Nhắc đến GS-TS- KTS Hoàng Đạo Kính là giới chuyên môn nhớ đến những công trình bảo tồn và tu bổ nhiều hệ thống di tích trên khắp đất nước. Với trí tuệ và tài năng của mình, ông đã góp phần làm nên diện mạo của nhiều di tích mang tính biểu tượng của Hà Nội và cả nước.
Trong sự nghiệp lớn của mình, GS-TS- KTS Hoàng Đạo Kính có hàng nghìn dự án trùng tu, xây dựng, bảo tồn di sản. Hơn 50 năm qua, nhiều công trình văn hóa kiến trúc trên cả nước ghi dấu ấn của ông trong vai trò chủ trì tu bổ như: đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích, Nhà hát Lớn Hà Nội... Chủ trì thiết kế chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, hệ thống chùa ở Sa Pa, đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông....
Tuy nhiên, là một người được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội ông đã dành trọn tình yêu sâu nặng và thấm đẫm chất văn hóa cho thành phố này. Ông đã gìn giữ những di tích tiêu biểu, có giá trị biểu tượng của Hà Nội để vượt qua sự khắc nghiệt thời gian cho các thế hệ thấy được vẻ đẹp của lịch sử, kiến trúc của Thủ đô với lịch sử hơn một ngàn năm văn hiến.
Một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội mà GS-TS- KTS Hoàng Đạo Kính – khi ấy còn rất trẻ, được giao phụ trách việc trùng tu là công trình tu bổ đình Tây Đằng vào cuối những năm 1970. Đây một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam ngót 500 năm tuổi ở huyện Ba Vì, Hà Nội.
Điều đặc biệt đó là công trình trùng tu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đối với một di tích kiến trúc gỗ. Và để bắt tay vào trùng tu thành công công trình này, ông đã hạn chế tối đa sự thay thế; nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống "chắp - vá - nối" để giữ lại nó; cấu kiện nào không thể giữa lại được thì thay thế bằng loại gỗ tương tự, lặp lại hình dáng của cấu kiện gốc…
"Trùng tu ngôi đình đặt ra nhiều vấn đề cho chúng tôi ở thời điểm cuối những năm 1970, khi hoàn cảnh kinh tế đặc biệt eo hẹp và chúng ta hầu như chưa hình thành những quan điểm bài bản về trùng tu di tích kiến trúc gỗ" - ông nhớ lại.
"Bằng cách nào có thể cứu vãn một công trình kiến trúc gỗ, mà các thành phần cấu tạo của nó sau 5, 6 thế kỷ tồn tại đã mục nát? Nếu thay đổi bằng gỗ mới, công trình có thể chắc, bền nhưng làm như thế, chúng ta sẽ đụng chạm vào các "tế bào lịch sử".
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính đã phải trải qua một quá trình tranh luận và thuyết phục để đi đến quan điểm chung mang tính nguyên tắc. Đó là: Tu sửa chủ yếu để đảm bảo cho di tích tồn tại lâu dài, không đặt ra vấn đề đưa kiến trúc hiện hữu về một giai đoạn lịch sử ước định, duy trì tối đa hiện trạng kiến trúc và trang trí của di tích.
"Lúc đó tôi rất lúng túng, chưa quen khái niệm trùng tu là như thế nào, trùng tu như các cụ là hỏng đâu sửa đấy, nhưng trùng tu khoa học là như thế nào? Mình làm thay đổi một ông lão có tuổi đời 6-7 thế kỷ, thì tôi vận dụng những bài học quốc tế ứng vào việc bảo tồn di tích kiến trúc gỗ Việt Nam, nghĩa là bảo tồn tối đa hiện trạng, không làm thay đổi đặc trưng kiến trúc, trùng tu di tích là làm cho di tích khỏe lên, vững chãi hơn, sống lâu hơn nhưng không trẻ lên"- GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.
Và quan điểm này sau đó trở thành kim chỉ nam cho ông trong hành trình làm cho di tích sống lâu hơn.
Những năm đầu thập niên 90, ông cùng cộng sự tôn tạo di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước đó, 82 tấm văn bia ở Văn Miếu cứ dãi dầu mưa nắng mà không có bất cứ một biện pháp bảo vệ nào.
Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đặt vấn đề bảo quản bia Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhiều phương án bảo tồn được đưa ra. Có người đưa ý kiến bảo quản văn bia bằng hóa chất, nhưng KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng không hóa chất nào chịu được mưa nắng ngoài trời sau nhiều năm, chưa nói hóa chất có thể tác động ngược lại với đá. Có người lại muốn dựng một nhà bia lớn phủ lên trên cả hai dãy bia, để che tất cả bia. Nhưng nếu làm to như mái đình thì mái nhà bia phải cao 8, 9 thước, sẽ "nuốt chửng" Khuê Văn Các và biến hồ Thiên Quang Tỉnh thành chiếc ao nhỏ.
Ông đã đưa ra phương án: tạo các mái che, tương tự nhà bia trong kiến trúc cổ truyền, vừa không tương phản và vừa không mạo hiểm, lại dễ thực hiện. Để tránh tạo ra những nhà che bia có kích thước lớn, thách thức Khuê Văn Các và không gian sân thứ 3, ông chia thành 2 dãy, 8 nhà che bia, ăn nhập về tỷ lệ xích với quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhà che bia tiến sĩ theo kiến trúc truyền thống phù hợp với cảnh quan, kiến trúc của Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang và tổng thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám khiến những ai chưa từng đến thăm di tích khi những tấm bia tiến sĩ còn đặt ngoài trời đều khó nhận ra đâu là các công trình cũ, đâu là mới.
Còn đối với Nhà hát Lớn Hà Nội, với vai trò chủ trì dự án trùng tu công trình này, GS- TS- KTS Hoàng Đạo Kính cũng đặt ra vấn đề thống nhất với quan điểm bảo tồn di tích và di sản văn hóa xuyên suốt trong sự nghiệp của ông, đó là: Trong bảo tồn di tích quan trọng nhất là giữ gìn tính nguyên gốc. Tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc.
Khi bắt tay vào thực hiện, ông đã sang Pháp tìm hiểu về kiến trúc các nhà hát của nước sở tại. Đồng thời, ông đã đưa KTS Việt kiều Pháp Hồ Thiệu Trị, một người theo ông là tài năng, tinh tế, hiểu kiến trúc Pháp tham gia vào dự án này. Sau hơn 2 năm trùng tu, những giá trị cơ bản về kiến trúc và mỹ thuật trang trí của người Pháp năm 1911 ở Nhà Hát Lớn vẫn được giữ nguyên vẹn. Đồng thời, gần 400 trăm tấn thiết bị điều hòa, âm thanh, ánh sáng, thiết bị vệ sinh được lồng ghép khéo léo đến nỗi không gian vẫn được giữ như cũ.
Danh hiệu cao quý nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024 là Giải thưởng Lớn đã được trao cho GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính vì những đóng góp của ông cho Hà Nội nói riêng và cho di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Ông Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa nhận định: "Để di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng, và văn hóa Hà Nội nói chung có được diện mạo như ngày hôm nay phải có sự đóng góp của rất nhiều người. Nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, để bảo vệ di tích, để xây dựng văn hóa của chúng ta thì công sức và tiền của thôi chưa đủ, chưa phải là tất cả. Điều quan trọng đầu tiên là phải có quan điểm, và phương pháp trùng tu và bảo vệ di tích đúng đắn. Phải có những con người có tâm, có tầm với di sản. Nói rộng ra là có tâm có tầm với cả nền văn hóa".
"May mắn thay là những con người có tâm, có tầm như thế không hề thiếu. Văn Miếu- Quốc Tử Giám hôm nay, đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt, với hệ thống bia Tiến sĩ đã trở thành Di sản tư liệu thế giới, và toàn bộ khu di tích trở thành một không gian sáng tạo điển hình của Hà Nội – thành phố sáng tạo của UNESCO. Sự phát triển của văn hóa Hà Nội trong những thập niên vừa qua là kết quả tất yếu từ sự đi lên của nền kinh tế, xã hội, nhưng không thể bỏ qua yếu tố con người. Đã có lớp lớp các thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ cống hiến cho Hà Nội bằng cả tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình" – ông Lê Xuân Thành nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng: "Có những thước đo vẫn phải gắn với thời gian cống hiến của một người. Với GS-TS- KTS Hoàng Đạo Kính, ông đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho bảo tồn di sản - một lĩnh vực vốn quan trọng trong thời kỳ xây dựng phát triển nhưng cũng đang đứng trước những thử thách cam go khi đặt ra yêu cầu gìn giữ những tài sản của quá khứ".
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết: "Đề cử Giải thưởng Lớn là được các thành viên của Hội đồng giám khảo thống nhất tuyệt đối và ngay lập tức thông qua".
Nói thêm về những đóng góp to lớn trong việc tu bổ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhà thơ Bằng Việt cho biết: Đến ngày hôm nay chúng ta vẫn thấy các nhà bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám rất là đồng bộ với toàn bộ kiến trúc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tầm nhìn cũng như kiến thức của GS- TS- KTS Hoàng Đạo Kính trong nghề chuyên môn của mình cũng như trong việc làm đẹp Thủ đô đã đi rất đúng hướng và chúng ta đã có được những công trình của Hà Nội như hôm nay.
Còn PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì khẳng định: Từ sự vinh danh này, tôi tin rằng không chỉ giúp cho chúng ta có thêm tình yêu với Hà Nội mà còn giúp cho Hà Nội tỏa sáng với tư cách là một trung tâm văn hóa, trung tâm chính trị và là niềm tự hào của cả đất nước. GS- TS- KTS Hoàng Đạo Kính là người truyền cảm hứng cho rất nhiều các bạn trẻ và rất nhiều người trong nghề liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Những đóng góp của GS- TS- KTS Hoàng Đạo Kính trong rất nhiều năm về vấn đề bảo tồn phố cổ, về vấn đề phục dựng các di sản văn hóa là những đóng góp hết sức có ý nghĩa. Và nhờ uy tín của ông ở trong giới nghề mà những ý kiến của ông bao giờ cũng được lắng nghe, bao giờ cũng được tôn trọng và thực sự có sự phát huy.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ về việc trùng tu di tích
Ở tuổi ngoài 80, GS-TS- KTS Hoàng Đạo Kính vẫn đau đáu với tình yêu Hà Nội. Ông chia sẻ: "Điều mong muốn của tôi là những người sống ở đây, sẽ không chỉ tự hào tôi ở Hà Nội, mà phải tự hào sâu xa tôi là người Hà Nội".
Ông cũng bày tỏ: "Cái lo nhất hiện nay, trước tiên là làm sao để giữ Hà Nội là một thành phố đặc sắc trước bối cảnh cạnh tranh đô thị diễn ra ở nhiều thành phố trong cả nước và trên thế giới. Hà Nội phải đặc sắc để cạnh tranh. Ở đây, vấn đề đặt ra là Hà Nội còn đặc sắc không? Hơn nữa, tính đặc sắc đó, phẩm chất đặc sắc đó còn hiện diện một cách thuyết phục không?"
"Và quan trọng hơn, Hà Nội còn phải là thành phố tinh hoa. Hà Nội phải nhận ra những giá trị tinh hoa mà mình đang sở hữu để kế thừa, tiếp nối. Những giá trị tinh hoa đó phải được vun đắp, bồi tụ, cô đọng và lan tỏa. Hà Nội phải là Thủ đô của đất tinh hoa, mà trước tiên là tinh hoa văn hóa"- GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ./.