Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Hát Then, đàn Tính là loại hình nghệ thuật tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng miền núi phía Bắc. Để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Then, đàn Tính, những năm qua, các cấp, ngành và đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực.

Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng

(Tổ Quốc) - Hát Then, đàn Tính là loại hình nghệ thuật tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng miền núi phía Bắc. Để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Then, đàn Tính, những năm qua, các cấp, ngành và đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực.

Chiều sâu văn hóa của cộng đồng Tày- Nùng

Ngày 12/12/2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 1.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương

Hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao Bằng cho đại diện địa phương và nghệ nhân

Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng với dân tộc Tày - Nùng mà còn của các dân tộc anh em khác ở các tỉnh vùng Đông Bắc và cả nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản then tính là việc làm hết sức cần thiết, qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa quý báu của dân tộc cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tại địa phương.

Then vừa là một loại hình văn nghệ dân gian, vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian. Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc.

Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian, nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi…Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.

Hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 3.

Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc

Then xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm.  Đàn Tính được coi là nhạc cụ “hồn cốt” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, đồng bào dùng tiếng đàn Tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm...

Trong các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Tày- Nùng thường diễn ra trong 2 ngày đêm với các nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng... Trong thời gian diễn ra nghi lễ, âm nhạc luôn được biểu diễn với nhiều làn điệu phù hợp với từng phần lễ. Không gian trình diễn Then còn xuất hiện rộng rãi trong các hoạt động dân gian của cộng đồng người Nùng, người Thái ở vùng cao phía Bắc.

Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát Then- một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương... Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người, âm thanh đàn Tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 4.

Ngày nay, các làn điệu Then Tính không chỉ là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số mà nội dung của các bài Then có rất nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Ca ngợi quê hương, bản làng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền pháp luật... Qua đó, giúp bà con hiểu biết hơn, đoàn kết hơn trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Di sản góp phần quảng bá văn hóa, con người

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Việc bảo tồn các nghi lễ Then tại các địa phương có Then hiện nay đang được thực hiện rất tốt thông qua chính các hoạt động tín ngưỡng và các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính. Nhờ thế mà chúng ta có một di sản dày dặn và đã được UNESCO công nhận".

Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 5.

Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác

Ngay sau khi đón nhận Bằng ghi danh, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ có cam kết đảm bảo Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được bảo tồn, lưu giữ và phát triển tốt nhất. Các địa phương có di sản cũng sẽ xây dựng các giải pháp cụ thể để tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan, như chính sách cho các nghệ nhân, truyền dạy, chính sách hỗ trợ cho các câu lạc bộ...

Theo bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng: "Việc gìn giữ Nghi lễ Then chính là để giới thiệu quảng bá về hình ảnh con người Cao Bằng cho du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch tỉnh. Vì vậy, công tác bảo tồn Nghi lễ Then có ý nghĩa rất quan trọng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có những giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa dân tộc; xác định, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, tỉnh tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ, tổ chức hội thảo khoa học góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống cho cán bộ huyện, xã, phường, cán bộ làm công tác sưu tầm nghiên cứu, quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; mời các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc…

Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 7.

Còn ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể. Tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động để nhân dân, nghệ nhân, thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về giá trị của Di sản Then, từ đó cùng chung sức gìn giữ, bảo tồn. Tỉnh quan tâm lựa chọn địa bàn trọng điểm để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Xây dựng kế hoạch sưu tầm các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến Di sản Then. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác quản lý di sản văn hóa ở cơ sở.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện chế độ, chính sách đối với các nghệ nhân dân gian đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, những người đang nắm giữ tri thức về Di sản Văn hóa phi vật thể về Then Tày tại địa phương. Tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, quan tâm xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian; bố trí kinh phí thỏa đáng đối với các hoạt động liên quan đến bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể.

Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 8.

Liên hoan Hát Then - đàn Tính toàn quốc sẽ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ 3 năm/lần, đảm bảo thực hành Then có được môi trường nuôi dưỡng, phát triển và tìm được lớp người kế cận tốt nhất, hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Then, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Tổ chức rà soát, lập hồ sơ các nghệ nhân thực hành Then; kiểm kê chuyên đề Di sản Then, tổ chức phục dựng, bảo tồn nghi lễ Cấp sắc Then; mở các lớp truyền dạy thực hành Then tại các xã có nghệ nhân Then sinh sống. Cùng với đó, tỉnh luôn chú trọng tuyên truyền, quảng bá về Di sản Then trên các phương tiện thông tin đại chúng qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, hoạt động trong nước và quốc tế, thành lập các CLB hát Then, đàn Tính trong cộng đồng.

Hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 8.

Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Liên hoan hát Then, đàn Tính định kỳ 3 năm/ lần

Tại Hà Giang, việc nhận diện, nghiên cứu, kiểm kê tư liệu hóa di sản hát Then, đàn Tính vẫn tiếp tục được thực hiện. Trong đó, tỉnh tập trung vào các giải pháp: Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phục dựng, truyền dạy, sáng tạo và hưởng thụ không gian thực hành Then; tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, tỉnh sẽ đưa thực hành Then vào giảng dạy trong các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn có Di sản Then; mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác với tổ chức UNESCO và các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Then…

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, ngành VHTTDL đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính như: sưu tầm, ghi chép những bài Then, điệu tính gắn với đời sống sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con Tày, Nùng; sưu tầm các dụng cụ gắn liền với nghi lễ thực hành Then và hát Then cổ, trong đó, có 10 cây đàn Tính cổ đưa vào bảo tàng phục vụ công tác trưng bày, triển lãm; hằng năm, khuyến khích mở từ 3 đến 5 lớp truyền dạy dân ca hát Then, đàn Tính trong cộng đồng; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh hát Then và trưng bày cây đàn Tính tại các gian hàng trưng bày khi tham gia các sự kiện quảng bá du lịch trong, ngoài tỉnh…

Hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 9.

Hát Then phục vụ khách du lịch tại Tuyên Quang

Đặc biệt, ngành VHTTDL tỉnh cũng chú trọng bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân hát Then, đàn Tính truyền dạy sâu rộng di sản này trong cộng đồng, từ đó thành lập các CLB hát Then, đàn Tính tại các điểm du lịch như: Quỳnh Sơn, Chiến Thắng, Vũ Lăng (Bắc Sơn), Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng), Mông Ân (Bình Gia)… Nhờ đó, hát Then, đàn Tính đã được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh biết đến và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Xứ Lạng.

Nhằm tạo không gian phát triển các điệu Then, đàn Tính, tỉnh thường xuyên đưa nghệ nhân biểu diễn tại các liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc, đồng thời tạo sân chơi nhằm thúc đẩy phong trào hát Then, đàn Tính phát triển như: tổ chức liên hoan hát Then, đàn Tính các CLB tỉnh Lạng Sơn mở rộng lần I, II; đưa các nghệ nhân biểu diễn tại nước ngoài…

Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 12.

Trong thời gian qua, các địa phương có hát Then tổ chức nhiều động hoạt động tích cực để gìn giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Tày - Nùng nói chung và hát Then đàn Tính nói riêng như: Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có làn điệu Then Tính; tổ chức liên hoan hát Then đàn Tính; tổ chức các lớp học hát Then đàn Tính cho thiếu nhi trong dịp nghỉ hè, truyền dạy trong các trường nội trú…

Các cơ quan truyền thông cũng góp phần quan trọng vào việc giữ giữ bản sắc vốn quý này bằng việc sưu tầm, thu âm và thường xuyên phát sóng các làn điệu dân ca dân tộc Tày - Nùng, trong đó có làn điệu hát Then - đàn Tính.

Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng - Ảnh 13.

Ví dụ như ở Bắc Kạn, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đang duy trì phát sóng 30 phút dân ca Tày - Nùng/ngày, phát xen kẽ các bài hát Then, hát lượn trong chương trình thời sự, âm nhạc tổng hợp, phát sóng truyền địa phương hàng tuần, chương trình "tiếng tính quê hương".

Có thể nói, giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, việc lưu giữ những nét đặc sắc của cây đàn Tính – nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng đã, đang và sẽ đưa loại hình âm nhạc này phát triển hơn trong cộng đồng. Qua đó, góp phần để lời Then, tiếng Tính của đồng bào Tày Nùng cùng những làn điệu dân ca tiếp tục sống mãi với thời gian./.