- Là một trong những cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam, ông bắt đầu sự nghiệp thi đấu của mình như thế nào?
HLV Mai Đức Chung: Ban đầu, tôi xuất phát điểm không giống với người ta. Họ đi đá bóng xong rồi mới học, còn tôi, tôi đi học xong mới tìm đến bóng đá. Năm 1965, lúc đấy tôi 16 tuổi, tuyển sinh tại Hà Nội và trúng tuyển, học hệ văn hóa thể dục thể thao tại Từ Sơn. Đến năm 1967, theo chỉ thị của TW thì trường bị giải tán. Một số vận động viên chuyển qua trường huấn luyện khác hay câu lạc bộ khác, có 4 người chuyển qua thể công như Trịnh Ninh Bình, Đức Minh.... còn tôi thì xin đi học dự bị đại học, đến năm 1971 thì ra trường. Đáng lẽ tôi được phân công giảng dạy cho học sinh cấp 3 tại sở Giáo Dục Hà Nội nhưng nhờ ông Bùi Nghẽn sang trường xin, tôi đã về đội xí nghiệp xe ca thi đấu. Đến năm 1975 thì xí nghiệp xe ca giải tán do ông Lê Ngọc Hải chuyển vào Nam, đội không đủ khả năng duy trì, tôi được tổng cục đường sắt nhận về.
Thời đấy, tôi đi đá bóng nhưng là ăn lương tốt nghiệp đại học Thể dục thể thao. Lương khởi điểm là 45 đồng, sau đó vài năm thì được tăng lên là 64 đồng, bấy giờ số tiền đó cũng là rất lớn, 10 đồng cũng là to rồi. Gia đình tôi đông anh em, bố mẹ thì làm công nhân nên khoản thu nhập ấy cũng giúp tôi hỗ trợ được gia đình rất nhiều. Còn đi đá bóng hầu như không có lương, có thì chỉ được hỗ trợ một vài đồng thôi. Sân bãi thời bấy giờ thì khô cứng có phải như bây giờ đâu. Chúng tôi có rất ít thời gian tập luyện, một tuần chỉ được tập vào ba buổi chiều. Chỉ khi có giải thì sáng đi làm, chiều mới được đi tập. Tôi còn nhớ thời đó, có những buổi đi thực tế như ở tòa xe Lương Sơn trên Thái Nguyên. Năm 1977, 1978 đang chiến tranh, tôi phải đi đến đó dạy các công nhân tập luyện thể dục, võ tự vệ… vất vả, khổ sở.
Việt Nam mình lúc đó đang khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Quả bóng nặng lắm, đánh đầu xong mà có khi choáng váng, liêu xiêu, gặp mưa là rất khó sút được nổi bóng. Đôi giày chúng tôi đá cũng làm bằng thủ công. Tôi còn nhớ có chuyến tập huấn ở Bulgaria, khi mà vận động viên bên họ bảo cho xem giày, tôi đưa cho họ xem thì người ta giật mình, khiếp sợ. Nước ngoài tiên tiến hơn mình, đinh người ta được làm bằng nhựa rồi vặn vào, còn mình thì đóng đinh sắt vào sau đó làm mòn đi, trời tối mà nó lòi ra cái đinh ba phân sáng lóa trông sợ lắm. Đá xong nó bảo tôi đổi giày thì tôi liền đồng ý ngay, khi đấy tôi sướng lắm, được đôi giày tốt hơn để đá bóng cơ mà. Cũng may lúc đó FIFA chưa kiểm soát chặt, chứ như bây giờ họ cấm, đuổi ngay, ai lại cho thi đấu với đôi giày như thế được.
- Trong suốt thời gian thi đấu của mình, ông nhớ nhất là trận đấu nào?
HLV Mai Đức Chung: Kỉ niệm đặc biệt nhất khi làm cầu thủ có lẽ là tôi được vào Nam thi đấu, trận đấu giao hữu Bắc Nam sau khi thống nhất được đất nước. Hồi đấy, tôi thi đấu cho Tổng cục đường sắt, chúng tôi vô địch giải công nhân nên được Tổng công đoàn lao động Việt Nam cử vào Nam thi đấu. Trong ký ức tôi trận đấu đó thiêng liêng lắm, tôi hồi hộp đến mức khó ăn khó ngủ lắm, sướng hơn đi nước ngoài. Đời cầu thủ không phải ai cũng được thi đấu những trận như thế. Tôi so sánh với nước ngoài là không sai, vì thời đó miền Nam bị Mỹ đô hộ, miền Bắc thì phải chi viện, hỗ trợ cho chiến tranh. Thế nên, cơ sở vật chất và điều kiện thi đấu trong đó tốt hơn chúng tôi nhiều.
Mục đích của chuyến đi là để phục vụ bà con, chúng tôi không quan trọng thắng thua, chỉ muốn trình diễn một lối bóng đá đẹp cho nhân dân thôi. Chúng tôi vào Nam không chỉ đá một hay hai trận ở Sài Gòn mà còn đi Tây Ninh, Cần Thơ Đồng Tháp. Vào Nam, chúng tôi đi đâu cũng được người dân tiếp đón nồng nhiệt. Đặc biệt đá trận Cảng Sài Gòn, lúc đó như sân Thống Nhất bây giờ, đá từ 5h chiều nhưng từ 11h, 12h thì đã đông nghịt người. Khán giả chen vào sân sờ tay, sờ đùi thì bảo cầu thủ rắn chắc, khỏe mạnh thế này thì tôi mới bảo với mọi người: "Chúng tôi ngoài này cũng được tập luỵện, tiếp thu những cái mới, được nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện chăm sóc".
Khi vào sân thì Tổng cục đường sắt đá rất đẹp, ban bật rất bắt mắt. Chúng tôi từng qua Trung Quốc tập huấn nên học được nhiều, không phải cứ phải đưa bóng xuống sát biên rồi mới tạt vào. Có khi phối hợp vừa qua nửa sân là căng thẳng vào gôn, rồi những cầu thủ tuyến trên lao vào bóng dứt điểm. Tôi may mắn khi là người ghi bàn thắng đầu tiên trong trận cầu lịch sử này. Đến bay giờ nó vẫn như là kỉ niệm khiến tôi tự hào nhất trong quãng đời cầu thủ của mình.
Giải đấu toàn quốc đầu tiên được tổ chức năm 1980, tuy nhiên trước đó đã có 3 giải tại ba miền đất nước: Phía bắc có Hồng Hà, Trung có Trường Sơn và Cửu Long thì ở miền Nam. Hối đấy, vì phương tiện di chuyển còn khó khăn nên tách ra như thế. Giải toàn quốc sẽ theo thể thức thi đấu vòng tròn, 3 đội nhất ba bảng tại ba miền sẽ tập trung tại Hà Nội. Tổng cục đường sắt nhất bảng B ở miền Trung, Miền Bắc có Công an Hà Nội và Hải Quan nhất miền Nam. Chúng tôi thi đấu toàn thắng hai trận và vô địch.
- Cơ duyên nào đã đưa ông trở thành HLV dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam?
Năm 1983 thì tôi nghỉ thi đấu, sau đó một năm thì được cử làm HLV đội trẻ U19 Tổng cục đường sắt và vô địch luôn giải toàn quốc năm đó. Đến năm 85 thì quay về đội một, khi đó Tổng cục đường sắt phải thi đấu hạng A2, tôi đã giúp đội lên hạng A1 ngay mùa đầu tiên cầm quân.
Đến năm 97 thì có SEA Games, Việt Nam mình lúc đó chỉ có ba đội bóng nữ là TP HCM, Quảng Ninh và Hà nội đá giao hữu với nhau, nhen nhóm từ hoa học trò. Sau đó, Liên đoàn tập hợp lại và đang băn khoăn không biết ai sẽ làm HLV đội. Bác Hùng lúc đó là HLV đội nữ Quảng Ninh cùng với tôi được Liên đoàn giới thiệu. Bác Thọ lúc bấy giờ là Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chọn tôi vì tính cách hiền lành, có chuyên môn. Lúc tôi nhận được cuộc gọi của Bác thông báo rằng tôi sẽ làm HLV trưởng bóng đá nữ để tham dự SEA Games. Khi nghe lời đề nghị dó thì tôi cũng hơi bối rối và hững hờ vì từ trước đến nay toàn làm về nam. Tôi tự nhủ trong đầu hay là mình thử sức, thử liều xem sao, thử xem cái mới nó thế nào, mình làm được không. Sau đó tôi quyết định làm, do cái máu nghề nghiệp nó ăn sâu vào rồi.
Ban đầu, tôi tập hợp ba đội vào tập huấn ở Sài Gòn. Lúc tập luyện cho đội tuyển nữ, tôi phải lựa chọn những bài tập nhẹ hơn, phù hợp hơn vì không thể tập với cường độ cao như nam được. Năm đó đội tham dự tiền SEA Games, chúng ta vô địch theo hình thức thi đấu vòng tròn, có 5 đội tham gia, Myanmar mùa đó thi đấu quyết liệt.
Giai đoạn tiền SEA Games hồi ấy chưa có Thái Lan, vào SEA Games năm 1997 thì Thái Lan tham gia và vô địch. Chúng ta kết thúc ở vị trí thứ 3, đó là một kết quả không tồi vì là lần đầu Việt Nam mình tham dự. Năm 1999 thì SEA Games không có bóng đá nữ. Đến năm 2001 thì Liên đoàn mời HLV nước ngoài từng vô địch SEA Games về dẫn dắt. Tuy nhiên đến năm 2003 VFF mời tôi về làm Seagame 2003 diễn ra tại nước ta.
Tôi còn nhớ khi bước vào đầu giải đấu, khán giả không quan tâm đến bóng đá nữ nhiều. Vé được phân phát đến các trường học cấp 3 để lôi kéo học sinh tới sân làm khán giả chứ không bán được vé nhiều. Vậy mà khi trận chung kết tới, khán giả ùa tới sân đông nghịt người, còn xô đẩy hàng rào vào sân. Giá vé lúc đấy có khi lên tới một một 1,5 triệu đồng.
Đó là một cảm giác rất đặc biệt vì lần đầu SEA Games được tổ chức ở ta. Đội nữ đá ở Hài Phòng trên sân Lạch Tray, được các bác làm ở đó ủng hộ nhiệt tình, tạo điều kiện vật chất cho toàn đội, đưa đội nữ đi giao lưu với khán giả, lập đội cho đội tuyển nữ đá giao hữu.
Trước trận Myanmar, lúc đó tôi còn nhớ Bác Võ Văn Kiệt- cựu Thủ tướng đã đi một mình cùng với bác tài tới khách sạn đòi gặp tôi. Bác đã chuyển cho tôi 5 triệu để bồi dưỡng cho toàn đội, cầu chúc cho đội tuyển thi đấu tốt ở trận cuối. Tôi cảm kích và xúc động vô cùng. Một người như Bác bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn sắp xếp thời gian tới ủng hộ đội. Ngoài ra, đội cũng nhận được sự quan tâm chu đáo của Chính phủ, nhà nước từng ly, từng tí một.
Thi đấu nước ngoài cũng vậy, năm 2005 đội đá ở Philippines và vô địch. Tất cả các nước tham dự ở chung một khách sạn giống như một nhà chung cư vậy. Ai xuống nhanh thì ăn no, xuống chậm một tí có khi là hết thức ăn. Nhưng may là mình có đồng bào học tập, sinh sống ở đó, mang nhiều thực phẩm đến, thật sự ở nước ngoài như vậy chúng tôi thấy rất ấm lòng. Đội tuyển dù đi tới đâu cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của công dân mình đang sống ở đó. Thật sự, tinh thần đoàn kết của dân ta rất đẹp, rất đáng trân quý.