• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong văn hóa thời dịch

Thời sự 24/09/2021 11:27

(Tổ Quốc) - Ngày 31/5/1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ, mong cụ "dĩ bất biến ứng vạn biến". Nghĩa của "dĩ bất biến ứng vạn biến" được hiểu là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái tức thời, luôn thay đổi).

Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị khi soi vào bối cảnh cả nhân loại đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19.

Hơn 2 năm qua, một quãng thời gian không dài nhưng cũng không phải là ngắn, để loài người nhận thức sâu sắc về mối nguy hại cũng như di chứng đại dịch COVID-19 để lại. Dịch bệnh không chỉ gây tổn thất to lớn về người, mà nền kinh tế thế giới cũng chao đảo, kiệt quệ; mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Cùng với cuộc cách mạng về vaccine phòng COVID-19, giải pháp được nhiều quốc gia (Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ) triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan là phong tỏa, giãn cách xã hội…

Tuy nhiên, không thể cứ kéo dài mãi phong tỏa, giãn cách, khi nền kinh tế và mọi lĩnh vực đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh… Đã đến lúc cần phải thay đổi về nhận thức và hành động để thích ứng, phải tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp để vừa sống chung với dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, mà với Việt Nam là quyết tâm thực hiện cho được "mục tiêu kép".

Trong bối cảnh như vậy, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến" như thấm sâu vào suy nghĩ cũng như hành động những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành,Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm vực dậy các hoạt động cũng như hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với các lĩnh vực hoạt động của ngành.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong văn hóa thời dịch - Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật online San sẻ yêu thương – vượt qua đại dịch số 6 với chủ đề "Trung thu cho em" đã được diễn ra tại 4 điểm cầu với nhiều tiết mục đặc sắc dành cho các em thiếu nhi.

"Dĩ bất biến" với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là dựa vào nền tảng sẵn có, những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trong nhiều năm qua; dựa trên cơ sở chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của từng đơn vị thuộc ngành…, để từ đó xây dựng những giải pháp phù hợp, hiệu quả để "ứng vạn biến" với đại dịch.

Trong phát biểu chỉ đạo phương hướng hành động của toàn ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề cập tới nhiều cách làm mới, sáng tạo để thích ứng và vượt qua dịch bệnh. Bên cạnh việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách…, ngành đánh giá, hệ thống lại các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước gắn với phát triển sự nghiệp của ngành, đặc biệt là chính sách đặc thù dành cho nghệ sĩ, lao động ngành du lịch, vận động viên thể thao… nhằm huy động được nhân lực, vật lực, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển chung của ngành cũng như của đất nước.

Trong bối cảnh du lịch toàn cầu u ám, trong 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì thông qua hình thức trực tuyến. Các chiến dịch quảng bá thông qua trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội, với bộ sản phẩm "Stay at home with Viet Nam", chuyên mục "Why not Vietnam", "Vietnam - Timeless Charm"… để bạn bè thế giới thấy rằng, Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, hiếu khách. Một điểm sáng trong công tác xúc tiến, quảng bá trong bối cảnh dịch bệnh là việc chuyển hướng thị trường nhanh chóng, kịp thời. Khi du lịch quốc tế bị đóng băng, Việt Nam đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Nổi bật là các chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Kích cầu du lịch nội địa đã góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với toàn ngành, đồng thời giúp du lịch Việt Nam có thể trụ vững bằng chính đôi chân của mình.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong văn hóa thời dịch - Ảnh 2.

Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh - điểm đến hấp dẫn của du khách

Không chỉ với lĩnh vực du lịch, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, thì những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt cũng được phát huy hơn bao giờ hết. Bằng văn hóa, từ văn hóa làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam, tạo "vaccine tinh thần", tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân Việt Nam vượt qua và chiến thắng đại dịch COVID-19. Nhiều chương trình nghệ thuật ý nghĩa liên tục ra mắt công chúng trên các kênh sóng truyền hình và nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, như "Những ngôi sao bất tử", "Những mùa thu lịch sử", "Giai điệu Việt", "Giữ ấm lửa nghề", chuỗi chương trình nghệ thuật "Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch"…, kịp thời truyền tải những thông điệp ý nghĩa gửi đến nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ngành Di sản có những hoạt động ứng phó cụ thể, đáng chú ý là giải pháp ứng dụng công nghệ phát huy giá trị di sản được triển khai tại các bảo tàng, di tích như Bảo tàng Hồ Chí Minh với các trưng bày "Người đi tìm hình của nước", "Những tấm gương bình dị mà cao quý"; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chương trình tham quan thực tế ảo 3D; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D phục vụ chuyên đề bảo vật quốc gia...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, so với yêu cầu thì còn nhiều phần việc cần sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ cũng như sự nỗ lực vượt khó, chung tay của từng đơn vị, cá nhân thuộc ngành.

Đề cập một số nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường, nên các hoạt động thuộc phạm vi ngành quản lý vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường. Chính vì vậy, lãnh đạo ngành xác định cần phải chuyển hướng, tập trung vào một số vấn đề quan trọng, đột phá của ngành như thực hiện chuyển đổi số; nhân rộng các mô hình trong hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao phù hợp với thực tiễn; tham mưu xây dựng thể chế, chủ động rà soát các luật, nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực của ngành… để đề xuất, báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Với lĩnh vực du lịch là sự cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển đã được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Yêu cầu đặt ra đối với ngành Du lịch là từng bước cơ cấu lại thị trường khách, chú trọng đến thị trường nội địa, từng bước xem xét, thí điểm mở cửa du lịch quốc tế; tập trung phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch…

Về lĩnh vực văn hóa, cần phải chọn việc, chọn điểm dựa trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa. Trong đó, chú trọng việc duy trì, cải tiến và thích ứng nhanh với chuyển đổi số của bảo tàng, cùng với du lịch xây dựng tour, tuyến đến các bảo tàng để phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa lịch sử của đất nước. Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tiếp tục xây dựng các chương trình đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, phát huy giá trị của các loại hình độc đáo của Việt Nam, chú trọng xây dựng hiệu quả các chương trình, mô hình trực tuyến.

Với lĩnh vực thể thao, triển khai thực hiện các đề án phát triển thể lực, tầm vóc của con người Việt Nam, đề án thực hiện cuộc vận động học tập, rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại; các bước đột phá phát triển thể thao thành tích cao; hội nhập quốc tế trong thể thao...

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của năm 2021, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh phải tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn ngành, mà sức mạnh chính là con người, là đội ngũ những người đang đảm đương nhiệm vụ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ Trung ương đến địa phương. "Chúng ta đã từng nói vấn đề người làm văn hóa phải nhen lên ngọn lửa hồng. Cần chuyển tải thông điệp này để toàn ngành tiếp tục cùng nhau đồng lòng, đồng sức vượt khó, chiến thắng đại dịch COVID-19", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói./.


Thùy Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ