Lận đận chấn thương
Trước khi vươn tới thành công tại Asiad 18, trong 9 năm đằng đẵng, võ sĩ người Hải Dương đã từng đối mặt với 3 ca chấn thương nặng, thậm chí có lúc nghỉ tới 1 măm rưỡi để điều trị. Nặng nhất là năm 2012, anh chấn thương cổ chân và phải phẫu thuật. Lúc đó cũng chính là thời điểm Trần Đình Nam vừa được gọi lên Đội tuyển nhưng chấn thương quái ác đã khiến anh chỉ ngồi nhìn các VĐV tập mà không thể vào thảm.
"Phẫu thuật xong thì chân không còn linh hoạt được như trước nên rất chán nản. Hiện tại, chân của tôi chỉ còn 80% mà thôi"- Trần Đình Nam chia sẻ.
Chấn thương ở vai hiện tại cũng đang là nỗi lo không chỉ của riêng anh mà của cả BHL. Tại giải Vô địch Thế giới hồi tháng 12/2018, anh đã không thể có tấm HCV bởi chấn thương từ Asiad. Phải mất thêm một thời gian sau khi phẫu thuật, Trần Đình Nam mới có thể quay lại tập luyện như cũ.
Tại Asiad 2018, Trần Đình Nam là một trong hai VĐV Pencak Silat mang về HCV cho Đoàn TTVN cùng với Nguyễn Văn Trí. Trong trận chung kết hạng cân 70-75kg, Nam xuất sắc đánh bại võ sĩ người Malaysia Fauzi Mohd Khalid với tỉ số áp đảo 5-0. Một chi tiết đặc biệt, Fauzi Mohd Khalid chính là người đã vượt qua Nam trong trận chung kết SEA Games 2017 tại Malaysia. Và cũng ít ai có thể biết rằng, nhà vô địch sinh năm 1992 suýt nữa không thể tham dự Asiad.
"Hết tập huấn về nước thì mình lại bị chấn thương vai, rách bao khớp. Khi tới viện, các bác sĩ và chuyên gia người Singapore chỉ định phải mổ. Lúc ấy mình gần như suy sụp. Mình nói với các bác sĩ là cháu không mổ năm nay được nhưng các bác sĩ không đồng ý. Mình vẫn kiên quyết nên các bác sĩ buộc phải đổi phương thức điều trị. Gần 1 tháng mình phải nằm điều trị ở Bệnh viện Thể thao. Trước ngày lên đường khoảng 1 tháng rưỡi mình mới tập lại được" – Nam chia sẻ.
Thi đấu ngay trên thánh địa của Pencak Silat, Việt Nam phải nhận không ít phần cay đắng khi phải đấu chung kết với những võ sĩ của nước chủ nhà người Indonesia. Trước Nam, võ sĩ Nguyễn Duy Tuyến từng 3 lần vô địch thế giới cũng phải chịu thua, mà thật ra là thua... trọng tài.
Việc đụng Fauzi Mohd Khalid ở chung kết đã được anh dự liệu từ trước khi đây không phải là sân nhà của đối thủ. Tuy nhiên, hành trình tiến đến ngôi vô địch của Nam lại thật chông gai. Trước khi vào vòng 1/8 với võ sĩ Thái Lan, anh đã bị rách cơ khớp vai, đối thủ biết được điều đó và dồn sức tấn công và điểm yếu này của Nam.
Một điều đáng nói nữa, đây là lần đầu tiên, môn "quốc võ" của Indonesia được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội. Cần nhắc lại rằng trình độ Việt Nam đã vươn lên nhất – nhì thế giới từ lâu, từng nhiều lần vượt chính Indonesia tại các kỳ SEA Games hoặc giải VĐTG. Việt Nam đã lọt vào 6 trận chung kết nhưng chỉ có 2 tấm HCV của Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam mà thôi. Và cách chủ nhà Indonesia tận dụng tối đa lợi thế để giành tới 14/16 HCV ở môn này khiến nhiều người cho rằng, Pencak Silat sẽ khó cơ hội được đưa vào các kỳ Asiad sau này.
Và có lẽ còn nhiều hơn thế, tấm HCV Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam đã cho thấy sức mạnh của Pencak Silat Việt Nam ở trường châu lục. Chúng ta chỉ chấp nhận "thua" nước chủ nhà trên thánh địa của họ, chúng ta cũng có thể không tránh khỏi những bất cập của một giải đấu chưa thực sự phân minh hay cũng phải gặp những đối thủ thiếu tinh thần thượng võ.
Tấm HCV SEA Games còn thiếu
Trần Đình Nam từng vô địch thế giới năm 2015 và 2016. Và sau lần đầu trên đỉnh thế giới anh lại thua VĐV nước chủ nhà Singapore tại trận chung kết SEA Games 2015. "Đánh giải thế giới tôi thắng những đối thủ này thường xuyên nhưng về SEA Games lại thua. Bản thân tôi thường có dấu hiệu căng cứng khi đọ sức với các VĐV chủ nhà, trước trận tâm trạng bồn chồn, hồi hộp, từ đó dẫn tới các đòn đánh không chuẩn hoặc thiếu lực" - Nam chia sẻ.
Và như vậy, từ khi thi đấu giải quốc tế đầu tiên năm 2014 đến nay, Trần Đình Nam chỉ thiếu mỗi tấm HCV SEA Games là trọn bộ "sưu tập" của mình. Bởi Trần Đình Nam thua VĐV nước chủ nhà tại trận chung kết năm 2015 thì đến SEA Games 2017 tại Malaysia, anh lại một lần nữa nhận tấm HCB sau trận chung kết với VĐV của Mã.
Trần Đình Nam sinh năm 1992 tại thôn Kim Chuế, xã An Đức, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Anh là con út trong gia đình có 5 chị gái. Nam đến với thể thao khá muộn khi năm lớp 10 anh đạt thành tích cao nhất khối môn đẩy tạ. Thấy Nam có năng khiếu thể thao, gia đình đã thống nhất cho anh tham gia luyện tập tại Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh. Nam được tiếp nhận vào học môn đua thuyền nhưng đã cứng tuổi nên họ không nhận. Cùng lúc đó, có người giới thiệu vào đội bóng chuyền A1Hải Dương, nhưng lúc đó thì đội bóng đã có nhiều chuyển biến và nguy cơ giải thể cao.
Anh tiếp tục được giới thiệu tới Pencak Silat và cũng chỉ nhận 2 đến 3 tháng để thử vì đã lớn tuổi. Nắm bắt cơ hội, Trần Đình Nam lại chứng tỏ được mình, những nỗi gian truân vất vả trong thời gian đầu tập võ đã tôi rèn cho anh ý chí không bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh. Để từ đó, anh luôn là mũi nhọn của Pencak Silat Hải Dương và được gọi vào ĐT công hiến sức lực của mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Năm 2019, SEA Games 30 tại Philippinse, Pensak Silat lại không có hạng cân của 75kg của anh. Cộng với tình hình chấn thương và nếu tính toán của BHL để anh xuống thi đấu ở hạng cân bé thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức lực và phong độ của võ sĩ 27 tuổi này. Mà đối với Trần Đình Nam, mong mỏi cháy bỏng của anh vẫn là tấm HCV SEA Games còn thiếu và đó là nỗi trăn trở rất lớn của nhà vô địch Asiad.