Có một người đàn ông trên xe bus đang nhìn chằm chằm Carolyn Farmer, cô thoáng thấy ánh mắt của ông ta khi gấp cuốn sách đang đọc dở: "Đường về đất hứa" của Leon Uris.
Một cách bình tĩnh, Carolyn thu dọn đồ đạc. Cô gái 17 tuổi đã quá quen với cái cảm giác bị những người lạ nhìn chằm chằm vào mình. Đó là năm 1979, Carolyn là một cô gái khuyết tật với hai cánh tay ngắn và những bàn tay thiếu ngón.
"Cháu có phải một em bé Thalidomide không?", người đàn ông hỏi khi Carolyn đợi chiếc bus dừng lại. Cô ấy bối rối, nói: "Không". Nhưng trên đường đi bộ về nhà ở khu ngoại ô Minneapolis, Carolyn vô thức lẩm bẩm từng chữ của một từ mà trước đó cô chưa bao giờ nghe thấy: "Tha-lid-o-mide".
Xảy ra vào những năm cuối thập niên 1950, Thalidomide được mệnh danh là thảm họa y tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Kể từ đó mà các quốc gia Phương Tây mới siết chặt những lỗ hổng trong quy trình thử nghiệm và cấp phép thuốc.
Một kết quả của quá trình cải tổ này là dòng chữ mà bạn sẽ thấy trong mọi tờ hướng dẫn sử dụng ngày nay: "An toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú" hoặc "Chống chỉ định cho phụ nữ mang thai".
Thật đáng tiếc, đổi lại những dòng chữ đơn giản đó lại là sinh mạng của hơn 4.000 đứa trẻ và 10.000 trẻ sơ sinh khác phải sống với những dị tật vô cùng nặng tới suốt cuộc đời, từ khuyết thiếu tai, mắt, chân tay ngắn cho đến không có cả tứ chi.
Không khó để tưởng tượng, chỉ một số nạn nhân của Thalidomide còn sống đến ngày nay. Ở độ tuổi ngoài 60, họ đang phải ngồi xe lăn, nấu ăn bằng những cánh tay ngắn ngủn và gõ máy tính bằng những ngón chân khoèo của mình.
Một số vẫn còn đang trên hành trình đi tìm công lý, khi những sự đền bù cho họ được coi là chưa thỏa đáng.
Carolyn vẫn giữ bức ảnh chân dung đầu tiên của mình, được cha cô - một nhiếp ảnh gia tự do chụp vào năm 1963. Đó là khi Carolyn lên 1 tuổi. Cha đưa cho cô một con gấu bông để ôm vào lòng. Vừa hay con gấu đã che đi cánh tay trái bé và ít ngón hơn của cô bé.
Kể từ đó về sau, tất cả những bức ảnh mà Carolyn chụp đều phải có một đạo cụ tương tự, một thứ gì đó để ôm vào lòng. Hoặc cô bé sẽ phải nép sau ai đó để che đi cánh tay trái bị tật. Nếu là ảnh chụp gia đình, thì đó sẽ là một trong những người em của Carolyn.
Là chị cả trong gia đình có tới 4 người em, Carolyn phải phụ mẹ làm nhiều việc nhà. Cô bé rửa bát sau bữa tối, thay ga giường vào mỗi thứ sáu hàng tuần và có thể làm hầu hết công việc như những đứa em bình thường khác.
Duy chỉ có chủ nhật, Carolyn là thành viên duy nhất trong gia đình không thể chắp tay cầu nguyện khi tới nhà thờ. Ở lớp học, cô cũng thường xuyên bị chế nhạo. Carolyn nhớ rõ cái cảm giác trong tiết học khiêu vũ đầu tiên của mình, cô không thể tìm được một cậu con trai nào để nắm tay và nhảy.
Sinh ra với những bàn tay chỉ có 4 ngón thẳng đuột, Carolyn được một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tư vấn. Ông ấy nói cô bé cần mổ tách một ngón trỏ ra, biến nó thành ngón cái. Bằng cách này, bàn tay của Carolyn sẽ trở nên chức năng hơn.
Mặc dù vậy, ca phẫu thuật không thể bù đắp cho cả cuộc đời của cô ấy. Khi Carolyn đủ lớn để kiếm một công việc, chẳng ai muốn thuê cô. Lần phỏng vấn đầu tiên tại một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh, người quản lý đã từ chối Carolyn gần như ngay lập tức vì tay cô không đủ khỏe để giữ được giỏ cá.
Tại một quầy ăn trưa của bách hóa, Carolyn cũng nhanh chóng bị sa thải vì cô không thể cầm được những khay thức ăn lớn. Một trạm xăng sau đó cũng xua đuổi Carolyn vì những ngón tay quá chậm và thiếu chính xác trên bàn tính thu ngân.
Không có công việc, năm 19 tuổi, Carolyn kết hôn và có hai bé gái. Nhưng sau đó, cuộc hôn nhân không hạnh phúc khiến cô quyết định ly hôn và tự mình nuôi con. Chật vật với cuộc sống, Carolyn học cách luồn tay vào áo trong những buổi phỏng vấn xin việc. Cô chỉ bộc lộ khuyết điểm của mình sau khi đã được tuyển dụng.
Số phận sau đó đưa cô đến với ngành quan hệ công chúng và làm việc cho một đảng chính trị tại địa phương. Ngưỡng tường cuộc đời của Carolyn từ nay sẽ trở nên yên bình, nhưng nhiều thập kỷ sống với hai cánh tay khuyết tật cuối cùng lại đẩy Carolyn vào cơn trầm cảm.
Trong một ngày tinh thần xuống tới cực điểm, Carolyn nghĩ cô phải tìm hiểu rốt cuộc điều gì đã xảy ra. Ai, cái gì và điều gì đã khiến cô trở nên như vậy? Thế là lần đầu tiên vào năm 2011, Carolyn đã gõ vào Google cụm từ "nạn nhân thalidomide".
Những đường link đưa cô tới với vô số tài liệu, từ báo chí, báo cáo khoa học cho tới các hội nhóm trên Facebook, những người còn sống sót sau thảm họa Thalidomide từ khắp nơi trên thế giới tập hợp lại.
Họ đang cùng nhau đệ đơn kiện Grünenthal, hãng dược phẩm của Đức, đã bào chế ra những viên thuốc chống ốm nghén dành cho phụ nữ mang thai vào năm 1957. Carolyn hỏi mẹ mình, Martin, liệu bà đã có uống chúng hay không? Những viên Thalidomide sau này đã được chứng minh gây ra loại dị tật thai nhi mà Carolyn mắc phải.
Bà Martin nhớ lại rằng đã có lần y tá đưa cho bà một gói thuốc không có nhãn mác. Họ nói đó là thuốc giảm đau đầu và an toàn hơn cả Alka-Seltzer. Martin đã uống một hoặc hai viên trong gói thuốc đó.
"Thật không thể tin được", Carolyn nói. "Toàn bộ cuộc đời của tôi đã bị đảo lộn [chỉ vì 1 hoặc 2 viên thuốc không có nhãn mác]".
Thalidomide (C13H10N2O4) là một phân tử hóa học dẫn xuất của axit glutamic (thành phần mà bạn thấy trong mì chính). Chất dẫn xuất là chất sinh ra từ một hợp chất gốc khác bằng cách thay thế một hoặc một nhóm nguyên tử.
Nó lần đầu tiên được tổng hợp thành công bởi CIBA, một công ty dược phẩm Thụy Sĩ, vào năm 1953. CIBA muốn điều chế Thalidomide thành một loại thuốc an thần, tuy nhiên, các thử nghiệm do họ chính tay thực hiện sau đó đều đi tới thất bại.
Năm 1954, CIBA bán công thức của Thalidomide cho Chemie Grünenthal, một hãng dược phẩm của Tây Đức. Grünenthal tiền thân là một hãng mỹ phẩm, nhưng với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của mình, họ đã mở rộng sang cả lĩnh vực sản xuất và bán thuốc kháng sinh.
Trong những năm của Chiến tranh Lạnh, Grünenthal nhận thấy nhu cầu sử dụng thuốc an thần, chống mất ngủ của người Châu Âu tăng cao. Do đó, họ đã mua công thức từ CIBA để tiếp tục chương trình phát triển Thalidomide thành một loại thuốc an thần.
Dẫn đầu nghiên cứu tại Grünenthal là Heinrich Mückter, một nhà hóa học từng làm việc cho Đức Quốc Xã. Sau khi đế chế của Hitle sụp đổ, Mückter bị tòa án ở Ba Lan cáo buộc từng điều hành một số thí nghiệm trên tù nhân trong trại tập trung dẫn đến hậu quả chết người. Tuy nhiên, ông ấy đã bỏ trốn trước khi bị bắt.
Trở về Tây Đức, Mückter không bị kết tội mà còn được Grünenthal mời về và bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận Nghiên cứu phát triển thuốc. Dưới sự chỉ đạo của Mückter, Grünenthal cuối cùng cũng hoàn thiện được công thức cho Thalidomide và đăng ký một bằng sáng chế có thời hạn 20 năm cho loại thuốc này.
Các thí nghiệm trên động vật do Mückter đích thân giám sát cho thấy Thalidomide thể hiện một số tính chất ưu việt hơn các loại thuốc an thần có mặt ở thập niên 1950.
Tính chất đặc biệt nhất là loại thuốc này không có liều gây chết. Nghĩa là ngay cả khi Mückter tăng liều Thalidomide lên rất cao, những con chuột đều không tử vong. Trong so sánh, sử dụng quá liều các loại thuốc an thần phổ biến khi ấy như barbiturat và ma túy đều sẽ dẫn đến hậu quả chết người.
Grünenthal chớp lấy cơ hội này để quảng cáo Thalidomide là một loại thuốc an thần hoàn toàn không độc, cực kỳ an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ em. Họ thậm chí đã xin được cả giấy phép bán loại thuốc này mà không cần bác sĩ kê đơn ở Tây Đức.
Chiến dịch marketing với thông điệp an toàn đã thành công mỹ mãn. Ngay sau khi được tung ra vào năm 1957, Thalidomide đã chiếm được 40% thị trường thuốc an thần và trở thành loại thuốc bán chạy nhất ở Tây Đức chỉ sau Bayer Aspirin.
Thừa thắng xông lên, Grünenthal mở rộng thị trường của họ ra cả nước ngoài, chủ yếu là các nước thuộc khối Phương Tây như Anh, Tây Ban Nha, Australia, New Zealand, Áo, Canada và Mỹ. (Đông Đức không phê duyệt loại thuốc này vì thế họ đã thoát được thảm họa).
Tổng cộng, Grünenthal đã nhượng quyền được giấy phép kinh doanh Thalidomide cho 14 công ty dược phẩm trên thế giới. Loại thuốc này sau đó đã được bán ra 46 quốc gia dưới 37 tên thương mại khác nhau.
Sự mở rộng thị trường bất chấp của Grünenthal thậm chí còn dẫn tới một số hợp tác được coi là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngành dược phẩm.
Ví dụ tại Anh, Grünenthal đã bán giấy phép kinh doanh thuốc Thalidomide cho The Distillers Company (Biochemicals), một công ty dược mới được thành lập bởi một hãng sản xuất rượu.
Trong khoảng thời gian thắt lưng buộc bụng sau chiến tranh, Chính phủ Anh đã đánh thuế rượu rất cao khiến Distillers cũng phải thực thi chính sách đa dạng hóa sản phẩm. Họ đã chuyển sang bán thuốc, đặc biệt là thuốc an thần vì thị trường mới nổi này hứa hẹn có rất nhiều tiềm năng.
Vậy là khi Grünenthal hợp tác với Distillers, chúng ta đột nhiên thấy một nhà sản xuất rượu whisky của Scotland đang bắt tay với một nhà sản xuất mỹ phẩm của Đức để bán thuốc. Cả hai đều chỉ nhắm đến việc đa dạng hóa sản phẩm sang ngành dược, để bù đắp lợi nhuận trong một lĩnh vực mà cả hai đều thiếu kinh nghiệm.
Sự phình ra của thị trường Thalidomide kết thúc khi tác dụng phụ nghiêm trọng đầu tiên được báo cáo. Một số người sử dụng loại thuốc này ở liều cao và liên tục trong thời gian dài đã mắc phải một biến chứng nguy hiểm gọi là bệnh thần kinh ngoại vi.
Dường như Thalidomide đã gây ra tổn thương ở các dây thần kinh ở chân và tay bệnh nhân, khiến họ gặp phải những dị cảm như ngứa ran, mất xúc giác và khả năng cảm ứng nhiệt.
Điều này chứng tỏ Thalidomide không hề an toàn tuyệt đối như cách mà nhà sản xuất tiếp thị. Cơ quan y tế Tây Đức sau đó đã chuyển loại thuốc này từ "bán không cần kê đơn" sang "chỉ bán theo đơn của bác sĩ".
Kết quả là doanh số Thalidomide đã giảm mạnh. Grünenthal bị thúc đẩy phải nghĩ ra cách nào đó để cứu vẫn tình hình, bởi Thalidomide đang là loại thuốc chủ lực đem về doanh thu lớn cho công ty.
Để làm được điều này, Grünenthal chuyển hướng tiếp thị Thalidomide sang các công dụng khác của thuốc, ngoài an thần. Công ty bắt đầu nhấn mạnh vào tác dụng chống mất ngủ, hỗ trợ điều trị ho, đau đầu, cảm lạnh và đặc biệt là chống nôn của Thalidomide.
Tác dụng giảm buồn nôn của Thalidomide thậm chí đã được Grünenthal tự ý "dịch" thành chống ốm nghén. Bằng cách này, họ sẽ mở rộng được đối tượng sử dụng sang nhóm các bà mẹ mang thai. Và đó chính là nút thắt, là điểm bùng nổ đã gây ra thảm họa.
Trong khi Grünenthal và trưởng bộ phận nghiên cứu của họ Heinrich Mückter chưa bao giờ thử nghiệm Thalidomide trên những con chuột mang thai (chứ chưa nói là trên người), họ vẫn tuyên bố trong quảng cáo của mình rằng Thalidomide an toàn tuyệt đối cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.
Kết quả là doanh số Thalidomide đã tăng trở lại trong nhóm những bà mẹ, những người không muốn chịu những cơn ốm nghén trong thai kỳ của mình. Nhưng điều mà họ không biết là Thalidomide, những viên thuốc này có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho chính thai nhi trong bụng mình.
Năm 1958, một năm sau khi viên thuốc Thalidomide đầu tiên được bán ra thị trường: Tại Tây Đức, một vài trường hợp dị tật thai nhi sau khi uống Thalidomide đầu tiên đã xuất hiện. Đó là những đứa bé sinh ra với chân tay ngắn, dị tật số ngón hoặc không hề có tay và chân.
Một số bị khuyết thiếu tai và mắt, suy giảm cảm giác, biến dạng khuôn mặt, liệt và tổn thương não. Số khác có các dị tật nghiêm trọng nằm trong cơ quan nội tạng không thể nhìn thấy, chẳng hạn như không có van tim, dị tật đường tiết niệu, sinh dục và dị tật cấu trúc xương.
Đối phó với các cáo buộc về đó là tác dụng phụ của Thalidomide, Grünenthal phủ nhận trách nhiệm của họ và đổ lỗi cho những người mẹ đã bị nhiễm xạ và ảnh hưởng bởi các vụ thử hạt nhân.
Vấn đề là số lượng các trường hợp chưa đủ lớn, và Thalidomide chỉ gây ra hậu quả trong một vùng cửa sổ nhất định của thai kỳ, từ ngày 20 đến ngày 36 (là điều mà các nghiên cứu sau này mới biết). Những bà mẹ mang thai uống thuốc ngoài khoảng thời gian này không hề sinh ra những đứa trẻ bị dị tật.
Điều này gây ra một "ảo ảnh" thống kê, khiến các nhà khoa học ở thời điểm đó lập luận: Nếu Thalidomide gây ra dị tật thai nhi, tại sao rất nhiều bà mẹ cũng uống nó nhưng không hề bị ảnh hưởng?
Vì một thai kỳ kéo dài trung bình tới 280 ngày, tỷ lệ những bà mẹ uống thuốc vào đúng 17 ngày trong giai đoạn phát triển của thai nhi bị ảnh hưởng bởi Thalidomide chỉ là 6%. Khi số lượng thai nhi bị ảnh hưởng còn ít, thống kê là không có giá trị.
Đối mặt với những bằng chứng về tác dụng phụ thiếu thuyết phục, Thalidomide vẫn tiếp tục được bán ra trên thị trường toàn cầu.
Những bà mẹ mang thai tiếp tục uống những viên thuốc để giảm buồn nôn khi ốm nghén. Họ không mảy may biết mình đang bị đặt vào một trò cò quay Nga (Russian Roulette), mà thứ bị mang ra đặt cược chính là sức khỏe và cuộc đời của đứa con trong bụng mình.
Mùa xuân năm 1961, 4 năm sau khi viên thuốc Thalidomide đầu tiên được bán ra thị trường, 1 năm trước khi thảm họa vỡ lở: Tại Bệnh viện Phụ nữ Crown Street, Sydney, Australia, nữ hộ sinh Sister Pat Sparrow được lên lịch cho một ca đỡ đẻ thực hiện bởi bác sĩ William Mc Bride. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho sản phụ lâm bồn, đứa trẻ sinh ra, và nó đã khóc.
Nhưng khi Sparrow nhận lấy đứa bé từ tay bác sĩ Mc Bride, một cảm giác hồi hộp và lo lắng chiếm lấy tâm trí cô. Gần như mỗi tuần, trong các ca đỡ mà bác sĩ Mc Bride phụ trách, Sparrow đều thấy có một đứa trẻ sinh ra với dị tật nặng.
Mọi chuyện cứ xảy ra liên tiếp, và lần này cũng vậy, lại thêm một đứa trẻ bị dị tật ở cánh tay. Cuối ngày hôm đó, Sparrow đem chuyện nói với bác sĩ Mc Bride, rằng cô nhận ra điều gì đó không ổn.
Trong tất cả các ca sinh mà cô theo dõi ở Bệnh viện Phụ nữ Crown Street, những thai nhi bị dị tật chỉ tập trung vào bệnh nhân của bác sĩ Mc Bride. Và trong số tất cả các bác sĩ sản khoa ở đây, chỉ có bác sĩ Mc Bride là kê cho bệnh nhân của mình thuốc Thalidomide.
Ban đầu, Mc Bride đã gạt bỏ cáo buộc của Sparrow về những viên thuốc chống nôn giảm ốm nghén, bởi chính ông cũng có xung đột lợi ích khi là người nhận lời hãng dược Distillers để thử nghiệm loại thuốc này trên bệnh nhân ở Australia.
Tuy nhiên, khi những đứa trẻ dị tật ra đời ngày một nhiều thêm, lương tâm của Mc Bride đã lên tiếng. Ông phải thừa nhận thuốc Thalidomide mà Distillers đưa cho ông dường như là nguyên nhân gây ra vấn đề.
Mc Bride viết một lá thư gửi đến tạp chí y khoa Lancet vào tháng 12 năm đó, để hỏi liệu các bác sĩ khác trên thế giới có quan sát được hiện tượng như ông thấy hay không? Trung bình, cứ 5 người sản phụ sử dụng thuốc Thalidomide thì Mc Bride sẽ thấy một người sinh ra thai nhi bị dị tật.
Đáp lại ông ấy là một làn sóng các phát hiện tương tự từ khắp nơi trên thế giới. Tại Tây Đức, một bác sĩ nhi khoa Widukind Lenz cũng đã nhận ra vấn đề. Tháng 6 năm 1961, bác sĩ Lenz gặp một cặp vợ chồng đến phòng khám của ông với đứa con sinh ra với cánh tay ngắn và mỗi bàn tay chỉ có 3 ngón.
Ông rất bất ngờ, vì trước đó cũng đã có hai cặp vợ chồng tới phòng khám của ông và mang theo những đứa trẻ có dị tật tương tự. "Tôi đã trả lời rằng tôi không biết về loại hội chứng dị tật này, với tôi thì có vẻ như đó là hậu quả của một đột biến gen trội mới", bác sĩ Lenz nhớ lại.
"Tuy nhiên, ngay sau đó không lâu, tôi đã thấy những đứa trẻ với dị tật tương tự được sinh ra, cả các bác sĩ khác cũng báo cáo những quan sát y hệt như vậy. Ngày càng có nhiều khả năng những trường hợp này xuất hiện từ đột biến mới của một gen mà trước đây rất hiếm khi bị đột biến".
Để bắt đầu cuộc điều tra, bác sĩ Lenz đã hỏi các bậc phụ huynh một loạt các câu hỏi phỏng vấn về thai kỳ của họ. Khi các thống kê trở nên đầy đủ, vào ngày 11 tháng 11 năm 1961, Lenz đã tìm ra nguyên nhân của chứng dị tật thai nhi: Đó là do các bà mẹ đã uống thuốc Thalidomide trong thai kỳ của mình.
Ông dành ra 3 ngày để tổng hợp tất cả các bằng chứng mà mình tìm được sau đó gửi nó đến nhà sản xuất thuốc Grünenthal. Các nhà khoa học ở Grünenthal mất thêm 13 ngày để thẩm định chúng và họ cuối cùng ra quyết định thu hồi toàn bộ thuốc Thalidomide có trên thị trường.
Các hãng phân phối Thalidomide trên toàn thế giới bao gồm ở Anh, Australia, New Zeland, Tây Ban Nha, Áo và Canada sau đó cũng nhận được thông báo. Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn, hàng tỷ viên thuốc Thalidomide - từng là loại thuốc bán chạy thứ 2 thế giới - đã bị rút khỏi thị trường.
Thật đáng tiếc, mọi chuyện dường như đã quá muộn. Các thống kê ban đầu cho thấy trong gần 5 năm loại thuốc này lưu hành, nó đã gây ra ít nhất 10.000 ca sinh với đứa trẻ mang dị tật nặng. 4.000 em bé khác thậm chí đã tử vong ngay sau khi chào đời.
Con số nạn nhân của của Thalidomide trên thế giới tiếp tục tăng theo thời gian và gần như không thể thống kê hết được. Một ước tính cho thấy nó có thể vượt qua con số 100.000 người, biến Thalidomide trở thành thảm họa y khoa lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Tổng số nạn nhân Thalidomide trên thế giới có thể vượt qua con số 100.000 người, biến Thalidomide trở thành thảm họa y khoa lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Washington, DC năm 1960, 3 năm sau khi viên thuốc Thalidomide đầu tiên được bán ra thị trường, 2 năm trước khi thảm họa vỡ lở: Tại trụ sở Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Frances Oldham Kelsey khi đó là một bác sĩ, nhà dược học mới được FDA tuyển dụng. Hôm nay, cô đang làm một trong những nhiệm vụ đầu tiên của mình ở bộ phận phê duyệt thuốc.
Công việc của Kelsey là xem xét đơn đề nghị của hãng dược phẩm Marion Merrell Dow, một công ty Mỹ mới mua được giấy nhượng quyền một loại thuốc từ một công ty Đức. Có tên thương mại là Kevadon, đây chính là những viên chứa Thalidomide được đề nghị sử dụng cho bệnh nhân cần giảm đau, an thần và những người phụ nữ mang thai bị ốm nghén.
Hồ sơ của Marion Merrell Dow gửi đến FDA cho thấy Thalidomide đã được phê duyệt ở hơn 20 quốc gia bao gồm Canada. Nhưng Kelsey cảm thấy có gì đó không ổn. Cô yêu cầu phía Marion Merrell Dow phải gửi dữ liệu chứng minh Thalidomide an toàn và không gây hại cho thai nhi.
Khi họ không có dữ liệu, Kelsey đại diện cho FDA đã đóng dấu từ chối vào hồ sơ - đồng nghĩa với việc những lọ Thalidomide này không thể được bán ở Mỹ. Đó là thời điểm 2 năm trước khi thảm họa Thalidomide ở Châu Âu vỡ lở.
Ngày 7 tháng 8 năm 1962, tổng thống John F. Kennendy đã trao cho Kelsey Huy chương Dịch vụ Dân sự Liên bang Xuất sắc. Báo chí ca ngợi cô là người hùng của nước Mỹ, bằng cách từ chối cấp phép cho Thalidomide, Kelsey được cho là đã cứu sống "hàng ngàn đứa trẻ sinh ra không có tay và không có chân".
Trái ngược với cái thở phào của nước Mỹ, ở phía bên kia Châu Âu, cha mẹ của hơn 5.000 đứa trẻ bắt đầu tập hợp lại. Họ mời luật sư, thực hiện các chiến dịch truyền thông, quyên góp sự hỗ trợ và đệ đơn kiện Grünenthal ra tòa án bang North Rhine-Westphalia, Tây Đức.
Bản cáo trạng nhắm tới 9 nhân viên của Grünenthal bao gồm CEO Hermann Wirtz dài tới 972 trang. Kèm theo đó là 70.000 trang bằng chứng các buộc sự tắc trách của công ty đã gây ra thảm họa. Có 400 đồng nguyên đơn đã tham gia, 351 nhân chứng và 29 nhà khoa học, chuyên gia sẵn sàng đứng về phía họ.
Quá trình điều tra kéo dài tới 6 năm trước khi phiên tòa được mở vào ngày 27 tháng 5 năm 1968. Phía Grünenthal đã mời tới 40 luật sư và họ cố gắng câu giờ. Chỉ riêng quá trình xét hỏi một nhân chứng của họ đã kéo dài 12 ngày. Người ta tính rằng nếu tòa làm việc 3 ngày một tuần thì phải ít nhất 3 năm vụ kiện này mới kết thúc.
Các luật sư đại diện cho Grünenthal nói rằng công ty này đã tuân thủ đúng theo các tiêu chuẩn thử nghiệm y học thời gian đó. Mọi thứ đều diễn ra đúng quy trình kiểm tra thuốc trong thập niên 1950 và 1960. Điều này dẫn tới việc Thalidomide đã được phê duyệt tại 46 quốc gia trên thế giới.
Vậy vấn đề rốt cuộc đã xảy ra ở đâu, nếu Grünenthal và cơ quan quản lý dược phẩm ở 46 quốc gia ngoài Mỹ nói rằng họ không sai?
Hóa ra trong thập niên 1950, các quy định liên quan đến thử nghiệm thuốc ở Châu Âu còn khá lỏng lẻo. Không hề có bất kỳ một quy định nào yêu cầu các công ty phát triển thuốc phải thực hiện thử nghiệm chứng minh thuốc an toàn với thai nhi.
Lý do cho điều đó đơn giản là vì chưa từng có bất kỳ loại thuốc nào trước đó được phát hiện gây ra dị tật bẩm sinh.
Nhiều nhà khoa học cho rằng thuốc không thể lọt qua được hàng rào nhau thai – một bức tường thẩm thấu gồm 4 lớp ngăn cách giữa hệ tuần hoàn của người mẹ và hệ tuần hoàn của thai nhi trong bụng. Những lớp ngăn này cho chất dinh dưỡng đi qua nhưng ngăn máu của mẹ và máu của thai nhi không bao giờ hòa được với nhau.
Thảm họa Thalidomide năm 1957 là bài học đầu tiên cảnh tỉnh về nguy cơ hàng rào nhau thai có thể bị xuyên thủng bởi dược chất. Nó mất 5 năm để vỡ lở, và bắt đầu từ đó, sau năm 1962, một loạt các quốc gia mới phải sửa đổi quy trình thử nghiệm và cấp phép thuốc của mình.
Từ Tu chính án Kefauver Harris tại Mỹ, Chỉ thị 65/65/EEC1 ở Châu Âu đến Đạo luật Thuốc năm 1868 ở Anh, tất cả đều phải bổ sung một điều khoản thử nghiệm chưa từng có trước đây là nguy cơ gây dị tật phôi hoặc bào thai.
Ngoài ra, các thử nghiệm độc tính (ví dụ với gan, thận hoặc thần kinh), nguy cơ gây ra biến đổi gen và khởi phát ung thư cũng được quy định chặt chẽ hơn. Cơ quan y tế các nước yêu cầu nhà sản xuất phải cung cấp tất cả các dữ liệu này và các thử nghiệm được kiểm soát chặt chẽ trên người trước khi tuyên bố một loại thuốc an toàn và tung ra thị trường.
Thảm họa Thalidomide cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện sự khác biệt trong phản ứng thuốc giữa các loài động vật khác nhau. Ví dụ, chuột được quan sát thấy ít nhạy cảm với Thalidomide hơn các loài động vật lớn và linh trưởng bao gồm con người. Do đó, các thử nghiệm thuốc sau này ngoài được tiến hành trên động vật nhỏ còn được tiến hành trên khỉ.
Kể từ những thay đổi mang tính căn bản sau thảm họa Thalidomide, những thử nghiệm thuốc cho đến ngày nay đã được tiến hành một cách rất cẩn thận và kỹ lưỡng hơn. Giáo sư Neil Vargesson, chủ nhiệm bộ môn sinh học phát triển tại Đại học Aberdeen, Vương quốc Anh cho biết:
Bài học từ thảm họa Thalidomide và cách chúng ta sửa chữa lỗi lầm đã giúp nó không lặp lại bất kỳ một lần nào nữa trong hơn 60 năm qua. Cũng trong khoảng thời gian đó, các nhà khoa học tiếp tục mổ xẻ những sai làm mà chúng ta mắc phải.
Những nỗ lực giải mã thảm họa Thalidomide tiếp tục đem đến cho các nhà khoa học nhiều bài học bất ngờ. Mà bất ngờ nhất là phân tử gây ra dị tật không phải Thalidomide có tác dụng an thần, chống buồn nôn, mà là một phân tử đồng phân đối quang học được sinh ra cùng với nó.
Phân tử này được ví như "cái bóng" của Thalidomide, nó giống như một con voi vô hình chui lọt qua lỗ kim, một phân tử phản diện đóng giả nhưng đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Mỗi sáng khi thức dậy, bạn nhìn chính bản thân mình trong gương và chẳng nghĩ ngợi gì cả. Bạn giơ tay phải lên để vuốt lại tóc của mình, cái bóng trong gương cũng sẽ giơ tay phải. Và tất nhiên, nó chỉnh lại tóc y hệt như cách bạn đã làm.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cái bóng ấy giơ tay trái chứ không phải tay phải? Và khi bạn vừa quay đi, nó nở một nụ cười nham hiểm. Cái bóng thoát ra ngoài, đóng giả bạn, lấy danh tính của bạn và làm đủ mọi chuyện xấu xa trên đời.
Nghe có chút gì đó giống với Split (2016) hoặc series mới ra mắt Moon Knight (2022) của Marvel. Nhưng ý tưởng về sự đa nhân cách của con người không chỉ vô tình bén rễ vào những bộ phim kinh dị.
Hàng thế kỷ trong các nền văn minh khi mà triết học lên ngôi, ý tưởng rằng bất cứ thứ gì trên đời đều tồn tại hai mặt tốt và xấu đã xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ những câu chuyện như Lục Nhĩ Mỹ Hầu đóng giả Tôn Ngộ Không, trắng và đen trên Thái cực đồ, cho đến thiên thần - ác quỷ và cái bóng của Đức Chúa Trời …
Carl Jung, nhà tâm lý học vĩ đại người Thụy Sĩ, từng nói bên trong mỗi người chúng ta đều có một "cái bóng". Nó là mặt tối của nhân cách, nơi những khao khát bản năng, phi đạo đức, độc ác và xấu xa bị kìm nén. Cái bóng "là thứ mà không ai muốn mình trở thành", Carl Jung viết.
Điều đáng nói là không chỉ có con người mới có hai mặt tốt - xấu thống nhất không thể phân biệt. Ngay cả những phân tử vô tri, vô hình dưới con mắt người thường cũng sở hữu những bản thể trái ngược ấy. Chúng được gọi là đồng phân đối quang học.
Đồng phân đối quang học là các phân tử chứa số lượng và cách sắp xếp nguyên tử giống hệt nhau, chỉ có điều ngược nhau hoàn toàn theo chiều trái phải. Có nghĩa là nếu bạn viết công thức của một đồng phân này và đặt nó trước gương, bạn sẽ nhận được hình ảnh phản chiếu chính là đồng phân kia.
Bạn có thể tưởng tượng chúng giống như bàn tay trái và bàn tay phải. Mặc dù trông rất giống nhau, nhưng bạn không thể xếp chồng hai bàn tay của mình lên nhau theo cùng một chiều. Trừ khi bạn úp chúng lại với nhau, nhưng như vậy thì mặt bàn tay sẽ thay đổi.
Trong một số môi trường hóa học đối xứng, các đồng phân đối quang sẽ thể hiện tính chất giống hoặc tương tự nhau. Ví dụ như hai đồng phân đối quang của limonene, một đồng phân có trong quả chanh và tạo ra vị chanh, đồng phân còn lại có trong cam tạo ra vị của cam.
Nhưng cũng là các hợp chất đồng phân đối quang mà rơi vào một môi trường bất đối xứng, điển hình là sự có mặt của các enzyme phức tạp như trong cơ thể con người, chúng có thể tạo ra các phản ứng cực kỳ khác biệt.
Đó chính là những gì xảy ra với Thalidomide. Phải tới tận năm 2018, nghĩa là hơn 50 năm sau thảm họa Thalidomide, các nhà khoa học mới giải mã được điều gì đã xảy ra với những thai nhi khi tiếp xúc với Thalidomide.
Trong khi một đồng phân đối quang của phân tử này, được gọi là D-Thalidomide (với D là dexter trong tiếng La-tinh có nghĩa là "bên phải", "chính trực") là thứ đã tạo ra tác dụng an thần và giảm ốm nghén cho các bà mẹ, đồng phân đối quang kia của nó được gọi là L- Thalidomide (với L là laevus trong tiếng La-tinh nghĩa là "bên trái", "nham hiểm") đã khiến thai nhi bị dị tật.
Khi L- Thalidomide lọt qua hàng rào nhau thai, nó sẽ liên kết với một protein được gọi là cereblon (CRBN). CRBN gắn với L- Thalidomide không còn kích hoạt được một enzyme gọi là E3 ubiquitin ligase nữa. Trong khi, đây chính là enzyme chịu trách nhiệm cho quá trình phát triển và hình thành chân tay của trẻ, trong khoảng thời gian cửa sổ từ ngày thứ 20 đến ngày thứ 36 của thai kỳ.
Ngoài ra, L- Thalidomide còn gây ra sự ức chế hình thành mạch máu trong thai nhi. Khi các mạch máu không phát triển, các tế bào mô xung quanh đó cũng bị teo nhỏ dẫn tới nhiều dị tật mà thai nhi gặp phải.
Nếu những bà mẹ uống thuốc đúng trong khoảng thời gian được gọi là "cửa sổ nhạy cảm" từ tuần thai thứ 4 trở đi, khi rất nhiều chuyển động tế bào, quá trình tăng sinh, hình thành mạch máu và các cơ quan trong thai nhi đang diễn ra, chỉ cần một viên Thaildomide 50 mg duy nhất cũng đủ để gây ra dị tật với tỷ lệ 50%. Nghĩa là 2 người mẹ sẽ sinh ra một đứa trẻ bị dị tật.
Thêm một vấn đề với hai đồng phân đối quang học của Thalidomide nữa là chúng có khả năng chuyển hóa lẫn nhau trong cơ thể. D- Thalidomide có thể biến thành L- Thalidomide và ngược lại. Trớ trêu thay, tỷ lệ chuyển hóa này còn khác nhau giữa các loài sinh vật với nhau.
Điều này giải thích tại sao khi các nhà khoa học thử nghiệm Thalidomide trên chuột, một tỷ lệ đồng phân D- Thalidomide cao hơn trong cơ thể chúng đã lấn át các tác dụng phụ mà L- Thalidomide có thể gây ra. Ngược lại là thực tế đã xảy ra với con người, khi các phân tử L- Thalidomide trỗi dậy.
Sự chuyển hóa lẫn nhau của D- Thalidomide và L- Thalidomide trong cơ thể con người chỉ được khoa học biết tới vào năm 1965. Đó là khoảng thời gian 4 năm sau khi loại thuốc này bị đình chỉ, 8 năm kể từ ngày đầu tiên Thalidomide được phát hành.
Các nhà khoa học cuối cùng cũng giải thích được tại sao một phân tử hiền lành với độc tính thấp như Thalidomide lại có thể gây ra những tác động khủng khiếp tới phôi thai trong giai đoạn cửa sổ phát triển.
Grünenthal dựa vào sự muộn màng đó để từ chối trách nhiệm của mình trong thảm họa Thalidomide. Họ đổ lỗi cho khiếm khuyết của khoa học, rằng họ đã làm đúng và đủ mọi quy trình hiện hành của thập niên 1950 để đưa những viên Thalidomide tới tay người tiêu dùng.
Tuy vậy, đúng là rất hiếm có nhà sản xuất dược nào trong thập niên 1950 thực hiện các thử nghiệm tác dụng phụ của thuốc trên thai nhi. Cũng không có thí nghiệm nào tương tự để kiểm tra sự xuất hiện của các đồng phân đối quang học bên trong những viên thuốc.
Tất cả những lỗ hổng này bây giờ đã được vá lại, nhưng hậu quả mà chúng để lại trên những nạn nhân, những em bé Thalidomide sinh ra trong thập niên 1950-1960 thì vẫn chưa kết thúc.
Vào ngày 18 tháng 12 năm 1970, phiên tòa xét xử Grünenthal tại Tây Đức chính thức khép lại mà không có bên chiến thắng. Sự khép lại này dựa trên những thỏa thuận dân sự và cả dàn xếp mang tính chính trị.
Có những tài liệu cho thấy Grünenthal lợi dụng biến cố giữa hai đảng SPD và FDP, họ đã hỗ trợ một luật sư của mình, Joseph Neuberger người bào chữa cho CEO Hermann Wirtz, trở thành bộ trưởng bộ tư pháp.
Bằng cách này, Neuberger từ một luật sư của bị cáo lại trở thành người có quyền kiểm soát việc truy tố Grünenthal tại tòa án bang North Rhine-Westphalia. Neuberger sau đó đã cài người của mình vào bộ phận công tố và khiến phiên tòa bị trì hoãn.
Ở phía dân sự, Grünenthal đã gây sức ép lên phía các nạn nhân. Họ mặc cả với 2.544 gia đình có con nhỏ bị dị tật và nói rằng: Nếu các gia đình từ bỏ vụ kiện hình sự và cả các vụ kiện dân sự sau này, công ty sẽ đóng góp ngay lập tức 100 triệu Mác Đức (tương đương 27 triệu USD) vào một quỹ hỗ trợ các nạn nhân của Thalidomide. Quỹ này sau đó cũng sẽ được hỗ trợ thêm bởi chính phủ.
Trong khi nếu vụ kiện tiếp tục kéo dài, Grünenthal sẽ kiên quyết kháng cáo. Quá trình xét xử có thể kéo dài tới 10 năm và trong khoảng thời gian đó, những đứa trẻ sẽ không có tiền. Vì vậy, sự kết thúc của phiên tòa được cho là dựa vào nguyên tắc lợi ích công cộng.
Mỗi em bé Thalidomide tại Đức khi đó sẽ được đền bù số tiền tương đương 22.000 USD. Các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ được duy trì liên tục, với thời điểm cao nhất lên tới 6.700 USD/tháng.
Bù lại CEO Hermann Wirtz cùng 8 nhân viên của Grünenthal bị cáo buộc ngộ sát đã được trả tự do tại tòa.
Sự thắng thế của Grünenthal tại Đức, nơi tập hợp số lượng nạn nhân Thalidomide lớn nhất thế giới, cho hãng dược phẩm này cơ sở để đối mặt với hàng loạt vụ kiện tại các quốc gia khác.
Từ Thụy Điển, Thụy Sĩ, Australia, New Zeland cho đến Anh, Tây Ban Nha, Grünenthal luôn sử dụng chiêu bài từ chối trách nhiệm. Hiếm khi, nhóm nạn nhân yếu thế mới được đề nghị một thỏa thuận đền bù từ bên thứ ba.
Ví dụ như ở Australia và New Zealand, hãng dược Diego được Grünenthal ủy quyền phân phối Thalidomide đã tự nguyện thành lập một quỹ 88 triệu USD cho 100 nạn nhân. Grünenthal không đóng góp một đồng nào cho quỹ này.
Tại một số quốc gia khác như Canada, chính phủ phải đứng ra hỗ trợ cho những nạn nhân Thalidomide. Như vậy, người dân Canada đã phải đóng thuế để sửa chữa một lỗi lầm không do họ gây ra.
Tình hình thậm chí còn tệ hơn ở Tây Ban Nha khi chính phủ cũng không có một khoản trợ cấp nào dành cho nạn nhân Thalidomide. Những người này đã phải tự tập hợp lại và quyên góp một quỹ từ thiện để hỗ trợ cuộc sống và chi trả cho vụ kiện Grünenthal.
Năm 2014, tòa án Tây Ban Nha đã ra một phán quyết có lợi cho Grünenthal khi nói rằng công ty không phải bồi thường cho hàng trăm nạn nhân Thalidomide ở nước này vì thiếu bằng chứng và vụ án đã hết thời hiệu.
Chỉ có 24 bệnh nhân thuộc danh sách chính thức của chính phủ được nhận tiền bồi thường, trong khi con số nạn nhân của Thalidomide ở Tây Ban Nha có thể lên tới 3.000 người. Phần lớn họ đã chết, số còn sống để tham gia vụ kiện chỉ có 186 người.
Giữa lúc phiên tòa đang diễn ra, người ta thấy Juan Carlos Vélez, một người đàn ông 44 tuổi sống sót sau thảm họa Thelidomide, ngồi trên vỉa hè ở một khu phố sầm uất của Madrid. Phía trước mặt anh ấy là chiếc mũ hếch trước mặt để xin tiền xu. Vélez thậm chí không thể chìa tay ra vì anh ấy không hề có tay.
Tại Mỹ, vụ kiện liên quan đến Thalidomide thậm chí còn phức tạp hơn. Bởi loại thuốc này đã bị FDA từ chối cấp phép, nó không được phân phối chính thức ở Mỹ và Frances Oldham Kelsey đã nhận được Huy chương Dịch vụ Dân sự Liên bang Xuất sắc từ tổng thống cho sự từ chối đó.
Tuy nhiên, Grünenthal vẫn kịp thực hiện một cuộc thử nghiệm ở Hoa Kỳ. Họ đã móc nối với công ty dược Richardson-Merrell và hơn 1.200 bác sĩ ở các bệnh viện trên khắp nước Mỹ. Hơn 2,5 triệu viên Thalidomide đã được phát cho những bác sĩ này để kê cho bệnh nhân.
Đó có thể chính là những viên thuốc không có nhãn mác mà bà Martin, mẹ của Carolyn Farmer, đã uống.
Một cuộc điều tra của FDA cho thấy gần 20.000 bệnh nhân tại Mỹ đã được các bác sĩ cho uống Thalidomide theo hình thức thử nghiệm. Khoảng vài trăm trong số đó là các bà mẹ mang thai và với khoảng cửa sổ nhạy cảm là 6%, có 17 đứa trẻ đã sinh ra với dị tật.
Tuy nhiên, rất có thể con số còn lớn hơn thế rất nhiều. Năm 2021, US Thalidomide Survivors, mạng lưới tập hợp những nạn nhân sống sót sau thảm họa Thalidomide tại Mỹ bắt đầu khởi động một cuộc tìm kiếm.
Họ lập ra một trang web và quảng cáo nó trên Facebook, mục đích để đưa một biểu mẫu tới khắp những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 1956 tới tháng 12 năm 1967, có dị tật chân tay hoặc các dị tật bẩm sinh nghi ngờ do Thalidomide gây ra.
Sinh năm 1962, Carolyn tìm thấy mình trong số những người này. Nhưng cũng như hàng chục thậm chí hàng trăm người khác, cô không thấy mình trong danh sách các nạn nhân Thalidomide chính thức được FDA công bố.
Trong một nỗ lực tìm về quá khứ, Carolyn đã yêu cầu FDA cung cấp danh sách 1.270 bác sĩ từng nhận thuốc Thalidomide từ Grünenthal để thử nghiệm tại Mỹ. Cô tìm kiếm trong đó tên của vị bác sĩ sản khoa đã đưa thuốc cho mẹ mình.
Bà Martin nhớ rằng đó là một bác sĩ có tên bắt đầu bằng chữ H. Có khoảng 4 trang liệt kê những bác sĩ có tên H, nhưng Carolyn không thể tìm thấy tên ông ấy. Nỗ lực của cô vì thế đã đi vào ngõ cụt.
Giống như nhiều nạn nhân Thalidomide không được công nhận, Carolyn sẽ không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ phía Grünenthal hay Richardson-Merrell. Chính phủ chỉ hỗ trợ cô như một người khuyết tật bình thường với các căn bệnh xương khớp mạn tính.
Hiện tại, Carolyn chỉ có thể kiếm sống bằng một công việc bán thời gian. Cô thiết kế trang web cho các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận xung quanh Minneapolis, đồng thời làm tình nguyện viên với tư cách giám đốc truyền thông cho tổ chức phi lợi nhuận mà cô ấy giúp thành lập.
Carolyn nói có thể cả đời này cô cũng không tìm ra được bằng chứng khẳng định mình là một nạn nhân của Thalidomide. Đó là do sự mơ hồ về quá trình thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này ở Mỹ và cuộc điều tra của FDA sau đó đã bỏ sót rất nhiều nạn nhân.
Giống như Carolyn, hiện vẫn có hàng ngàn nạn nhân sống sót của Thalidomide trên thế giới không hề được công nhận. Dù đã ngoài 60 tuổi, họ được gọi là những "em bé Thalidomide bị lãng quên".
Không một ai, một tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm và đền bù cho những gì mà họ phải chịu đựng kể từ khi sinh ra. Hầu hết những nạn nhân này vẫn phải sống một cuộc đời chật vật cùng với những khuyết tật của mình.
Tất cả những gì họ có thể làm là cố gắng tập hợp nhau lại để tiếp tục theo đuổi những vụ kiện đòi quyền lợi cho mình.
Nhưng thời gian như một sợi dây cháy chậm đang chống lại họ. Ở một đầu, hơn 6 thập kỷ trôi qua đã đốt cháy hết những bằng chứng chống lại Grünenthal và các công ty dược phẩm phân phối Thalidomide.
Ở đầu còn lại, thời gian của những nạn nhân Thalidomide không còn nhiều. Những nhóm nhỏ của họ sẽ ngày càng trở nên nhỏ hơn khi những khuyết tật làm giảm tuổi thọ của họ. "Tôi không thể miêu tả cho bạn biết điều đó khiến tôi thấy tức giận đến chừng nào", Carolyn nói.
Có lẽ điều may mắn nhất đối với cô và những nạn nhân Thalidomide khác là khuyết tật mà nó gây ra không di truyền. Thalidomide tác động vào quá trình phát triển của thai nhi theo những con đường hóa học không gây đột biến gen. Thế hệ con cái của những nạn nhân sẽ không thừa hưởng bất kỳ khuyết tật nào của cha mẹ.
Đó có thể là một niềm an ủi, nhưng cũng đồng nghĩa với quá trình đi tìm công lý cho thảm họa này sẽ khép lại trong vòng một thế hệ, vào ngày mà nạn nhân cuối cùng của những viên thuốc Thalidomide qua đời.
Tham khảo Nytimes, Dw, Curr Med Chem, Birth Defects Res, Toxicol Res, Sci Rep, Ther Adv Hematol, Nature