Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, là loại hình nghi lễ gắn liền với các lễ thức tín ngưỡng do thầy mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường.

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới

Bài 1: Mo Mường- Một di sản văn hóa độc đáo

Nội dung mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một. Vì thế, năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ VHTTDL (Viện Âm nhạc) phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình (Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức Hội thảo khoa học Mo Mường trong đời sống người Mường xưa và nay nhằm nhận diện, kiểm kê di sản, chuẩn bị lộ trình xây dựng Hồ sơ.

Lịch sử nghìn năm của Mo Mường

Với nền văn hóa đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, quan niệm về cuộc đời mỗi con người ở các dân tộc khác nhau đều có những nghi lễ liên quan đến vòng đời như: Sinh đẻ, trưởng thành, kết hôn… Đối với người Mường, tang lễ là nghi lễ cuối cùng của cuộc đời mỗi con người mà con người chỉ được thụ hưởng khi chết. Với người Mường khi chết đi họ chuyển sang thế giới Ma bên mường Chạ Đống cùng với Tổ tiên, họ hàng bên ma. Từ những niềm tin và quan niệm trên các dân tộc sản sinh ra các thiết chế tang ma để thực hiện những nghi lễ "cần thiết" để chuẩn bị và tiễn đưa người quá cố đi đến cõi vĩnh hằng.

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới  Bài 1: Mo Mường- Một di sản văn hóa độc đáo - Ảnh 1.

Lịch sử ra đời của Mo Mường gắn với sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường

Với người Mường việc tổ chức tang lễ trong đó có các nghi lễ Mo, do các thầy Mo làm chủ tế. Đó là những nghi lễ nhằm cho con cháu lần cuối cùng được báo hiếu cha mẹ và chuẩn bị "hành trang" cho người chết đi sang thế giới Mường Ma. Đây chính là nguồn gốc cơ bản sản sinh ra Mo Mường. Bao đời qua Lời Mo được truyền dạy theo lối truyền khẩu gắn liền với con người thực hành Mo và và lưu giữ trong truyền khẩu dân gian.

Lời Mo ngày nay đa số được gọi là Mo Mường, là tập hợp các bài văn vần chức năng, được diễn xướng trong 12 đêm Mo tang lễ, trong tổ chức tang lễ cổ truyền người Mường. Các bài văn vần này được chia thành các cát Mo, hay roóng Mo, trong văn học thành văn gọi là các chương, hồi. Mỗi chương Mo có chủ đề, có mục đích sử dụng riêng cho từng đề mục nghi lễ trong một chuỗi các nghi lễ được tiến hành trong tang lễ. Trong đó có các chương Sử thi dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian… Trong dân gian Mường. mỗi một vùng Mường có lưu truyền nhiều bản Mo tuy có khác nhau đôi chút, song cơ bản vẫn tương đồng và khá thống nhất.

Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có 3 bản Mo chính, đã được sưu tầm và xuất bản có dung lượng và quy mô rất lớn. Theo nhà sưu tầm Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày mo liên tục với 115 roóng Mo và hơn 44.000 câu thơ Mo. Trong công trình Mo Mường dài 3 tập của Bùi Nợi có hơn 22.000 câu Mo. Bản Mo Mường Hòa Bình do UBND tỉnh Hòa Bình xuất bản năm 2010 có dung lượng trên 22.500 câu. Tuy nhiên chỉ có bản của Bùi Thiện đầy đủ hơn vì trong đó sưu tầm cả: Mo Vía, Mo tín ngưỡng…. Còn lại chủ yếu là sưu tầm Mo trong tang lễ. Các tỉnh khác như: Thanh Hóa, Sơn La... cũng đã sưu tầm, biên dịch và xuất bản.

Nhìn tổng thể Mo Mường chính là thể hiện nhân sinh quan, quá trình nhận thức thế giới, phản ánh thế giới quan, vũ trụ quan... của người Mường. Một bộ bách khoa thư dân gian về người Mường, do người Mường sáng tạo ra. Từng roóng có chức năng khác nhau, phù hợp cụ thể trong từng nghi lễ, trong đó có Mo sử thi đẻ đất, đẻ nước, phản ánh hoạt động lao động, sản xuất, chống chọi với thú dữ, thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại... gọi chung là Mo Sử thi Mường.

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới  Bài 1: Mo Mường- Một di sản văn hóa độc đáo - Ảnh 2.

Theo quan niệm của người Mường, Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên khi qua đời

Mo Sử thi Mường có chung những đặc điểm chung của Sử thi Thế giới, song thiên về phản ánh chân thực đời sống con người thời hồng hoang sơ sử và thậm chí cả thời Tiền sử. Các nhân vật trong Mo Mường mang dáng dấp của những con người sáng tạo văn hóa. Truyền thuyết con Chim Ây - Cái Ứa đẻ trứng trong hang đá, trứng nở ra muôn loài trong đó có con người cũng trong hang đá đó là Hang Hanh - Hang Hao. Gia đình đầu tiên của người Mường được biết đến chính là gia đình Đá Cài, Đá Cần và nàng Út Dạ Kịt ở trong hang đá… Có thể thấy những chi tiết trên đây thể hiện sự nhận thức thế giới của người Mường thời cổ xưa rất khoa học, rất thực tiễn. Các chi tiết trên đã phản ánh rất rõ trước kia con người đã có giai đoạn sinh sống trong các hang đá.

Đầu thế kỷ thứ 20 với các phát hiện và các cuộc khai quật khảo cổ học của bà Maderlen Colani đã phát hiện ra có một nền văn hóa thời Tiền sử con người từng sống trong các mái đá, hang động. Năm 1930 một thuật ngữ khoa học đã được định danh "Văn hóa Hòa Bình" rất nổi tiếng như chúng ta đã biết ngày nay. Đây là một chứng cớ khoa học khẳng định có nhiều sự kiện lịch sử phản ánh trong Mo Sử thi là có thực.

Các roóng Mo Xin Lửa, Làm nhà sàn, Mo Trâu, Đẻ gà, Kuông Đèn… Phản ánh rất rõ thuở hồng hoang khi mới ra khỏi hang xuống các vùng đất bằng, bưa bãi, chân đồi thấp để định cư, hình thành các khu dân cư. Ban đầu con người ăn sống, nuốt tươi, chưa có lửa để sưởi ấm, để nướng chín thức ăn, chưa có nhà để ở, chưa thuần dưỡng được thú hoang làm vật nuôi…Việc đi xin lửa trên trời được các Roóng Mo nhắc đến, thực chất là đi tìm hiểu, sáng tạo là "công nghệ" làm ra lửa. Các Roóng Mo mô tả kỹ việc lấy đá cặm cọt vót nhui kéo dây dang qua đáy máng cây khô, trên có đặt mui nhui, quá trình kéo đi, kéo lại làm máng cây bị ma sát nóng lên khiến mui nhui bắt lửa. Cây dâu hoang được mang về trồng, con trâu, con gà được thuần dưỡng thành vật nuôi… Tất cả chính là sự phản ánh chân thực đời sống người Mường thuở hồng hoang.

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới  Bài 1: Mo Mường- Một di sản văn hóa độc đáo - Ảnh 3.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng

Theo Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng cho đến hiện nay không ai rõ nghề Mo Mường và nghề Mo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề này đã có từ lâu lắm rồi. Đặc biệt Mo Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước ngày nay được xác định là ra đời từ rất lâu đời, kể về sự hình thành thế giới sinh ra đất và trời, sự ra đời của muôn loài, sự hình thành dân tộc Mường và các vùng cư trú của họ, sự xuất hiện nền văn minh buổi đầu thời Vua Dịt Dàng khi con người tìm ra kim loại đồng.

Thách thức bảo tồn giữa những biến đổi

Trong giai đoạn hiện nay, Mo Mường Hòa Bình đang có những biến đổi lớn bao gồm cái mới, cái tích cực và sự phục hồi một số yếu tố cũ, lạc hậu gây cản trở cho sự phát triển của cộng đồng.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng cho rằng, từ sau năm 1945 đến nay, quá trình biến đổi của Mo Mường Hòa Bình diễn ra khá phức tạp theo những xu hướng khác nhau. Mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống trong Mo bị mai một trong khi một số quan niệm mê tín, hủ tục vẫn được bảo lưu và phục hồi. Tính chất phức tạp đó không chỉ bắt nguồn từ sự vận động nội tại của Mo Mường Hòa Bình mà còn do mâu thuẫn giữa nhu cầu về Mo trong tâm thức của người Mường với sự thay đổi trong suy nghĩ của họ trước thực tiễn cuộc sống và yêu cầu từ chính sách mới về văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong giai đoạn hiện nay, Mo Mường Hòa Bình đang có những biến đổi lớn bao gồm cái mới, cái tích cực và sự phục hồi một số yếu tố cũ, lạc hậu gây cản trở cho sự phát triển của cộng đồng.

"Mặc dù vậy, bản chất và ý nghĩa của Mo trong đời sống tinh thần của người Mường không hề thay đổi. Mo vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần người Mường ở Hòa Bình. Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên khi chết", Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng khẳng định.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng

Nghệ nhân Đinh Văn En cho biết, hiện nay các nét văn hóa truyền thống vẫn được bảo lưu rất tốt trong cộng đồng người Mường tại tỉnh Sơn La đặc biệt là Mo Mường. Mo Mường bao gồm rất nhiều bài Mo, đoạn Mo được sử dụng trong từng nghi lễ.

"Theo quan niệm của người Mường, khi chết là "lên Mường Trời" vì vậy phải dùng lời Mo giúp đưa hồn người chết đi lên cõi trời. Thầy Mo là người có sức mạnh, có khả năng để dẫn dắt người chết đi được đến nơi mong muốn. Thông qua lời kể của ông Mo đã phác họa ra con đường dành riêng cho người chết, họ đi lên trời trải qua tám chặng đường gian khổ, họ phải trải qua các chặng đường sông đi thuyền trên sông, đi bộ lên tận đỉnh trời, đi gặp họ hàng đã mất ở các nghĩa địa, rồi lại trở về nhà ăn cơm rượu con cháu dâng lên. Nhận đồ đạc sau đó ra nghĩa địa nhận bàn giao đất ở", nghệ nhân Đinh Văn En cho biết.

Trong tang lễ truyền thống của người Mường, quá trình hành lễ Mo thường do hai đến ba ông Mo thực hiện (một ông Mo chính và một hoặc hai ông Mo phụ). Hiện nay, tang lễ Mường được tiến hành từ một đến hai đêm Mo nên không nhất thiết phải có Mo phụ. Trước đây, người làm Mo thường phân biệt với người làm Trượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Mo đang dần hợp nhất với Trượng và ông Mo cũng sẽ làm công việc của ông Trượng (gọi là ông Mo - Trượng).

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới  Bài 1: Mo Mường- Một di sản văn hóa độc đáo - Ảnh 5.

Ông Mo không chỉ là người đi làm lễ để nhận về một phần gạo, xôi, thịt mà ông Mo được coi là người có năng lực thông quan với thế giới vô hình và đóng vai trò làm cầu nối giữa người sống với người chết, giữa cõi sống tạm thời với cõi chết vĩnh hằng

Trong những năm gần đây, số lượng người làm Mo đang giảm dần và già hóa. Một số ông Mo đã dùng chữ quốc ngữ để ghi nhớ nội dung lời Mo. Hiện tượng "văn bản hóa" lời Mo của một số ông Mo góp phần bảo lưu vốn lời Mo nhưng cũng tiềm ẩn khả năng sẽ xuất hiện những ông Mo đọc lời Mo bằng văn bản trong tang lễ giống như nhiều thầy cúng người Việt hiện nay. Mặc dù dung lượng lời Mo đồ sộ, việc ghi nhớ rất khó khăn nhưng nếu ông Mo sử dụng văn bản Mo trong quá trình hành lễ sẽ làm giảm tính thiêng của lời Mo. Bởi vì, trong nghi lễ Mo truyền thống, ông Mo luôn phải ngâm lời Mo bằng khả năng ghi nhớ của mình.

Trong quá trình tổ chức Mo hiện nay, bên cạnh những vật thiêng (khót, khéng, quạt, mũ của ông Mo), vật thờ (cờ, đồ tư tế), vật tế (cây bông cây hoa, tờ tiền, quả còn, thúng gạo) có nguồn gốc truyền thống bản địa thì cũng xuất hiện thêm những yếu tố mới của đời sống hiện đại được du nhập từ bên ngoài vào tang lễ Mường như ảnh thờ, cúng tiền âm phủ (tiền đôla và tiền vàng),... Như vậy, Mo Mường Hòa Bình đang có những sự biến đổi về lễ vật và nghi thức thực hiện do sự tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự hội nhập của văn hóa Mường với văn hóa các tộc người khác, đặc biệt là với văn hóa người Việt do sự quần cư và giao thoa văn hóa của hai tộc người.

Thầy mo thực hiện một số nghi thức trong lễ cúng

Trong xã hội Mường trước đây, mối quan hệ giữa ông Mo và tang chủ không đơn thuần là mối quan hệ giữa người đi làm Mo và người có nhu cầu làm Mo. Ông Mo không chỉ là người đi làm lễ để nhận về một phần gạo, xôi, thịt mà ông Mo được coi là người có năng lực thông quan với thế giới vô hình và đóng vai trò làm cầu nối giữa người sống với người chết, giữa cõi sống tạm thời với cõi chết vĩnh hằng. Vì vậy, ông Mo được coi là người đi làm phúc cho gia đình tang chủ, được mọi người kính trọng và nể phục.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế thị trường đã tạo ra những thay đổi trong quan hệ giữa tang chủ và ông Mo. Hiện nay, một số ông Mo uy tín thường được nhiều nhà đám mời làm Mo nên họ lấy công cao hơn những ông Mo khác. Bên cạnh việc nhận công theo lối cổ truyền bằng xôi, thịt sống, thịt chín (rất ít ông Mo nhận), ông Mo còn được tang chủ trả thêm tiền mặt. Ở nhiều bản Mường, việc trả ông cho ông Mo được quy định cụ thể và đưa vào hương ước, buộc mọi người phải tuân theo. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình ngoài việc trả công cho ông Mo theo quy định vẫn thường có phần trả thêm để tỏ lòng thành tâm. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì phần trả thêm này khá hậu hĩnh.

Viện Âm nhạc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang tiến hành xây dựng Hồ sơ mo Mường, hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023. Có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng Hồ sơ di sản mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa và Đắc Lắc.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nhìn chung, từ sau năm 1945 đến nay, quá trình biến đổi của Mo Mường Hòa Bình diễn ra khá phức tạp theo những xu hướng khác nhau. Mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống trong Mo bị mai một trong khi một số quan niệm mê tín, hủ tục vẫn được bảo lưu và phục hồi. Tính chất phức tạp đó không chỉ bắt nguồn từ sự vận động nội tại của Mo Mường Hòa Bình mà còn do mâu thuẫn giữa nhu cầu về Mo trong tâm thức của người Mường với sự thay đổi trong suy nghĩ của họ trước thực tiễn cuộc sống và yêu cầu từ chính sách mới về văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Mặc dù vậy, bản chất và ý nghĩa của Mo trong đời sống tinh thần của người Mường không hề thay đổi. Mo vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần người Mường ở Hòa Bình. Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên khi qua đời./.

Bài 2: Bảo tồn và phát huy giá trị của Mo Mường để trở thành di sản văn hóa thế giới