GS Nguyễn Minh Thuyết: Đi chùa ở Lào, Thái Lan...người ta chỉ cầu Đức Phật ban cho sức khỏe, hạnh phúc thôi, chứ không cầu cho làm ăn trúng quả, cầu chức tước
(Tổ Quốc) - Cựu ĐBQH, GS Nguyễn Minh Thuyết đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc về câu chuyện đức tin bị biến tướng, trục lợi ngày một trầm kha.
- Theo dõi tin tức những ngày vừa qua về chùa Ba Vàng, ông cảm thấy thế nào và theo ông, tại sao lại dẫn tới tình trạng như ở chùa Ba Vàng?
+ Cơ sở thờ tự của tôn giáo là nơi linh thiêng, là nơi để người ta tìm lại sự yên tĩnh trong tâm hồn cũng như là để hướng tới những điều thánh thiện, cao đẹp. Chùa, nhà thờ, đền thờ… của bất kỳ tôn giáo nào cũng vậy.
Ở Việt Nam, số người tin theo đạo Phật, đi lễ chùa rất đông mà có hiện tượng biến chốn linh thiêng thành nơi làm ăn kinh tế, lừa lọc con người như thế thì phải nói là hết sức đáng buồn.
Tôi nghĩ rằng đây là một biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội, về văn hóa, nhưng không phải là ví dụ đơn nhất và cũng không phải chỉ trong một lĩnh vực duy nhất.
Thử nhìn lại một số hiện tượng tiêu cực nổi bật trong thời gian qua mà báo chí đã nêu lên và Nhà nước đã xử lý, chúng ta thấy rất đáng lo, đáng buồn.
Này nhé: Nhiều người được Nhà nước giao tiền, giao tài sản, trong đó có tài nguyên quốc gia và nguồn nhân lực để làm giàu cho đất nước thì lại làm nghèo đất nước vì chủ yếu thu tiền bạc, của cải vào túi mình.
Nhiều người được Nhà nước giao trọng trách chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự xã hội thì lại là tội phạm, thậm chí là tội phạm nghiêm trọng. Điển hình là người phụ trách lĩnh vực chống tội phạm công nghệ cao lại trở thành "ông trùm" tội phạm công nghệ cao.
Thầy giáo, cô giáo là những người từ xưa tới nay được kính trọng, gánh vác trọng trách giáo dục thế hệ trẻ nhưng cũng có nhiều tấm gương xấu quá, khá nhiều thầy cô đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Và đến giờ là chùa chiền mà chùa Ba Vàng là một điển hình cho việc lợi dụng lòng tin của người dân, nhận thức yếu kém của người dân để trục lợi, thậm chí khủng bố tinh thần người ta và gieo rắc những phân tích tệ hại về về xã hội. Giả sử có chuyện luân hồi, nếu kiếp trước ai đó trót gây ra nghiệp lớn nên kiếp này phải gánh chịu thì họ phải làm gì? Có nên tin rằng giết hại người ta mà chỉ cần đền cho vong vài trăm triệu là xóa được tội lỗi không? Nếu thế thì người ta có cần tu nhân tích đức không?
Tôi cũng phải nói hiện nay việc trục lợi tâm linh là nhiều chứ không phải ít, chùa Ba Vàng là trường hợp điển hình thôi. Ngay tại Hà Nội thôi, có hiện tượng nhà chùa dâng sao giải hạn cho cả mấy nghìn người một lúc, người đi dâng sao đứng tràn ra cả đường giao thông không? Dâng sao giải hạn có thu tiền không? Nếu các cơ quan chức năng và Giáo hội không chấn chỉnh thì đó sẽ là gương xấu dễ lây lan. Đến lúc lan ra khắp nơi rồi mới can thiệp thì can thiệp làm sao?
GS Nguyễn Minh Thuyết
- Tại sao lại có những chuyện như vậy thưa ông? Nhất là trong thời đại khoa học, tiến bộ xã hội đã ngày một phát triển?
+ Vâng, chị nói đúng, đây là điều rất lạ đời vì nó đi ngược lại quy luật. Thông thường khi mà văn hóa, khoa học, công nghệ phát triển thì người dân phải hiểu biết hơn và những ai định lợi dụng niềm tin của người dân không dễ gì lợi dụng được mới phải.
Nhưng việc này có nguyên nhân của nó: Thứ nhất, khoa học tuy có phát triển nhưng chưa thấm vào dân chúng, đời sống văn hóa mới chưa thành nếp sống của người dân, nhiều nơi, chính quyền và đoàn thể làm còn hình thức, chiếu lệ lắm nên nhiều người dân thờ ơ và cũng chưa giác ngộ được.
Thứ hai, trong cuộc sống, con người luôn gặp khó khăn mà không phải bao giờ cũng có thể giải quyết được mọi chuyện theo nguyện vọng (kể cả nguyện vọng chính đáng lẫn không chính đáng) của mình. Do đó, người ta thường tìm tới thế lực siêu nhiên để nhờ cứu giúp, hoặc chỉ là để giãi bày, cứu rỗi về mặt tâm hồn. Việc này không xấu và thời nào cũng thế, xã hội nào cũng thế thôi.
Ở thời buổi kinh tế thị trường, người muốn cầu may rất nhiều, họ tranh thủ tận dụng mọi cơ hội dù là những cơ hội khá mù mịt để cầu may, cầu lợi. Nếu lại gặp những "nhà tâm linh" trục lợi thì cầu và cung gặp nhau, chuyện cầu lợi, trục lợi càng có đất phát triển. Để khắc phục được điều này thì Giáo hội phải nghiêm, phải tuyển chọn, bổ nhiệm người cho đúng, chứ dùng những người đi tu không phải để phụng sự Phật pháp, phụng sự người dân thì khó lắm…
Việc quản lý tiền nong, chi tiêu trong Giáo hội cần có quy định chặt chẽ hơn, có chế độ kiểm tra cẩn thận. Một số tôn giáo đã làm được điều này…
- Giải quyết câu chuyện này có phải là việc khó không thưa ông?
+ Theo tôi, đây là chuyện khó nhưng không phải không làm được.
Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước phải tận tâm tận lực phục vụ người dân, cải thiện an sinh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giải quyết các vấn đề của người dân một cách công bằng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, làm cho người dân coi chính quyền là chỗ dựa tin cậy. Trước những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, cần kịp thời chấn chỉnh. Đừng có vì nể nang hay vì bất cứ điều gì khác mà ngó lơ.
Thứ hai, người dân phải nhận thức về đời sống tâm linh cho đúng. Tôi nhiều lần sang Lào, sang Thái Lan, vào chùa, thấy người ta đi lễ rất đông. Nhưng người ta chỉ cầu Đức Phật ban cho sức khỏe, hạnh phúc thôi, chứ không cầu cho làm ăn trúng quả, cầu chức tước. Bởi điều đó đi ngược lại với giáo lý, với bản thân hành tích của Đức Phật Thích Ca người sáng tạo ra đạo Phật. Đức Phật đã từ bỏ cả ngôi Thái tử và hạnh phúc gia đình để tu hành, tìm đường giải thoát cho người dân còn khổ đau. Trước một người không thiết tha chức vị, của cải và thường răn dạy người đời tránh xa tham, sân, si mà mình lại cầu xin bổng lộc, chức tước thì tôi chắc chắn rằng sẽ không được phù hộ. Đức Phật không quở cho còn là may .
Con người vào lễ chùa là để tâm của mình được thanh thản và để có niềm tin, tiếp tục sống tốt. Đó mới là cái chính. Các vị tu hành, các nhà văn hóa cần thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu, còn lợi dụng nơi thờ tự để tuyên truyền mê tín dị đoan, dọa dẫm người ta và thậm chí là xúc phạm tới người đã khuất, tôi thấy không ổn chút nào.
- Thực tế Việt Nam có nhiều vị tu hành là các bậc chân tu chính quả, nhưng người dân tìm tới các vị tu hành như vậy dường như không nhiều bằng việc tìm tới những gì không chính xác, điều này theo ông lý giải như thế nào?
+ Ở đời thường giữ sạch khó hơn để bẩn, hướng thiện khó hơn hướng lợi. Nhưng tôi tin rằng ngay sự tồn tại của các vị chân tu trên cõi đời cũng đã là bằng chứng về cái thiện, động viên người ta tin vào cái thiện, vào những giá trị trường tồn của dân tộc.
Giáo hội nên có hình thức phù hợp giới thiệu những tấm gương ấy để người dân được học hỏi, tăng thêm niềm tin và những hành động hướng thiện.
Tôi được biết nhiều nơi người ta làm điều không hay nhưng rất hấp dẫn tín đồ vì họ tổ chức tuyên truyền rất bài bản, sử dụng từ những hình thức cổ truyền như đồn thổi rỉ tai đến các phương tiện truyền thông hiện đại. Còn những nơi làm tốt thì rất ít tuyên truyền.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Với chùa Ba Vàng, tôi thấy Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần này đã có quyết định sáng suốt, không để tình trạng trục lợi tâm linh làm giảm niềm tin của người dân. Nếu giảm niềm tin vào cả những chốn tôn nghiêm thế này thì xã hội cũng khó yên bình.
- Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!
Song Đào (Thực hiện)