Đầu tư thế nào trong tháng 12: Phập phồng với giá vàng, đầu tư chứng khoán cần có thêm phễu lọc chặt chẽ

(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng không còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng trên thị trường vàng.

Thời gian qua, giá vàng trong nước và quốc tế liên tục tăng, vàng trong nước vượt xa mốc 60 triệu đồng/lượng và đang "vênh" với thế giới có lúc gần 12 triệu đồng – mức chênh lệch cao kỷ lục không chỉ ở trong nước mà trên thế giới cũng không nơi nào cao đến thế.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán lại liên tục thăng hoa với VN-Index lập kỷ lục 1.500 điểm cùng dòng tiền chảy vào mạnh mẽ. Câu hỏi không ít người quan tâm lúc này là nên hành động thế nào trong tháng cuối cùng của năm 2021? TS. Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam, đã có một số chia sẻ về góc nhìn đầu tư.

PV: Theo ông giá vàng thời gian qua biến động mạnh và lên cao kỷ lục là do đâu?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Giá vàng miếng của Việt Nam hình thành trên cơ chế chấp nhận giá của thế giới. Như vậy nó chịu tác động của nhiều yếu tố như: giá vàng thế giới, tỷ giá, lãi suất, lạm phát, cung cầu thị trường và tâm lý của nhà đầu tư.

Tỷ giá và lãi suất luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát rất tốt thời gian qua nên không có nhiều tác động đến giá vàng nội địa. Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm như thế này, hai yếu tố lạm phát và tâm lý của nhà đầu tư có nhiều biến động, đẩy nhu cầu vàng lên cao trong ngắn hạn.

Về cung cầu của thị trường vàng, các cá nhân và doanh nghiệp mua vàng để làm đồ trang sức phục vụ nhu cầu cuối năm tăng lên, trong khi ở phía bán, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên vàng nhập khẩu theo đường hàng không là không nhiều. Hiện nay lượng cung vàng đến từ dự trữ và găm hàng của cá nhân và doanh nghiệp trước đây thôi, thị trường cứ lòng vòng như thế. 

Thời gian qua yếu tố tâm lý đầu cơ của nhà đầu tư xuất hiện vì e ngại lạm phát, và tôi cho rằng đây là nguyên nhân quan trọng nhất đẩy giá vàng trong nước lên cao.

Nếu giá vàng tiếp tục tăng cao sẽ gây ra rất nhiều tác động đến nền kinh tế. Thị trường vàng vốn rất nhạy cảm nên khi nó bị đánh giá quá thấp hay quá cao đều có thể dẫn đến hiệu ứng bóp méo thị trường. Nếu tiếp cận nền kinh tế từ giác độ bình ổn các biến số kinh tế vĩ mô thì chúng ta sợ nhất hiệu ứng này. Để giải quyết vấn đề này, NHNN đang kiểm soát thị trường qua công cụ hạn ngạch nhập khẩu (theo năm, theo chuyến).

Lạm phát được nhắc tới rất nhiều, cá nhân ông dự báo thế nào và lạm phát sẽ tác động ra sao tới thị trường tài chính thời gian tới?

Lạm phát trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do ba nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ có 02/11 nhóm hàng giá giảm, đó là dịch vụ ăn uống (do dịch bệnh) và giáo dục (do chính sách), 09 nhóm còn lại đều tăng, chứng tỏ lạm phát lõi đã tăng, mà lạm phát lõi tăng thì ảnh hưởng tới mức sống của tất cả với các mức độ khác nhau.

Đầu tư thế nào trong tháng 12: Phập phồng với giá vàng, đầu tư chứng khoán cần có thêm phễu lọc chặt chẽ  - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Hoàng Nam

Thứ hai, thói quen muôn thuở của người Việt Nam chúng ta là tăng tiêu dùng vào cuối năm và dịp Tết nguyên đán, thêm nữa với động thái nâng cả trần nợ công và bội chi ngân sách nên có thể nhận định lạm phát cầu kéo sẽ đến trong những tháng cuối năm.

Thứ ba là, trên thế giới, đồng USD vừa gánh chịu tỷ lệ lạm phát 6,2% trong tháng qua, cao nhất trong 30 năm gần đây; đồng EURO chịu tỷ lệ lạm phát kỷ lục sau 2 thập kỷ-4,9%. Chính vì vậy, với quy mô kinh tế nhỏ và độ mở rất lớn, nên dự báo Việt Nam sẽ phải gánh chịu thêm lạm phát nhập khẩu.

Tóm lại, từ nay đến Tết nguyên đán, nguy cơ Việt Nam phải gánh chịu cả ba loại lạm phát kể trên là hiện hữu, từ lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy đến lạm phát nhập khẩu.

Câu chuyện ở đây là lạm phát cao, cho dù mới chỉ là lạm phát kỳ vọng, sẽ tác động nhanh, mạnh đến thị trường. Nhà đầu tư cá nhân sẽ có tâm lý trú ẩn tài sản vào những tháng cuối năm này. Phản ứng thị trường đã rất rõ nét, dòng tiền gửi tiền vào ngân hàng ít đi, chứng khoán rung lắc mạnh trong vài hôm gần đây.

Lạm phát và vàng thường song hành với nhau, theo ông giá vàng liệu sẽ đi về đâu và nhà đầu tư nên hành động thế nào?

Mặc dù áp lực lạm phát thế giới và trong nước khá cao nhưng tôi cho rằng giá vàng trong nước sẽ khó tăng mạnh, trừ khi vàng thế giới có đột biến hẳn. Chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và nội địa đang ở mức quá lớn, tới 19,7%. Con số này gấp đôi so với quá khứ, chứng tỏ dư địa để thị trường này tăng trưởng không còn nhiều.

Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với biến động giá vàng. Nếu muốn nắm giữ vàng thì cần xác định tâm thế trú ẩn tài sản là chính, đừng lướt sóng ngắn mà hãy nghĩ về chu kỳ kinh doanh tiếp theo.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mới đây lập đỉnh, nhà đầu tư vẫn ồ ạt mở mới tài khoản và giao dịch sôi động, ông có lưu ý gì với nhà đầu tư lúc này?

Tôi cho rằng bối cảnh hiện nay nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nên ở lại thị trường nhưng cần tái cấu trúc chặt chẽ hơn danh mục đầu tư (dân đầu tư thực chiến còn gọi điều này là "đảo hàng") về những mã cung cấp nguyên vật liệu thiết yếu và các mã sẽ hưởng lợi trực tiếp từ giải ngân của chương trình kích cầu thì vẫn sẽ thu được lợi nhuận nhất định.

Còn nếu không, các nhà đầu cũng có thể đầu tư vào một là phân khúc hợp lý của thị trường bất động sản. Với các lớp tài sản rủi ro cao như tiền số, forex - vốn đã khiến nhiều nhà đầu tư ngậm đắng nuốt cay nhiều lần, lại không được pháp luật bảo vệ thì nhà đầu tư cần tránh hoặc vô cùng thận trọng.

Hường Hoàng (thực hiện)

Tin mới