Độc đáo dự án cửa hàng thời trang tuần hoàn của nhóm bạn trẻ: “Tái sinh” đồ cũ, giảm thiểu rác thải

Minh Nguyệt | 26-08-2022 - 14:12 PM

(Tổ Quốc) - Với mục tiêu góp phần giảm lượng rác thải thời trang ra môi trường, nâng cao lối tiêu dùng tiết kiệm, dự án thời trang tuần hoàn này đã ra đời.

Tính trên phạm vi toàn cầu, mỗi năm, ngành thời trang tạo ra 92 triệu tấn vải phế liệu. Theo báo cáo Pulse of the Fashion Industry, lượng tiêu thụ quần áo dự kiến có thể tăng 63% lên 102 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Theo thống kê của Liên hợp Quốc, các nguồn nguyên liệu để sản xuất ra quần áo đều là những thứ đang khan hiếm, ví dụ để sản xuất ra được một chiếc quần jeans cần tới hơn 7000 lít nước. 

Nhìn thấy những vấn đề này, ngày càng có nhiều dự án tái chế, gia tăng vòng đời của các sản phẩm thời trang để góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang ra môi trường. Với mong muốn “góp sức” mình bảo vệ môi trường, một nhóm bạn trẻ tại Việt Nam đã sáng lập, vận hành dự án thời trang tuần hoàn có tên gọi là Urban Circular Space (UCS) giúp gia tăng vòng đời của các sản phẩm thời trang. 

Quyết định thành lập dự án thời trang tuần hoàn 

“Không gian” tuần hoàn của Urban Circular Space là một cửa hàng nhỏ nằm trên phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội được nhiều người biết đến đặc biệt là các bạn trẻ. Quản lý cửa hàng, một trong những người tham gia vận hành, quản lý dự án thời trang tuần hoàn hiện tại là bạn Trần Thúy Nga (SN 1996) thay cho founder là chị Phùng Thị Thu Hà. 

Dự án, mô hình cửa hàng thời trang tuần hoàn của nhóm bạn trẻ: Những món đồ không sử dụng được “tái sinh”, góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang - Ảnh 1.

Thúy Nga cho biết, người lên ý tưởng sáng lập dự án, mô hình cửa hàng thời trang tuần hoàn UCS này là chị Trần Thị Thu Hà - một người làm trong lĩnh vực môi trường. Bởi vậy, chị nhận thức được rất rõ việc rác thải thời trang tác động rất lớn đến môi trường nên muốn làm một dự án nhỏ để thay đổi về nhận thức và truyền cảm hứng dùng các sản phẩm thời trang có trách nhiệm với môi trường đến mọi người xung quanh.

“Dự án này bắt nguồn từ cá nhân, ban đầu chỉ là một nhóm các bạn chơi với nhau, trao đổi đồ khi không dùng đến để tránh lãng phí, dần dần phát triển với quy mô, số lượng lớn hơn. Vì bản thân ai cũng có những đồ mà mình không dùng đến, cứ để vậy thì rất lãng phí”, Thúy Nga nói. 

Mô hình Urban Circular Space giành giải nhất tại Japan Business Model Competition (JBMC - Cuộc thi Mô hình Kinh doanh Nhật Bản) tại tỉnh Niigata năm 2016, Top 10 JBMC toàn Nhật Bản năm 2017 và Top 6 Viet Startup Contest in Japan (Cuộc thi dành cho các Startup Việt tại Nhật Bản) năm 2019. Tháng 1/2020, UCS chính thức được thành lập tại Việt Nam. 

Nhóm của Nga xây dựng, vận hành dự án, mô hình cửa hàng thời trang với mục tiêu góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức về thời trang tuần hoàn, thời trang bền vững nói riêng và phong cách sống tiêu dùng tiết kiệm, có trách nhiệm nói chung. 

Dự án, mô hình cửa hàng thời trang tuần hoàn của nhóm bạn trẻ: Những món đồ không sử dụng được “tái sinh”, góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang - Ảnh 2.

Thời trang tuần hoàn giúp cho sản phẩm và vật phẩm có vòng đời sử dụng lâu nhất thông qua việc tái sử dụng và tái chế, từ đó giảm thiểu chất thải ra môi trường. 

“Thay vì để những món đồ xinh đẹp, thậm chí mới tinh bạn lỡ mua về vì những giây phút “cuồng shopping”, nằm yên trong tủ đồ và ngày càng giảm giá trị và chất lượng thì hãy ‘tuần hoàn’ lại chúng”, Thúy Nga chia sẻ. 

Quản lý UCS cho biết, mọi chi phí để vận hành dự án đều do nhóm tự chi trả, chưa xin tài trợ hay kêu gọi vốn từ tổ chức nào. Dự án hoạt động phi lợi nhuận với mục đích là tuần hoàn được các sản phẩm thời trang nhiều nhất có thể, không phải kinh doanh. Khi dự án đã có được cửa hàng riêng thì mọi hoạt động đều diễn ra tại cửa hàng. Để tiết kiệm chi phí thì các hoạt động trong nhóm đều do các thành viên tự làm và có sự hỗ trợ của người nhà, một số bạn tình nguyện viên. Các đồ dùng tại UCS đều được tận dụng từ đồ cũ, tái chế.

Gần 300 sản phẩm được “tái sinh”, 5000 sản phẩm được “sống thêm lần nữa” trong nửa năm 2022

Dự án thời trang tuần hoàn của Nga và cộng sự chủ yếu hoạt động các loại hình là trao đổi, tái chế và cho tặng. Dự án tổ chức các phiên chợ để mọi người có thể đổi, tuần hoàn các sản phẩm mà mình không dùng, để nhận lại các sản phẩm phù hợp hơn, cần dùng đến. Các nguồn sản phẩm lỗi, hỏng sẽ được các thành viên tái chế chế thành các sản phẩm như: túi xách, móc khóa, thảm, gối… Tại cửa hàng cũng là nơi hoạt động chủ yếu của nhóm có tủ đồ cho tặng trực tiếp, tặng miễn phí sản phẩm thời trang cho người cần. Ngoài ra, nhóm cũng phối hợp với các tổ chức thiện nguyện, thu gom, gửi tặng quần áo cho những người dân, trẻ em ở vùng cao hay những đơn vị cần quần áo. 

Dự án, mô hình cửa hàng thời trang tuần hoàn của nhóm bạn trẻ: Những món đồ không sử dụng được “tái sinh”, góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang - Ảnh 3.

Thúy Nga cho biết, mới đầu, nguồn sản phẩm để tuần toàn, quần áo đầu vào chỉ là quần áo của các thành viên trong nhóm và người thân bạn bè góp vào. Sau nhiều người biết đến UCS hơn thì mọi người gửi đồ quyên tặng. 

Trong quá trình vận hành mô hình thời trang tuần hoàn này, Nga và những người cộng sự của mình gặp phải nhiều khó khăn. “Mới đầu khi UCS đi vào vận hành, chúng mình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, và nhiều bạn chưa hiểu rõ về thời trang tuần hoàn”, Nga chia sẻ.

“Hoạt động cá nhân vậy nên chi phí hoạt động, duy trì dự án, các thành viên đều phải tự lo. Trong 2 năm hoạt động, ảnh hưởng của dịch doanh thu không đủ chi trả cho các hoạt động phi lợi nhuận của cửa hàng. Chúng mình có gặp chút khó khăn trong quá trình tìm kiếm các đơn vị cá nhân, tổ chức để quyên tặng đồ. Vì không phải đơn vị nào cũng hoạt động, thu gom được đồ ở Hà nội. Đầu ra cho các sản phẩm tái chế cũng gặp nhiều hạn chế”, quản lý dự án nói thêm. 

Dự án, mô hình cửa hàng thời trang tuần hoàn của nhóm bạn trẻ: Những món đồ không sử dụng được “tái sinh”, góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang - Ảnh 4.

Tính từ khi thành lập đến nay, dự án thời trang tuần hoàn UCS ước tính đã tái chế và tuần hoàn lại khoảng gần 300 sản phẩm lớn nhỏ tưởng chừng đã không còn sử dụng được. Nga cho biết, vì đa số các sản phẩm được làm thủ công bằng tay, từ chính các thành viên của dự án nên số lượng không nhiều. Sau dịch khoảng 1 tháng trở lại đây UCS cũng mới làm lại các sản phẩm tái chế. 

Với các sản phẩm tuần hoàn, theo báo cáo tính từ đầu năm đến nay UCS đã tuần hoàn được trên 5000 sản phẩm  bao gồm cả đồ bán và trao tặng). Đặc biệt trong các tháng hè gần đây đã chiếm đỉnh điểm gần 1000 sản phẩm. 

Lan tỏa tinh thần tuần hoàn, tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng

Sau gần 3 năm hoạt động, nhóm của Nga và cộng sự nhận được sự ủng hộ và quan tâm của các đối tượng khách hàng rất cao. Những lời động viên chia sẻ từ những người tặng đồ để tái chế, tuần hoàn hay những lời cảm ơn từ các bạn nhận được đồ tặng của dự án ngày càng tăng lên.

Nga cho biết, dự án thời trang tuần hoàn UCS đã thật sự giúp giảm tải lượng rác thải, tiết kiệm không gian cho những loại rác không thể tái chế khác. Đây cũng là cầu nối để mọi người có thể tuần hoàn các sản phẩm thời trang, giúp các cá nhân, tổ chức kêu gọi quyên góp đồ đến được tay những người thực sự cần. Đồng thời, dự án đã lan tỏa tinh thần tuần hoàn, tiết kiệm, tái chế tái sử dụng, từ đó bảo vệ môi trường sống. 

Dự án, mô hình cửa hàng thời trang tuần hoàn của nhóm bạn trẻ: Những món đồ không sử dụng được “tái sinh”, góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang - Ảnh 5.

Bản thân là người gắn bó và điều hành dự án thời trang tuần hoàn trong suốt mấy năm nay, Nga và những người cộng sự hiểu và ý thức hơn về vấn đề thời trang tác động đến môi trường như thế nào. Ý thức hơn khi sử dụng các sản phẩm thời trang, kéo dài vòng đời. 

Quản lý dự án thời trang tuần hoàn mong muốn rằng, chính các hoạt động của dự án cũng giúp mọi người có một nhận thức hơn khi mua các sản phẩm thời trang, ủng hộ thời trang bền vững thay vì thời trang nhanh. 

Dự án thời trang tuần hoàn của Nga và những người bạn luôn hoạt động với phương châm: “Nếu bạn mua quần áo cũ, hãy đảm bảo rằng mình không tiêu dùng quá mức. Nếu bạn mua thời trang nhanh, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng tối đa công năng của nó. Nếu bạn mua quần áo bền vững, hãy chắc chắn rằng bạn tiêu tiền một cách khôn ngoan”.

Ảnh NVCC

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM