• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nghiệp gặp khó khi TP HCM bùng phát dịch

Thời sự 05/06/2021 17:01

(Tổ Quốc) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại phía Nam, nhiều địa phương đã ra các quy định kiểm soát ngặt nghèo với người lao động đến- đi từ TP HCM. Những quy định này đang gây khó cho các doanh nghiệp.

Lo ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sản xuất, lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động

Theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 4/6, từ 0h ngày 5/6, tất cả những người từ TP.HCM về hoặc đến tỉnh Đồng Nai sẽ phải cách ly y tế 21 ngày tại nhà hoặc tại các cơ sở lưu trú (có thu phí) trên địa bàn tỉnh, tính từ ngày rời TP.HCM.

Đồng thời, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 đối với người thuộc diện cách ly.

Cũng theo văn bản này, Đồng Nai yêu cầu người về hoặc đến từ TP.HCM liên hệ khai báo y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được hướng dẫn cách ly y tế theo quy định. Trường hợp không khai báo, không chấp hành sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định.

Doanh nghiệp gặp khó vì nhiều địa phương áp dụng "ngăn sông cấm chợ" khi TP HCM bùng phát dịch - Ảnh 1.

Đồng Nai nới lỏng yêu cầu lao động đến - đi từ TP HCM nhưng các doanh nghiệp vẫn lo ngại về vấn đề vận tải hàng hóa.

Trước quy định này, nhiều doanh nghiệp đã rất lo lắng bởi nhân lực qua lại làm việc giữa hai địa phương lớn và nếu các tỉnh đều quyết định như vậy sẽ rất khó cho các doanh nghiệp sản xuất. Ví dụ, doanh nghiệp tại TP HCM xuất khẩu hàng ra nước ngoài qua cảng Cái Mép thì phải qua địa phận Đồng Nai…

Trong văn bản gửi Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh ngày 4/6, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp cho hay, hiện có khoảng 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hàng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân… thuộc TP HCM để làm việc, đồng thời có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP HCM.

"Nếu thực hiện đúng theo công văn của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP HCM"- Văn bản của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM cho biết.

Trước nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, ngày 5/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản nới lỏng một số biện pháp chống dịch. Văn bản mới này yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân, người lao động đang ở TP.HCM làm việc tại Đồng Nai hoặc người Đồng Nai đang làm việc tại TP.HCM sắp xếp ở lại địa phương nơi làm việc nhằm hạn chế việc đi lại hằng ngày dẫn đến nguy cơ lây lan bùng phát dịch bệnh.

Trường hợp cần thiết phải đi về trong ngày, trước mắt UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu thực hiện một số quy định như đối với trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai; đăng ký danh sách công nhân trên từng xe; đăng ký điểm dừng đón, dừng trả công nhân trên địa bàn; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch…

Phải đảm bảo mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Theo các doanh nghiệp, mặc dù Đồng Nai đã nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch nhưng các chỉ đạo trên mới xử lý ở vấn đề đi lại của người lao động còn về vận tải hàng hóa thì UBND tỉnh chưa có chỉ đạo gì.

Đây cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp khi có các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại Long An và nhiều địa phương khác.

Theo thống kê của Sở Giao thông, vận tải TP HCM, có 44 tỉnh đã tạm dừng hoạt động vận tải đi và đến TP HCM, một số tỉnh có hoạt động nhưng đảm bảo nguyên tắc chống dịch theo quy định.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho hay, trong các chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã nhất quán yêu cầu không "ngăn sông, cấm chợ", tại điều kiện để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nếu các địa phương đều "bế quan tỏa cảng" thì hàng hóa sẽ ứ đọng, thiệt hại không kể xiết cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, có những tình huống rất cần Chính phủ giao Bộ ngành vào cuộc làm việc cùng một số địa phương, nhất là ở các khu vực có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu diễn ra lớn như tại TP HCM và các tỉnh lân cận, để xây dựng phương án/cung đường xuất nhập khẩu cho các mặt hàng chủ đạo, thiết yếu trong bối cảnh dịch bùng phát, đảm bảo không gián đoạn các chuỗi xuất khẩu, nhập khẩu quan trọng./.

Thái Linh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ