-Thưa ông, năm 2018 Việt Nam đã nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Ông ấn tượng nhất với nguyên nhân nào khiến Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu như vậy?
Ông Ousmane Dione: Cảm ơn vì đã đặt câu hỏi rất hay. Về kinh tế Việt Nam 2018, tôi thấy rằng có rất nhiều ấn tượng và ấn tượng nhất là chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô rất tốt trong bối cảnh trong nước trần nợ công, đầu tư trung hạn... làm hạn chế việc thực hiện nhiều dự án lớn và việc giải ngân của các dự án rất chậm. Bối cảnh quốc tế cũng rất khó khăn, nhiều nước thu nhập trung bình đang gặp phải khủng hoảng như: Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina.... Bối cảnh quốc tế như vậy không thuận lợi cho Việt Nam.
Nếu chúng ta nhờ lại cách đây 6 tháng, trong báo cáo về điểm lại kinh tế Việt Nam thì chúng tôi chỉ dám dự báo kinh tế Việt Nam tăng 6,3% mà thôi. Nhưng đến nay thì tình hình kinh tế Việt Nam đã rất khác và dự báo của chúng tôi là 6,8%.
Trong sáu tháng vừa qua, kinh tế Việt Nam đi với tốc độ rất tốt, trung bình khoảng 7%.
Rõ ràng, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lạm phát ở mức một con số trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và có cả những căng thẳng thương mại. Cách đây sáu tháng tôi đã nghĩ nó có ảnh hưởng không tốt đến kinh tế Việt Nam nhưng may mắn là đã không xảy ra.
Nhìn lại sáu tháng qua, chúng ta thấy rằng Việt Nam đã tận dụng rất tốt những cơ hội đó và làm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao hơn... Đây là tiền đề tốt tác động đến tâm lý và sự tin tưởng ngày càng tăng lên của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cần phải nói rằng, tính chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam đối với các cú sốc bên ngoài rất tốt, điều này tạo tiền đề khiến chúng ta đứng vững trong bối cảnh khó khăn.
Chúng ta thấy báo cáo mới nhất của WB đã nâng tăng trưởng của Việt Nam lên 6,8%.
Các ngành | Tăng trưởng (%) |
---|---|
Công nghiệp và xây dựng | 8,9 |
Chế tạo, chế biến | 12,9 |
Nông nghiệp | 3,7 |
Dịch vụ | 6,9 |
Trích: Báo cáo Điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam của WB công bố hôm 11/12
-Theo ông, liệu Việt Nam có tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động hiện nay?
Ông Ousmane Dione: Ở đây có 2 vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý, đó là Việt Nam cần làm gì để đối mặt với các cú sốc bên ngoài thứ hai là Việt Nam cần tiếp tục công cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách trong lĩnh vực ngân hàng như chúng ta đã làm thời gian qua (cải cách và xử lý nợ xấu,...), tiếp tục cải cách những lĩnh vực quan trọng đã thực hiện trong thời gian qua.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2019 và biết đâu còn có thể cao hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, ở đây chúng ta không chỉ tập trung vào con số mà phải chú ý đến chất lượng cải cách.
Và trong tương lai, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng. Ví dụ như chất lượng, chất lượng đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt liên quan đến thời đại về kỹ thuật số.
Việt Nam hoàn toàn có thể chú trọng tập trung lựa chọn đầu tư nước ngoài vào trong nước, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ cao. Vì thế, để đáp ứng được điều này, cần chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao, công nghệ cao
Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt tới tăng trưởng xanh, đặc biệt phải tập trung xử lý đối với các lĩnh vực tác động lên môi trường còn rất nặng nề.
Ông Ousmane Dione
Về cơ sở hạ tầng, chúng ta cần tìm hiểu thêm về chất lượng cơ sở hạ tầng trong đô thị, trong đó có những vấn đề liên quan đến thoát nước trong đô thị nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mới của người dân.
Hay về nông nghiệp, chúng ta cũng phải tập trung vào sản phẩm nông nghiệp để các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn. Hay việc chúng ta nhận thẻ vàng của EU về cá – đây cũng là tín hiệu để chúng ta nhìn nhận xem vướng mắc của chúng ta ở đâu, đặc biệt là trong xuất khẩu thuỷ sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
-Ông có đề cập đến tăng trưởng xanh. Các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng xanh. Theo ông, Việt Nam đã bắt nhịp với điều này hay chưa?
Ông Ousmane Dione: Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã bắt đầu con đường tăng trưởng xanh, nhưng tốc độ thì còn nhiều điều cần phải bàn. Theo thống kê của trường Đại học Yale, hiện Việt Nam đang đứng 132. Như vậy, rõ ràng Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt tới tăng trưởng xanh, đặc biệt phải tập trung xử lý đối với các lĩnh vực tác động lên môi trường còn rất nặng nề.
Ví như về ô nhiễm môi trường, chúng ta có nhiều thứ cần phải làm. Cụ thể, chúng ta có thể yêu cầu giảm khí thải đối với các phương tiện giao thông, giảm khí thải tại các khu công nghiệp. Với một yếu tố nhỏ như vậy thôi chúng ta cũng cần phải làm rất nhiều việc và chúng ta cần phải làm ngay lập tức chứ không nên chờ đợi.
Hay trong nông nghiệp - lĩnh vực góp phần khá quan trọng vào tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 – Chúng ta đang chuyển đổi lĩnh vực này. Vậy thì đây chính là cơ hội để chúng ta tập trung hơn vào chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp sạch.
Cách làm như vậy không chỉ mang lại giá trị thặng dư cao hơn mà còn góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, đồng thời giúp cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sâu hơn.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!