Góc khuất đau thương đằng sau cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu: Những đứa trẻ mồ côi vì "cơn khát" chip của thế giới

Linh Anh | 08-12-2021 - 19:24 PM

(Tổ Quốc) - Khi các công ty và chính phủ tìm mọi cách để đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động, những người bình thường lại phải đặt tính mạng của họ vào nguy hiểm để phục vụ mục tiêu này.

"Con trai tôi suốt ngày hỏi bố đâu"

Hani Bin Sha’ari đã dành hơn 2 thập kỷ để làm việc tại STMicroelectronics NV ở Malaysia. Anh tự hào khi mình có thể làm việc chăm chỉ để nuôi gia đình với 4 đứa con nhỏ. Vì vậy, khi nhà máy mở cửa trở lại bất kể số ca mắc Covid-19 vẫn tăng đột biến, Hani vẫn tiếp tục công việc của mình.

Một buổi sáng tháng 7, người đàn ông 43 tuổi thức dậy với một cơn sốt. Vợ anh, Nancy đã đưa anh đến một phòng khám địa phương, yêu cầu xét nghiệm Covid-19 vì tại nhà máy có những ca mắc bệnh. Kết quả dương tính, Hani được đưa vào cách ly trong bệnh viện. Anh đã giảm cân nhiều và tránh các cuộc gọi video để gia đình không phải lo lắng.

Hai vợ chồng sau đó đã nói chuyện qua điện thoại. Hani khó thở và vợ giục anh nghỉ ngơi sớm. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của hai vợ chồng.

"Con trai 4 tuổi của tôi suốt ngày hỏi bố nó đâu", Nancy, 41 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Góc khuất đau thương đằng sau cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu: Những đứa trẻ mồ côi vì cơn khát chip của thế giới - Ảnh 1.

Hani là một trong số ít nhất 20 công nhân tại nhà máy của STMicro tại Muan, Malaysia qua đời vì Covid-1 sau khi biến thể Delta bùng phát ở đất nước này. Công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động lắp ráp và thử nghiệm chip của mình khi nhiều công nhân tử vong vì đại dịch. Là một trong những nhà sản xuất chip, STMicro phải làm mọi cách để đáp ứng cơn khát bùng lên khắp thế giới, từ ngành ô tô tới các ngành khác.

Các nhà chức trách ở Malaysia, giống như nhiều nước khác, lo ngại về việc giữ nền kinh tế của họ đi đúng hướng trong thời kỳ đại dịch. Họ đặc cách cho phép nhiều nhà sản xuất chip tiếp tục hoạt động trong khi phần lớn đất nước phải đóng cửa.

"Tôi thực sự rất buồn. Nếu ST đóng cửa nhà máy khi mọi người nhiễm bệnh hồi tháng 6, tôi nghĩ chồng mình sẽ không chết", Nancy nói.

Khi đại dịch Covid-19 reo rắc cái chết trên toàn cầu, số ca tử vong tại cơ sở Muar cơ bản cao hơn đáng kể so với mức trung bình ở phần còn lại của Malaysia và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Y tế Malaysia, cứ 1.100 người dẫn nước này thì có 1 người tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bình phát. Tuy nhiên, tỷ lệ ở nhà máy này lên tới 210. STMicro từ chối bình luận về số công nhân thiệt mạng tại cơ sở Muar.

"Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 1/2020, ST đã có hành động và chiến lược nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm cũng như hỗ trợ người lao động và gia đình họ. Để làm như vậy, chúng tôi đã triển khai một loạt các biện pháp, trong đó phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương tại những nơi chúng tôi đặt nhà máy đồng thời tham khảo hướng dẫn của bên thứ 3", ST cho biết trong một tuyên bố.

Cái giá đắt từ cơn khát chip toàn cầu

Trước năm nay, không ai lo lắng quá nhiều về chuỗi cung ứng toàn cầu ngoài các chuyên gia trong lĩnh vực này. Vai trò của các quốc gia đang phát triển như Malaysia hay Philippines cũng không được chú ý nhiều. Sự bùng phát của Covid-19 đã trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh cho các giám đốc điều hành, lãnh đạo quốc gia và người tiêu dùng trên khắp thế giới vì tình trạng thiếu hụt đã làm gián đoạn sản xuất mọi thứ, từ iPhone, xe ô tô tới giày thể thao….

Thảm kịch ở Muar cho thấy cái giá phải trả của con người hoặc ít nhất là khiến nhân loại hiểu được cái giá sẽ phải trả trong việc giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động giữa một đại dịch. Trong khi các chính trị gia ở Washington và Paris kêu gọi các nhà cung cấp đẩy mạnh sản xuất chip và giới chức các nước như Malaysia tạo điều kiện cho các tập đoàn quyền lực duy trì hoạt động, những người như Hani lại phải đặt tính mạng mình vào vòng nguy hiểm.

Góc khuất đau thương đằng sau cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu: Những đứa trẻ mồ côi vì cơn khát chip của thế giới - Ảnh 2.

Zaid Ibrahim, một cựu quan chức Malaysia, cho rằng nhiệm vụ của chính phủ là quan tâm đến lợi ích người lao động hơn là lợi ích quốc gia hoặc công ty. "Trong ba bên gồm chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, những người dễ bị tổn thương nhất là người lao động. Tôi ước chúng ta có thể tránh được những bi kịch này", ông Ibrahim nói.

Những gì xảy ra ở Malaysia có thể cho thấy một mâu thuẫn điển hình giữa người dân và lợi nhuận. Chính phủ nước này dành nhiều thập kỷ để thu hút đầu tư nước ngoài và đang dạng hóa nền kinh tế khỏi cao su và thiếc. Nước này hiện chiếm 13% sản lượng đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu, một bước quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn dùng cho ô tô, điện thoại thông minh và hầu hết các thiết bị khác.

Khoảng 575.000 người làm việc trong ngành điện và điện tử ở Malaysia vào năm 2020. Đối tác của họ là các gã khổng lồ trong ngành công nghiệp chip toàn cầu như STMicro, Infineon Technologies AG, Intel Corp. và Renesas Electronics Corp. Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc Malaysia đã không phản ứng đủ nhanh với cuộc khủng hoảng Covid-19 trong năm 2021.

Ban đầu, Chính phủ Malaysia không muốn phong tỏa trên cả nước vì lo sợ ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế. Phải tới khi số ca nhiễm đạt kỷ lục hơn 20.000 ca/ngày trong suốt mùa hè, quốc gia này mới đưa ra nhiều hạn chế hơn. Tuy nhiên, điều đó đã quá trễ. Số ca tử vong tăng vọt và đỉnh điểm là Thủ tướng Muhyiddin Yassin và toàn bộ nội các của ông phải từ chức hồi tháng 8.

Những nạn nhân lên tiếng

Hiện tại, các gia đình có người thiệt mạng ở Muar đã tránh nói công khai về thảm kịch của họ. Nancy lại khác. Cô quyết định lên tiếng để về người chồng quá cố của mình. Cô nghĩ rằng chồng mình đáng lẽ đã không phải chết.

Gắn bó gần 2 thập niên với công việc này, Hani là kỹ thuật viên trưởng tại nhà máy sản xuất chip. Anh cũng là một người rất tích cực tham gia các hoạt động cung cấp thức ăn miễn phí cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. Người đàn ông này từng 35 lần hiến máu.

Góc khuất đau thương đằng sau cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu: Những đứa trẻ mồ côi vì cơn khát chip của thế giới - Ảnh 3.

Trong đợt bùng phát đầu tiên, Malaysia đã nhanh chóng phong tỏa và đưa số ca mắc về 0. Tuy nhiên, thành công không kéo dài. Trong lần bùng phát tiếp theo, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia, một tập hợp hùng mạnh gồm 140 doanh nghiệp quốc tế và trong nước, đã thúc giục Chính phủ để các nhà máy bán dẫn được phép hoạt động. Điều đó đã thành sự thực. Ngay cả khi đóng cửa hoàn toàn từ 1/6, các nhà máy chip vẫn tiếp tục hoạt động.

Hani không thoát khỏi guồng xoáy đó. Anh phải làm việc 12 giời mỗi ngày, làm liên tục 4 ngày trước khi được nghỉ 2 ngày và đảo ca. Khi có ca mắc, khu vực đó bị đóng cửa để khử trùng. Trong khi đó, STMicro cũng chỉ đo nhiệt độ người lao động thay vì áp dụng các hệ thống tiên tiến để theo dõi những công nhân tiếp xúc với đồng nghiệp nhiễm bệnh.

Hani nhiễm bệnh và vợ con anh cũng vậy. Tuy nhiên, họ điều trị ở các cơ sở khác nhau. Khi Hani phải đặt nội khí quản và nguy kịch, các bác sĩ gọi cho Nancy để cô nhìn chồng lần cuối. Cũng trong ngày Hani qua đời, làn sóng phản đối STMicro tăng lên. Cuối cùng, nó bị đóng cửa hoàn toàn từ cuối tháng 7 cho đến 4/8.

Đến giữa tháng 8, khi 1/3 dân số Malaysia tiêm phòng đầy đủ, các nhà máy được hoạt động trở lại với 60% công suất. Người lao động buộc phải tiêm phòng. STMicro cũng có những thay đổi bước ngoặt. Tuy nhiên, điều đó đã quá muộn với Nancy và các con cô.

Ban đầu, công ty không hỗ trợ tài chính cho một số gia đình tang quyến với giải thích rằng đó không phải những trường hợp buộc phải tới nhà máy. Khi Nancy bắt đầu lên tiếng, STMicro đề nghị bồi thường 10 tháng lương cơ bản của Hani, tương đương 820 USD, trợ cấp tử vong khoảng 1.200 USD và khoản chi trả bảo hiểm nhân thọ khoảng 10.000 USD. Tổng cộng, gia đình cô nhận 20.000 USD và 4 đứa trẻ sẽ nhận 120 USD/tháng cho mỗi đứa cho đến khi 20 tuổi.

Tuy nhiên, nếu Nancy không lên tiếng, gia đình cô và nhiều gia đình khác sẽ không có khoản bồi thường đó - điều giúp an ủi một phần những đứa trẻ mồ côi và cho chúng một tương lai đỡ vất vả hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM