Giám đốc Economica Vietnam: Người dân đầu tư chứng khoán sẽ có lợi cho nền kinh tế hơn rất nhiều so với rót tiền vào vàng

Hoàng An | 19-01-2021 - 18:18 PM

(Tổ Quốc) - Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhận định, điểm khác ở đây là, làn sóng đầu tư vàng hồi đầu năm xuất hiện chủ yếu là để tích trữ, do tâm lý bất ổn và giá vàng thế giới leo cao, còn đầu tư chứng khoán sẽ có tác động trực tiếp về việc hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế.

Đầu năm nay, dòng tiền đổ vào TTCK tăng đột biến. Vậy liệu rằng 2 yếu tố liên quan đến niềm tin vào nền kinh tế và lãi suất ngân hàng giảm thì đã đủ để tạo ra sự đột biến như vậy chưa?

Việc nhà đầu tư đổ tiền vào một loại tài sản hoặc khu vực nào đó, kể cả chứng khoán, bất động sản hay vàng bạc, tiền gửi ngân hàng thì đều xuất phát từ niềm tin. Tuy nhiên, niềm tin này dựa vào các yếu tố chắc chắn hay không chắc chắn thì lại là vấn đề khác.

Niềm tin của các nhà đầu tư trong thời điểm này dựa trên một vài yếu tố. Niềm tin nổi bật nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam, một số đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam..

Đồng thời, xu hướng này được củng cố bởi lãi suất thấp. Lãi suất hiện tại thậm chí không thể đảm bảo lãi suất thực dương (sau khi loại trừ yếu tố lạm phát) cho người gửi tiền, nên họ buộc phải đi tìm các kênh đầu tư khác.

Điều này, một mặt cho thấy, Việt Nam đang thiếu những kênh đầu tư, nên người dân mới đi tìm những kênh đầu tư mới, mặt khác cho thấy sự năng động của các nhà đầu tư Việt Nam. Khi đầu tư cách này không hiệu quả, không đảm bảo thì họ sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác.

Khi mà họ bước vào kênh đầu tư mới nhưng lại chưa có nhiều kiến thức và đào tạo bài bản thì có phải là quá rủi ro?

Đối với các nhà đầu tư mới hiện nay, có thể nói đúng là có nhiều rủi ro. Các "tay mơ" tham gia thì nhiều khả năng sẽ bị thua thiệt, nếu như họ không đủ kinh nghiệm và không đủ vốn. Thế nhưng, tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ thị trường chứng khoán nào, ở đâu cũng phải có những nhà đầu tư "newbie" như vậy.

Để bảo vệ các nhà đầu tư này và để thị trường chứng khoán phát triển bền vững thì các cơ quan nhà nước, các cơ quan có liên quan cần có những cảnh báo, có những yêu cầu về minh bạch thông tin, hướng dẫn các nhà đầu tư này đầy đủ hơn.

Nhưng lần này tình huống sẽ không giống năm 2007, khi đó các nhà đầu tư mới chiếm đa số. Hiện nay, đúng là có nhiều nhà đầu tư mới nhưng con số đó cũng không phải là lớn trên toàn bộ TTCK, nếu so với năm 2007.

Theo ông ở thời điểm này, TTCK đã "bong bóng" hay chưa?

So với năm 2007, quy mô vốn hóa của thị trường hiện nay cao hơn rất nhiều. Tất nhiên, những dấu hiệu cho thấy có thể dẫn đến bong bóng chúng ta vẫn phải quan sát. Nhưng nếu chỉ mới có 2 tuần và độ thanh khoản của thị trường khoảng 700 triệu-1 tỷ USD, chưa chiếm đến 1% tổng vốn hóa của thị trường mà đã khẳng định là "bong bóng" thì có vẻ hơi vội vàng.

Trong năm 2020, chúng ta nhìn thấy rất rõ hai làn sóng, làn sóng thứ nhất hồi đầu năm là tiền đổ xô vào vàng, và làn sóng thứ hai là dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Hai làn sóng này có gì giống và khác nhau?

Như tôi nói ở trên, cả hai làn sóng đều cho thấy các nhà đầu tư Việt Nam rất năng động, luôn luôn đi kiếm lợi nhuận khi có cơ hội. Điều đó thể hiện tinh thần kinh doanh, tinh thần đầu tư của Việt Nam, đây là cái rất tốt.

Điểm khác ở đây là, làn sóng đầu tư vàng hồi đầu năm xuất hiện chủ yếu là để tích trữ, do tâm lý bất ổn và giá vàng thế giới leo cao, còn đầu tư chứng khoán sẽ có tác động trực tiếp về việc hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế, nên việc người dân đầu tư trực tiếp vào chứng khoán sẽ có lợi cho nền kinh tế hơn rất nhiều so với việc đầu tư vào vàng. Lần này, các nhà đầu tư Việt Nam dựa trên niềm tin vào kinh tế và sự phục hồi của nền kinh tế. Điều này nếu chúng ta kiểm soát tốt để không dẫn đến tình trạng "bong bóng", thì đây là một điều rất tốt cho nền kinh tế, khác hẳn việc người dân đổ xô vào vàng, một thứ tài sản không tạo ra giá trị gia tăng.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là, trong những năm tới, làm sao chúng ta hút lại được dòng tiền đã bơm ra trong thời kỳ đại dịch, khi nếu không duy trì lãi vay thấp thì doanh nghiệp khó có thể phục hồi?

Tôi nghĩ chúng ta cần cẩn trọng về thuật ngữ "bơm tiền". Chúng ta có thực sự bơm nhiều tiền vào nền kinh tế năm 2020 hay không? Điều này chưa chắc đã đúng.

Trong thời gian vừa rồi, gần như Chính phủ không phải vay tiền để đưa vào nền kinh tế. Khác với các khủng hoảng trước, khi Chính phủ phải sử dụng rất nhiều tiền với các hình thức khác nhau để bơm vào nền kinh tế, năm 2020 đúng là chi tiêu công của Chính phủ lớn, cũng có một số gói cứu trợ nhưng bản chất của nó không phải bơm tiền vào nền kinh tế.

Giám đốc Economica Vietnam: Người dân đầu tư chứng khoán sẽ có lợi cho nền kinh tế hơn rất nhiều so với rót tiền vào vàng - Ảnh 1.

Có nhận định "trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay, tính kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực có vẻ lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng thấp nhưng chỉ số chứng khoán tăng cao". Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Năm vừa rồi, đánh giá kinh tế thế giới, nếu chúng ta cứ nhìn vào các con số, nhất là tăng trưởng thì sẽ có những nước tăng trưởng âm tới 30%, 20%, toàn bộ Đông Á tăng trưởng âm.

Thế nhưng, kết quả tăng trưởng âm này chỉ là một kết quả thu gọn của nền kinh tế, và vẫn dựa trên một số nền tảng tương đối tích cực.

Còn riêng TTCK, thị trường này dựa trên niềm tin. Hầu hết các nhà đầu tư mặc dù nhận thức được kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, quy mô của nền bị thu hẹp lại, tăng trưởng âm, nhưng họ vẫn có niềm tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi, ngay khi đại dịch được khống chế.

Có thể lấy ví dụ nước Mỹ, mặc dù có giai đoạn họ công bố mất tới mấy chục triệu việc làm, nhưng chỉ sau một khoảng thời gian là họ có thể phục hồi về tương đương trước Covid-19. Covid-19 khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, vì nền tảng kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế vẫn vững chắc.

Kể cả chỉ số lạm phát, cán cân thanh toán vãng lai, thương mại vẫn có sự ổn định. Chẳng hạn như ở Mỹ, một số mặt hàng, hay các công ty công nghệ vẫn phát triển rất mạnh mẽ, một số nước châu Âu xuất khẩu vẫn rất tốt. Vẫn tồn tại những điểm sáng bên cạnh điểm tối, nên nền kinh tế chỉ khủng hoảng chứ chưa được coi là suy thoái.

Vì vậy, nhận định cho rằng TTCK tách biệt khỏi nền kinh tế thực, không phản ánh nền kinh tế thực là không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế vẫn tồn tại nền tảng tốt. Về khả năng phục hồi, các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới hay ADB đưa ra nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2021, như vậy là tốt chứ? Nền kinh tế Đông Á cũng được dự báo tăng từ 3-4% dựa trên những kịch bản cuối năm 2020, kịch bản tăng trưởng như vậy vẫn rất tốt.

Như vậy, các tổ chức quốc tế đánh giá nền tảng kinh tế của các quốc gia này vẫn vững chắc. Con số GDP, một lần nữa thực tế lại chứng tỏ rằng, nó chỉ là một con số tham khảo nó không phản ánh toàn bộ nền kinh tế nên một số quốc gia đã không sử dụng con số tăng trưởng GDP là chỉ tiêu duy nhất để phản ánh khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM