Đến thăm lớp dạy đàn miễn phí của thầy giáo khiếm thị dịp 20/11

Hà Nam | 20-11-2022 - 07:55 AM

(Tổ Quốc) - Suốt 3 năm nay, những âm thanh trầm bổng, giọng hát du dương phát ra từ một lớp dạy đàn miễn phí ở Đà Nẵng đã xóa tan sự mặc cảm, tự ti cho nhiều bạn nhỏ khuyết tật.

Lớp học đặc biệt ấy nằm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, với cả thầy và trò đều là người mù, có hoàn cảnh khó khăn. Người "đứng lớp" là anh Đặng Tấn Ba (42 tuổi, quê huyện Núi Thành, Quảng Nam). Dù chưa từng trải qua trường lớp sư phạm nào, nhưng hơn 3 năm qua, bằng tình yêu và sự thấu hiểu, người đàn ông khiếm thị này đã thực sự trở thành "thầy giáo" trong mắt tụi nhỏ.

Sinh ra trong vùng quê nghèo và bị khiếm thị từ nhỏ nên sự thiếu thốn, bất hạnh là điều không tránh khỏi. Đến năm 12 tuổi, cậu bé Đặng Tấn Ba được tuyển sinh vào trung tâm. Cũng từ đó, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh.

Clip: Lớp dạy đàn miễn phí của thầy giáo khiếm thị.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 1.

Lớp học đàn miễn phí của thầy giáo khiếm thị.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 2.

Dù chưa từng trải qua trường lớp sư phạm nào, nhưng anh Ba đã thực sự trở thành "thầy giáo" trong mắt học trò của mình.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 4.

Lớp dạy đàn của thầy Ba hoạt động được hơn 3 năm nay và hiện đang có 10 học sinh, đều bị khiếm thị.

Lớp dạy đàn miễn phí của thầy giáo mù - Ảnh 5.

Tại đây, học sinh không nhìn vào bảng hợp âm như các lớp học đàn thông thường, mà các em chỉ có thể nghe từ lời nói của thầy giáo và cảm nhận vị trí các nốt bấm trên guitar từ đôi tay nhỏ bé của mình.

Xa nhà từ khi còn trẻ và bị khiếm khuyết nên hơn ai hết thầy luôn là người thấu hiểu được sự bất hạnh của các em học sinh. Vì vậy, khi được trung tâm giữ lại làm công tác hỗ trợ, anh Ba đã lập tức đồng ý.

"Nơi đây đã giúp tôi hòa nhập với cộng đồng. Cũng là người khiếm thị, hiểu được khó khăn, thiệt thòi mà các em đang gặp phải, nên tôi muốn giúp các em được học nhạc và hòa nhập với cộng đồng nhờ tiếng đàn", thầy Ba tâm sự.

Sau hơn 3 năm mở lớp, người thầy giáo này đã truyền cảm hứng âm nhạc, gieo những mầm hạnh phúc, tiếp thêm tinh thần lạc quan, giúp nhiều trẻ khiếm thị vượt qua mặc cảm trong cuộc sống,… Các bạn học sinh cũng hết mực quý mến thầy. Từ lớp học này, đã có nhiều em quyết tâm đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Hiện, lớp học đàn đặc biệt này đang có 10 em theo học. Gọi là lớp cho "oai" chứ thật ra chỉ là khuôn viên, không bàn, chẳng ghế, học sinh phải ngồi tạm trên sân khấu và lấy ánh đèn làm niềm cảm hứng.

"Tài sản của lớp chỉ có 5 cây đàn, các em phải thay phiên nhau đánh. Đó đều là đàn cũ, hỏng được người khác cho, tôi sửa lại để cho các em học. Ước mong của tôi là sẽ có thêm đàn để các em có thể học tập được tốt hơn", thầy Ba bộc bạch.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 5.

Đến với lớp học, chúng ta mới thấy được sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống của các học sinh khiếm thị.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 6.

Không bảng đen, phấn trắng, thầy trò cũng không biết mặt nhau, thế nhưng lớp học đặc biệt này khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 7.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 8.

Thầy phải cầm tay từng học trò, cảm nhận bằng thính giác để giúp các em đánh hợp âm.

Việc dạy đàn cho người bình thường đã khó, dạy cho người mù càng khó hơn. Các em không thể nhìn được hợp âm, mà hoàn toàn phải nghe qua lời dạy của thầy và cảm nhận từng vị trí nốt bấm qua đôi tay của mình. Do không thể quan sát được, nên khi các em bấm nốt nhạc sai thế tay sẽ không biết. Thầy Ba phải dạy các em những cái phản xạ, nguyên tắc riêng. Thời gian đầu, thầy phải cầm tay từng học trò, cảm nhận bằng thính giác để giúp các em đánh hợp âm.

"Có bạn mới tập được 1 - 2 tuần đã bỏ cuộc, nhưng cũng có một số bạn tập không được, tay bị run vẫn muốn học đàn khiến tôi xúc động. Mỗi phím có một thanh âm khác nhau, người khiếm thị không nhìn thấy nhưng cảm nhận âm thanh tốt, nếu luyện tập nhiều, họ sẽ nhuần nhuyễn. Tôi nghĩ đôi khi việc học đánh đàn còn là vật lý trị liệu, âm nhạc nó giống như một liều thuốc giúp các em tự tin hơn và giao lưu với mọi người xung quanh một cách dễ dàng. Nếu các em thật sự đam mê thì hoàn toàn có thể phấn đấu trở thành những người nghệ sĩ", thầy Ba nói, rồi lại miệt mài chỉ từng nốt nhạc cho các em.

Đôi tay thoăn thoắt lướt nhẹ trên những phím guitar, em Ngô Thanh Hằng (15 tuổi) hào hứng cho biết, bản thân mê đàn từ nhỏ nhưng không được ai chỉ bày. Lúc đầu, do không nhìn thấy gì nên em chưa thể nhận biết được phím đàn, thầy Ba phải nắm tay chỉ từng bước một. Từ một học sinh nhút nhát, giờ đây Hằng đã có thể đánh được những bài nhạc khó và có giọng hát cuốn hút người nghe.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 9.

Bằng sự đam mê, nhiệt tình, các học sinh tại đây đều tiến bộ rất nhanh.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 10.

Sau buổi học, thầy Ba cầm điện thoại cảm ứng đưa lên gần tai, đặt mua trà sữa theo từng sở thích của học trò để tặng khuyến khích các em.

Lớp học đàn đặc biệt của người mù - Ảnh 11.

Niềm vui lớn nhất của thầy Ba cũng giản đơn là mỗi khi có cuộc thi văn nghệ, nhìn thấy học trò trên sân khấu và hoàn thành bài hát, bản đàn là tim thầy lại rộn ràng.

Chia sẻ về người thầy của mình, Hằng cho biết, ngoài những buổi học, các em được thầy Ba chia sẻ nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Thầy còn thường xuyên tặng phần thưởng, mua đồ ăn vặt để khuyến khích các em sau những buổi học tốt. Chính vì vậy, lớp học đàn của người mù này luôn ngập tràn tiếng cười và ánh sáng.

"Trước đây, em rất tự ti vì bị khiếm thị, nhưng nhờ thầy Ba tiếp thêm động lực mà giờ đây em vững tin hơn trên con đường theo đuổi đam mê âm nhạc. Học đàn không chỉ giúp em cảm thấy yêu đời, hạnh phúc hơn, mà còn rèn luyện được sự kiên nhẫn. Em sẽ cố gắng học tốt để có cái nghề, có thể tự kiếm sống và đỡ đần cho cha mẹ ", nói xong Hằng ngân nga một bản nhạc tặng thầy: "Ai thương con như cô thầy đã thương bao ngày, tình thương cho con cao quý, mắt con bây giờ không thể nhìn được thầy cô...".

Trao đổi với PV, cô Đỗ Thị Đỗ Quyên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết: "Thầy Đặng Tấn Ba là nhân viên hỗ trợ của trung tâm. Thầy là người khiếm khuyết nên những việc làm này xuất phát từ tình thương của người thầy đối với các em. Việc làm của thầy Ba rất đáng trân trọng".