(Tổ Quốc) - "Ngày nay Việt Nam là một quốc gia đã thay da đổi thịt. Như chúng ta đã biết, thế hệ người Việt ngày nay nhiều tiềm năng. Khi tôi nhìn vào các bạn ngày hôm nay, tôi có thể thấy được cả thế hệ tương lai của các bạn. Và tôi có nhiều niềm tin hơn rằng Việt Nam đang đi đúng hướng", ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định.
Việt Nam đã thay da đổi thịt
Ông Ousmane Dione cho rằng, ngày nay Việt Nam là một quốc gia đã thay da đổi thịt. Thế hệ người Việt ngày nay là những thế hệ nhiều tiềm năng. Khi ông nhìn vào thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay, ông có thể thấy được cả thế hệ tương lai.
"Và tôi có nhiều niềm tin hơn rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Nói như vậy có phải tất cả đã hoàn hảo hay không? Tất nhiên là không. Vậy Việt Nam có thể làm tốt hơn không? Có. Tôi đã ở Việt Nam gần 4 năm và gần hết nhiệm kỳ của mình tại đây và tôi cũng cảm thấy mình đã phần nào trở thành người Việt Nam. Khi nhìn lại, tôi thấy rằng có nhiều lĩnh vực Việt Nam có thể làm tốt hơn, và đó lại là những thách thức khó khăn nhất", ông Ousmane Dione nói.
Ông Ousmane Dione cho biết, ông nhận thấy Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, giống như lên hạng trong môn đấm bốc vậy, nếu chúng ta coi nền kinh tế thế giới là một đấu trường đấm bốc.
Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc giảm nợ công
Về câu chuyện xuất khẩu và định hướng của Việt Nam trong thời gian tới, đại diện WB tại Việt Nam cho biết, xuất khẩu năm nay của Việt Nam thấp hơn so với năm ngoái, mặc dù Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại, trong đó có hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam tiếp nhận ít nhất 3 tỷ đô la vốn nước ngoài (FDI).
"Đây là một thông tin tốt. Ngoài ra, Việt Nam cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu", ông Ousmane Dione nói.
Về vấn đề tăng trưởng, ông Ousmane Dione nhận định, tăng trưởng rất quan trọng, bởi nhu cầu trong nước hiện nay tương đối lớn. Nếu nhìn dự báo tăng trưởng 2019, năm nay Việt Nam sẽ vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 6,8%. Ông cũng bày tỏ mong muốn nhu cầu trong nước vẫn tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng chính sách tài khóa vẫn tiếp tục hiệu quả, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát có thể duy trì ở mức thấp. Tất cả những khía cạnh đó giúp tạo môi trường kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tương đối bền vững", ông Ousmane Dione nói thêm.
Dù vậy, đại diện WB cũng cảnh báo, thách thức là những vấn đề vượt ngoài phạm vi kiểm soát của Việt Nam. Nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, đó sẽ là một vấn đề Việt Nam không thể kiểm soát được. Hay những sự kiện bất thường, những cú sốc bất ngờ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
"Tôi muốn chỉ ra ở đây một số nội dung mà đáng lẽ Việt Nam có thể làm tốt hơn. Thứ nhất là tốc độ giải ngân các dự án chậm. Vì sao Việt Nam lại thành công trong chính sách tài khóa và quản lý nợ công. Trong vòng ba năm Việt Nam giảm 10% nợ công. Nên nhớ năm 2017, tỉ lệ nợ công của Việt Nam là trên 63.7%. Ngày nay chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc giảm mức này xuống 56%", ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cũng cho rằng, cái giá phải trả chính là các chương trình đầu tư công. Trong năm qua Việt Nam hầu như không có chương trình đầu tư gì nhiều, thậm chí cả các dự án cơ sở hạ tầng. Tỉ lệ giải ngân của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Tổng hợp tất cả các yếu tố này sẽ là những trở ngại của Việt Nam trong thời gian tới.
Về cải cách thể chế, Việt Nam có thể đi nhanh hơn, Việt Nam cần thực hiện cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần cải thiện các dịch vụ công, nâng cao khả năng tiếp cận, tính phù hợp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hiện nay Việt Nam đang ở một thời điểm có ý nghĩa quyết định. Việt Nam có thể thực hiện cải cách, sáng tạo, củng cố, thay đổi chính sách để trở thành một nước thu nhập trung bình thành công. Sau đó các bạn sẽ có thể vượt qua giới hạn và tiến lên mức thu nhập cao hơn. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở con người Việt Nam. Với khả năng của mình các bạn hoàn toàn có thể làm được.
Lịch sử rất hiếm quốc gia nào không phải trả giá bằng ô nhiễm
Ông Ousmane Dione cho biết, trong lịch sử có lẽ có rất hiếm quốc gia nào không phải trả giá bằng tình trạng ô nhiễm trong một giai đoạn nào đó. Nhưng trong thời đại ngày nay, có rất nhiều bài học Việt Nam cũng có thể học tập hoặc tránh đi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác.
Ví dụ, du lịch là một mũi nhọn mà Việt Nam có thể phát triển, nhưng chúng ta cũng biết du lịch cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm, đặc biệt đối với những khu vực có tính tổn thương cao.
"Trong hai năm qua, một số nước trong khu vực phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tới mức có những khu du lịch phải đóng cửa, hậu quả là thiệt hại về kinh tế, mất việc làm. Chẳng hạn như đảo Boracay ở Philippines, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm là thiếu cơ sở xử lý nguồn nước, xử lý môi trường, xử lý chất thải rắn... ", ông Ousmane Dione nói.
Theo ông, từ bài học kinh nghiệm này, Việt Nam nên nhìn lại về Hạ Long, Phú Quốc để có những chương trình đầu tư thích hợp nhằm đảm bảo du lịch bền vững.
"Du lịch là một ngành rủi ro, nếu tốt sẽ rất nhiều người đổ xô tới, nhưng nếu xấu họ sẽ bỏ đi ngay lập tức. Có nhiều biên pháp chúng ta có thể làm được, ví dụ như đầu tư xử lý nước thải, rác thải, hay xây dựng những quy định đối với khách du lịch về việc được đến những khu vực nào hay được thực hiện các hoạt động gì... Áp dụng các quy định và công nghệ ở những nơi nào cần thiết. Cần có những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sách, hay chính sách trợ giá để người dân đổi từ xe máy sang xe điện", Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Ousmane Dione gợi ý.
Hà Giang
Ảnh: Nam Nguyễn