• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đảo Phục sinh rút ra bài học sống và du lịch từ đại dịch Covid-19

Thế giới 11/08/2022 16:35

(Tổ Quốc) - Trong hơn hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, Đảo Phục sinh đã phải đóng cửa với khách du lịch. Tình hình này buộc cư dân phải chuyển sang một cách sống bền vững hơn và học lại các kỹ năng bị lãng quên.

Giờ đây, biên giới của hòn đảo được mở ra một lần nữa và người dân địa phương, bao gồm cả người dân bản địa Rapa Nui, muốn chống lại sự cám dỗ hiện tại để duy trì những lối sống đã dần được thành hình trong thời kỳ dịch bệnh.

"Đã đến lúc mà người xưa dự đoán", Julio Hotus, một thành viên của hội đồng các trưởng lão ở Đảo Phục sinh, nói với AFP.

Ông Hotus cho biết tổ tiên của người Rapa Nui đã cảnh báo về tầm quan trọng của việc duy trì tự chủ về lương thực vì nguy cơ một ngày nào đó hòn đảo này trở nên bị cô lập. Tuy nhiên, các thế hệ gần đây đã phớt lờ những lời cảnh báo đó.

Trước đại dịch Covid-19, nguồn cung cấp lương thực cho hòn đảo này hầu như chỉ do Chile cung cấp.

Đảo Phục Sinh rút ra bài học sống và du lịch từ đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân địa phương đã rút ra được nhiều điều từ đại dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Đảo Phục Sinh nằm ngoài khơi bờ biển phía tây Chile 3.500 km và nổi tiếng thế giới với những bức tượng khổng lồ có phần đầu người rất lớn - được gọi là moai.

Với dân số chỉ 8.000 người, nơi đây từng thu hút 160.000 khách du lịch mỗi năm. Nhưng vào tháng 3 năm 2020, Đảo Phục sinh đã phải đóng cửa để phòng chống dịch bệnh.

Không có khách du lịch, không có thu nhập

Olga Ickapakarati, một người dân địa phương từng kiếm thu nhập bằng việc bán những bức tượng moai nhỏ bằng đá cho khách du lịch nhưng sau khi không còn du khách nữa, bà chuyển sang làm nông nghiệp và đánh cá để tồn tại, giống như tổ tiên của bà đã sống trước khi tiếp xúc với các nhà thám hiểm châu Âu.

Bà Ickapakarati nói với AFP: "Tất cả chúng tôi không còn gì cả và chúng tôi phải bắt đầu trồng trọt".

Bà đã có được hạt giống nhờ một chương trình cung cấp hạt giống trước khi hòn đảo bị đóng cửa với thế giới bên ngoài. Nhờ số hạt giống này, bà Ickapakarati trồng rau bina, củ cải đường, rau mùi, cải thìa, cần tây, húng quế, dứa, rau oregano và cà chua. Những gì bà không ăn thì sẽ được bà chia sẻ với hàng xóm. Nhiều gia đình trên đảo Phục Sinh đều làm như vậy và cùng nhau tạo nên một mạng lưới hỗ trợ trên toàn đảo.

Bà Ickapakarati, hiện sống cùng con cháu mình, cho biết: "Tất cả người dân trên đảo đều thế này".

Tuy nhiên, việc tập trung vào cuộc sống bền vững không có nghĩa là chấm dứt hoạt động du lịch trên Đảo Phục Sinh.

Tuần trước, chiếc máy bay đầu tiên chở khách du lịch trong 28 tháng qua đã hạ cánh xuống hòn đảo. Người dân địa phương rất phấn khích với sự kiện này khi họ muốn nhìn thấy những gương mặt mới.

Nhưng hiện nay sẽ không còn đông đúc như hai chuyến bay một ngày trong thời gian trước mà sẽ chỉ còn hai chuyến bay trong một tuần, mặc dù con số này cũng sẽ dần dần được tăng lên.

Các chuỗi khách sạn lớn tại đây cũng đã quyết định đóng cửa. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đón khách du lịch nhưng tôi hy vọng rằng đại dịch đã dạy cho chúng tôi một bài học mà chúng tôi có thể áp dụng cho tương lai", ông Hotus nói.

Di sản khảo cổ đang gặp rủi ro

Một điều khác mà đại dịch đã dạy cho người dân nơi đây là họ cần nhận thức được về sự cần thiết phải chăm sóc các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chẳng hạn như nước và năng lượng, cũng như các biểu tượng moai của hòn đảo.

Được những người Polynesian Rapa Nui từ năm 1200 đến 1500 chạm khắc từ đá núi lửa, hiện có hơn 900 tượng đá moai tại hòn đảo. Các bức tượng có thể cao tới 20 mét và nặng hơn 80 tấn.

Hầu hết chúng vẫn còn nằm ở nơi chúng được chạm khắc ban đầu nhưng nhiều bức tượng khác đã được chở đến các khu vực ven biển để người dân từ trong đất liền có thể nhìn thấy, có thể là phục vụ cho các nghi lễ.

Nhưng nhiều bức tượng đã bị hư hại do mưa lớn, gió mạnh và sóng biển xô vào. Điều này đang dẫn đến nhiều lo ngại về tương lai của các bức tượng moai.

Vairoa Ika, giám đốc môi trường địa phương, cho biết: "Biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng cực đoan của nó đang khiến di sản khảo cổ của chúng tôi gặp nguy hiểm. Di sản đá này đang xuống cấp" và cần được bảo vệ.

Ông Pedro Edmunds Paoa, thị trưởng của hòn đảo cho biết: "Vấn đề với những bức tượng là chúng không còn được vững chắc như xưa".

Ông cũng nói rằng các nhà chức trách cần phải "quên khách du lịch đi" và hãy thực hiện các biện pháp bảo vệ, ngay cả khi cần phải che các bức tượng "bằng mái vòm kính" - điều sẽ khiến khách du lịch không còn được nhìn, chạm vào chúng một cách chân thực và các bức ảnh của họ sẽ không còn đẹp hoàn hảo nữa.

Ông cũng mong muốn người dân tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ưu tiên người dân địa phương khi có các công việc cần thuê người, đồng thời phục hồi tập quán của tổ tiên là nuôi dưỡng tình đoàn kết cộng đồng./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ