Digiworld công phá những kỷ lục mới trong quý 4/2020, nhưng liệu niềm vui có kéo dài?

(Tổ Quốc) - Kỷ lục doanh thu và lợi nhuận, kỷ lục tiền mặt, tỷ suất sinh lời ROE lập đỉnh mới… Digiworld đã có một năm thành công rực rỡ với cơ hội từ xu hướng tiêu dùng thời 4.0 và cú huých từ Covid-19.

Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld Coporation – mã chứng khoán: DGW) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 4/2020 với doanh thu thuần đạt 4.017 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 85 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng lần lượt 61% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung năm 2020, Digiworld đạt tổng doanh thu thuần 12.535 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 56% so với năm 2019.

Kết thúc một năm rực rỡ, Digiworld thiết lập những kỷ lục mới trong hàng loạt chỉ tiêu.

Doanh thu kỷ lục nhờ sự tăng trưởng kỷ lục ở các mảng laptop, máy tính bảng và điện thoại

Tiếp nối đà đi lên từ các quý trước, trong quý 4/2020, doanh thu mảng máy tính xách tay, máy tính bảng của DGW đạt 1.199 tỷ đồng - tăng trưởng kỷ lục tới 66% so với quý 4/2019.

Covid-19 và giãn cách xã hội, làm việc tại nhà đã tạo ra cơ hội cho DGW thúc đẩy doanh số các sản phẩm này. Một phần hưởng lợi từ thị trường, nhưng một phần không thể phủ nhận, DGW đã tận dụng cơ hội mở rộng thị phần phân phối trong thời dịch bệnh từ các quý trước.

Đối với mảng điện thoại, doanh thu quý 4/2020 đạt 2.228 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với cùng kỳ và vượt 32% kế hoạch năm. Các yếu tố tạo nên sự tăng trưởng trong quý này đến từ (1) Thị trường Smartphone chung tăng trưởng cao, (2) Thị phần Xiaomi vẫn gia tăng đều đặn qua các quý nhờ sự ra mắt của Mi 10T Pro - sản phẩm "cháy hàng" trên nhiều kênh bán hàng. Ngoài ra, việc bắt đầu phân phối các sản phẩm Apple từ giữa quý 3 giúp DGW có thêm động lực tăng trưởng.

Digiworld công phá những kỷ lục mới trong quý 4/2020, nhưng liệu niềm vui có kéo dài? - Ảnh 1.

Được biết, khi Iphone 12 ra mắt vào cuối tháng 11, DGW ghi nhận tỷ lệ đặt hàng trước ở mức rất cao.

Kỷ lục tiền mặt

Tại thời điểm cuối quý 4/2020, lượng tiền và tương đương tiền của DGW tăng vọt lên con số 878 tỷ đồng. Đây là thành quả từ hoạt động kinh doanh tốt cùng việc thắt chặt chính sách phải thu đối với các đại lý. Đó cũng là sự khác biệt nổi bật trong quản trị dòng tiền của DGW so với các doanh nghiệp trong ngành phân phối hàng ICT – vốn có dòng tiền yếu với số dư tiền mặt thấp.

Số ngày tồn kho giảm kỷ lục

Giống như Q3/2020, số ngày phải thu của DGW cải thiện mạnh mẽ chỉ còn 21 ngày do DGW thắt chặt chính sách công nợ đối với khách hàng. Việc doanh thu vẫn tăng trưởng mạnh trong khi thắt chặt công nợ cho thấy vị thế của DGW trên thị trường và chất lượng quản trị tốt của công ty này.

Sự thuận lợi của thị trường đi cùng khả năng xoay vòng hàng nhanh của doanh nghiệp đã giúp số ngày tồn kho của DGW ghi nhận mức kỷ lục giảm xuống còn 19 ngày. Các sản phẩm Smartphone "cháy hàng" trong Quý này như Mi 10T, Iphone 12 gần như không hề tồn kho trong quá trình phân phối.

Trong khi đó, sức mạnh của DGW đối với nhà cung cấp cũng cải thiện đều đặn qua các năm. Các con số tăng trưởng thấy rõ khiến các nhà phân phối như Xiaomi, Apple, Asus, Acer,.. tin tưởng vào năng lực bán hàng của DGW. Do đó, chính sách công nợ của các nhà cung cấp này với DGW cũng được nới lỏng qua từng năm, giúp cải thiện năng lực kiểm soát dòng tiền của DGW.

ROE lập đỉnh mới

Sau khi xác lập kỷ lục ở Q3/2020, chỉ số sinh lời trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE) Q4/2020 tiếp tục lập đỉnh mới với 7,44%.

Ngoài các kỷ lục mới được xác lập, DGW vẫn duy trì được cấu trúc vốn vững chắc với tỷ lệ nợ vay ở mức an toàn ổn định từ 0,45 – 0,55 với bình quân chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp hơn rõ rệt so với các năm trước.

Tuy nhiên, tương lai có tiếp tục thuận lợi?

Trong báo cáo nghiên cứu của Euromonitor, quy mô thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam trong năm 2020 ước tính hơn 10.000 tỷ đồng nhờ nhu cầu học tập, làm việc tại nhà tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Giai đoạn 2020-2024, các chuyên gia cho rằng, doanh thu laptops sẽ duy trì mức ổn định trên 10.000 tỷ/năm và tăng trưởng sản lượng tiêu thụ cho kênh doanh nghiệp khoảng 1%/năm nhờ gia tăng số lượng "công nhân cổ trắng" (white-collar workers). Đây là một trong những nguồn nhân lực có nhu sử dụng máy tính xách tay để phục vụ trong công việc trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hòa nhập với sự phát triển của thế giới. Ngoài ra, chiến dịch số hóa của Chính phủ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhằm thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm ICT (bao gồm cả laptops). Cũng trong năm 2021, đà tăng trưởng của DGW ở mảng máy tính xách tay và máy tính bảng còn được còn được hưởng doanh thu cho cả năm từ hãng mới ký kết như Apple, Huawei.

Với mảng smartphones, Euromonitor dự báo sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ CAGR là 7,4%/năm giai đoạn 2020-2025, bù đắp cho sự sụt giảm mạnh về sản lượng tiêu thụ điện thoại phổ thông.

Đặc biệt, sự chuyển dịch sang điện thoại thông minh sẽ được thúc đẩy nhanh chóng do Bộ Thông Tin và Truyền Thông triển khai rất nhiều biện pháp hỗ trợ người dân trang bị smartphone, từ đó loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào mạng viễn thông 2G.

Digiworld công phá những kỷ lục mới trong quý 4/2020, nhưng liệu niềm vui có kéo dài? - Ảnh 2.

Theo lộ trình, đến quý I/2022 Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng viễn thông 2G. Ngoài ra, sự phát triển của 5G thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang điện thoại hỗ trợ 5G để tận hưởng đầy đủ data tốc độ cao. Xiaomi được coi là một trong những nhà sản xuất di động tiên phong trong việc phổ cập công nghệ mạng di động 5G mới nhất. Chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi có hỗ trợ 5G là chiếc Xiaomi Mi MIX 3 ra mắt vào tháng 5/2019 với giá hơn 15 triệu đồng. Chiếc smartphone tiếp theo của hãng hỗ trợ 5G là Mi 9 Pro 5G thậm chí còn có giá rẻ hơn, chỉ hơn 12 triệu đồng. Đây được xem là động lực tăng trưởng của DGW trong dài hạn.

Với những cơ sở như vậy, Ban lãnh đạo DGW tự tin với tiềm lực sẵn có và các động lực phát triển mới sẽ giúp DGW phát triển mạnh hơn trong năm 2021.

Ánh Dương

Tin mới