Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Cứ mỗi độ đến dịp cuối năm, Địa Linh - ngôi làng duy nhất ở Thừa Thiên Huế còn làm tượng ông Công, ông Táo lại tất bật vào vụ để kịp hàng cung ứng ra thị trường.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo

(Tổ Quốc) - Cứ mỗi độ đến dịp cuối năm, Địa Linh - ngôi làng duy nhất ở Thừa Thiên Huế còn làm tượng ông Công, ông Táo lại tất bật vào vụ để kịp hàng cung ứng ra thị trường.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 1.

Theo quan niệm của dân gian Việt Nam, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân, vị thần trông coi bếp núc sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo những việc lớn nhỏ đã xảy ra trong một năm qua. Để tiễn ông Táo về trời, nhà nào cũng có một mâm cúng. Cùng với đó là lau dọn và thay mới tượng ông Táo trên trang thờ nhằm cầu một năm mới may mắn, đủ đầy. Trước nhu cầu tín ngưỡng của các gia đình, ở nhiều địa phương, nghề đúc tượng ông Táo theo đó mà dần hình thành.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 2.

Nằm kề bên phố cổ Bao Vinh, làng Địa Linh (xã Hương Vinh, TX. Hương Trà) hiện nay là nơi duy nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn lưu giữ nghề làm tượng ông Công, ông Táo bằng phương pháp thủ công. Cứ vào mỗi dịp gần Tết, tiếng lọc cọc từ những chiếc khuôn đúc trong làng lại khiến không khí xuân thêm phần rộn rã. Nghề được xem là “nặn đất thành cơm” này là một nét đẹp văn hóa đã được dân làng gìn giữ qua nhiều thế hệ.


Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 3.

Những ngày cuối năm này, gia đình bà Hoàng Thị Lượng (54 tuổi, làng Địa Linh) cùng người thân không ngừng nghỉ tay, tất bật với công việc làm tượng. Người chuẩn bị đất, người nặn, người vẽ.. ai cũng hăng say với công việc của mình.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 4.

Hàng nghìn bức tượng ông Táo vừa mới đúc xong được gia đình xếp ngay hàng thẳng lối, kín hết khoảng sân trước nhà. Gặp chúng tôi, bà Lượng chia sẻ: “Năm nay do thời tiết không ủng hộ nên việc làm tượng dồn cả vào cuối năm, cả nhà tôi đang tranh thủ thời gian, cố gắng hết sức để kịp hàng đưa ra thị trường”.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 5.

Điểm đặc biệt của tượng ông Táo làm tại làng Địa Linh là đều được đúc từ những chiếc khuôn bằng gỗ lim. Cứ hai năm, khuôn gỗ này lại được người thợ thay mới một lần.Theo bà Lượng, việc đúc tượng ông Táo thường được người dân trong làng bắt tay vào làm từ khoảng giữa năm. Tuy nhiên do năm nay mưa lũ kéo dài, công việc này không thể triển khai sớm hơn. Mưa lũ cũng khiến nguồn đất nguyên liệu trở nên khan hiếm.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 6.

“Vì là làm tượng để thờ nên nguồn đất phải là đất sạch. Ngoài sạch ra thì phải là đất sét vàng, ít tạp chất. Để có đất làm tượng, người thợ phải chuẩn bị trước từ nhiều tháng. Năm nay do mưa lũ nhiều nên nguồn đất này cũng khan hiếm”, bà Lượng nói.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 7.

Theo những người thợ đúc tượng lâu năm tại làng Địa Linh, để cho ra những bức tượng ông Táo hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn có sự vất vả riêng, từ nhào đất, đúc tượng, phơi tượng, nung lò, trang trí…

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 8.

Nếu như công đoạn đúc tượng đòi hỏi sự khéo tay của mỗi người thợ thì nung tượng lại là công đoạn vất vả và tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình làm tượng ông Táo. Để tượng không bị vỡ nát, hư hỏng, khi đưa tượng vào lò, người thợ cần phải sắp xếp thành từng hàng, nhiều lớp trên dưới xen kẽ, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa cháy đều.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 9.

Quá trình đốt lò nung tượng phải sử dụng hoàn toàn bằng vỏ trấu. Qua một ngày đêm thì tượng được nung vững chắc. Bình quân mỗi lò, người thợ nung được khoảng 1.000 tượng.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 10.

Sau khi ra lò, tượng ông Táo sẽ được để nguội rồi trang trí, phân loại.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 11.

Gắn bó với nghề đúc tượng đã nhiều năm, ông Võ Văn Nam (56 tuổi, làng Địa Linh) cho biết, mỗi năm làng Địa Linh cung ứng ra thị trường khoảng 70.000 tượng ông Táo. Tượng từ làng được đưa đi nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, năm nay do mưa lũ kéo dài, các hộ làm nghề chỉ kịp đủ hàng cho các mối quen đã đặt trước.

Trước đây, từng có thời gian nghề đúc tượng ông Táo mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nhiều gia đình. Thế nhưng do công việc này mang tính thời vụ, vất vả mà thu nhập lại thấp nên hiện không còn nhiều người gắn bó. Hiện tại ở làng cũng chỉ còn gia đình anh em ông Võ Văn Nam là còn giữ công việc này. “Gọi là làng nghề, nhưng số hộ còn làm tượng ông Táo chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Như anh em chúng tôi còn làm là để nối nghiệp cha, muốn giữ nghề truyền thống của gia đình, của địa phương. Hết đời chúng tôi thì không biết làng nghề còn giữ được nữa không”, ông Nam trăn trở.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 13.

Tùy theo nhu cầu sử dụng mà tượng được tô màu, rắc kim tuyến cho đẹp mắt hoặc đơn giản chỉ quét thêm một lớp sơn mài. Do việc trang trí, đóng gói từng loại khác nhau mà giá thành mỗi loại vì vậy cũng khác, nhưng cũng chỉ từ 1.500 đến 7.000 đồng/bức.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 14.

Ông Táo là một thứ đồ không thể thiếu trong các sạp bán hàng của các khu chợ, dù là chợ lớn hay chợ quê ở cố đô Huế mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Ghé thăm làng nghề mỗi năm sản sinh hàng chục nghìn tượng ông Táo - Ảnh 15.

Nam Nguyễn - Lê Chung