• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di tích ở Thủ đô: Không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa đến công chúng

Văn hoá 02/10/2021 16:49

(Tổ Quốc) - Dù trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều di tích ở Thủ đô không dừng hoạt động. Các đơn vị coi đây là cơ hội để đẩy mạnh nghiên cứu các giá trị lịch sử, đồng thời ứng dụng công nghệ mới để phát huy giá trị di tích, xây dựng sản phẩm mới để phục vụ du khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm mới trong giãn cách

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia đặc biệt, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi hun đúc giá trị đạo học của nước ta qua nhiều thế kỷ. Nơi đây cũng là một trong những quần thể di tích hiếm hoi được bảo tồn một cách đồng bộ không gian di tích mà điểm nhấn là hệ thống bia Tiến sĩ, Văn Miếu Môn, Khuê Văn Các, Hồ Thiên Quang…

Di tích ở Thủ đô: Không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa đến công chúng - Ảnh 1.

Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám không thể đón khách, nhưng Trung tâm đã dành thời gian này để tập trung nghiên cứu về các giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ứng dụng công nghệ mới trong việc phát huy giá trị của di tích (ảnh minh họa chụp trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội)

Trung bình mỗi năm, quần thể di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám thu hút trên 2 triệu lượt du khách. Trong hai năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Trung tâm phải đóng cửa để chống dịch, lượng khách sụt giảm. Tuy nhiên, đây là thời gian để Trung tâm triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, xây dựng sản phẩm mới để thu hút khách ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi nuôi dưỡng những giá trị truyền thống có sức sống qua năm tháng. Hiện nay, Trung tâm đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, tìm cách đưa các giá trị truyền thống đến gần hơn với khách tham quan, khai thác những giá trị phi vật thể, trừu tượng thành cụ thể để du khách có thể hiểu hơn về di tích, hiểu các câu chuyện về đạo học, chuyện thi cử..., qua đó du khách biết cách ứng xử đúng với di tích cũng như không gian văn hóa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thể đón khách, nhưng Trung tâm đã dành thời gian này để tập trung nghiên cứu về các giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ứng dụng công nghệ mới trong việc phát huy giá trị của di tích, xây dựng sản phẩm mới để phục vụ khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

"Trong thời gian tới, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử sẽ số hóa toàn bộ di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng" – ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.

Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động như tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, những người yêu thích lịch sử văn hóa của dân tộc đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về tiềm năng, giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ đó đề xuất những giải pháp để duy trì, phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, tìm hướng đi phù hợp để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một trung tâm văn hóa thực thụ.

Cũng trong thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã giới thiệu Dự án "Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện, như một câu trả lời cho việc đánh thức tiềm năng văn hóa Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dự án sẽ quảng bá các hoạt động văn hóa giao lưu tại không gian văn hóa Quốc Tử Giám, cũng như cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới công chúng. Bên cạnh các hoạt động văn hóa chung, Dự án cũng tập trung thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với người trẻ trong và ngoài nước; các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại...Những nét đẹp của văn hóa truyền thống sẽ được truyền tải đến các bạn trẻ một cách trực quan, lý thú và sinh động.

Di tích ở Thủ đô: Không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa đến công chúng - Ảnh 2.

Trưng bày trực tuyến của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nộ đem đến nhiều giá trị tinh thần cho thiếu nhi trong thời gian giãn cách

Dự án "Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám" là một lời khẳng định về sức trường tồn của "nhân, nghĩa, lễ, nhạc" trong đời sống dân tộc Việt Nam. Dự án mong muốn duy trì và tái hiện phong khí nền lịch sử giàu truyền thống của dân tộc Việt luôn đau đáu trong lòng những người có tình yêu với văn hóa Việt.

Không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa

Cùng với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà tù Hỏa Lò, các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đang trải qua quãng thời gian khá dài dừng đón khách tham quan. Đây là cơ hội để các điểm đến di sản tranh thủ thời gian tập huấn công tác chuyên môn; đổi mới, hoàn thiện các sản phẩm tham quan, trải nghiệm…, sẵn sàng đón khách trở lại.

Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách để chống dịch Covid-19, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify, giúp công chúng tìm hiểu lịch sử một cách dễ dàng, thú vị và mới mẻ hơn. Kênh phát thanh này đã thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian di tích đóng cửa.

Với mục tiêu đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng thông qua mạng xã hội, di tích đã cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên Spotify. Đây là nền tảng phát nhạc, podcast và video trực tuyến cho phép nghe nhạc và nội dung khác từ các nghệ sĩ trên khắp thế giới với hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày.

Tại Bảo tàng Hà Nội, các cán bộ, nhân viên dồn sức thiết kế, thi công khu trưng bày mẫu, với chủ đề "Thiên nhiên Hà Nội", trong đó tận dụng tối đa các biện pháp tương tác đa chiều từ hiện vật, tư liệu, bản đồ… đến phim, mô hình, tạo sức hấp dẫn cho điểm đến.

Di tích ở Thủ đô: Không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa đến công chúng - Ảnh 3.

Kênh độc quyền của Di tích Nhà tù Hỏa lò trên nền tảng Spotify

Còn Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tập trung hoàn thiện Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" vừa ra mắt công chúng trước thời điểm giãn cách xã hội, bên cạnh công tác nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, đền Ngô Quyền…

Theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến, Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" là sản phẩm mới, nên tranh thủ thời gian này, trung tâm tiến hành "tinh chỉnh" sản phẩm, trên cơ sở lắng nghe những ý kiến đóng góp của du khách.

Cùng với đó, những hoạt động thường kỳ của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội vẫn được tổ chức. Trưng bày trực tuyến với chủ đề "Trung thu sum vầy" gửi gắm những hình ảnh, câu chuyện về phong tục Trung thu truyền thống, xung quanh mâm cỗ Trung thu, ấm áp, giàu tình thân cùng những món đồ chơi trung thu đầy yêu thương mà ông bà cha mẹ dành tặng cho các bạn nhỏ mỗi mùa Trung thu về.

Trong tình hình giãn cách phòng chống dịch bệnh Covid 19, thông qua hình thức trực tuyến, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội mong muốn truyền tải đến du khách những ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu đồng thời giúp các em nhỏ và người thân của mình vẫn được trải nghiệm một mùa Trung thu sum vầy, an toàn và ngập tràn niềm vui đoàn viên.

Đóng cửa nhưng không ngừng hoạt động, các di tích ở Thủ đô đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại và không ngừng lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa đến công chúng./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ