Giá xăng dầu tăng không ngừng và nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden "bó tay"

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc can thiệp vào thị trường dầu mỏ khi người Mỹ phải chi ngày càng nhiều tiền cho xăng dầu

Rất nhiều thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện đã kêu gọi Tổng thống Biden hành động để ngăn chặn giá khí đốt tăng cao bằng cách xem xét đưa ra các thùng từ kho dự trữ dầu khẩn cấp của quốc gia. Trong bức thư, các nhà lập pháp cảnh báo rằng giá xăng cao trong 7 năm đã "tạo ra gánh nặng quá mức cho các gia đình và các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng kiếm sống".

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cuối tuần trước nói với CNN rằng việc khai thác Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), chứa khoảng 613 triệu thùng dầu, là "một trong những công cụ" mà Biden có thể tận dụng. Granholm đề xuất hành động ngay khi một dự báo mới của chính phủ về cung và cầu năng lượng được đưa ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ về việc tiếp cận SPR có tạo ra sự khác biệt thực sự hay không và dự đoán tác động chỉ là "hời hợt". Nguyên nhân là bởi lý do khiến giá dầu Mỹ tăng gần 70% trong năm nay lên trên 81,53 USD/thùng có liên quan đến xu hướng dai dẳng hơn là các yếu tố ngắn hạn.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của Ngân hàng liên minh Thụy Sĩ (UBS) cho biết: "Phương pháp này là công cụ sai lầm để giải quyết tình trạng giá cả tăng cao hiện nay. Dự trữ dầu chiến lược thường chỉ phát huy tác dụng trong tạm thời".

Việc tăng giá được gây ra bởi nhu cầu nhiên liệu tăng vọt khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch, cũng như tình trạng hạn chế đầu tư trong việc thúc đẩy sản xuất bên ngoài Trung Đông. Những thay đổi này có thể không phải là nhất thời.

Trước đây, giá năng lượng tăng chóng mặt là một động lực đủ để thúc đẩy các công ty Mỹ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn để tăng sản lượng. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, nguồn tài trợ đó khó kiếm hơn. Các nhà đầu tư ít ủng hộ các dự án dài hạn vì họ cân nhắc hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu. Họ cũng đang thúc đẩy các công ty giữ chi phí thấp và tập trung vào việc trả lại tiền cho cổ đông sau cú sốc giá kép vào năm 2015 và 2020.

OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga, cho biết họ sẽ không đến giải cứu. Họ đang bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng, bất chấp Mỹ vận động hành lang. Điều đó tạo ra một môi trường mà giá dầu thô sẽ ở mức cao bất kể Biden sẽ đưa ra động thái nào. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã dự đoán rằng giá bán lẻ của nước này đối với khí đốt thông thường sẽ duy trì trên 3 USD/gallon trong thời gian còn lại của năm.

Trong một lưu ý gần đây cho khách hàng, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan nói rằng nếu chính quyền Biden cung cấp 30 triệu thùng trong thời gian 20 ngày, giá dầu ước tính sẽ giảm 2 USD vào cuối năm nay. Nếu các kho dự trữ được giải phóng trong hơn một tuần, mức giảm có thể lên tới 5 USD/thùng.

Tuy nhiên, các chiến lược gia của ngân hàng cũng nêu rõ những hạn chế của một động thái như vậy. Họ viết: "Việc khai thác các nguồn dự trữ chiến lược có thể cứu trợ trong thời gian ngắn hạn. Cho đến nay, chúng tôi thấy ít người tiêu dùng phản ứng với việc giá cả tăng cao bằng cách cắt giảm nhu cầu".

Tham khảo CNN

Linh Chi

Tin mới