Gia đình Việt trẻ tại Anh đón Xuân Kỷ Hợi: "Ăn Tết ta để con khỏi quên gốc và mình có sự khác biệt"
(Tổ Quốc) - Mặc dù ở xa quê hương, nhưng cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Anh cũng rất háo hức mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Theo thống kê không chính thức, hiện có khoảng 110.000 người đang định cư, sinh sống và làm việc tại Vương quốc Anh và Ai-Len; tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn như London, Manchester, Birmingham, Leeds… Cộng đồng người Việt tại Anh được đánh giá là cần cù, chịu khó làm ăn, đặc biệt là hòa nhập khá tốt với văn hóa, cuộc sống sở tại. Đây vừa là một điểm mạnh, đồng thời cũng lại là một thách thức cho việc gìn giữ bản sắc dân tộc, nhất là đối với thế hệ Việt kiều thứ 2, thứ 3.
Chị Phạm Phương Ng., một cô gái Hà Nội đã trải qua 8 cái Tết tại thành phố Nottingham luôn cảm thấy bồi hồi mỗi khi dịp xuân về. Chị tâm sự, mặc dù đã có mạng xã hội gắn kết mọi người gần nhau hơn, nhưng cũng chính việc nhìn thấy những hình ảnh gia đình, bạn bè ở Việt Nam nô nức chuẩn bị cho Tết, ngập tràn trên Facebook, Instagram…, chị lại càng thấm thía hơn nỗi nhớ quê hương.
Cách xa nhà hàng nghìn cây số, nhưng mâm cơm cúng của chị Ng. tại Anh cũng có đầy đủ các món truyền thống và cũng rất đẹp mắt (ảnh: NV cung cấp)
Những năm trước, gia đình chị Ng. thường gói hàng chục chiếc bánh chưng và vài chục ký giò để biếu tặng bạn bè trong cộng đồng người Việt tại Anh. Năm nay, do bận nhiều việc nên "truyền thống" này phải tạm ngưng, nhưng mâm cơm cúng "đúng chuẩn" thì vẫn không thể thiếu được. "Mình bao giờ cũng chuẩn bị một mâm cúng đầy đủ các món cổ truyền như mâm ngũ quả, bánh chưng, xôi gấc, giò xào, thịt đông, canh măng…", chị Ng cho biết.
Còn chị Nguyễn Minh H., người cũng đã có 12 năm không "ăn" Tết tại Việt Nam, kể lại, "trước kia ở nhà mình không thấy hứng thú với việc nấu nướng và ăn uống quá nhiều trong dịp Tết, nhưng đến khi đi xa mới thèm thuồng đúng y các món đã nấu cùng bố mẹ, cảm giác được tụ tập, sum vầy với gia đình, bạn bè".
Ăn Tết ta để con khỏi quên gốc và cũng là để mình có sự khác biệt, hòa nhập mà không hòa tan vào xã hội phương Tây.
Do dịp Tết nguyên đán thường rơi vào ngày trong tuần tại Anh, nên hầu như mọi người đều vẫn phải đi làm. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn luôn cố gắng để bầu không khí Tết được hiện hữu một cách rõ nét nhất có thể. Các hoạt động chủ yếu là tập hợp bạn bè ăn bữa cơm tất niên, phát tiền lì xì cho trẻ nhỏ, đi lễ chùa Việt…
Một trong những sự kiện được nhiều kiều bào tại Anh mong chờ, đó là buổi Tết cộng đồng do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức, thông thường diễn ra trước 30 Tết một vài ngày. Theo chị Lê H., Phó giám đốc công ty du lịch và lữ hành Galaxy Thiên Hà tại London, chương trình Tết của Đại sứ quán có ca nhạc "cây nhà lá vườn" do chính người Việt biểu diễn, cùng các món ăn truyền thống quê nhà… thường thu hút rất nhiều kiều bào, du học sinh, đại diện các doanh nghiệp và bạn bè quốc tế tham gia.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ai-len Trần Ngọc An phát biểu trong chương trình Tết Cộng đồng 2019 do Đại sứ quán tổ chức ở London (ảnh: Vietnam Plus)
Thành lập vào năm 2009, Galaxy Thiên Hà hiện là một doanh nghiệp rất có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Anh. Chị Lê H. cho biết, do có nhiều nhân viên người Việt, nên công ty chị đều đóng cửa vào ngày mồng 1 Tết. Tuy nhiên, công việc luôn bận rộn cho tới chiều 30 Tết vì đây là dịp đồng bào về Việt Nam ăn Tết, nên nhu cầu đặt vé máy bay và các dịch vụ liên quan đều rất cao.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ai-len Trần Ngọc An, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trong cộng đồng người Việt Nam tại Anh đang ngày càng tăng về cả chất lượng lẫn số lượng. Các doanh nghiệp người Việt không chỉ đóng góp thuế cho kinh tế nước sở tại, mà còn tạo thuận lợi cho cuộc sống của chính cộng đồng người Việt tại Anh; cũng như giúp quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, thông qua nhiều hoạt động ẩm thực, văn hoá...
Bà con kiều bào và bạn bè quốc tế tham dự Tết Cộng đồng 2019 do Đại sứ quán tổ chức ở London
Một điều đáng mừng là, các gia đình người Việt trẻ tại Anh đang tỏ ra ngày càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ sau. Chị Ng. chia sẻ, "mình thường xuyên nói cho con những việc vẫn hay làm trong dịp Tết và cháu cũng rất thích làm theo". Tương tự, anh Văn C., một cựu du học sinh và hiện đang làm việc tại TP Nottingham cho biết: "Tuy xa Việt Nam đã lâu nhưng năm nào gia đình cũng ăn Tết Nguyên đán như một phong tục cổ truyền của quê hương mà mình muốn lưu giữ cho con cái, để chúng không quên nguồn gốc".
"Nhà mình vừa ăn cả Tết tây và Tết ta. Ăn Tết ta để con khỏi quên gốc và cũng là để mình có sự khác biệt, hòa nhập mà không hòa tan vào xã hội phương Tây", anh C. tâm sự.
Lan Phương