Chia sẻ
(Tổ Quốc) - TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến xâm hại, bạo hành với trẻ em đến từ việc gia đình các bé đã không quyết liệt ngăn chặn, tố cáo hành vi xâm hại để bảo vệ trẻ em. Điều này vô tình khiến kẻ bạo hành được củng cố sự “tự tin” rằng vụ việc sẽ không được đưa ra ánh sáng.

TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) có nhiều năm nghiên cứu, trăn trở với vấn đề xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em. Một trong những vấn đề khiến nữ tiến sĩ đặc biệt quan tâm chính là vai trò của gia đình trong việc phòng chống, ngăn ngừa xâm hại trẻ em. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ TS về chủ đề này.

PV: Thưa TS, câu chuyện trẻ em bị xâm hại, bạo hành không phải là chuyện mới. Người ta đã bàn thảo, đã phân tích, đã đưa ra những giải pháp hàng chục năm rồi, nhưng dường như tội phạm xâm hại trẻ em vẫn chưa giảm sút. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 2 năm qua, đã phát hiện 3.748 số vụ xâm hại trẻ em, với 4.354 đối tượng, xâm hại gần 4.000 trẻ em, phần lớn kẻ xâm hại lại là người thân, người quen với trẻ. Theo TS, con số ấy nói lên điều gì?

TS Khuất Thu Hồng: Trách nhiệm của những người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong gia đình của những trẻ em bị xâm hại là rất quan trọng. Gần đây có 2 vụ xâm hại trẻ em nổi cộm nhất là vụ bé V.A 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh và vụ bé N.A ở Hà Nội, có thể thấy người thân của trẻ còn thiếu kỹ năng để phát hiện và xử lý, thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn xâm hại, bạo hành xảy ra.

Việc các cháu bé bị bạo hành đều trong thời gian dài chứ không phải một lần duy nhất, nhưng những người liên quan như bố (trường hợp bé V.A) hay mẹ và họ hàng bên nội (trường hợp bé N.A) chẳng làm gì để ngăn chặn, dù người ta biết là cháu bé bị hành hạ, đi cấp cứu nhiều lần. Tôi cứ dằn vặt mãi, nếu như mọi người hành động sớm hơn, quyết liệt hơn, có lẽ các cháu bé đã không phải chịu kết cục bi thương như thế này.

Gia đình phải là thành trì đầu tiên chống xâm hại trẻ em, im lặng là vô tình “đồng lõa” với kẻ ác - Ảnh 1.

PV: Liệu có phải là do nhiều người nhận thức chuyện trẻ em bị xâm hại là vấn đề riêng tư trong gia đình, muốn giải quyết nội bộ nên đã không có những hành động quyết liệt?

TS Khuất Thu Hồng: Nền văn hóa của chúng ta bảo vệ gia đình chứ không bảo vệ cá nhân. Nhưng tư duy này cần được thay đổi. Một đứa trẻ bị cha mẹ đánh không phải là một đứa con nhà ai đó bị đánh mà là một thành viên của xã hội bị đánh. Cha mẹ bạo hành con không phải là dạy con mà là đang vi phạm quyền trẻ em.

Có những người thân của trẻ em bị xâm hại quá quan tâm đến việc gìn giữ một gia đình để nó không đổ vỡ, nhưng với cái giá là sức khỏe, thậm chí là tính mạng của một đứa trẻ, tôi thấy không thể biện minh được!

Cũng có những ông bố, bà mẹ "làm ngơ" cho người tình, cho vợ/chồng bạo hành con mình, có thể do họ sống trong mối quan hệ không cân bằng về vị thế. Họ lệ thuộc, sợ mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu lên tiếng phản đối hành vi bạo hành. Cũng có thể, họ quá bận rộn với công việc mưu sinh của mình, không chú ý đến những thay đổi của con, những tổn thương của con nên mới có những câu chuyện đau lòng như vừa rồi.

Gia đình phải là thành trì đầu tiên chống xâm hại trẻ em, im lặng là vô tình “đồng lõa” với kẻ ác - Ảnh 2.

PV: Nói cách khác, nếu gia đình của trẻ em bị xâm hại không thực sự bảo vệ trẻ, họ đã vô tình "nối giáo cho giặc", vô tình "đồng lõa" với kẻ thủ ác?

TS Khuất Thu Hồng: Những kẻ xâm hại muốn chứng tỏ quyền lực của mình với những người yếu đuối hơn, không có khả năng phản kháng (như người vợ, con cái, trẻ em, người già, người tàn tật…) Nếu không được ai đó, mà gần nhất là người thân của trẻ em ngăn chặn, cảnh cáo và tố cáo, trừng phạt mà chỉ im lặng cho qua, kẻ bạo hành lại càng tự tin rằng mình có quyền xâm hại trẻ em, và chẳng ai dám/có thể làm gì được mình cả.

Điều đó cũng thể hiện một sự thật là việc thực thi pháp luật của chúng ta còn chưa đủ nghiêm minh, nên những kẻ bạo hành không sợ, sẵn sàng tiếp tục phạm tội. Chúng ta cần xem xét lại về bình diện pháp luật, có những khoảng trống nuôi dưỡng sự tự tin của kẻ ác, nghĩ rằng hành vi sai trái của mình sẽ không bị trừng trị, xử lý thích đáng. Đó cũng là một lý do khiến các vụ việc xâm hại trẻ em cứ tiếp diễn như thế, dù có những vụ vô cùng đau lòng, xã hội lên tiếng rất mạnh mẽ.

PV: Có đôi khi trong nhiều gia đình, chính người thân của trẻ cũng sẵn sàng sỉ nhục, đánh trẻ con?

TS Khuất Thu Hồng: Tôi biết, và phần lớn họ luôn biện minh rằng vì thương mới thế, thương cho roi cho vọt, đánh cho nó để nó nên người, chửi để nó không hư nữa. Đó là quan niệm của nhiều người Việt, và văn hóa đấy cần thay đổi. Trong từng gia đình nhỏ cho đến xã hội, mọi người phải luôn được nhắc nhở rằng việc xâm hại trẻ em là phạm pháp, là tội ác. Đương nhiên, pháp luật cũng cần chặt chẽ và nghiêm minh để xử lý những vụ việc bạo hành để giáo dục mọi người thay đổi hành vi của mình.

Gia đình phải là thành trì đầu tiên chống xâm hại trẻ em, im lặng là vô tình “đồng lõa” với kẻ ác - Ảnh 3.

PV: Không phải ai cũng nhận thức tốt về xâm hại trẻ em. Nhiều người cho rằng đánh một cái, chửi mấy câu không thể gọi là bạo hành được, và tố cáo thì hơi làm quá?

TS Khuất Thu Hồng: Đúng rồi, nếu mình thấy nhà ai đánh con mà báo công an thì chắc chắn sẽ bị chửi là rách việc, chõ mũi vào chuyện nhà người ta. Nhưng chính sự im lặng đó cũng nguy hiểm. Chúng ta không thể tiếp tục im lặng nữa. Chúng ta phải mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng, quan tâm hơn với con trẻ. Tôi muốn nhấn mạnh nhiều lần, xâm hại trẻ em là vấn đề của xã hội chứ không phải vấn đề riêng gia đình nào, nó không phải vấn đề sau những bức tường, cánh cửa.

Đáng ngại nhất là nhiều trẻ em cũng nghĩ rằng người lớn có quyền đánh mình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các nạn nhân của bạo lực, nhất là bạo lực kéo dài có tuổi thơ "tập nhiễm" với bạo lực, được lớn lên trong gia đình thường xuyên chứng kiến bạo lực. Họ nghĩ bạo lực là một phần của cuộc sống, là cái gì đó không thể tránh khỏi.

Nghiên cứu về trải nghiệm tuổi ấu thơ rất quan trọng khi giải thích về bạo lực. Nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi trên đối tượng nam giới chỉ ra rất rõ ràng mối liên hệ giữa tuổi thơ và hiện tại, rằng những người đàn ông trưởng thành bạo hành người khác thì lúc còn nhỏ họ đã sống trong môi trường bạo hành (đánh đập, thái độ xúc phạm).

Gia đình phải là thành trì đầu tiên chống xâm hại trẻ em, im lặng là vô tình “đồng lõa” với kẻ ác - Ảnh 4.

PV: Nếu muốn giảm bớt nạn xâm hại trẻ em, theo TS việc xây dựng thành trì từ gia đình có đủ?

TS Khuất Thu Hồng: Đó sẽ là một quá trình dài và cần giải pháp tổng thể, bắt đầu từ việc giáo dục trẻ em có phương pháp, không sử dụng bạo hành, dù là lời nói hay trừng phạt đánh đập thân thể hay các hình thức bạo hành khác về tinh thần. Xâm hại trẻ em nói chung và bạo hành nói riêng trong gia đình phải chấm dứt, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục có những thế hệ bạo hành người khác và chấp nhận bạo hành, coi bạo hành là điều không thể tránh khỏi và vấn nạn này sẽ nối dài từ thế hệ này đến thế hệ khác.

PV: Vậy làm sao để trẻ em được thực sự an toàn, thưa TS?

TS Khuất Thu Hồng: Người lớn phải thay đổi và trẻ con phải được dạy về quyền của mình. Những trẻ lớn có nhận thức phải được dạy về Tổng đài 111 để nhờ trợ giúp, hoặc báo những người xung quanh để can thiệp.

Trẻ em cần được giáo dục để biết quyền của mình ở đâu, phải được dạy là chúng không thể bị đánh đập, hành hạ, xúc phạm, tra tấn và khi điều đó xảy ra nghĩa là sai trái, chúng có quyền kêu cứu, có quyền tìm trợ giúp, phải biết là sự trợ giúp đó ở đâu.

Ví dụ phải dạy kỹ năng nếu bị đánh gọi đến 111 và nói cái gì để bên kia hiểu. ví dụ trình bày ngay về địa chỉ và bị làm sao. Những thông tin đó phải nói ngay đầu tiên để cán bộ nắm được và có sự can thiệp kịp thời. Nhà trường, gia đình phải dạy trẻ kỹ năng đó.

Người lớn, đặc biệt là ông bà cha mẹ, sau đó là hàng xóm, những người xung quanh, phát hiện có trẻ em bị xâm hại thì đều phải có trách nhiệm lên tiếng và can thiệp. Đó là trách nhiệm pháp lý chứ không đơn thuần là trách nhiệm đạo đức. Trách nhiệm pháp lý này cần được làm rõ trong luật. Nếu chưa làm được những điều này, chưa thể bàn đến một tương lai không có xâm hại trẻ em.

Gia đình phải là thành trì đầu tiên chống xâm hại trẻ em, im lặng là vô tình “đồng lõa” với kẻ ác - Ảnh 5.

Thiên Yết
NVCC
Tuệ Nhật




*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện