Dàn siêu chiến cơ Mỹ tỏa sáng trong bom tấn Top Gun: Năng lực ngoài đời thực ra sao?

Vy Lam | 07-07-2022 - 14:14 PM

(Tổ Quốc) - 3 mẫu chiến đấu cơ Mỹ ngoài đời thực đã xuất hiện trong "Top Gun Maverick". Đặc biệt, một cái tên trong số này đã được đón nhận nồng nhiệt do vị thế mà nó đạt được trong quá khứ.

"Top Gun Maverick" (Tạm dịch: Phi công siêu đăng Maverick) là bộ phim 'bom tấn' được công chiếu tại các rạp ở Mỹ vào ngày 27/5. Đây là bộ phim về chủ đề quân sự được mong đợi nhất, và là phần tiếp theo của bom tấn Top Gun ăn khách ra mắt cách đây 36 năm trước (1986).

Tương tự như phần trước, "Top Gun Maverick" vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể và nhận được sự hỗ trợ lớn từ Lầu Năm Góc. Nói về cuộc sống của các phi công ưu tú đến từ Hải quân Mỹ nên một trong những khía cạnh quan trọng của bộ phim này là các cảnh quay máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tấn công và không chiến một cách chuyên nghiệp.

Theo tạp chí Military Watch, ngoài sự xuất hiện của một mẫu máy bay hư cấu mang tên 'Darkstar', 3 mẫu máy bay chiến đấu của Mỹ ngoài đời thực cũng đã xuất hiện trong "Top Gun Maverick". Đáng lưu ý, việc các máy bay này được lựa chọn xuất hiện trong một số phân cảnh cũng đã phản ánh được vai trò và khả năng thực tế của chúng.

1. F-18E/F Super Hornet

Đây là mẫu máy bay chiến đấu chủ lực được các nhân vật chính trong phim sử dụng, cả trong huấn luyện và chiến đấu nhằm phá hủy mục tiêu là một cơ sở hạt nhân. F-18E/F đã được trang bị rộng rãi cho các đơn vị tiêm kích trên hạm của Hải quân Mỹ.

Trong nhiều năm qua, nó là mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4 duy nhất được Lầu Năm Góc đặt hàng. Thành công này một phần là do sự chậm trễ nghiêm trọng của chương trình phát triển mẫu máy bay kế nhiệm F-35C.

Dàn siêu chiến cơ Mỹ tỏa sáng trong bom tấn Top Gun: Năng lực ngoài đời thực ra sao? - Ảnh 1.

F-18F Super Hornet. Ảnh: MW

Hiện nay, 32 phi đoàn F-18E/F đang phục vụ Hải quân Mỹ, cùng với chưa đầy 2 phi đoàn F-35C. Các tiêm kích Super Hornet trở nên phổ biến với Hải quân Mỹ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bởi chi phí hoạt động và nhu cầu bảo dưỡng của chúng tương đối thấp, nhất là so với 2 mẫu máy bay trước đó, gồm F-14 và A-12.

Ưu thế này đã khiến F-18E/F được Hải quân Mỹ lựa chọn để thay thế tất cả các máy bay chiến đấu trước đây từng được triển khai trên tàu sân bay. Khung máy bay F-18F còn được sử dụng làm cơ sở phát triển máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler.

Tuy nhiên, chi phí thấp cũng khiến F-18E/F phải 'trả giá', khi nó có tầm hoạt động ngắn, chỉ mang được radar nhỏ hơn và tên lửa có tầm bắn ngắn hơn F-14 Tomcat.

2. F-14 Tomcat

Là 'ngôi sao' của bản Top Gun 1986, và được nhiều người coi là máy bay chiến đấu mang tính biểu tượng nhất của Mỹ, F-14 đóng một vai trò quan trọng trong Top Gun và được triển khai trong phần lớn các cuộc giao tranh không-đối-không.

F-14 được Hải quân Mỹ cho 'nghỉ hưu' vào năm 2006. Điều này cũng được thể hiện phần nào qua bộ phim: Chỉ sau khi chiếc F-18 đang điều khiển bị bắn hạ, Maverick cùng phi công yểm trợ Rooster mới buộc phải đánh cắp một chiếc F-14 từ sân bay của đối phương.

Chi tiết đó đã phản ánh một thông tin thực tế về F-14, hiện nay chỉ còn Iran là quốc gia duy nhất vận hành mẫu máy bay này. Họ là quốc gia từng được phép mua và sẵn sàng tài trợ cho chi phí hoạt động khổng lồ của F-14.

Dàn siêu chiến cơ Mỹ tỏa sáng trong bom tấn Top Gun: Năng lực ngoài đời thực ra sao? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-14 của Iran (Ảnh: MW)

F-14 được đánh giá cao nhờ khả năng tác chiến không-đối-không ngoài tầm nhìn - một khả năng thuộc hàng 'không có đối thủ' trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, mẫu F-14A do Iran vận hành lại không có độ cơ động cao dù đã được hiện đại hóa đáng kể trong nước. Phiên bản F-14B cũng vậy, chỉ có bản F-14D (phục vụ từ năm 1991-2006) là có khả năng hoạt động cao hơn nhờ trang bị động cơ F110-400.

Chương trình nâng cấp F-14A với các động cơ F110-400 cũng được tiến hành, nhưng tới năm 1987 mới bắt đầu.

Sự xuất hiện của F-14 trong 'Top Gun: Maverick' đã được đón nhận nồng nhiệt do vị thế mà nó đã đạt được trước đây.

3. F-35C Lightning II

F-35C gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 2019, không lâu trước khi đoạn trailer đầu tiên của Top Gun được phát hành, và nó đã đóng một vai trò nổi bật trong cảnh mở đầu phim, khi các máy bay chiến đấu cất cánh từ siêu tàu sân bay lớp Nimitz.

Khi được đề cập trong kế hoạch tác chiến, F-35C đã được đặt trong bối cảnh là đối phương sử dụng thiết bị gây nhiễu GPS, có khả năng gây cản trở cho máy bay trong quá trình hoạt động.

Dàn siêu chiến cơ Mỹ tỏa sáng trong bom tấn Top Gun: Năng lực ngoài đời thực ra sao? - Ảnh 3.

F-35C và F-18E/F. Ảnh: MW

Điều này đã phản ánh tình trạng thực tế của chương trình F-35. Mẫu máy bay này mặc dù đã được biên chế nhưng lại rất hạn chế trong ứng dụng chiến đấu, mức độ sẵn sàng thấp, không phù hợp với các nhiệm vụ cường độ trung bình hoặc cao.

Với 800 lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra và thử nghiệm, F-35 dự kiến khó có thể đạt được khả năng chiến đấu đầy đủ cho tới cuối những năm 2020. Hai biến thể khác của F-35, gồm F-35A và F-35B cũng gặp tình trạng tương tự.

Dù mẫu tiêm kích tiên tiến này có tiềm năng đáng kể và là một lựa chọn chi phí thấp (tương như như Super Hornet) với 1 động cơ duy nhất, tầm bay tương đối ngắn và hiệu suất hạn chế nhưng có lẽ phải mất nhiều năm nữa, F-35 mới sẵn sàng cho các nhiệm vụ mà ở đó, nó phải đối đầu với mạng lưới phòng không tích hợp phức tạp hoặc ác tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của đối phương.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM