"Đuổi" các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, phố Wall mới là nạn nhân

(Tổ Quốc) - Một giáo sư Harvard cho biết phố Wall sẽ tiến hành vận động hành lang nhằm chống lại dự luật cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Nỗi đau thuộc về người Mỹ

Giữa làn sóng chống Trung Quốc gia tăng, Thượng viện Mỹ, hồi tháng trước, đã thông qua dự luật mà về cơ bản, có thể cấm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ.

Tuy nhiên, Jesse Fried, giáo sư trường luật Harvard, cho rằng dự luật này không chỉ gây phản ứng ngược với các nhà đầu tư Mỹ mà còn làm tổn thương phố Wall. Điều này đồng nghĩa với việc ngành tài chính Mỹ sẽ tiến hành các cuộc vận động hành lang nhằm chống lại dự luật được Thượng viện Mỹ, nơi do người Cộng hòa kiểm soát, thông qua.

Tuy không nhắc đến Trung Quốc nhưng dự luật của Mỹ yêu cầu các công ty nước ngoài hoặc bị chính phủ nước ngoài kiểm soát phải chịu sự kiểm toán của các nhà quản lý Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Nếu không đáp ứng đòi hỏi này, họ sẽ bị cấm trên các sàn giao dịch hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ.

"Tôi nghĩ về mặt bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ, dự luật này sẽ phản tác dụng nếu được thông qua thành luật", Giáo sư Fried cho hay. Lấy ví dụ cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba, ông Fried cho rằng nhà đầu tư Mỹ sẽ lỡ cơ hội ở cổ phiếu này khi nó bị cấm giao dịch trong 3 năm tới.

"Theo quan điểm của tôi, Trung Quốc sẽ khó lòng cho phép việc kiểm toán diễn ra trên đất Trung Quốc đại lục. Những động thái này sẽ khiến giá cổ phiếu giảm và tạo cơ hội cho chủ sở hữu tư nhân hóa các doanh nghiệp này với giá thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể chọn niêm yết tại những nơi khác, chẳng hạn như Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, để lấp khoảng trống ở sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Đó là lý do tôi nghĩ dự thảo luật này sẽ phản tác dụng khi thành luật", ông Fried cho hay.

Theo ông Fried, những mất mát với các nhà đầu tư Mỹ là không thể gỡ gạc, nhất là khi những doanh nghiệp này trở về Trung Quốc. Những tổn hại về tài chính sẽ khiến phố Wall đứng lên phản đối dự luật này của Mỹ. Cơ hội của họ nằm ở Hạ viện, nơi đảng Dân chủ vẫn đang kiểm soát.

"Phố Wall sẽ vận động hành lang để ngăn chặn nó, nhất là khi thị trường tài chính Mỹ kiếm được rất nhiều từ việc niêm yết của các công ty Trung Quốc. Họ có thể gia tăng áp lực để Hạ viện bác bỏ luật này", Giáo sư Fried cho biết nhưng cảnh báo tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng nên mọi người có thể khó mà khước từ được dự luật này.

Tâm lý chống Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng ở Washington trong những năm gần đây, cả ở đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong những tháng qua, tâm lý này bùng lên mạnh mẽ bởi cuộc chiến thương mai tới nguồn gốc virus corona cũng như gần đây nhất là việc Bắc Kinh chấp thuận soạn thảo Luật an ninh Quốc gia dành cho đặc khu hành chính Hồng Kông.

"Nếu Hạ viện thông qua, tôi không đoán được ông Trump sẽ làm gì. Ông Trump có thể muốn nhằm vào Trung Quốc nhưng lợi ích mà nó mang lại cho thị trường chứng khoán Mỹ cũng là điều ông Trump rất quan tâm. Ông Trump chắc chắn không muốn thấy các doanh nghiệp này chạy sang Hồng Kông, London hay trở về Trung Quốc đại lục để niêm yết.

Trung Quốc cảm thấy hài lòng

Trong khi đó, Trung Quốc dường như chẳng mấy mặn mà với việc giữ các doanh nghiệp của họ trên sàn chứng khoán Mỹ. Trong khi các công ty Trung Quốc chuộng niêm yết ở Mỹ vì uy tín, Giáo sư Fried nói rằng bắc Kinh không đặc biệt quan tâm tới việc duy trì điều này. Trung Quốc muốn phát triển sàn giao dịch chứng khoán của riêng mình và sẽ rất tốt nếu Alibaba niêm yết ở Thượng Hải hoặc một sàn giao dịch khác của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đang nỗ lực để các doanh nghiệp lớn nhất của họ niêm yết tại quê nhà thay vì đi ra nước ngoài. Năm ngoái, Trung Quốc ra mắt một sàn giao dịch mới theo phong cách NASDAQ với cái tên STAR Market. Nếu luật của Mỹ được thông qua, Trung Quốc chắc chắn sẽ không mấy phiền lòng mà ngược lại, họ sẽ nắm bắt lấy cơ hội hiếm có này.

Trong những năm gần đây, Hồng Kông cũng gia sức tăng sức hấp dẫn của mình thông qua việc xây dựng thị trường niêm yết thứ cấp cho các công ty Trung Quốc. Nó cũng dễ dàng hơn trong việc cho phép các công ty công nghệ sinh học không có doanh thu và lợi nhuận được IPO trên sàn giao dịch của mình.

Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hết sức căng thẳng. Khi hậu quả của cuộc chiến thương mại còn chưa kịp bị đẩy lui, những cuộc khẩu chiến liên quan tới nguồn gốc của virus corona hay bất đồng xung quanh việc Bắc Kinh cho phép soạn thảo luật An ninh quốc gia với Hồng Kông đang đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung vào vòng xoáy căng thẳng.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang muốn truy trách nhiệm Trung Quốc vì những vấn đề đang diễn ra ở Mỹ. Tìm được người "có lỗi" trong việc bùng phát đại dịch Covid-19, vốn làm hơn 105.000 người Mỹ thiệt mạng, sẽ là cách tốt để ông Trump có thể tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới. Ông Trump hiện đang bị đối thủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, dẫn trước trong một số cuộc thăm dò.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Tin mới