Chia sẻ
(Tổ Quốc)- Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trên thực tế, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng.

Đẩy mạnh "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2023

(Tổ Quốc)- Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trên thực tế, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng.

Truyền cảm hứng và khát vọng cho phụ nữ

Với vai trò là đơn vị chủ trì Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã triển khai hoạt động từ trung ương tới địa phương để thực hiện Dự án hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 1.

Xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) là một trong 8 xã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm trong cả nước triển khai Dự án số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2023

Sự kiện "Xanh màu khát vọng" được tổ chức tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là một trong nhiều dự án được thực hiện nhằm đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em của Hội.

Xã Trường Sơn là một trong 8 xã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm trong cả nước triển khai Dự án thành phần số 8. Tại sự kiện, những ý kiến từ chính quyền địa phương, nhân dân tại xã Trường Sơn về việc quá trình triển khai Dự án tại địa phương. Đặc biệt những chia sẻ về sự thay đổi nhận thức, những mong muốn, khát vọng vươn lên phụ nữ và trẻ em xã Trường Sơn khi tham gia "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ tin cậy", "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng đến tất cả mọi người.

Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được Nhà nước giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì. Đây là một trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án được thiết kế chú trọng 04 nội dung can thiệp đó là: 1) Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; 2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; 3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; 4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Đẩy mạnh “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 2.

Những câu chuyện truyền cảm hứng về sự vượt lên hoàn cảnh của những phụ nữ dân tộc được kể tại Màu xanh khát vọng

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án thành phần số 8, TW Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Dự án và triển khai các hội nghị, hội thảo, tập huấn hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động cụ thể của Dự án tới các địa phương và bước đầu thành lập, vận hành được mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ tin cậy", "Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi" tại một số địa phương.

Tính đến tháng 5 năm 2023, riêng tại tỉnh Quảng Bình, địa phương được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn thực hiện điểm Dự án thành phần số 8, toàn tỉnh đã thành lập 32 Tổ truyền thông cộng đồng, 06 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi và 19 địa chỉ tin cậy. Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình chú trọng công tác tuyên truyền về Dự án thành phần số 8 trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn. Riêng tại xã Trường Sơn, Hội LNPN tỉnh đã ra mắt các mô hình địa chỉ tin cậy, tập huấn về bình đẳng giới tại hai thôn và mô hình "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại trường PTDT bán trú THCS Trường Sơn, thành lập 6 tổ truyền thông cộng đồng ở sáu bản.

Kết quả bước đầu, các mô hình thuộc Dự án đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Thông qua các "Tổ truyền thông cộng đồng" đã tuyên truyền đến bà con dân tộc Bru-Vân Kiều về các kiến thức như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; những thông tin và kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Những câu chuyện vượt lên rào cản

Tại sự kiện Màu xanh khát vọng, triển lãm cùng tên với 3 chủ đề: Chuyện về những người phụ nữ vượt lên rào cản; Chuyện tại xã Trường Sơn; Dự án 8 - Đồng hành cùng những khát vọng xanh. Triển lãm là câu chuyện về những người phụ nữ dân tộc thiểu số trên các vùng miền Tổ quốc với khát vọng vươn lên đã vượt qua mọi rào cản, tìm ra con đường riêng để khẳng định vị thế của mình trong gia đình, xã hội. Những chia sẻ chân thực về cuộc sống gia đình, gánh nặng việc nhà, sinh kế, gánh nặng của một số tập tục không còn phù hợp đem lại cảm nhận sâu sắc hơn về khó khăn, trở ngại mà phụ nữ nơi đây đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, người xem sẽ thấy được sự đổi thay, những mong muốn của người phụ nữ, trẻ em và người dân Trường Sơn trong hành trình thực hiện ước mơ, khẳng định những giá trị bản thân. Dự án 8 đã bắt đầu để khơi dậy nhiều hơn nữa những khát vọng phát triển và nhân lên niềm vui, niềm hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em tại xã Trường Sơn và trên khắp đất nước Việt Nam.

Đẩy mạnh thực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 1.

Nữ Đại biểu Quốc hội Xô Vi người Brâu, Kon Tum.

Nữ Đại biểu Quốc hội trẻ nhất ngành giáo dục: Xô Vi là người Brâu, ở Kon Tum. Ở tuổi 15, khi các bạn cùng tuổi đã lấy chồng, sinh con, Vi lại muốn được đi học. Khi bố muốn cô nghỉ học lấy chồng, cô đã nói với bố: "Con rất muốn đi học. Nếu bố bắt con nghỉ, con sẽ không ở nhà". Sau một thời gian nỗ lực học tập, Vi là người Brâu đầu tiên, duy nhất của trường nội trú trúng tuyển đại học. Hành trang học đại học là 2 chỉ vàng mẹ đi vay mượn cùng số tiền ít ỏi chung sức của dân bản. Khi tốt nghiệp đại học, cô về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.

Tháng 6/2021, Vi trúng cử Đại biểu Quốc hội, cô chia sẻ: "Tôi mong muốn mình có thể trở thành người truyền cảm hứng để những bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số cố gắng vươn lên học tập tốt. Vì chỉ có con đường học tập tốt mới thay đổi cuộc sống, xây dựng được quê hương"- Nữ đại biểu Quốc hội Xô Vi chia sẻ.

Đẩy mạnh thực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 2.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm

Một cô gái trẻ theo đuổi và thành công với niềm đam mê của mình là nữ đạo diễn xuất sắc dân tộc Tày Hà Lệ Diễm. Lớn lên ở bản Bung, Bắc Kạn, từ nhỏ Hà Lệ Diễm đã ham mê đọc sách và thích kể chuyện. Cô chọn ngành báo chí với suy nghĩ sẽ được đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều thú vị và kể cho mọi người. Năm 2017, cô bắt đầu phim tài liệu dài đầu tay "Những đứa trẻ trong sương", hàng ngàn thước phim đã được cô thực hiện trong 4 năm tại Hà Giang, kể về quá trình trưởng thành của em Má Thi Di ở độ tuổi từ trẻ con sang người lớn, về việc em vượt lên tập tục bắt vợ của người Mông… Bộ phim đoạt giải "Đạo diễn xuất sắc nhất", hạng mục "Tranh giải quốc tế" tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam-Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới và đại diện cho điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023.

Đẩy mạnh thực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 3.

Tẩn Tả Mẩy (ngồi trước) là hình mẫu phụ nữ thành công trên quê hương

Cuộc sống của chị Tẩn Tả Mẩy từ nhỏ đã gắn liền với núi rừng nên chị rất am hiểu các loại cây thuốc trong tự nhiên. Từ chỗ chỉ biết khai thác nguồn lợi sẵn có, chị Mẩy cùng các chị em đã đưa cây thuốc về trồng ở vườn nhà. Nhưng rồi chị lại xót xa trước cảnh những cây dược liệu quý phải mang đi bán rong, bị ép giá rẻ mạt, thậm chí bán không có người mua. Vì thế năm 2015, vượt lên những hạn chế về trình độ văn hóa, chị đã thành lập được HTX Cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai để cung cấp dịch vụ tắm và phát triển sản phẩm thuốc tắm theo bài thuốc gia truyền của người Dao Đỏ. Đến nay, HTX đã có hàng trăm lao động làm việc thường xuyên và liên kết, thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Thuốc tắm ngoài phục vụ khách du lịch còn được đóng chai tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và bán hàng online trên tiki, shoppee…

Chị Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh FARM là mẫu hình phụ nữ dân tộc vượt lên khó khăn, khẳng định vai trò của người phụ nữ ở địa phương.

Đẩy mạnh thực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 4.

Chị Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh FARM

"Xuất thân từ con nhà nông, tôi luôn mong muốn tạo công ăn việc làm, giúp bà con tại quê hương thoát nghèo. Trà Vinh vốn là vùng có nguồn nguyên liệu dừa đứng thứ 2 cả nước, nhưng lượng dừa bỏ đi rất nhiều, giá lại quá rẻ so với công sức của người dân bỏ ra. Đến năm 2018, tôi bắt đầu nghiên cứu về mật hoa dừa. Trong năm đầu chồng chất khó khăn, gia đình có bao nhiêu sổ đỏ tôi đem đi ngân hàng cầm cố hết để vay tiền xây xưởng, vận hành doanh nghiệp, lúc đó thua lỗ nhiều cũng rất áp lực. Nhưng cuối cùng với khát khao làm giàu cho bản thân, cho quê hương, tôi đã thành công"- chị Thạch Thị Chal Thi chia sẻ.


Đẩy mạnh thực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 5.

Chị Y Thủy, Tổ trưởng Tổ hợp tác phụ nữ dân tộc thiểu số trồng hồng đẳng sâm, xã Tu Mơ Rông, Tu Mơ Rông, Kon Tum

"Được sự giúp đỡ của Hội LHPN tỉnh, năm 2019 tôi đã thành lập Tổ hợp tác phụ nữ dân tộc thiểu số trồng hồng đẳng sâm với 20 thành viên đều là hộ nghèo và cận nghèo. Do hoạt động có sự liên kết và được tập huấn về quy trình kỹ thuật nên hồng đảng sâm đã nâng cao được giá trị. Hiện nay Tổ hợp tác đã trồng được diện tích 1,2 ha sâm dây với thời gian hơn 3 tháng hứa hẹn một vụ thu hoạch năng suất và chất lượng".



Chuyện ở xã Trường Sơn

Gánh nặng việc nhà

Đẩy mạnh thực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Bê

"Tôi phải dậy sớm để làm việc nhà và chăm con. Sau đó lại cùng chồng lên nương làm việc. Khi các con lớn hơn biết giúp mẹ thì lại bận đi học, nên tôi vẫn là người làm chính. Khi đau ốm tôi nhờ chồng nấu ăn thì hắn bảo việc đó là của đàn bà, không giúp. Tôi nghĩ mà tủi thân lắm."

Bà Nguyễn Thị Bê, 45 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình


Không được quyết việc gia đình: là câu chuyện của bà Hồ Thị Cân, 70 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Bến Đường, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình. Bà Cân chia sẻ: "Sau khi làm xong việc nhà, từ mờ sáng một mình tôi đi lên nương rẫy, còn chồng cứ ngủ đến sáng mới dậy, ăn xong lại đi đánh bạc và uống rượu. Nhưng mọi việc lớn bé trong gia đình đều do chồng tôi quyết hết. Tôi tham gia vào là ông ấy lại chửi và đánh."

Đẩy mạnh thực “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - Ảnh 7.

Bà Hồ Thị Cân

Tương tự bà Hồ Thị Cân, bà Hồ Thị Xương, 61 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Đá Chát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình thì chồng nói "đàn bà biết việc nhà là được rồi"!

"Tôi không được học hành, không biết chữ lại lấy chồng sớm nên chỉ biết làm công việc nhà, chồng ra ngoài làm nhiều nên hiểu biết hơn, quyết định việc lớn tốt hơn. Tôi nghĩ mình biết việc nhà là được rồi, mọi việc khác do chồng quyết định"- bà Hồ Thị Xương kể.

Nhiều phụ nữ còn là nạn nhân của các hủ tục. Bà Hồ Thị Con, 65 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, Bí thư chi bộ bản Bến Đường, phó Chủ tịch MTTQ xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình chia sẻ: "Sau khi chồng tôi mất được 1 năm, gia đình nhà chồng cho người sang đánh tiếng đưa tôi về làm vợ hai của em chồng. Tôi nghĩ làm sao mà lấy em chồng được, lấy người mình không yêu thật là vô lý. Việc đó còn trái luật pháp, lương tâm của tôi không cho phép".

Còn bà Hồ Thị Hồng, 58 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, Chi hội trưởng Phụ nữ bản Khe Cát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình chia sẻ: "Trong thời gian tham gia công tác Hội tại bản, tôi thấy vẫn còn rất nhiều những phong tục lạc hậu gây áp lực cho người phụ nữ. Năm 2021 có chị hội viên Hồ Thị Giang, trên đường đến trạm y tế để sinh con thì không may chuyển dạ đẻ ở một bản cùng xã. Chị Giang đã bị dân bản này bắt phạt một con trâu, bởi đồng bào quan niệm người ngoài mà đẻ ở bản mình là mang xui xẻo cho dân bản. Biết đó là tập tục nên không dễ bỏ ngay được, tôi vận động chị em trong Hội mỗi người đóng góp một ít tiền hỗ trợ chị Giang mua trâu nộp phạt".

Nâng cao hiệu quả các hoạt động

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: "Dự án 8 đề cập đến những vấn đề không mới nhưng cần có cách tiếp cận và giải pháp thực hiện mới, sự vào cuộc quyết liệt, khoa học, hiệu quả của nhiều ngành, nhiều cấp để nâng cao hiệu quả các hoạt động nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững".

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp với nhiều cơ quan liên quan để triển khai các dự án, đặc biệt là dự án 8. Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: "Cần phải triển khai dự án khẩn trương và hiệu quả nhất; cố gắng để người phụ nữ có cơ hội vươn lên làm chủ chính mình. Bởi phụ nữ giữ vai trò, vị trí đặc biệt trong gia đình, cũng như trong xã hội, chị em xứng đáng được ưu tiên nhiều hơn. Với vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ càng cần được quan tâm hơn bởi họ đang là đối tượng yếu thế nhất"./.


Hà An


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện