Chia sẻ
(Tổ Quốc)- Cần ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, hạ tầng kết nối. Khi hạ tầng được hoàn thiện, sẽ tạo nền tảng để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thu hút được nhiều hơn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.

(Tổ Quốc)- Cần ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, hạ tầng kết nối. Khi hạ tầng được hoàn thiện, sẽ tạo nền tảng để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thu hút được nhiều hơn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn vốn quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của của đất nước. Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thuộc những vùng khó khăn, địa bàn rộng song lại có khá nhiều tiềm năng có thể khai thác (nông - lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch sinh thái...). Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm, và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Do vậy, thu hút đầu tư nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng cho các tỉnh miền núi không những góp phần giảm bớt khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước mà còn thúc đẩy việc thực hiện chủ trương phát triển miền núi tiến kịp miền xuôi.

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 1.

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách để thu hút vốn FDI cho địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS. Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nêu rõ, xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với Nghị quyết 50, các vùng kinh tế trọng điểm có đông đồng bào DTTS sinh sống dang có cơ hội thu hút đầu tư từ các nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị khóa XIII. Với vùng Trung du và miền núi phía Bắc là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022; vùng đồng bằng sông Cửu Long là Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022; Tây Nguyên là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022.

Thời gian vừa qua, cùng với chính sách của TƯ, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng trải thảm đỏ để thu hút đầu tư với những chính sách riêng của mình. Đây là nền tảng để chắp cánh cho các địa phương phát triển hạ tầng giao thông, phát triển KT-XH tại các địa bàn còn nhiều khó khăn.

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 2.

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam, đứng thứ 5 về diện tích trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước. Sơn La giáp các tỉnh Yên Bái, Lào Cai về phía Bắc, Phú Thọ, Hòa Bình về phía Đông, Lai Châu, Điện Biên về phía Tây, tỉnh Thanh Hóa về phía Nam, và có 250 km đường biên giới chung với nước CHDCND Lào.. Khí hậu đặc trưng cận ôn đới, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.

Tỉnh Sơn La có độ cao trung bình 600 m - 700m so với mặt nước biển, địa hình chia cắt hình thành 3 vùng sinh thái khác nhau: Vùng dọc trục quốc lộ 6, vùng hồ sông Đà và vùng cao biên giới với những điều kiện sinh thái khác nhau đã tạo nên đặc trưng của tỉnh Sơn La. Trong đó vùng dọc quốc lộ số 6 có hai cao nguyên: Mộc Châu (cao 1.050 m) và Nà Sản (cao 800 m) là vùng động lực phát triển kinh tế năng động nhất của tỉnh Sơn La trong thời gian qua.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài được chính quyền, đảng bộ tỉnh Sơn La rất chú trọng. Đến nay địa bàn tỉnh Sơn La có 08 dự án FDI đã đăng ký và đang hoạt động tại địa bàn, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 18.160.000 USD. Trong đó có 07 dự án FDI đăng ký ngoài Khu công nghiệp, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 17.710.000 USD; 01 dự án FDI đăng ký trong Khu công nghiệp Mai Sơn, với tổng mức vốn đăng ký là 450.000 USD. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia với các lĩnh vực đầu tư gồm sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản.

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 3.

Hoàn thiện hạ tầng sẽ tạo nền tảng để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thu hút được nhiều hơn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước

Ngoài ra, UBND tỉnh đang tăng cường công tác xúc tiến mời gọi, giới thiệu thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tỉnh Sơn La cũng đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La bao gồm: 367 dự án (trong đó: Lĩnh vực Nông nghiệp: 102 dự án, Lĩnh vực Công nghiệp: 26 dự án, Lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch: 122 dự án, Lĩnh vực Y tế: 01 dự án, Lĩnh vực Giáo dục: 07 dự án, Lĩnh vực kết cấu hạ tầng: 03 dự án, Lĩnh vực Môi trường: 06 dự án, Lĩnh vực Cấp nước: 08 dự án, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp: 15 dự án, Lĩnh vực phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư: 77 dự án).

Tỉnh Sơn La cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án theo quy định hiện hành. Tăng cường các biện pháp, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La, cho biết: Đến nay, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch làm cơ sở triển khai nhiệm vụ thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, địa bàn và phân vùng phát triển kinh tế của tỉnh đã hoàn thành. Các sở, ban, ngành phối hợp lập quy hoạch chi tiết đô thị, nâng cao tỷ lệ phủ kín các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng để thu hút, triển khai các dự án khu đô thị tại trung tâm các huyện, thành phố.

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 4.

Để thu hút FDI, chính quyền các địa phương cần đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn

Còn tỉnh Cao Bằng, mới đây địa phương này cũng đã tổ chức Hội nghị "Giới thiệu Cao Bằng: Điểm đến - Kết nối và phát triển". Sự kiên này nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh Cao Bằng đến các cơ quan, đại diện tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, từ đó giúp Cao Bằng mở rộng hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác thiết thực, thể hiện mong muốn, quyết tâm hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn nữa của tỉnh trong việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra.

Với ưu thế đường biên giới dài trên 333km, giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, tỉnh có mạng lưới các cửa khẩu quan trọng và nhiều lối mở, đường mòn qua lại biên giới hai nước. Thêm vào đó, tỉnh còn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn như sắt, chì, kẽm, vật liệu xây dựng.. và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như lê, thạch đen, hạt dẻ, gạo nếp, quýt, trà…

Được thiên nhiên ưu đãi, Cao Bằng có nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ không chỉ mang giá trị đa dạng sinh học, di sản, địa chất, địa mạo độc đáo mà còn có nhiều di tích lịch sử khảo cổ học nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén…

Ngoài ra, Cao Bằng còn có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc với 27 dân tộc anh em, chiếm khoảng 95% dân số toàn tỉnh, với những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, phong phú, ẩm thực đa dạng, tạo nên sự giao thoa, hình thành văn hóa dân tộc bản địa, trở thành nét đặc trưng của vùng đất Cao Bằng.

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 5.

Phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hướng đến xuất khẩu là một thế mạnh

Những điều kiện thuận lợi trên giúp tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc triển khai những trọng tâm đột phá, bao gồm đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, giúp Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía bắc; phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hướng đến xuất khẩu; phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi Trung Quốc, Kazakhstan sang các nước châu Âu và ngược lại.

Tỉnh Cao Bằng cũng đã ban hành Quyết định số 1452 ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022-2025, với 102 dự án trong các lĩnh vực phát triển đô thị, giao thông, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực yếu, quy mô kinh tế còn nhỏ, tiềm năng, lợi thế chưa được khai mở. Chính vì vậy, Cao Bằng sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức đến khảo sát các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, kinh tế biên mậu, qua đó thu hút được nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù như hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, miễm giảm tiền thuê đất, sử dụng đất…, thành lập các và duy trì các tổ công tác tiếp nhận và hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư

Trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện cải thiện môi trường đầu tư theo hướng công khai minh bạch, rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Cao Bằng khảo sát, cũng như giải quyết kịp thời các vướng mắc.

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 6.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước song quy mô còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 8 - 9% GRDP cả nước). Chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước, đây vẫn là "vùng trũng", "lõi nghèo" của cả nước (tỷ lệ nghèo đa chiều của vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước).

Theo TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), hiện trình độ phát triển giữa các địa phương trong cả nước còn khác nhau, nên cần thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng miền phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ quan tâm hệ thống chính sách, độ mở của chính sách với nhà đầu tư và môi trường xã hội chung, không có biến động chính trị. Theo đó, bên cạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng, các địa phương trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cũng cần chú trọng đến các chính sách ưu đãi đầu tư.

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 7.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên

Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, để tăng sức hấp dẫn cho thu hút đầu tư, người đứng đầu địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng, cùng với đó, những chính sách thu hút FDI cũng cần phải được địa phương chú trọng.

Triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tới đây sẽ ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, hạ tầng kết nối, nhất là các tuyến giao thông theo trục dọc, ngang, tạo thành mạng lưới liên thông giữa các địa phương trong vùng và kết nối với các cửa khẩu, cảng biển, sân bay. Khi hạ tầng được hoàn thiện, sẽ tạo nền tảng để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thu hút được nhiều hơn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện một số chính sách nhằm phát huy các thế mạnh của vùng, nhất là cơ chế đặc thù ưu đãi thỏa đáng để thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vào một vùng có sức hấp dẫn và cạnh tranh thấp so với cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư – Coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó phải nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số...

FDI ở trung du miền núi phía Bắc: Dư địa nhiều nhưng vẫn cần những cú huých mạnh mẽ - Ảnh 8.

Một số dự án FDI lớn ở vùng trung du miền núi phía Bắc

 

Thái Bình
Bạch Dương
Bảo Trung