Ở một lớp học nơi giữa người dạy và người học không sử dụng cách xưng hô cô – trò mà là bà nội – cháu/con chính là tổ ấm đầy yêu thương mà bà giáo già Hồ Hương Nam đã và đang giúp các em học sinh từng ngày tự tin hơn trong cuộc sống.
Ba lần "bị đuổi"
Về hưu năm 1979, cô giáo Hồ Hương Nam rời xa nhà trường, xa bản làng gắn bó nhiều năm dạy học để trở về nhà nhận công việc cộng tác viên về dân số gia đình và trẻ em tại phường. Đối với một người đã nhiều năm gắn bó với những đứa trẻ và luôn giữ trong mình bản năng "trồng người", ở cái tuổi đã là một người bà, người mẹ, việc gõ cửa từng nhà và chứng kiến những mảnh đời bất hạnh vừa bị khiếm khuyết lại vừa phải chịu hoàn cảnh gia đình kém may mắn đã thôi thúc trách nhiệm, tình yêu thương của bà.
Công việc tìm địa điểm lớp học không phải là một điều dễ dàng, sau ba lần mất lớp, cô trò bà giáo Nam mới có được một lớp học khang trang
"Tôi đã đi vận động, cố gắng vừa làm công tác dân số, vừa vận động các cháu ra học. Lúc bấy giờ mình cũng ngô ngây lắm, không biết làm thế nào cho tốt nhưng vẫn cố gắng vận động gia đình cho các cháu đi học. Nhưng khó một cái là không ai chịu nghe. Mình đi làm công tác dân số thì họ nghe chứ vận động họ đưa con đi học thì người ta mặc cảm và cho rằng mình đưa con họ ra bôi bác"- bà giáo già nhớ lại quãng thời gian khó khăn ban đầu ấy.
Không những vậy, cô giáo già còn bị chính những đồng nghiệp ở phường phản đối khi cho rằng tại sao lại đi dạy những đứa "không ra gì" lại còn không lấy tiền, thay vào đó đi làm giáo viên dạy thêm kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống có phải hơn không. Hai chữ "vì tiền" đã chạm đến lương tâm của một nhà giáo khiến cô Nam càng quyết tâm vận động các gia đình đưa con em ra học.
Sau nhiều cố gắng không ngừng nghỉ, cô Nam đã vận động được hai gia đình cho con em bị khuyết tật tên Thoa và Trang theo học với thỏa thuận: "trong một tháng nếu không dạy được các cháu tiến bộ thì sẽ trả về gia đình". Và thế là công cuộc dạy chữ bắt đầu.
"Vạn sự khởi đầu nan". Sau khi vượt qua khó khăn về công tác vận động, cô Nam lại tiếp tục gặp một vấn đề khác là địa điểm dạy học. Do không có địa điểm nên cô Nam với tư cách là cán bộ dân số đã xin khu dân cư cho mở lớp tại trụ sở tuần tra để dạy học. Những buổi học đầu tiên đã bắt đầu với sự nghiêm túc và quyết tâm cao của cả cô lẫn trò.
Dưới sự dìu dắt của "bà nội", học sinh học hành rất chăm chỉ
"Học được 1 tháng tôi đưa 2 cháu trở về với gia đình. Cha mẹ các cháu đã rất bất ngờ khi con mình nói được, đọc được rồi biết chào hỏi và họ đã gửi lời xin lỗi đồng thời bày tỏ mong muốn cho con theo học tiếp. Đó là thắng lợi đầu tiên của tôi"- cô Nam nhớ lại.
Con đường "gieo chữ" cho những trẻ em bị khuyết tật của cô Nam tưởng chừng đã êm đềm khi số lượng học sinh theo học tăng lên con số 6. Nhưng sự bấp bênh lại xuất hiện. Trụ sở tuần tra được lấy lại để làm nhà văn hóa. Cô trò mất chỗ học. Địa điểm được chuyển sang một trường mẫu giáo bị bỏ, sụp đổ bốn góc tường và chỉ còn trơ lại mái ở gần đó. Sau khi vận động phụ huynh dọn dẹp và sắp xếp mấy tấm ván tạm để học sinh ngồi học, lớp học của cô Nam lại tiếp tục được mở.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian yên ổn, lớp học của cô Nam tiếp tục gặp "sóng gió": "Được một thời gian day học từ năm 1998 đến năm 2000 thì trường tiểu học đòi lại khu đất. Bà cháu tôi lại mất chỗ học. Lúc đấy, mình không nói được vì đây là mình tự nguyện chứ đâu có được giao. Lực bất tòng tâm, tôi đã phải lên Phòng Giáo dục quận Tây Hồ để nhờ giúp".
Cứ như vậy, sáng đi dạy học xong chiều cô Nam lại lên phòng Giáo dục quận Tây Hồ chờ. Đến lần thứ 3, cô giáo già đã gặp được Trường phòng Giáo dục quận Tây Hồ để nhờ giúp đỡ. Ngay lập tức, dưới sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục quận Tây Hồ, một lớp học khang trang nằm trong trường THCS An Dương (cũ) đã được sắp xếp để cô giáo Nam cùng các học sinh của mình ngày ngày vật lộn với con chữ.
Một điều đặc biệt của lớp học này là trong suốt thời gian của buổi học cô giáo Nam đều đặn mở các bài nhạc về đất nước giúp các học sinh bình tĩnh và tập trung học tốt hơn
"Nhưng một lần nữa chúng tôi lại mất lớp. Sau một thời gian dài ổn định, đến năm 2015, trường THCS An Dương chuyển địa điểm (trường chuyển ra địa điểm mới, không ai báo cho chúng tôi dù chỉ còn 2 tuần nữa là khai giảng. Cũng chẳng ai khi đó nhắc đến việc lớp học của bà Nam sẽ theo trường hay không. "Lúc đó tôi đã rất hoảng sợ vì phòng học đã xây dựng xong hết rồi. Tôi đã tưởng lớp tôi sẽ phải giải tán và con số học sinh lúc đó là 16 cháu sẽ bơ vơ"- cô Nam chia sẻ.
Một lần nữa, cô giáo già phải nhờ đến sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Một công văn yêu cầu cùng sự xuất hiện của Bí thư Quận ủy quận Tây Hồ ở phường Yên Phụ đã chính thức kết thúc 3 lần chuyển lớp của cô trò cô giáo Nam. Lớp học được xây dựng chỉ trong 2 tuần và 17 con người với cái tên "Lớp học Tình thương" chính thức khai giảng vào học kỳ I của năm học 2016-2017.
Mỗi học sinh mỗi bệnh
"Sau khi ổn định được địa điểm dạy học, tôi cùng các học sinh của mình bước vào học tập. Thường thì các cháu học sinh sẽ có 6 điểm khác nhau: Câm điếc, Tự kỷ, Down, Thiểu năng trí tuệ, Tăng động, Khuyết tật. Mỗi cháu mỗi bệnh, có những cháu dù bị khuyết tật nhưng rất thông minh, tiếp thu nhanh. Sau một thời gian dạy các cháu đều đã biết đọc, viết, thậm chí có những cháu đã có công việc ổn định, lập gia đình. Tính từ năm 1997 đến nay, học trò khuyết tật của tôi đã là 62 cháu"- cô Nam cho biết.
Trong quá trình giảng dạy, với mỗi học sinh khác nhau, cô giáo già lại phải có những cách dạy khác nhau. Đối với những học sinh bị khuyết tật câm điếc, cô Nam phải dùng que tre, kí hiệu nhiều hơn. Để có được những phương pháp dạy tốt nhất, cô giáo già đã theo học một khóa học dạy cho trẻ khuyết tật ở một trường học quận Thanh Xuân và thuộc tất cả bài học, kí hiệu.
Đối với học sinh tự kỷ, cô Nam lại phải có những bài dạy khác. Cô cho hay, sau một thời gian dạy học, cô nhận ra, để dạy trẻ tự kỷ tốt, giáo viên không nên bắt ép mà thay vào đó là làm gương để các em noi theo.
Với mỗi học sinh cô Nam lại có những cách dạy khác nhau
"Mình phải làm cho các cháu đi theo, đôi khi là viết trước bằng bút chì để các cháu viết theo. Chứ nếu nói cháu cứ viết chữ "em" đi thì cháu sẽ viết khác. Nhưng nếu đã viết trước cho các cháu rồi thì hôm sau bảo cháu cứ viết như hôm qua đi lại được. Muốn cháu theo mình thì mình phải gương mẫu cháu mới theo. Còn để cháu tự thì không được"- cô Nam chia sẻ.
Còn hay như các học sinh thiểu năng thì cần phải nhắc nhở mọi lúc mọi nơi bởi những học sinh này thường nói trước quên sau, khó nhập tâm. Người làm giáo viên cần phải bám chặt, theo từng bước đối với những học sinh thiểu năng.
Những món quà nhỏ hàng ngày từ những người tốt xung quanh luôn là nguồn động lực giúp bà giáo và các cháu học tập
Một điều quan trọng nữa mà cô Nam luôn hướng đến trong việc dạy học của mình là việc tiếp xúc bên ngoài, giao tiếp về xã hội, gia đình bạn bè. Đây là điều rất quan trọng để giúp học sinh hòa nhập với môi trường bên ngoài, xóa tan sự mặc cảm, tự ti.
"Thứ nhất, tôi lấy tình thương giữa các cháu trong lớp, cháu nọ cháu kia không được để ghét nhau. Thứ hai, ai vào lớp cũng phải đứng dậy chào. Vào lớp gặp bà thì cháu chào bà. Bà đi về cháu chào bà. Về nhà thì phải bố mẹ ơi con về. Còn chơi với bạn thì không được tranh đồ chơi. Từ chỗ chơi với nhau ở đây, các cháu có cái hòa khí. Nói chung mọi vấn đề mình phải có con mắt quan sát, theo dõi chứ để con về với 4 bức tường, bố mẹ không quan tâm thì không được. Ngay cả mỗi bước đi mình cũng phải theo dõi"- cô Nam cho hay.
Bên cạnh việc tập cho học sinh việc giao tiếp với mọi người xung quanh, cô Nam cũng nhờ nhà trường sắp xếp cho các em học sinh tham dự các cuộc sinh hoạt tập thể như khai giảng, vui chơi. Dần dần, các học sinh trong trường đã không còn sự phân biệt đối với các học sinh bị khuyết tật.
"Bà ơi, bà có chết không? Bà đừng chết"
Chính những học sinh khuyết tật, những người khiếm khuyết về mặt hình thể lại là những người có nhiều tình cảm nhất. Bồi hồi nhớ về những kỷ niệm của mình với các học sinh, cô giáo già kể lại: "Đó là vào ngày 20/11, ngày nhà giáo Việt Nam, tất cả các thầy, cô giáo đều có quà. Tôi cũng vậy. Nhưng món quà tôi nhận được vô cùng cảm động. Ngày hôm đấy, cháu lớp trưởng không biết vận động các bạn thế nào. Đến giờ học mới cầm bông hoa lên và nói: "Bà ơi hôm nay là ngày của bà". Sau đó, các cháu ở dưới ùa lên và tặng hoa. Tặng xong thì tôi khóc bởi các cháu khuyết tật biết đến tình cảm, động viên mình. Tôi hỏi các cháu hoa này đâu ra thì các cháu bảo là từ tiền quà sáng. Các cháu nhịn ăn sáng để mua hoa tăng mình.
Dù gặp khiếm khuyết về thân thể nhưng các em học sinh khuyết tật luôn là người tràn đầy tình cảm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Kỷ niệm tiếp theo là hồi năm 2000 khi tôi bị ngã gãy tay về nhà nằm. Đáng lẽ là phải nằm 10 ngày mới đi dạy. Nhưng có 1 cháu đến thăm. Khi ngồi cạnh cháu ấy mới nói: "Bà ơi bà có chết không? Bà cố đến mai ra lớp với cháu. Tôi xúc động trả lời bà đau tay thôi vẫn dạy được". Sau đó tôi đang đau vẫn phải cố ra lớp để dạy. Học sinh khuyết tật nhưng tình cảm".
Các con vẫn là mầm non của đất nước
Đối với mỗi người làm nghề giáo viên, mong muốn lớn nhất có lẽ là những người học trò của mình thành đạt. Đối với cô giáo Nam, niềm mong muốn này lại càng trở nên mãnh liệt.
"Tôi xây dựng công việc này được 20 năm rồi và dạy các cháu thế này rồi thì tôi mong xã hội quan tâm đến các cháu khuyết tật vì các cháu bị thiệt thòi nhưng vẫn là mầm non của Tổ quốc. Làm sao để các cháu có nơi ăn chốn ở, được học hành, được có công ăn việc làm ổn định đó là mong muốn duy nhất"- cô Nam bày tỏ.
Còn với cô gái đã có nhiều năm gắn bó với lớp học, Đỗ Kim Thúy (20 tuổi), bà giáo Nam "giống như bà tiên". Thúy biết bà từ năm 8 tuổi thông qua báo đài và bố Thúy đã đưa em đến theo học.
Thời gian đầu, Thúy đã gặp rất nhiều khó khăn với các phép tính cộng, trừ, nhân, chia nhưng đến bây giờ em đã biết hết và viết chứ rất đẹp.
"Bà cũng thường xuyên động viên em. Đến bây giờ em đã tự tin hơn rất nhiều, biết nhiều hơn, lễ phép hơn và giao lưu tự nhiên hơn. Bố mẹ em đã mất, bà nội thì ở trong miền Nam, ngoài này có hai bà trẻ cùng các bác nhưng đều ở xa và công việc bận rộng nên không có thời gian quan tâm đến em nên em rất thiếu tình cảm"- Thúy chia sẻ.
Trong cái giá rét của ngày cuối năm, Thúy và các bạn vẫn cần mẫn đến lớp. Mái tóc bạc phơ của bà giáo già bên những cô cậu học trò đặc biệt khiến người viết không khỏi xúc động. Chúc cho ước mơ của Thúy- sẽ trở thành một người kinh doanh nhỏ- và ước mơ của những số phận kém may mắn trong lớp học tình thương ấy sẽ sớm trở thành hiện thực. Chúc cho bà giáo đã vào tuổi thất thập cổ lai hy ấy dồi dào sức khỏe để mãi là "bà nội" của lũ trẻ với những con chữ, điều hay lẽ phải được trao truyền./.