Người đàn ông là chủ quán cà phê lên mạng xã hội, nhờ mọi người… đóng giúp cây đinh để treo bức tranh. Vài chục phút sau, hộp thư anh ta "ngập" trong những dòng tin nhắn đề nghị đến tận quán giúp đỡ. Rồi tự nhiên, chục người xa lạ này lại trở thành bạn.
Có anh làm thuê tên Hữu Chân (50 tuổi) tự dưng thương cặp vợ chồng bảo vệ - công nhân sắp cưới. Cả hai đều đã U60 thì gặp tình yêu phần còn lại của cuộc đời, muốn tổ chức lễ cưới giản đơn và gói ghém. Anh bèn lên mạng xin giúp đồ cho cô chú. Ngay lập tức, hàng chục người đã ngỏ ý tặng lại bộ áo dài, đôi giày, mâm cỗ, cả dịch vụ chụp ảnh, xe ô tô di chuyển cho cô dâu và chú rể.
Một mẹ bỉm 22 tuổi, đầu tắt mặt tối với việc cơ quan, việc nhà nhưng vẫn gấp từng túi quần áo, đồ chơi của con trai để trao lại cho những bé con đang cần.
Những chuyện này diễn ra hàng ngày trong một nhóm Facebook 370.000 thành viên với tên gọi đơn giản Saigongive - Bạn cần Tôi tặng.
Vậy đứng sau Group này là những ai? Và họ đã làm gì để mọi người – dù là người cho, người nhận hay người lướt ngang đọc bài chia sẻ - cũng cảm thấy ấm lòng bởi đâu đó trong thành phố 9 triệu dân này, luôn có người tốt.
Chúng tôi đã liệt kê Saigongive qua nhiều gạch đầu dòng: hàng chục bài đăng mỗi ngày xoay quanh chủ đề cho nhận, từ những thứ giá trị như tủ lạnh, loa bluetooth, TV, xe đạp cho đến cái áo len, vài cái rổ, chiếc quần tây, áo sơ mi, hộp kim chỉ hay đơn giản là bữa ăn, tỉ ti thứ trên đời này. Những bài đăng chỉn chủ về mặt câu chữ, thông điệp rõ ràng và người cho - nhận đều chân thành chia sẻ.
Tất cả làm chúng tôi hình dung đến một ê-kíp truyền thông chuyên nghiệp và hùng hậu nhưng khi gặp mặt, họ lại dẫn đến sự ngạc nhiên khác. Đó là 6 con người ở thế hệ 7X, 8X đang làm 6 công việc khác nhau như luật sư, nhà báo, du học và nhân viên văn phòng.
Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi chiều năm 2019, anh Hồ Hữu Hoành - một luật sư ở TP.HCM thành lập nhóm Facebook để cho đi đồ dư của mình và nhận lại đồ cần. Anh là người kết nối 5 người còn lại, họ có hai chung lớn nhất. Một, họ yêu tất cả những gì thuộc về thành phố này. Hai, họ mong muốn tái sinh vòng đời của những món đồ, tránh lãng phí và giảm sức ép cho trái đất.
Họ không có "chiến lược" đao to búa lớn cũng chẳng có áp lực phải làm số thành viên đông lên một cách nhanh chóng. Trong suốt 5 năm, tất cả những thành viên tìm đến đều là tự nhiên để cho - nhận đồ đạc. Slogan được đặt ra cũng rất đơn giản, không "lên gân": Saigongive - Bạn cần tôi tặng.
Vâng, chỉ đơn giản là nếu bạn cần thì tôi tặng. Số lượng nhóm từ vài chục người, lên hàng trăm, hàng nghìn rồi hàng trăm nghìn. Rồi bằng một cách tự nhiên, quy tắc nhóm cũng được hình thành. Saigongive không phải là câu chuyện từ thiện xã hội mà chỉ đang lan tỏa lối sống văn minh. Người nhận không phải người nghèo và người cho không phải người giàu. Họ chỉ đơn giản đang trao đổi nhu cầu của mình một cách không phán xét.
Chị Hồ Thị Xuân Huy (ban quản trị nhóm Saigongive) kể: "Chúng tôi thấy được nhiều thứ qua bài đăng, nỗi khó khăn, ước mơ, lòng hào hiệp, sự rộng lượng và những trái tim lấp lánh niềm vui sẻ chia".
Ngay từ những ngày đầu thành lập, group đã có những chuyện… kỳ lạ lắm. Ví dụ, có nhiều bạn nội trợ nấu cơm cho gia đình, thỉnh thoảng lại nấu dư ra. Mâm cơm tươm tất và chỉn chu gồm canh, mặn, xào. Bạn chụp ảnh lại và đăng lên group để tặng cho các bạn sinh viên, chú xe ôm.
Cô bé 18 tuổi mừng sinh nhật của mình không phải bằng bánh kem, nến và hoa mà tự dưng chạy thẳng ra chợ, mua lỉnh kỉnh đồ ăn để tặng lại người xa lạ.
Các bạn sinh viên mới lên TP.HCM ở trọ, xa gia đình, thiếu thốn đủ thứ. Các bạn lên group xin và không sợ ai phán xét (tại sao lại cần cái này, gia đình có khó khăn không). Mọi người cứ giúp đỡ nhau một cách văn minh, cho là cho, không tính toán thiệt hơn hoặc đòi hỏi mình sẽ nhận về điều gì đó.
Rồi một lần, có bạn lên nhóm để xin một… cái chai. Rất khó hiểu?! Ai cũng ngạc nhiên nhưng khi biết được câu chuyện ẩn đằng sau. Cái chai gắn với ký ức tuổi thơ của bạn, kỷ niệm về một thời khó khăn nhưng đầy niềm vui. Vậy mà cũng hàng chục người hồ hởi giúp đỡ chủ nhân bài đăng đi tìm ký ức.
Tất cả tạo nên thông điệp rằng Không có sự phân biệt, dán nhãn nào để ngăn bạn trở thành người tốt ở Sài Gòn. Khi tham gia vào nhóm, bạn sẽ cảm thấy người tốt rất nhiều và ở khắp nơi. Họ là chú xe ôm, bà bán báo, chị bán vé số, cô nhân viên văn phòng, anh giám đốc công ty, bà chủ quán trà sữa. Kể cả khi bạn có nhiều hay ít tiền, bạn để có thể cho đi và được nhận lại. Thông điệp cốt lõi đó đã giúp Saigongive tồn tại và kết nối những người xa lạ ở thành phố này lại với nhau.
Chúng tôi tiếp tục với những con số, 370.000 thành viên, hàng chục bài đăng mỗi ngày, hàng nghìn lượt chia sẻ, tương tác. Rồi 6 con người, đều đã có công việc, gia đình, cuộc sống riêng. Vậy họ đã làm như thế nào để group phát triển?
Chị Nguyễn Võ Xuân Thùy (ban quản trị nhóm Saigongive) cho chúng tôi một ví dụ thú vị. Group được ví như một khu vườn đang nảy nở và mỗi ngày đều cần sự chăm chút.
Mỗi ngày, các thành viên đều dành thời gian trao đổi, duyệt bài hoặc trả lời bình luận/phàn nàn của các thành viên. Hàng chục đầu việc không tên được làm… không lương.
Mệt không? Có! Nhưng họ nhận được những niềm vui trong đó. Cụ thể, có những ngày Thùy ở cơ quan mệt mỏi với rất nhiều áp lực nhưng tự dưng mỉm cười vì một mẹ đơn thân nhận được món quà của chục người gửi tặng cho em bé.
Hay chính chị cũng từng tỉ mẩn gói từng túi xách, quần áo không vừa cho đi người cần. Hồi Thùy sinh con, chị nhận được máy hâm sữa và nhiều món đồ chơi linh tinh, cũng do người lạ tặng.
Sự tự tế của người lạ với người lạ vẫn luôn tồn tại. Nó thể hiện qua những bộ quần áo lành lặn được gói ghém cẩn thận, có khi còn cho cả giấy thơm vào. Bữa ăn được nêm nếm, bày trí đẹp mắt để người nhận được no bụng và ấm lòng.
Ban quản trị sẽ từ chối những người cho đi mang tính chất… dọn nhà, đồ đạc không nguyên vẹn, tức của cho không bằng cách cho. Bởi ngay từ đầu, nguyên tắc của họ là không có người nghèo hay người giàu, mà chỉ có người cho và người nhận.
Dù vậy, 5 năm qua, ban quản trị Saigongive cũng hàng trăm vấn đề tỉ ti cũng bị phát sinh. Có thời gian, nhóm là nơi đổi hàng. Ví dụ như bạn có món đồ dư, bạn đổi với người cần khác. Tuy nhiên, nhiều người lại phàn nàn là đổi đồ không đúng giá trị. Hay thậm chí, nhiều người lên nhóm xin đồ về lại bán ở một nhóm khác. Đồng thời, Saigongive cũng gặp 3-5 nhóm giả làm ảnh hưởng đến cộng đồng khá lớn.
Xuân Huy chia sẻ: "Tụi mình thường nói vui với nhau làm chuyện quản trị này bằng… lương tâm chứ không phải lương tháng. Số lượng thành viên càng ngày càng lớn, thỉnh thoảng lại sót những bài sai tiêu chí. Tuy nhiên, không một ngày nào, tụi mình cho phép nhóm bị bỏ phế". Ngoài những chuyện đó ra, Huy cho biết cộng đồng Saigongive khá văn minh.
Và đó là lý do, trong 5 năm qua, có rất nhiều lời đề nghị mua group nhưng họ nhất quyết không bán bởi đây là giá trị tinh thần - cộng đồng mà họ đã chung tay tạo ra. Saigongive - cũng là nơi lưu giữ những tâm tình mà những người không quen biết nhau sẵn lòng san sẻ với nhau.
Thùy chia sẻ: "Về mặt tinh thần, mình đã nhận được rất nhiều từ nhóm này. Tính cách của dân tộc mình là sự san sẻ và yêu thương. Nhiều bạn không ngại cho người lạ một món quà giá trị và nhận lại niềm vui tinh thần. Bằng cách này hay cách khác, ai cũng có thể trở thành người tốt. Và nếu bạn chưa gặp người tốt, bạn có thể trở thành họ".
Đồng thời, 6 quản trị viên của nhóm cũng là 6 mảng màu khác nhau. Một người vui tính, một người sôi nổi, một người trầm lắng, một người hài hước, một người sâu sắc, một người tỉ mỉ. Tất cả tạo nên những mảnh ghép phong phú và sinh động cho nhóm.
"Cái chuyện chúng tôi khác nhau về góc nhìn, tính cách đã kiến tạo nên cộng đồng như Saigongive", Huy nói.
Chị Xuân Huy đặt câu hỏi ngược lại cho chúng tôi. Chị tin rằng bất kỳ ai cũng đã từng cho đi hoặc được nhận một-thứ-gì-đó từ những người lạ. Chính chị cũng vậy!
Huy tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rồi làm việc ở một ngân hàng Hàn Quốc. Lương cao, môi trường chuyên nghiệp nhưng chị chưa cảm thấy mình thật sự hạnh phúc.
Rồi Huy rẽ hướng, chuyển sang làm báo, công việc giúp chị có được những chất liệu chân thật của đời sống - cũng như Saigongive. Huy từng gói một món đồ để gửi ra Nha Trang tặng một mẹ bỉm. Người phụ nữ này cảm thấy hạnh phúc khi nhận được món quà được gói ghém cẩn thận và nhắn Huy khi nào đến Nha Trang, hãy báo cho chị biết.
Tự dưng, Huy có thêm một người bạn!
Không chỉ Huy, ở Saigongive, chúng tôi đã ghi nhận được vô số câu chuyện dễ thương khác.
Đó là một ngày cuối năm 2024, cô gái ở quận 9 đăng bài vào nhóm nhờ xin đồ sơ sinh hoặc ra tháng của bé gái để tiết kiệm chi phí. Chị chú thích Sinh xong mình sẽ nhượng lại cho bạn nào cần để sử dụng tiếp. Mình chân thành cảm ơn! Bài đăng lập tức có 37 bình luận từ các "mẹ bỉm" ở khắp nơi trong Sài Gòn. Người đề nghị cho vớ chân, quần, áo.
Đó là một người mẹ 22 tuổi của cậu con trai 3 tuổi. Sinh con xong, chị đi làm trở lại và được sếp thưởng cho khoản tiền nhỏ. Chị quyết định trích ra một ít mua 20 phần bánh ngọt để tặng người xa lạ.
8h15, khi chị đi làm về nhà đã thấy rất nhiều người đợi sẵn ở nhà mình, tự dưng lòng rưng rưng xúc động. Chị muốn cậu con trai lớn lên và nhìn thấy những gì mẹ làm, từ đó trở thành một người tử tế với xã hội. Mỗi lần, chị mua đồ chơi để thưởng cho con, luôn mua dư ra vài món để gửi tặng những bé có hoàn cảnh khó khăn hơn cũng đang cần.
Đó là buổi tối giữa tháng 12, một cô bé sinh viên vừa chuyển trọ thiếu nhiều đồ cần thiết. Cô bạn nhắn lên group Saigonive nội dung Anh chị có nồi cơm điện với đèn bàn học cũ có thể cho em xin để tiết kiệm học phí với được không ạ? Em ở khu vực quận Tân Phú sẽ sang tận nơi
Sau vài giờ, bài đăng đã có hàng chục bình luận "Chị tặng em đèn bàn", "Sang nhà anh lấy bàn học nhé" hoặc "Cô cho đi chén bát thủy tinh". Sài Gòn bỗng trở nên ấm áp hơn.
Những câu chuyện nho nhỏ trên giúp chúng tôi bắt đầu tin vào sự tử tế luôn có ở khắp nơi. Bạn là nhân viên văn phòng với mức lương hàng chục triệu đồng nhưng vẫn vào nhóm xin một dây sạc ai đó không dùng nữa? Vẫn được, chẳng ai phán xét bạn cả!
Bạn là người đàn ông thất nghiệp vào nhóm cho đi một chiếc xe đạp đã cũ. Vẫn được, mọi người vẫn chào đón tấm lòng của bạn. Và chẳng một ai đánh giá việc bạn đang làm.
Như một buổi chiều cuối năm 2024, lòng chị Xuân Thùy dịu lại khi thấy cậu con trai biết nâng niu đôi giày cũ của mình - vốn đã không còn vừa vặn nữa. Cậu bé bi bô: "Mẹ ơi, mẹ đem tặng các bạn khác nha".
Trong khoảnh khắc đó, Thùy thật sự tin những điều mình làm đã được lan tỏa, một cách âm thầm, tự nhiên.