ là một khối xương dày vững chắc

Như vậy, độ cứng và khả năng chịu chấn động của tay và của hộp sọ chắc chắn sẽ có sự khác biệt lớn, với hộp sọ chiếm phần ưu thế hơn. Vì thế có thể chắc chắn rằng nếu để xương tay va vào hộp sọ liên tục, thứ bị tổn thương chính là bàn tay và nắm đấm.

Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn - Ảnh 3.

Tình trạng vỡ/nứt xương bàn tay ở Boxing phổ biến đến nỗi các bác sĩ đã đặt tên tình trạng này là "Boxer's fracture" (tạm dịch: Nứt xương kiểu võ sĩ quyền anh)

Quyền anh tay trần

Như đã nói trên, các cú đấm vốn không cứng bằng hộp sọ, cho nên nếu phải va đập với hộp sọ nhiều, các võ sĩ có thể bị nứt xương bàn tay ngay trong lúc thi đấu.

Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn - Ảnh 4.

Bàn tay sưng tấy của nữ võ sĩ quyền anh tay trần Paige Vanzant

Điều này sẽ gián tiếp dẫn đến việc các tay đấm "ngại" vung đấm hết lực hoặc không còn khả năng vung ra những cú đấm trời giáng hơn nữa vì những cú "nhói" ở tay sau mỗi lần vung đấm.

Tuy nhiên, vì xương bàn tay vẫn là vật cứng và da mặt thì mỏng, xương tay cụng xương trán dễ gây ra những vết cắt lớn ngoài da gây đổ máu nhiều. Do đó những chấn thương trong quyền anh tay trần được thể hiện rõ nét hơn và trông có phần "kinh dị" hơn.

Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn - Ảnh 5.

Quyền anh tay trần "máu me" hơn, do đó tạo cảm giác tàn bạo hơn

Quyền anh xỏ găng

Trong khi đó, ở quyền anh xỏ găng, ta hãy thử xét qua công thức tính lực tác động như sau:

F = (m) x (a) với (m) là khối lượng và (a) là gia tốc. Cặp găng Boxing thi đấu nặng khoảng 283gr. Cộng thêm khối lượng từ băng quấn, găng, và cả khối lượng mồ hôi thấm vào băng đa quấn tay, cộng thêm khối lượng bình quân bàn tay của một võ sĩ là từ 0,5kg đến 0,8kg, tổng khối lượng bàn tay cả găng và băng đa có thể nặng đến hơn 1kg.

Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn - Ảnh 6.

Công thức tính lực tác động với (m) là khối lượng còn (a) là gia tốc. Có thể thấy cách tăng lực lên chính là tăng khối lượng hoặc tăng gia tốc

Như vậy, xét theo công thức tính lực tác động cơ bản đã nêu, bàn tay của một võ sĩ xỏ găng nặng gấp đôi bàn tay của một võ sĩ tay trần, do đó lực mà quyền anh tay găng tạo ra cũng lớn hơn quyền anh tay trần đâu đó gần hoặc hơn 2 lần.

Tuy nhiên, ở các trận đấu xỏ găng, do chỉ chịu một khối đệm (có tính mềm) va chạm vào da mặt (có tính mềm), nên khả năng gây ra các vết cắt lớn ở quyền anh xỏ găng thấp hơn hẳn quyền anh tay trần. Do đó, quyền anh xỏ găng trông có vẻ "thể thao" hơn.

Đấm nhau tay trần và đeo găng, cái nào nguy hiểm hơn - Ảnh 7.

Găng (mềm) va chạm với da (mềm) nên khó gây ra các vết cắt

Một yếu tố khác cần được xét đến chính là bởi đôi găng đã bảo vệ bàn tay của võ sĩ khỏi những chấn thương như nứt xương, lật khớp bàn tay… các võ sĩ cũng tự tin hơn khi ra đòn, cú đánh của võ sĩ cũng khó bị các tác nhân khách quan khác tác động hơn nên lực đánh của họ cũng được duy trì ổn định hơn trong suốt trận đấu.

Như vậy, nếu xét về các yếu tố trên, quyền anh xỏ găng tạo ra lực đánh lớn hơn, bảo vệ bàn tay người ra đòn tốt hơn, từ đó nó gây ra sức tàn phá mạnh hơn và lâu dài so với quyền anh tay trần.

Kết

Thực ra việc nhận xét xem môn nào nguy hiểm hơn đều không quan trọng cho lắm. Bởi vì cuối cùng nếu bạn đã bước lên võ đài thì có nghĩa là bạn sẽ bị ăn đòn và sẽ bị chấn thương. Và nếu sử dụng chấn thương để so sánh hơn kém cho các môn võ thì nó không thật sự sáng suốt.

Do đó, cách tốt nhất chính là chơi võ chỉ với một tinh thần muốn hiểu võ hoặc chỉ để thỏa đam mê sở thích.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Giới trẻ đếm ngược đến ngày vui chơi tới bến, check-in mỏi tay tại phố Hàn K-Town

Chính thức ra mắt ngày 26/4 tới đây, K-Town với chuỗi hoạt động khai trương hấp dẫn cùng những trải nghiệm đặc sắc đang khiến cộng đồng yêu thích văn hóa Hàn Quốc mong ngóng. Sự kiện cũng làm tăng nhiệt khu vực bờ Đông Hà Nội, vốn dĩ đang rất “nóng” với vũ trụ giải trí Grand World.