“Đập tan” tin đồn ngành game - đọc xong các teen yên tâm theo đuổi!

Quang Vũ | 25-05-2022 - 13:21 PM

(Tổ Quốc) - Nhiều bạn trẻ ngày nay không chỉ thích chơi game mà còn muốn học về game, khám phá quá trình làm game và tự tay làm nên game của mình. Tuy nhiên, nghề làm game (hay còn gọi là "thiết kế game" - game design) vẫn còn gặp phải nhiều định kiến chưa đúng. Bài viết này sẽ giúp các bạn giải đáp một vài "tin đồn" thất thiệt nhất!

1. Học thiết kế game ra trường khó kiếm việc lắm không?

Bạn có nhớ chiếc game Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông đã làm mưa làm gió khắp thế giới hồi năm 2013 không? Chính chiếc game này đã tạo nên xu hướng game siêu dễ (hyper-casual) trên toàn thế giới và đưa Việt Nam vào top một trong những quốc gia mạnh nhất về phát triển dòng game này.

Năm 2021, Skrollcat, một studio Việt Nam với toàn bộ ê kíp người Việt đã ra mắt game Hoa - một game 2D thuộc thể loại phiêu lưu trên các nền tảng máy vi tính và Nintendo Switch. Game cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của quốc tế và là niềm tự hào của cộng đồng game Việt Nam.

Ngành game đang là một ngành rất nhiều tiềm năng hiện nay. Với tính chất đa nền tảng, đa phương tiện, ngành game là một ngành luôn hot trong thời đại công nghệ số. Bạn có thể bắt gặp game ở bất cứ nơi đâu: trên điện thoại, trên web, trên các thiết bị cầm tay, trên máy vi tính hay thậm chí là những sản phẩm số ứng dụng game hoá (gamification). Sự phát triển song hành giữa game và xã hội đã dẫn đến việc các công ty game luôn khát nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là ở vị trí "thiết kế game".

“Đập tan” tin đồn ngành game - đọc xong các teen yên tâm theo đuổi! - Ảnh 1.

Thiết kế game - ngành nghề được nhiều công ty lớn săn đón

Theo thạc sĩ Christian Berg, nguyên chủ nhiệm bộ môn Cử nhân Thiết kế Game tại đại học RMIT Việt Nam, "hiện nay Việt Nam đang có rất nhiều lập trình viên (programmer) và hoạ sĩ (artist) nhưng lại cực kỳ thiếu các nhà thiết kế game - những đầu tàu quan trọng trong quá trình phát triển và xây dựng sản phẩm game hoàn chỉnh." Vì thế, ngành thiết kế game mang đến rất nhiều cơ hội việc làm.

2. Theo ngành game có gây nghiện game không?

Hông bé ơi! "Nghiện game" là hệ quả của việc thiếu kiểm soát thời gian cá nhân và dành quá nhiều thời gian cho hoạt động "chơi game". Theo báo cáo, trung bình một người nghiện game dành 10 tiếng đồng hồ để chơi game mỗi ngày trong một thời gian dài, dẫn đến các hệ quả về thần kinh như mất ngủ, thay đổi tính cách và hành vi.

Với một ngành nghề năng động và đòi hỏi khả năng quản lý thời gian tốt như ngành game, đây là điều khó xảy ra. Hơn nữa, theo anh Huy Trần, giám đốc phát hành game tại công ty Amanotes, các chuyên viên thiết kế game chính là những người khó bị nghiện game hơn cả.

“Đập tan” tin đồn ngành game - đọc xong các teen yên tâm theo đuổi! - Ảnh 2.

"Nghiện game" gần như không có trong từ điển của các nhà thiết kế game

"Với khả năng phân tích tốt, người làm game (và các bạn trẻ có khiếu làm game) có thể nhận ra rất nhanh các tính năng, lý do mà 1 sản phẩm game thu hút mình. Do đó, họ có thể hoàn thành việc khám phá 1 game nhanh hơn, không để game làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong cuộc sống và công việc như chúng ta lầm tưởng.", anh Huy chia sẻ.

3. Thiết kế game có giống chơi game không?

Game thường đi đôi với "chơi". Đây là một trong những băn khoăn lớn của cha mẹ vì nghĩ rằng con mình muốn theo ngành này để được "chơi game" suốt ngày. Tuy nhiên, thiết kế game và chơi game là hai mảng hoàn toàn khác nhau. Người thiết kế game là người tạo ra sản phẩm, còn người chơi game là người tiêu thụ sản phẩm.

Nói cách khác, người thiết kế game chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển game, bao gồm những công việc như định hướng cơ chế game, luật chơi và giám sát quá trình làm nên sản phẩm game hoàn chỉnh. Họ còn phải làm việc với nhiều khâu khác nhau như khâu hình ảnh và khâu lập trình để đảm bảo trải nghiệm hoàn hảo nhất cho người chơi.

“Đập tan” tin đồn ngành game - đọc xong các teen yên tâm theo đuổi! - Ảnh 3.

Thiết kế game là công việc đòi kỹ năng làm việc nhóm cao

Hơn nữa, nếu chơi game chỉ là một hoạt động thì thiết kế game là một chuyên môn có thể được đào tạo bài bản, đòi hỏi kiến thức và sự trui rèn để trở thành một chuyên gia thực thụ. Trên thế giới, thiết kế game là một chuyên ngành được nghiên cứu, được công nhận về mặt học thuật và được giảng dạy ở nhiều trường đại học danh giá như đại học RMIT của Úc.

4. Muốn học thiết kế game tại Việt Nam thì có thể học ở đâu?

Ngày 29.5 sắp tới, đại học RMIT Việt Nam chính thức bắt nhịp thế giới và ra mắt chương trình Cử nhân Thiết kế Game chuẩn quốc tế, tiên phong đào tạo nên thế hệ những nhà thiết kế game tiếp cho ngành game của đất nước.

Vậy nên, nếu muốn theo ngành thiết kế game, bạn đừng ngại ngần những định kiến và lời đồn xung quanh mà hãy tự tin theo đuổi ước mơ làm nên sản phẩm game có in dấu ấn của mình. Để có thêm những thông tin bổ ích về ngành học này, các teen có thể đăng ký tham gia chuỗi sự kiện trực tuyến ra mắt chương trình Cử nhân Thiết kế Game của đại học RMIT Việt Nam tại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM