Giải mã việc một địa phương miền Trung liên tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số

Bài: Ngọc Anh - Quỳnh Anh. Thiết kế: Hải An | 29-09-2022 - 10:26 AM

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, được chính quyền Đà Nẵng xác định là "kim chỉ nam" cho sự thúc đẩy phát triển mọi mặt về chính quyền, kinh tế, xã hội. Đà Nẵng cũng là địa phương duy nhất có 11 năm liên tiếp đứng đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Ngoài ra, đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh trong 2 năm liên tiếp kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghiên cứu về chuyển đổi số ở địa phương.

Để đạt được những kết quả này, chia sẻ với Trí Thức Trẻ, ông Sử Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Unitech cho hay, Đà Nẵng đã bắt đầu chuyển đổi số từ những năm 2000. Cụ thể, năm 2000 đánh dấu thời điểm Đà Nẵng bắt đầu hình thành và phát triển ngành công nghiệp phần mềm với Nghị quyết số 07-NQ/TU nhằm đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp phần mềm của miền Trung và của cả nước.

Công ty cổ phần Unitech được thành lập từ năm 2007, hoạt động chính trong các lĩnh vực phát triển phần mềm, gia công phần mềm và thiết kế – thi công mạng ở thị trường Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Năm 2020, Unitech nằm trong top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp Chính phủ điện tử Việt Nam do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức.

Giải mã việc một địa phương miền Trung liên tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số - Ảnh 2.

Năm 2021, Đà Nẵng ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số là động lực mới và là "chìa khóa" mở ra không gian phát triển mới.

UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng triển khai nghị quyết, đề án Chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2025, như: Triển khai thành phố thông minh, phát triển chính quyền số (kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn giai đoạn 2022-2025)...

Theo kết quả đánh giá Chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, giá trị DTI Đà Nẵng năm 2021 đạt 0,6419 điểm, tăng 0,1545 điểm so với năm 2020 dẫn đầu cả nước. Đà Nẵng là một trong số ít các địa phương đã triển khai nhiều nền tảng số để phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Với kết quả này, đây là năm thứ hai liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh. Về xếp hạng trụ cột, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Trong Đề án Chuyển đổi số thành phố đặt ra 11 nhóm với 130 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Giải mã việc một địa phương miền Trung liên tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số - Ảnh 3.

Theo đó, Đà Nẵng thực hiện chuyển đối số với 3 trụ cột chính (gồm Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số). Trong đó, Chính quyền số sẽ triển khai đến các cơ quan Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, bổ sung các dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cung cấp trên địa bàn thành phố (hầu hết liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân).

Ngày 19/3/2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định số 892/QĐ-UBND về Ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng là ngày 28/8 hàng năm.

Năm 2021 là năm đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của Đà Nẵng trong công cuộc chuyển đổi số. Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hiệu quả, kịp thời hơn 20 giải pháp ứng dụng công nghệ, hỗ trợ tích cực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp phòng, chống dịch COVID-19 chủ động, linh hoạt.

Hiện Đà Nẵng triển khai 1.890 thủ tục hành chính và đã được triển khai lên Cổng dịch vụ công thành phố, tỷ lệ trực tuyến (mức 3, 4) đạt 97%, đặc biệt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện để triển khai mức 4; gần 60% hồ sơ nộp trực tuyến (đạt gấp 2 lần bình quân cả nước).

Đà Nẵng đã xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng một cửa điện tử, cổng dịch vụ công, ứng dụng góp ý, cổng thanh toán trực tuyến thành phố, cổng đào tạo trực tuyến thành phố.

Đồng thời, Đà Nẵng xây dựng hàng loạt ứng dụng trong các lĩnh vực như ứng dụng DanangFantasticity cung cấp thông tin du lịch, sàn thương mại điện tử thành phố, nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường, hệ thống giám sát giao thông qua camera thông minh, phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử…

Năm 2021, giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 13.200 tỷ đồng, chiếm 12,57% GRDP của Đà Nẵng. Tổng chi ngân sách nhà nước cho kinh tế số đạt 345,49 tỷ đồng, chiếm 1,97% tổng chi ngân sách nhà nước của thành phố. Trong đó tổng kinh phí đầu tư đạt 293,3 tỷ đồng, tổng kinh phí chi thường xuyên đạt 52,19 tỷ đồng.

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 diễn ra vào ngày 25/6, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cho biết FPT đã dần hiện thực hóa cam kết với thành phố, như thành lập khu công nghệ thông tin tập trung, đô thị thông minh, tạo hàng chục ngàn việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn, góp phần giúp Đà Nẵng gần đây liên tục được vinh danh là thành phố thông minh, chuyển đổi số trên các bảng xếp hạng của Việt Nam và khu vực…

Công nghệ thông tin là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Đà Nẵng, khoảng 10% mỗi năm, đóng góp 8,2% GRDP của thành phố, cao thứ 3 sau thương mại, vận tải. Trong đó, FPT đóng góp 1/5 doanh thu lĩnh vực công nghệ - thông tin của thành phố.

Vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Unitech nhận định, để Đà Nẵng đạt được kết quả 2 năm liên tiếp đứng đầu về chỉ số DTI, phải kể đến quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc chỉ đạo ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực. Sự đồng hành của các sở ban ngành quận huyện trong việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, tổ chức.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có nhiều công ty phát triển phần mềm góp phần hỗ trợ chuyển đổi số cho địa phương. Thành phố đã được đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin mạnh đáp ứng điều kiện vận hành các hệ thống phần mềm có số lượng người dùng lớn. Có tổng đài 1022 hỗ trợ cho người dân, tổ chức trong việc sử dụng các dịch vụ số của thành phố.

Giải mã việc một địa phương miền Trung liên tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số - Ảnh 4.

Giãn cách xã hội trong 2 năm đại dịch Covid-19 đã làm nhịp sống của con người chậm lại nhưng chuyển đổi số vẫn đang khách quan diễn ra hàng ngày. Các ngành nghề đang chuyển đổi số mạnh mẽ chắc chắn sẽ chuyển đổi mạnh hơn nữa, thích ứng nhanh hơn nữa và hoàn toàn tự tin có thể vượt qua cơn bão này.

Khi tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp nhất, công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến đã có những đóng góp vào việc xây dựng các mô hình, thu thập dữ liệu trong và ngoài nước để tính toán và đưa nhiều kịch bản định lượng khác nhau khi tái khởi động nền kinh tế ngay sau dịch bệnh.

Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, ông Sử Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Unitech, cho biết quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng đã bắt đầu từ những năm 2000, khi thành phố thành lập Trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng. Song, những năm gần đây, đặc biệt trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 xuất hiện, quá trình chuyển đổi số ở Đà Nẵng càng phát triển một cách mạnh mẽ hơn.

"Có thể nói, chính đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng", vị Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Unitech chia sẻ.

Việc hạn chế gặp gỡ trực tiếp bắt buộc các hoạt động kinh tế xã hội phải thông qua các hệ thống công nghệ thông tin. Chẳng hạn như việc thực hiện thủ tục hành chính phải sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Giải mã việc một địa phương miền Trung liên tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số - Ảnh 5.

Unitech xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp là xây dựng các sản phẩm góp phần phục vụ công cuộc tin học hóa của đất nước. Vì vậy, nhiều sản phẩm phục vụ chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý nhà nước được tập trung nghiên cứu và phát triển không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Các sản phẩm này đều dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy việc xây dựng chính quyền điện tử và thực tế nhu cầu tin học hóa các nghiệp vụ quản lý nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý và phục vụ công dân, tổ chức.

Từ cuối năm 2021, Đà Nẵng bắt đầu triển khai hạ tầng mạng 5G với 11 trạm phát sóng tại các tuyến đường trung tâm thành phố. Hiện Đà Nẵng đang triển khai thêm 41 trạm, trong đó có 1 trạm ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng và 40 trạm ở khu vực Liên Chiểu dự kiến hoàn thành trong năm 2022, thí điểm trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng).

Về kết quả triển khai dữ liệu số, Đà Nẵng cũng đã đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…. Ngoài ra, Đà Nẵng đang hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng.

Ông Sử Huy chia sẻ, điều quan trọng nhất khi phát triển các sản phẩm phục vụ cho chính quyền số là sản phẩm phải đơn giản, dễ sử dụng, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm cần được liên tục cải tiến, nâng cấp theo các văn bản chỉ đạo mới nhất và được thiết kế để có thể tích hợp với các sản phẩm có liên quan.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật luôn được chú trọng khi phát triển phần mềm và hệ thống. Về yếu tố hệ thống hạ tầng thì phần mềm được cài đặt trên hạ tầng của các Trung tâm dữ liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn bảo mật. Về yếu tố lập trình phần mềm thì phải tuân thủ các quy định về an toàn thông tin không có các lỗ hổng để dễ dàng bị khai thác.

Giải mã việc một địa phương miền Trung liên tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số - Ảnh 6.

Ngoài những yếu tố tác động thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đi nhanh hơn, vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Unitech cũng chỉ ra những khó khăn mà không chỉ riêng Đà Nẵng mà hầu hết các địa phương đều gặp phải trong quá trình vận hành chuyển đổi số. Yếu tố nguồn nhân lực luôn là một bài toán khó đối với Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

"Không chỉ Đà Nẵng mà hầu hết các tỉnh, thành phố đều khan hiếm nguồn nhân lực quản lý vận hành các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương. Việc chia sẻ các cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan Trung ương và địa phương cũng là một hạn chế cần khắc phục", ông Huy chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho rằng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai chưa được chia sẻ cho các địa phương để hình thành dữ liệu nền/dữ liệu tham chiếu cũng là một tồn tại trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành các chuẩn dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ. Các CSDL chuyên ngành của thành phố triển khai, hình thành trong quá trình hoạt động chưa được thu thập đầy đủ, không chất lượng, chuẩn hóa. Do đó tính khả dụng của dữ liệu thấp, cần có thời gian rà soát, hoàn thiện.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 05 ngày 7/6/2021 và UBND thành phố đã ban hành đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Theo đó, thành phố Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Kinh tế số được xác định sẽ chiếm tối thiểu 30% GRDP vào năm 2030 (trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; có 5.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, với ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Giải mã việc một địa phương miền Trung liên tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số - Ảnh 7.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển hỗ trợ thành phố chuyển đổi số trong tương lai, ông Sử Huy cho biết, Unitech sẽ tiếp tục cải tiến các sản phẩm đã triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến để phục vụ tốt hơn cho người dùng. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng mới các sản phẩm nền tảng, các hệ cơ sở dữ liệu, các giải pháp tích hợp,… phục vụ công cuộc chuyển đổi số của Đà Nẵng và các địa phương trong cả nước.

Ông Trương Gia Bình chia sẻ tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022: "Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt để lập kỳ tích mới trong kỷ nguyên số như về chính sách, nguồn lao động trẻ, dồi dào, vị trí đắc địa, hạ tầng đô thị…"

Đà Nẵng cần thu hút nhiều hơn nữa các cơ sở đào tạo; tăng số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lên gấp 10 lần. Hiện Đà Nẵng có hơn 50 trong tổng số 3.000 doanh nghiệp start-up của cả nước... Ông Bình cho biết, FPT muốn đầu tư vào Đà Nẵng một tổ hợp giáo dục lớn, đào tạo 10.000 lập trình viên cho tới năm 2023, phát triển công nghệ mới, hỗ trợ khởi nghiệp…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng rút ra bài học kinh nghiệm cho Đà Nẵng về việc thống nhất về nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo (trong các văn bản liên quan của Thành ủy, UBND thành phố): Dữ liệu được tạo ra trong quá trình hoạt động của cơ quan nhà nước là tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, không phải của riêng cơ quan/cá nhân nào. Do đó, dữ liệu phải được chia sẻ, sử dụng chung giữa các cơ quan nhà nước.

Ông Thạch cho rằng, phải ban hành trước Quy chế chia sẻ dữ liệu số trên địa bàn thành phố. Hệ thống Kho dữ liệu dùng chung phân kỳ nhiều giai đoạn cần được xây dựng để kịp thời sử dụng, tiếp tục mở rộng, hoàn thiện; không cầu toàn, triển khai quy mô quá lớn.

Ngoài ra, các ứng dụng mới phải có hợp phần tạo, cập nhật dữ liệu số; đặc biệt là kết nối, chia sẻ dữ liệu về Hệ thống Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố; chú trọng việc ban hành quy chế vận hành, cập nhật dữ liệu cho ứng dụng đó để bảo đảm dữ liệu luôn được đầy đủ, chất lượng và duy nhất; bảo đảm cho chia sẻ và sử dụng dữ liệu.

Theo Phó Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông thành phố, người dân và doanh nghiệp cần được đặt làm trung tâm, chủ thể phục vụ. Chính quyền cần thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng dữ liệu và tình hình sử dụng, tái cấu trúc quy trình để sử dụng hiệu quả hoặc kế thừa dữ liệu số, xem việc cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp là một kết quả, đầu ra, là "giá trị" của dữ liệu số.