Ghé thăm lầu may vang bóng một thời ở Cố đô Huế
(Tổ Quốc) - Chợ Đông Ba là địa chỉ được nhiều du khách chọn để khám phá, tìm hiểu mỗi khi đặt chân đến TP Huế. Tuy nhiên, ít người biết ở khu chợ này có một lầu may đã tồn tại hơn 40 năm qua và được xem như là một góc xưa cũ còn sót lại gợi nhớ về một thời quá vãng.
Đến chợ Đông Ba, ngoài tìm hiểu, mua về các đặc sản của địa phương, du khách còn được tìm hiểu những nét văn hóa rất riêng gắn liền với khu chợ này. Trong đó, phải kể đến những câu chuyện về lầu may Đông Ba, một địa điểm khá đặc biệt tại chợ.
Nói là đặc biệt bởi đây là một trong những xưởng may khá hiếm hoi tại Huế mà những người thợ vẫn còn hăng say làm việc với những chiếc máy may truyền thống hàng chục năm qua. Và hơn hết, đây là nơi tạo ra các trang phục truyền thống, những lá cờ làng, cờ lễ hội.. mà những nơi khác không thể làm được.
Nằm khá ẩn khuất giữa khu chợ sầm uất, lầu may Đông Ba được xem như là một góc xưa cũ còn sót lại gợi nhớ về thời quá vãng trong nhịp sống vội vã. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người khi đặt chân đến đây là những chiếc bàn may được kê nằm san sát nhau, bên trên là những tấm bản hiệu như: Liên Nhỏ, Xí Hiền, O Tằm, Hóa, Na Na… Nhiều người sẽ có cảm giác như đang đứng ở giữa một xưởng may của những thập niên 70, 80.
Không rõ cụ thể lầu may Đông Ba được hình thành từ khi nào, nhưng những người thợ lâu năm tại đây cho hay, ít thì cũng đã ngót nghét hơn 40 năm. Trước đây, nếu muốn có một chỗ làm việc tại lầu may không phải đơn giản, điều kiện đầu tiên người thợ phải là người giỏi tay nghề.
Hơn 30 năm làm việc ở lầu may Đông Ba, bà Huỳnh Thị Tằm cho biết, hầu hết những người làm việc tại lầu may đều có tay nghề cao, có kinh nghiệm lâu năm nên những cái từ dễ đến khó đều có thể may được. Bởi trình độ may khác biệt mà du khách khi biết đến lầu may thường tìm đến để đặt hàng.
"Thường ngày nếu khách du lịch đến đặt may chúng tôi đều đáp ứng được. Lợi thế của chúng tôi là có những người thợ may giỏi các trang phục truyền thống, những lá cờ làng, cờ lễ hội,… mà nhiều nhà may khác không thể may được", bà Tằm nói.
Tiếp lời bà Tằm, bà Phan Thị Vân, một người thợ lâu năm khác cũng cho biết, tại lầu may có những thế hệ thợ rất giỏi. Có thể kể đến như trường hợp ông Nguyễn Văn Chúc là thợ may độc quyền về loại áo dài cho nam giới (được sử dụng trong những ngày lễ, cưới hỏi…).
Sản phẩm ông Chúc may đẹp nên khách đến đặt rất đông. Không chỉ có người dân địa phương mà còn có cả khách ngoại tỉnh, thậm chí là Việt kiều. Nhiều du khách ghé thăm chợ Đông Ba từng là khách hàng của ông Chúc.
Từng có thời gian, lầu may Đông Ba là địa điểm vang danh ở xứ Huế trong việc may vá. Thế nhưng, khi xu hướng thời trang ngày càng hiện đại, những trang phục truyền thống dần rơi vào quên lãng. Những người thợ như ông Chúc vì vậy cũng không còn có nhiều việc để làm. Nếu khoảng 10 năm về trước với đội ngũ hơn 80 thợ nhưng hàng may không xuể thì nay tại lầu may chỉ còn lại khoảng 30 thợ.
Ở lầu may Đông Ba hiện nay vẫn còn những người trẻ vẫn bám nghề như trường hợp anh Lê Văn Tuấn (32 tuổi). Anh Tuấn cho biết mình là thế hệ thứ 3 trong gia đình làm việc tại lầu may và cũng là người thợ trẻ nhất tại đây.
Dù công việc ngày càng khó khăn, thu nhập không cao, nhưng anh Tuấn cho hay sẽ tiếp tục giữ lấy nghề. Tiếp tục tạo ra những chiếc áo, chiếc quần từ chiếc máy may truyền thống thay vì những bàn may điện. Bởi chỉ khi những chiếc máy may truyền thống vẫn còn lạch cạch luồn chỉ thì cũng là đang giữ lại những giá trị xưa cũ của lầu may, giữ lại một nét riêng có cho chợ Đông Ba.
Lê Chung