Ra mắt nhà người yêu với "combo hoàn hảo" nhưng vẫn gặp kết cục đắng chát: Đừng mắc sai lầm để tránh trở thành nhân vật "đi vào truyền thuyết"

(Tổ Quốc) - 2 câu chuyện dưới đây là 1 ví dụ điển hình về những sai lầm trong cách suy đoán mà chúng ta cần tránh khi bước vào thử thách "vượt chướng ngại vật".

Mô tả câu chuyện: Hải luôn cảm thấy mình "lệch" so với cô bạn gái về các phương diện, đặc biệt là hoàn cảnh, xuất thân. Thế nên anh ra sức tấn công phụ huynh để lấy lòng. Hải chăm đi thể dục với bố vợ tương lai. Thi thoảng "bố con" lại rủ nhau làm vài cốc bia, đánh mấy ván cờ. Vậy là từ thành kiến, ông lại quý và ủng hộ Hải ra mặt. Thế nhưng, mới gần đây anh vô tình nghe được bố mẹ người yêu to tiếng, còn mắng cô ấy là "dại dột, không biết chọn chồng". "Tôi tuyệt đối không bao giờ đồng ý, nó là dân công trình, nay đây mai đó rồi con mình chỉ khổ cả đời", mẹ bạn gái đã dùng mọi lý lẽ để lấn át cả nhà. Mấy hôm nay bố cô ấy cũng "lạnh nhạt" với Hải dần. Chẳng nhẽ mối tình này tan theo mây khói sao?

Câu hỏi: Sai lầm khi "đặt nền móng" mối quan hệ với phụ huynh của người yêu là gì? Làm thế nào để khắc phục sai lầm ấy?

Những câu chuyện về ra mắt, "vượt ải" phụ huynh khi yêu được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Nhưng đôi lúc thực tế lại không giống như chúng ta tưởng tượng và các bí kíp lại phản tác dụng nếu không được "thực hành" đúng cách.

2 câu chuyện dưới đây là 1 ví dụ điển hình về những sai lầm trong cách suy đoán mà chúng ta cần tránh khi bước vào thử thách "vượt chướng ngại vật".

Câu chuyện thứ nhất

Khang - 25 tuổi, đã trải qua 2 mối tình. Bước vào mối tình thứ 3 anh cũng khá nghiêm túc nghĩ đến chuyện chung thân đại sự. Chính vì vậy Khang đã sửa soạn 1 "tâm hồn đẹp" để về ra mắt gia đình người yêu.

Tranh minh họa

Ngoài sự hình dung của anh chàng này, bố mẹ người yêu trong ấn tượng của Khang cực kì "thanh niên tính". Hôm ấy anh mang 1 giỏ hoa quả cùng 1 chai rượu biếu bố người yêu. Nhà cô ấy tổ chức ăn lẩu, có thêm 2 người bạn của bố cô ấy tham gia.

Ngay trên bàn nhậu, bố bạn gái tuyên bố: "Đã cùng mâm là coi nhau như anh em chiến hữu". Vậy là Khang được dịp "bung xõa", thể hiện hết mình và coi bố vợ tương lai như cây đa để bấu víu, hẹn hò đi uống cafe, đi câu cá, đi xem bóng đá...

Hôm ấy đúng là vui quên trời quên đất, Khang tưởng mình đã ghi điểm trong lòng phụ huynh nhưng không. Anh bị bạn gái mắng 1 trận té tát còn cho đọc tin nhắn mẹ cô ấy gửi: "Mẹ cấm con không được tiếp tục yêu cái đứa bợm nhậu thế này đâu nhé. Lần đầu tiên gặp nhau còn thế, sau này lấy về nó ham vui nó cứ say tối ngày còn biết gì đến vợ con nữa. Nhìn bố mày mà ra đấy, bữa cơm mà cả tiếng đồng hồ, rồi chỉ khổ mẹ".

Giờ Khang mới thấy mình dại dột, lẽ ra cần thể hiện bản lĩnh thì anh lại "tát nước theo mưa", cứ nghĩ đứng về phe bố vợ tương lai là hay, ai ngờ "nóc nhà" bạn gái lại to quá.

Sai lầm: Người đàn ông trụ cột trong nhà là người cần tạo ấn tượng tốt nhất. Vì chồng thường có tiếng nói, lời bố nói với con gái cũng có uy lực hơn mẹ.

Sự thật: Các bà mẹ thường sẽ là người để tâm sự và cho lời khuyên về vấn đề tình cảm. Mẹ thường gần gũi với con gái hơn, có kinh nghiệm sống và cách nhìn người cũng cặn kẽ hơn nên sẽ đưa ra lời khuyên kĩ lưỡng. Ghi điểm với mẹ vợ tương lai là điều cực kì sáng suốt.

Câu chuyện thứ hai

Nhi đã bước vào cái tuổi mà người ta thường gọi là "ế". May mắn thay cô cũng gặp được 1 anh chàng hiền lành, chịu khó kém cô 2 tuổi. Nhi đã 28 mà bạn trai lại chỉ 26 - cái tuổi còn phải phấn đấu chứ chưa cần thiết lập gia đình.

Ngày về ra mắt, Nhi ra sức lấy lòng bố mẹ anh. Cô tỏ ra dịu dàng, chu đáo để ghi điểm tuyệt đối. Nhi chủ động vào bếp nấu cơm, thể hiện hết tài năng. Ăn xong cô cũng tự mang bát đi rửa, úp gọn gàng vào từng tủ đồ. Mẹ bạn trai gật gù tấm tắc, nói cô nhanh nhẹn, hiểu chuyện nhưng có vẻ bố anh lại không "ưng bụng" lắm.

Sau hôm ấy, mẹ anh nói Nhi cứ cuối tuần rảnh sang chơi với bà, nhà neo người. Cứ nghĩ gần gũi mẹ chồng tương lai là ổn thỏa nhưng ai dè bố bạn trai mới là cửa ải lớn. Bởi như anh nói, bố anh là người có xu hướng hơi gia trưởng, nghĩ gì cũng không trực tiếp nói ra mà người khác phải tự biết ý.

Đến lúc nghe trộm bạn trai với mẹ anh ấy nói chuyện Nhi mới biết bố chồng tương lai chê cô nhiều tuổi hơn con trai mình, lại "tự nhiên, bạo dạn" quá nên ông không thích lắm. Quan trọng bố anh ấy cũng chưa muốn con trai mình cưới ngay bởi còn trẻ, nên vững sự nghiệp trước. Đen cho Nhi là bố anh khá khó tính chứ không như mẹ anh.

Tranh minh họa

Và cũng phải mất 1 thời gian sau cô mới khiến bố bạn trai hiểu được những mặt tốt của mình.

Sai lầm: Nghĩ xung đột hôn nhân sau này từ mẹ chồng mà ra nên cần lấy lòng mẹ chồng trước. Đàn ông có thể ít để ý và dễ tính hơn, không xét nét như phụ nữ.

Sự thật: Đôi khi có những gia đình mà bố, ông mới là người có tầm ảnh hưởng nhất. Ví dụ với mẫu phụ nữ truyền thống, chỉ ở nhà nội trợ chăm chồng con thì mẹ chồng cũng chẳng có tiếng nói bằng 1 ánh nhìn của bố chồng.

Tạm kết

Tại sao chúng ta lại nghĩ đến việc phải ra sức lấy lòng 1 ai đó trong nhà người yêu để mối quan hệ với người thân anh/ cô ấy sẽ tốt đẹp hơn?

Mỗi người đều sinh ra và lớn lên trong những môi trường sống khác nhau, ít nhiều bị ảnh hưởng tính cách, quan điểm từ cha mẹ mình. Và 1 người hoàn toàn mới như bạn không thể hiểu hết về họ chỉ trong vài lần gặp gỡ. Nên lấy lòng ai cũng là 1 việc làm sai lầm bởi kết quả đem lại chẳng khác nào trò đỏ đen may rủi.

Cách tốt nhất là hãy chuẩn bị chu đáo từ ngoại hình, tâm thế để có buổi ra mắt suôn sẻ nhất có thể. Lễ phép, lời nói và hành động vừa phải, thể hiện 80% con người thật của mình để sau này có thành người 1 nhà phụ huynh cũng không bị vỡ mộng.

Nếu cứ chạy theo cách này cách kia để làm hài lòng người khác thì hạnh phúc của chúng ta chỉ là những cảm giác đi mượn. Không phải ông bố nào cũng cứng nhắc hay bà mẹ nào cũng tâm lý, chuyện trò với con cái. Hãy học cách thể hiện sự chân thành và bày tỏ thiện chí của mình cho họ hiểu, bạn xứng đáng là 1 chỗ dựa cho con trai/ con gái họ. Và chắc chắn sau này khi thành người 1 nhà, tình cảm và sự quan tâm của bạn dành cho cả bố, mẹ vợ, bố, mẹ chồng đều cân bằng như nhau.

VV

Tin mới