• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ghi nhận nhiều ca COVID-19 mới, Hà Nội có tiếp tục giãn cách sau 21/9? Phân tích của hai chuyên gia

Sức khỏe 19/09/2021 16:25

(Tổ Quốc) - Trước tình hình ổ dịch tại quận Long Biên xuất hiện nhiều ca nhiễm mới, liệu rằng Hà Nội có tiếp tục giãn cách? Dưới đây là phân tích của chuyên gia.

Hà Nội phát hiện nhiều ca F0 mới 

Trong những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện những ca nhiễm ngoài cộng đồng và ổ dịch mới. Ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây tại quận Long Biên đã tăng lên con số 12 ca, tính đến trưa 19/9. Trong số này có 9 người trú tại ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng; 2 người tại ngách 15, ngõ 68, phường Ngọc Thụy và 1 trường hợp tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm do làm cùng nhà máy xe lửa Gia Lâm với F0.

Theo CDC Hà Nội, ca chỉ điểm tại ổ dịch này là cụ bà 84 tuổi, trú tại ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng, thường xuyên ở nhà. Ngày 12/9, cụ bà sốt, ho, khó thở nhẹ, được người nhà tự mua thuốc điều trị không đỡ. Ngày 17/9, cụ khó thở, được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám, test nhanh kháng nguyên và PCR đều dương tính với SARS-CoV-2.

Ghi nhận nhiều ca COVID-19 mới, Hà Nội có tiếp tục giãn cách sau 21/9? Phân tích của hai chuyên gia - Ảnh 1.

Long Biên phát hiện ổ dịch mới.

Hà Nội có nên giãn cách xã hội sau 21/9?

Việc xuất hiện nhiều ca F0 mới đang khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu sau 21/9, liệu Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội hay không.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, việc Hà Nội xuất hiện ổ dịch mới là điều nhiều người đã dự báo trước, việc loại bỏ hoàn toàn F0 trong cộng đồng gần như khó khả thi.

Về việc sắp tới Thủ đô có thể nới lỏng giãn cách hay không, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói lộ trình nới lỏng giãn cách được xây dựng chặt chẽ dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ và linh hoạt theo diễn biến dịch.

"Do đó, khi xuất hiện một ổ dịch mới, người dân không nên quá hoảng sợ mà đảo lộn lộ trình nới lỏng giãn cách. Nếu chỉ vài ổ dịch thì khoanh vùng (phong tỏa) ổ dịch hẹp nhất có thể. Không vì một vài ổ dịch đã phong tỏa mà giãn cách xã hội trên diện rộng toàn phường, quận/huyện hay toàn thành phố", PGS Hùng chia sẻ.

Ghi nhận nhiều ca COVID-19 mới, Hà Nội có tiếp tục giãn cách sau 21/9? Phân tích của hai chuyên gia - Ảnh 2.

Các chuyên gia đánh giá nên phong tỏa, giãn cách theo từng khu vực nhỏ thay vì toàn thành phố. Ảnh: Hoàng Hải.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng Hà Nội nên phong tỏa, giãn cách theo ổ dịch, không giãn cách theo địa giới hành chính. Bởi giãn cách theo địa giới hành chính là biện pháp vừa chặt vừa lỏng mà không hiệu quả trong thời gian này.

Khi phong tỏa theo ổ dịch, trên 1 phường có thể có nhiều khu vực vùng đỏ. Trong khu vực này, ngành y tế quét sạch F0 nhiều vòng, mỗi vòng trong vòng 48h. Việc bóc tách F0 cần linh động, bóc tách ngay tại nhà, đưa F0 đến khu cách ly tập trung.

Sau 4 đợt giãn cách xã hội, Hà Nội có chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội là điều hợp lý. Việc nới lỏng dựa vào các yếu tố dịch tễ như số ca mắc trong cộng đồng, đánh giá nguy cơ, tính chất phức tạp của những ổ dịch đang tồn tại.

Về lộ trình nới lỏng, ông Nhung khuyến cáo nên mở các hoạt động thiết yếu trước, ưu tiên mở các hoạt động ngoài trời sau đó đến hoạt động trong nhà, từ quy mô hoạt động nhỏ đến quy mô lớn.

"Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là giám sát dịch, phải đánh giá được nguy cơ khu vực, xét nghiệm kịp thời, nếu khu vực có nguy cơ cao phải tiến hành xét nghiệm lặp lại, tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan... Điều này đỏi hỏi năng lực xét nghiệm của ngành y tế Hà Nội phải đáp ứng được các tiêu chí trên", PGS TS Nguyễn Viết Nhung nêu ý kiến.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 16/9 cho biết, thành phố xác định cụ thể các điểm cách ly, phong toả để chỉ đạo tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ.

Sau ngày 21/9, Hà Nội cần xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dự báo về nguy cơ của ngành chuyên môn, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận. Ngoài ra, Thủ đô tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Hôm qua, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lấy mẫu 100% người có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác...

Trong đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến trưa nay, Hà Nội ghi nhận tổng 3.917 ca COVID-19, trong đó 1.597 trường hợp ngoài cộng đồng và 2.320 người đã được cách ly.

Mộc Trà

NỔI BẬT TRANG CHỦ